|
Do đó, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, phát triển bền vững, thân thiện môi trường hiện đang là xu hướng của các doanh nghiệp trên thế giới. Các tập đoàn trên thế giới ngày càng cam kết thúc đẩy nhanh việc dịch chuyển sang nền kinh tế xanh.
Đơn cử, năm 2019, Chủ tịch tập đoàn Unilever toàn cầu đã cam kết sẽ cắt giảm 50% lượng nhựa nguyên sinh, đồng thời tăng cường thành phần nhựa tái chế trong sản xuất bao bì đến năm 2025; Heineken đưa ra thông điệp tới 99,01% phụ phẩm và phế liệu trong sản xuất được tái sử dụng hoặc tái chế… Ở trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua cũng có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động hướng tới sự phát triển bền vững, điển hình như Vinamilk, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ…
Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng cũng đang thay đổi theo hướng thông minh hơn, bền vững hơn. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm và yêu cầu cao hơn về vấn đề bảo vệ môi trường, tạo nên xu hướng sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng mạnh mẽ.
"Những cam kết và xu hướng đó sẽ góp phần quan trọng đảm bảo chúng ta có cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn, vì lợi ích quốc ra cũng như của cả nhân loại", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhằm nâng cao nhận thức, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững, bảo đảm kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, ngày 11/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1362/QĐ-TTg việc phê duyệt Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Với nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao và cam kết phối hợp triển khai sáng kiến của UNDP tại Việt Nam về CBI.
"Chúng tôi mong rằng sẽ có nhiều nhiều doanh nghiệp biết đến và tham gia Chỉ số CBI để nâng cao nhận thức và có những hành động thiết thực hướng tới phát triển bền vững. Đây cũng là công cụ tốt để các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá đúng thực trạng phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam, từ đó có các khuyến nghị xây dựng chính sách, góp phần giúp Việt Nam ngày càng phát triển được những mô hình kinh doanh xanh, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng và xã hội, hướng tới tăng tưởng nhanh và bền vững", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
|
Đại diện đối tác quốc tế, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, việc phục hồi từ COVID-19 mang lại cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư nhằm tái khởi động nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chúng ta nên nắm bắt cơ hội này để theo đuổi các lựa chọn tối ưu cho cả 3 mục đích, đó là: Phục hồi nền kinh tế xanh, với các gói kích cầu do Chính phủ đưa ra; chuyển đổi hướng tới các quá trình sản xuất bền vững hơn và sản xuất sản phẩm xanh để đáp ứng nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng; thúc đẩy các hành động về khí hậu để bảo vệ hành tinh. Đặc biệt, Việt Nam cần giảm rủi ro đại dịch trong tương lai và các sự kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, bà Caitlin Wiesen nói.
|
CBI là một công cụ tự đánh giá dựa trên nền tảng web cho các doanh nghiệp tại Việt Nam để kiểm tra mức độ tương thích của doanh nghiệp với các mục tiêu biến đổi khí hậu của Việt Nam trong các Đóng góp Quốc gia tự quyết định (NDC), cũng như các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs). Thông qua CBI, hệ thống dữ liệu, báo cáo và đánh giá doanh nghiệp về nhận thức, hành động chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường tại Việt Nam (website http://cbi.undp.org.vn/) sẽ được phát triển. Từ đó, Chương trình CBI sẽ triển khai các hoạt động để ghi nhận và khuyến khích các doanh nghiệp có đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu. Mục tiêu chung của CBI nhằm có công cụ đánh giá hành động của khu vực tư nhân đối với chống biến đổi khí hậu, từ đó khuyến khích doanh nghiệp khu vực tư nhân hành động chống biến đổi khí hậu, phát triển những cơ hội hợp tác với khu vực tư nhân trong chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Tính đến tháng 6/2020, đã có 115 doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình CBI. Các doanh nghiệp đăng ký tham gia bao gồm một số công ty toàn cầu, chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp lớn trong nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thông qua dữ liệu của CBI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với UNDP Việt Nam sẽ triển khai một số hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được các cấp độ yêu cầu của CBI. Các hỗ trợ như tập huấn, tư vấn, kết nối nhà đầu tư, tìm kiếm các nguồn tài chính, và một số hỗ trợ khác theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
|