Đến thăm Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang của vợ chồng kỹ sư Nguyễn Thế Cường, và Nguyễn Thị Hà Châu, du khách sẽ được thưởng ngoạn những kỳ tích của sức sáng tạo, những thành tựu của công nghệ, những kết tinh hiện hữu của ngành sản xuất gạch ngói, những cây di sản, cây cảnh độc nhất vô nhị… chỉ có ở nơi đây.
Một sớm tháng 7 mưa nắng đan xen, thời tiết oi bức, thế nhưng, chỉ cần bức chân qua cổng đá Thạch Môn Trang, ai nấy đều quên hết mọi bức bối, lo âu thường nhật để tận hưởng không gian xanh biếc của non nước, mây trời, của tầng tầng cây xanh và hoa trái tỏa hương, đan xen với những sắp đặt gạch, đá đầy chất nghệ thuật, như lời thơ miêu tả: “Cổng đá đây rồi, Thạch Môn Trang/ Đồi cây xanh ngát, nắng thu vàng/ Sinh tồn trụ đá, vươn trời biếc/ Hồ nước lung linh, bóng mây ngàn”.
Được đích thân hai vị chủ nhân Bảo tàng là vợ chồng kỹ sư Nguyễn Thế Cường, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn, đồng thời là Giám đốc Bảo tàng, cùng kỹ sư Nguyễn Thị Hà Châu đồng sáng lập, dẫn đi tham quan, chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến sửng sốt khác khi thưởng ngoạn những kỳ tích của sức sáng tạo, những thành tựu của công nghệ, những kết tinh hiện hữu của ngành sản xuất gạch ngói, những cây di sản, cây cảnh độc nhất vô nhị… ở nơi đây.
Tọa lạc ở tại thôn Nam Lễ, xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang nằm cách trung tâm TP. Bắc Giang khoảng 10 km về phía Đông Bắc. Ngày 23/8/2022, Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cấp giấy phép số 01/QĐ-SVHTTDL Quyết định về việc cấp giấy phép hoạt động Bảo tàng ngoài công lập cho Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang.
Ngày 13/9/2022, Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang chính thức khánh thành với mục tiêu mở rộng, phát triển, liên kết với bảo tàng tỉnh Bắc Giang và các bảo tàng ngoài công lập trong nhiều lĩnh vực chuyên môn, hướng tới việc giới thiệu bộ sưu tập gạch ngói của Bảo tàng tới đông đảo công chúng, hình thành điểm đến hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là Bảo tàng tư nhân ngoài công lập đầu tiên của tỉnh Bắc Giang, đồng thời cũng là Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái đầu tiên tại Việt Nam.
Với tâm huyết và tình yêu nghề hơn nửa đời người, các chủ nhân đã hóa đất thành từng viên gạch, từng bóng cây hiện hữu trong từng tấc đất công trình của Bảo tàng. Như lời thơ của chủ nhân Hà Châu miêu tả: “Lưu truyền hồn cốt một ngành hàng/ Ấy nghề thổ mộc chẳng cao sang/ Mà nhà cửa đền đài thành quách/ Đều nhờ đây to đẹp, huy hoàng”.
Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang rộng 6,0 ha. Trong khuôn viên Bảo tàng, chủ nhân Nguyễn Thế Cường đã bố trí xây dựng 2 khu nhà riêng biệt.
Khu 1, là một ngôi nhà 2 tầng có tổng diện tích 2000 m2, sức chứa khoảng 250 người. Không gian được bố trí thiết kế gồm: Phòng khách, văn phòng, phòng hội thảo, hội nghị, thư viện, phòng chiếu phim, phòng ăn.
Khu 2, là khu trưng bày của Bảo tàng được bố trí tại ngôi nhà sàn 2 tầng, kiểu dáng truyền thống của dân tộc Tày với tổng diện tích 300 m2. Hai vị chủ nhân của Bảo tàng đã thai nghén, đầu tư, công sức, thời gian sưu tầm hàng chục năm trời. Tích lũy học hỏi, kinh nghiệm, kiến thức qua những chuyến tham quan, công tác từ nhiều bảo tàng trong và ngoài nước, trong đó có bảo tàng gạch ngói ở một số quốc gia như: Trung Quốc, Ý, Nhật Bản, Đức... Cùng với sự đóng góp của 20 thành viên Tổ tư vấn; các nhà khảo cổ học; nhà văn; nhà thơ; họa sĩ; đồng nghiệp và bạn bè, cộng sự tâm huyết sưu tầm các loại mẫu vật gạch ngói; Bảo tàng tỉnh Bắc Giang; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang. Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang hiện đang trưng bày 275 mẫu vật và 467 hiện vật có giá trị từ khắp các vùng miền của Việt Nam và một số nước trên thế giới.
Không gian tầng 1 của Bảo tàng trưng bày mẫu vật, hiện vật và hình ảnh giới thiệu kể về các hiện vật, mẫu vật gạch ngói cổ được hình thành ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử và gạch ngói của một số nước trên thế giới. Với phong cách trưng bày khoa học, sắp xếp lớp lang theo lối kể chuyện, không gian trưng bày cuốn hút người xem, tò mò, khám phá, tìm hiểu ngọn ngành về sự hình thành phát triển của vật liệu xây dựng gạch ngói ở Việt Nam, bắt đầu từ thời sơ khai đến thời hiện đại.
Lên tầng 2 là trưng bày mẫu vật, hiện vật, hình ảnh về sự hình thành và phát triển của Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn từ năm 1959 đến nay. Từ một công trường gạch thủ công, đến nay Tập đoàn Thạch Bàn đã không ngừng phát triển lớn mạnh. Tập đoàn Thạch Bàn đã xây dựng những nhà máy gạch Tuynel và Granite đầu tiên ở Việt Nam. Sản phẩm gạch, ngói Thạch Bàn đã đóng góp xây dựng nhiều công trình kiến trúc văn hóa, di tích lịch sử lớn, nổi tiếng ở Việt Nam như: Khu du lịch Tràng An và chùa Tam Chúc (Ninh Bình), Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà ga T1 Sân bay quốc tế Nội Bài, một số khách sạn đầu tiên ở Việt Nam,…
Trải nghiệm khám phá không gian Bảo tàng, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng những mẫu vật được ông Cường và người thân, bạn bè sưu tầm vật liệu gạch ngói từ các công trình kiến trúc cổ được, khai quật hoặc các vật liệu dùng sửa chữa, trùng tu công trình, di tích của các địa phương trong cả nước.
Nhiều viên gạch ngói được xác định có niên đại từ thế kỷ thứ III, tương đương thời nhà Hán của Trung Quốc, từ vài trăm năm đến trên 1000 năm tuổi ở thời Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, có hình dáng, họa tiết hoa văn độc đáo; đặc biệt có viên gạch xây có tráng men xanh ở cạnh rất quý, hiếm, chưa từng thấy ở nơi nào khác trên thế giới tại thời điểm này.
Cùng với đó là đa dạng các hiện vật như: ngói âm dương của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở phía Bắc Việt Nam; gạch ngói âm dương ở thành nhà Mạc (Lạng Sơn); gạch ngói ở dinh thự Vua Mèo họ Vương ở huyện Đồng Văn (Hà Giang); gạch ngói cổ ở nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình); Tháp Chàm (Ninh Thuận); mẫu vật gạch ngói thời Pháp ở 3 miền Bắc - Trung - Nam của Việt Nam; mẫu gạch xây ở chùa Cao (Bắc Giang) thế kỷ XIII-XIV; gạch chữ T, ngói úp nóc, gạch ngựa bay thế kỷ XVII tại di tích nghè Hang Xanh (Bắc Giang); gạch trang trí sưu tầm tại Nam Định thế kỷ XIII; ngói cổ của Trung Quốc và Ấn Độ…
Ngoài ra còn có sa bàn mô hình sản xuất gạch Tuynel; một số dụng cụ sản xuất gạch thủ công xưa, gạch ốp lát của các nước Đông Nam Á và thế giới.
Với năng khiếu đam mê văn chương, trong không gian bảo tàng còn giới thiệu một số bài thơ do bà Nguyễn Thị Hà Châu sáng tác, một số bài thơ đã được các nhạc sỹ phổ nhạc.
Được biết, ông Nguyễn Thế Cường và bà Nguyễn Thị Hà Châu cùng là sinh viên lớp Hóa Silicat,Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khóa 11 (1966 - 1971), hiểu biết nhau và trải qua những năm tháng của giảng đường Đại học, ông bà đã nên duyên vợ chồng. Con trai của gia đình ông bà, anh Nguyễn Trọng Kiên đã chọn theo nghiệp bố mẹ vào học khoa Hóa Silicat, ngành học và ngôi trường mà chính bố mẹ anh theo học và trưởng thành. Hiện nay, anh Kiên đang công tác và làm việc tại Tập đoàn Thạch Bàn.
Quá trình hơn 50 năm hoạt động, cống hiến, gắn bó với nghề sản xuất gạch ngói xây dựng, ông Nguyễn Thế Cường cùng Tập đoàn Thạch Bàn được Đảng, Nhà nước ghi nhận, khen, tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Ngoài đam mê sưu tầm gạch ngói cổ, ông Cường còn đam mê sưu tầm, chơi nhiều loài cây cảnh có giá trị cao. Ông được Ban chấp hành Trung ương Hội sinh vật cảnh Việt Nam tặng Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam năm 2014 và chủ nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu năm 2018.
Tới thăm Thạch Môn Trang, lòng người reo vui khi đón những cơn gió mát lành ngập đầy hương thơm của cỏ cây hoa trái, du khách có thể hòa mình vào khu vườn sinh thái tham quan 12 vườn cây với hàng nghìn loài cây xanh các loại. Trong đó có 4 vườn cây cảnh như: Cây cảnh nghệ thuật bonsai, cây quý hiếm, cây di sản, cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi.
Đặc biệt, Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang là nơi cư ngụ của 9 cây Di sản Việt Nam và 9 cây Tuyệt tác trong số 101 cây Tuyệt tác của Việt Nam, 1 cây Tùng Hương hoa trắng duy nhất của Việt Nam.
Khu vườn sinh thái được bố trí chia thành các khu vực trồng, chăm sóc, cắt tỉa công phu, tỉ mỉ với hàng trăm loài cây cảnh, cây thế, cây cổ thụ khác nhau.
Vườn cây ăn quả được trồng nhiều loài như: Mắc ca, thanh long, nhãn, vải, đu đủ, hạt dẻ, chuối, sung, bơ, ổi, bưởi,....
Vườn hoa trồng các loài lan tây, hoa cúc, hoa hồng, hoa đồng tiền.... Vườn nông sản trồng đủ loại: sâm, măng tây, rau đay, ngô, muống, rền, ngót,…
Thời điểm này, cây sala đang nở hoa, kết trái thơm phức một góc vườn. Ông Cường cho biết, đây là 1 trong 3 cây sala to cao nhất Việt Nam, được ông kỳ công mua về từ Campuchia.
Khu vườn sinh thái còn được chủ nhân xây dựng biểu tượng ống khói lò gạch nổi bật cao 6,3 m. 2 trụ đá tự nhiên tượng trưng cho biểu tượng sinh tồn nam và nữ nằm trên gò đồi cỏ nằm đối diện cổng chính của Bảo tàng. 15 con đường được lát bằng 15 loại gạch Thạch Bàn có mẫu mã, họa tiết hoa văn khác nhau trong khuôn viên sinh thái, cùng 8 trụ gạch nghệ thuật, tạo hình khối, điểm nhấn giữa không gian xanh mát.
Du khách đến đây được thỏa thích tản bộ, dạo mát dưới bóng cây xanh, check-in ghi lại khoảnh khắc đầy thơ mộng và lãng mạn. “Khu vườn 400 cây mắc ca quanh năm xanh tươi là nơi lý tưởng cho các gia đình, nhóm bạn cắm trại trong những ngày hè oi ả”, bà Hà Châu bật mí.
Kỹ sư, doanh nhân Nguyễn Thế Cường là một trong những người tiên phong góp phần đổi mới nghề sản xuất gạch ngói ở Việt Nam. Ông đã đi sâu tìm hiểu về nghề, khai thác các ưu điểm của nghề truyền thống kết hợp với các công nghệ kỹ thuật tiên tiến mới của thế giới. Với sự đam mê và trí tuệ, ông Cường đã tạo ra một số loại sản phẩm mới lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam như gạch ốp đá Granite nhân tạo, gạch bán dẻo sản xuất từ nguyên liệu đất đồi. Chính vì thế, Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang vừa là minh chứng cho cả chặng đường dài hơn 50 năm tuổi nghề, vừa là nơi để chủ nhân chọn làm điểm đến gặp gỡ, giao lưu, học hỏi cho những đồng môn, đồng nghiệp yêu quý.
Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang cũng là sự tri ân sâu sắc với nghề, với đời. Sau hơn 50 năm gắn bó với ngành sản xuất gạch ngói vật liệu xây dựng của hai kỹ sư Thế Cường và Hà Châu, họ mong muốn có thể để lại điều gì đó có ý nghĩa cho con cháu, cho các thế hệ sau này, giúp mọi người hiểu hơn về từng giá trị lịch sử ẩn chứa sau từng đường nét, nước men, chất liệu của viên gạch ngói đậm chất nghệ thuật của Việt Nam và tư thế tự hào sánh vai cùng các sản phẩm gạch ngói trên thế giới.
Bà Hà Châu chia sẻ: Trong xã hội hiện đại đầy biến động và xoay vần, những điều quý giá, đáng trân trọng thì mình nên tìm cách lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị cho các thế hệ mai sau. Thạch Môn Trang đã sử dụng nửa triệu viên gạch các loại để xây các công trình, lát đường, thậm chí từng luống rau cũng được bao gạch. Đường đi được ốp lát nhiều loại gạch khác nhau để du khách hiểu thêm về công năng các loại gạch.
Là kỹ sư tài ba được đi khắp năm châu, riêng Italia đã đi hơn 20 lần, ông Cường chính là người kiến trúc sư vẽ nên hình hài của Thạch Môn Trang. Ông tận tay thiết kế từng công trình. Nếu như Bảo tàng Gạch ngói là khung nhà sàn bằng gỗ truyền thống mua lại của một gia đình người Tày, thì khu nhà chính được xây dựng bằng loại gạch không cần trát vữa, quét vôi ve, 100 năm không lo hỏng do chính ông nghiên cứu và được Tập đoàn Thạch Bàn sản xuất.
Ông Cường trải lòng: “Là người thợ gạch ngói chính hiệu, xây dựng Bảo tàng này, tôi muốn mọi người hiểu biết hơn về gạch ngói. Gạch ngói không chỉ đơn giản là vật liệu để xây dựng nên những ngôi nhà mọi người đang trú ngụ mà họ sẽ hiểu hơn cội nguồn của nó thế nào, quá trình làm ra một viên gạch, một viên ngói người thợ phải vất vả ra sao”.
Quả thực, Thạch Môn Trang là một sơn trang kỳ vĩ, chủ nhân Thạch Môn Trang đã liên kết từ phần tĩnh nhất, vô sinh, vô cơ là gạch ngói với một phần động nhất trên tầng rất cao của cấu trúc vũ trụ, đó là những cây cảnh, những thực vật ở đây. Hai yếu tố này tích hợp với nhau tạo thành một Bảo tàng đặc thù mà có lẽ chưa một ai, chưa ở đâu từng có. Đó là điểm vô cùng đặc biệt của Bảo tàng, xứng đáng được giữ gìn, truyền thừa đến nhiều đời sau.
Hiện nay, Bảo tàng đang mở cửa cho du khách tham quan miễn phí. Trong tương lai, nơi đây hứa hẹn là điểm đến du lịch sinh thái kết hợp thăm quan Bảo tàng hấp dẫn khi du khách đến Bắc Giang. Đồng thời, là địa chỉ đỏ cho các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các chuyên gia, sinh viên muốn tìm hiểu về lịch sử gạch ngói Việt Nam, tìm hiểu về những loài cây cảnh, thực vật quý hiếm. Đây đã và sẽ là địa điểm lý tưởng để tổ chức các hội nghị, hội thảo về văn hóa di sản, là nơi gặp gỡ, giao lưu sáng tác nghệ thuật, thơ ca, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh của các văn nghệ sỹ.
Mỗi cuối tuần và bất kể khi nào có thời gian, hai vị chủ nhân của Bảo tàng, một người đã 77 tuổi, một người 75 tuổi, vẫn lao động hăng say. Họ cùng nhau khoác áo nâu, tay đeo găng, chân đi ủng chăm sóc cho từng cây xanh, sưu tập thêm những hiện vật gạch ngói quý giá, tiêu biểu làm đầy thêm giá trị văn hóa và kết nối cho không gian này.
Bảo tàng Gạch ngói và Sinh thái Thạch Môn Trang xứng đáng là một viên ngọc quý, tinh túy gửi trao truyền thống tự hào, một địa chỉ không thể bỏ qua khi du khách đến khám phá Bắc Giang.