Quyết tâm xây dựng, phát triển trường phái ngoại giao "cây tre Việt Nam"

Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc diễn ra sáng nay (14/12), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đi thông điệp quyết tâm xây dựng trường phái ngoại giao "cây tre Việt Nam".

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị đối ngoại toàn quốc.

Đối ngoại là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc

 

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển của mình cũng đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau như hai cái cánh của một con chim, tạo thế và lực cho nhau, gắn kết và đan xen ngày càng chặt chẽ với nhau, nhất là trong điều kiện toàn cầu hoá phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta về công tác đối ngoại, trong 35 năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ khoá XII gần đây, nước ta đã đạt được nhiều kết quả, thành tích rất tốt đẹp.

 

Nổi bật là, từ phá thế bị bao vây, cấm vận, nước ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Đối ngoại đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hoà bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới...

 

Từ một nước có nền kinh tế kế hoạch tập trung, bị bao vây cấm vận, đến nay, Việt Nam đã trở thành nước có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, liên kết kinh tế sâu rộng, đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 3 hiệp định thế hệ mới có tiêu chuẩn rất cao, hình thành mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với hầu hết các nền kinh tế quan trọng trên thế giới.

 

Nếu cách đây 30 năm, Việt Nam mới có quan hệ kinh tế thương mại với gần 30 nước và vùng lãnh thổ thì đến nay đã có quan hệ thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến nay đạt khoảng 600 tỉ USD, gấp khoảng 120 lần so với năm đầu của thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã thu hút được 400 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, trong đó giải ngân được khoảng 250 tỷ USD…

 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, Việt Nam đã chủ động đóng góp có trách nhiệm vào sự nỗ lực chung của quốc tế trong phòng chống dịch Covid-19 đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ của quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị, đóng góp quan trọng vào phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế, xã hội, Tổng Bí thư nêu.

 

Tổng Bí thư khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

 

"Có nhiều ý kiến cho rằng nói như thế là không khiêm tốn và tự cao, nhưng tôi khẳng định rằng có cơ sở để nói điều này. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có quyền nói như vậy. Câu nói này cũng đã được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng XIII và được sự thống nhất cao", Tổng bí thư nói.

 

Tổng Bí thư khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Kịp thời đổi mới tư duy, có giải pháp thích hợp trong công tác đối ngoại

 

Đề cập đến các nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, nhấn mạnh chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh có nhiều thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở, nêu lên một số nội dung lớn liên quan đến công tác đối ngoại.

 

Theo đó, thứ nhất là cần tiếp tục thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình hình để kịp thời đổi mới tư duy và có giải pháp thích hợp trong công tác đối ngoại. Những diễn biến chính trị nhanh chóng, phức tạp trên thế giới thời gian qua có rất nhiều vấn đề vượt ra ngoài dự báo thông thường. Nếu chúng ta không tiếp tục đổi mới và không nắm bắt đúng tình hình thì không theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Vấn đề là chúng ta phải nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế.

 

Bên cạnh đó, cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước, song phương cũng như đa phương. Thế và lực của nước ta trên các tiêu chí quan trọng như kinh tế, dân số, quốc phòng và đối ngoại đã khác nhiều sau 35 năm đổi mới. Đặc biệt, các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi, mang tầm chiến lược của Việt Nam đòi hỏi nước ta phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn, trước hết ở trong khu vực. Đồng thời, cũng phải đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới. Đổi mới phải trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn.

 

Thứ hai, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vận dụng đúng đắn quan điểm về "đối tượng", "đối tác"; tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước. Trong đó, mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của ta phù hợp với luật pháp quốc tế.

 

Trong việc bảo đảm môi trường hoà bình, một trong những yêu cầu then chốt là phải luôn kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền, lãnh thổ.

 

Thứ ba, phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương.

 

Thứ tư là cần mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hoá và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước; tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác mà nước ta đã có khuôn khổ quan hệ, trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn, đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả; ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực.

 

Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững của đất nước. Ưu tiên tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hoá, dịch vụ và lao động Việt Nam, thu hút nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, nhất là FDI hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước.

 

Tích cực cùng các nước thúc đẩy đàm phán, phê chuẩn và thực hiện các thoả thuận FTA đa phương; nghiên cứu khả năng tham gia các sáng kiến đa phương trong khu vực về kết nối kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng; tiến hành đàm phán các FTA song phương thế hệ mới với các nước, nhất là với các đối tác thương mại lớn. Triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo đúng tinh thần người Việt Nam ở nước ngoài là máu thịt, là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Các cơ quan có trách nhiệm cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, cơ chế, luật pháp, tạo điều kiện thuận lợi để bà con ta tham gia ngày càng tích cực, sâu rộng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời hỗ trợ bà con có địa vị pháp lý vững chắc để yên tâm hoà hợp, sinh sống, làm việc, học tập, giữ gìn tiếng Việt và bản sắc văn hoá của Dân tộc ta.

 

Thứ năm, hết sức coi trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, tập trung đánh giá kỹ các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực, các xu hướng chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội trên thế giới và khu vực, nhất là trước tác động như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và sự nguy hại của dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

 

Thứ sáu, để hoàn thành được những nhiệm vụ nêu trên, phải đặc biệt chú trọng công tác xây dựng tổ chức, bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó liên quan đến nội dung về đào tạo đội ngũ cán bộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trước đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ, chúng ta cần tiếp tục coi trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại cả về trình độ, năng lực lẫn bả lĩnh chính trị, đặc biệt là bản lĩnh chính trị. Các đồng chí phải không ngừng rèn luyện vững vàng về chính trị, luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo trước sự tác động, lôi kéo của các thế lực thù địch, chủ động tích cực phòng ngừa không để ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’, vướng vào tham nhũng, tiêu cực. Càng hội nhập sâu với thế giới, chúng ta càng cần có các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng; đủ trình độ, uy tín, phong cách để sánh vai với các nước, bạn bè quốc tế; toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

 

Tổng Bí thư yếu cầu công tác đối ngoại phải có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ.

Tạo chuyển biến mới trong công tác đối ngoại

 

Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư cũng nhắc lại dịp sang làm việc với Bộ Ngoại giao cách đây mấy năm và có ví ngoại giao với “cây tre Việt Nam". "Thân gầy guộc lá mong manh, mà sao nên lũy nên thành tre ơi", Tổng Bí thư trích dẫn và nhấn mạnh, trường phái ngoại giao Việt Nam rất độc đáo và đặc sắc, từ đây có thể gọi là "ngoại giao cây tre Việt Nam".

 

Theo Tổng Bí thư, sở dĩ ông ví như vậy bởi sự đặc biệt của cây tre là rất mềm dẻo, rất kiên cường, thành cây tre, khóm tre, lũy tre.

 

"Khi là măng thì măng mọc thẳng, rồi đẻ ra thành khóm thành bụi, rễ chằng chịt với nhau… Rễ tre bám rất chắc với nhau, rất mềm mại. Khi chẻ lạt thì lạt mềm buộc chặt. Tôi mạnh dạn ví đường lối đối ngoại của chúng ta là trường phái riêng, tạm gọi là cây tre Việt Nam. Gốc vững chắc, cành uyển chuyển. Cây tre Việt Nam, mềm mại nhưng cứng cỏi, rất dẻo nhưng rất kiên cường" - Tổng Bí thư phân tích.

 

Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, nền ngoại giao thấm đượm tâm hồn cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam đó là mềm mại khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt, linh hoạt sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định can trường trước mọi thử thách khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân, đoàn kết nhân ái nhưng kiên quyết kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người, biết tiến biết thoái, tùy cơ ứng biến, lạt mềm buộc chặt.

 

"Tôi hi vọng hội nghị lần này đánh dấu cột mốc mới, tạo chuyển biến mới trong công tác đối ngoại" - Tổng bí thư kết luận và nhấn mạnh quan điểm về “Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại và ngoại giao Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam”.

Bình luận bài viết này
Kỳ Thành 14/12/2021 15:26