Nghệ sĩ dương cầm Lưu Hồng Quang: TỰ HÀO KHI NHÌN VỀ TỔ QUỐC!
Hồ Hạ thực hiện
Ngày giáp Tết Tân Sửu 2021, Hà Nội lạnh, đối nghịch với thời tiết nắng nóng mùa Hè ở thành phố Sydney (Australia). Nơi phương xa đó, nghệ sĩ dương cầm Lưu Hồng Quang, giảng viên bậc Đại học và Cao học, Chuyên ngành Độc tấu và Hoà tấu Piano cổ điển, Học viện Âm nhạc Quốc tế Australia đã chia sẻ với phóng viên báo Đầu tư dòng xúc cảm đầy thiêng liêng về hương vị Tết cổ truyền Việt Nam và cả tình yêu, niềm tự hào với quê hương, với đất nước Việt Nam kiên cường, kiêu hãnh.
Chuông điện thoại vừa dứt, giọng nói ấm áp tựa như tiếng dương cầm của chính nghệ sĩ Lưu Hồng Quang cất lên khiến trái tim người nghe tan chảy theo những câu chuyện lay động, ý nghĩa và triết lý sống thật đẹp.
-----***----
Năm Beethoven 2020” đầy tiếc nuối
Năm 2020, đại dịch Covid-19 phủ bóng đen khắp toàn cầu. Là người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Australia, cuộc sống của nghệ sĩ dương cầm sinh năm 1990 cũng đổi thay chóng mặt.
Vốn đã quen với nhịp độ luyện tập, biểu diễn, giảng dạy cao, đi nhiều nơi, gặp gỡ, giao lưu với nhiều người, khi buộc phải “náu mình” trong một không gian chật hẹp và giãn cách với xã hội, nghệ sĩ trẻ Lưu Hồng Quang khó tránh khỏi những phút giây buồn chán. Bởi 2020 là một năm anh mong ngóng, đợi chờ với rất nhiều chương trình biểu diễn đặc biệt dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 250 của Beethoven (1770-1827) với hàng loạt buổi hòa nhạc, chuyến lưu diễn đã được lên kế hoạch.
Thế nhưng, không ai nghĩ rằng, “Năm Beethoven 2020” lại gặp phải trở ngại cực kỳ lớn mang tên đại dịch Covid-19. Suốt cả năm, các phòng hòa nhạc phải đóng cửa, những chương trình biểu diễn về Beethoven bị hủy, hoãn vô thời hạn hoặc chuyển sang trình diễn trên “sân khấu ảo”. “Điều đó khiến tôi và nhiều nghệ sĩ nhạc cổ điển khác trên toàn thế giới cảm thấy đầy tiếc nuối. Bởi tôi đã rất hân hoan khi bước vào năm 2020 và chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho những giây phút thăng hoa trên những sân khấu lớn”, nghệ sĩ Lưu Hồng Quang tâm sự.
Buồn là thế, tiếc nuối là vậy, song nhờ thường xuyên giữ liên lạc với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, ngày đêm hăng say luyện tập và giảng dạy online, nghệ sĩ Lưu Hồng Quang vẫn uyển chuyển, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh.
Và trong bối cảnh ấy, anh nhận thấy bản thân đã tạo lập được nhiều thói quen tốt. Đơn cử như luôn mang theo khẩu trang và nước khử trùng bên mình. “Bây giờ khi ra ngoài mà không mang theo hai thứ này tôi sẽ cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó”, Lưu Hồng Quang chia sẻ.
Quả thực, ngay cả khi dịch bệnh đã được đẩy lùi hay kiểm soát tốt thì đây vẫn là một thói quen cần được duy trì hàng ngày với tất cả mọi người dân trên toàn thế giới.
Nhớ quê hương khắc khoải, da diết
Những ngày giáp Tết, hình ảnh đào mai khoe sắc thắm, các gia đình Việt Nam quây quần gói bánh chưng, sum vầy bên mâm cơm gia đình xuất hiện với tần xuất dày đặc trên mạng xã hội, càng khiến nỗi nhớ quê hương, nhớ Tết đoàn viên bên gia đình của người nghệ sĩ trẻ suốt hơn một năm không trở về nhà cồn cào, da diết.
Anh kể, trước đây, năm nào tôi luôn cũng có một hoặc vài chương trình biểu diễn ở trong nước hay đơn giản là về thăm gia đình. Nhưng cả năm 2020 không được trở lại Việt Nam bởi Covid-19, khiến Lưu Hồng Quang càng cảm nhận sâu sắc tình yêu tổ quốc không gì có thể khỏa lấp, sự trân quý với hơi thở quê hương trong trái tim mình.
Có lẽ, mọi năm đi đi, về về nhiều lần, rồi lại bị cuốn vào, cuồng quay với nhịp sống gấp gáp nên nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương lắng xuống. Nỗi nhớ ấy của người nghệ sĩ 31 tuổi không tới mức khắc khoải, da diết như khoảng thời gian này.
“Sinh đúng ngày 10/10 ở Thủ đô, mẹ vẫn thường gọi tôi là “chàng trai Hà Nội”. Bản thân tôi cũng cảm nhận được tình yêu mãnh liệt dành cho Thủ đô, cho đất nước. Từ khi sinh sống và làm việc ở nước ngoài, trong tôi vẫn luôn tâm niệm, ta có thể tách cơ thể ra khỏi quê hương nhưng không thể nào tách quê hương ra khỏi trái tim. Năm Canh Tý 2020, Covid-19 khiến dòng dịch chuyển toàn cầu vỡ vụn, tôi càng thấm thía điều đó”, nghệ sĩ Lưu Hồng Quang bộc bạch.
Thèm bánh chưng như “nghén”
Một mình xa nhà, xa quê, những hương vị ngày Tết với nào bánh chưng, nem, canh măng,… hiện ra, khiến chàng nghệ sĩ trẻ không khỏi ứa nước miếng. Anh bảo, cả năm 2020, luôn tưởng tượng ra đủ món ăn Việt Nam và mong ngóng ngày đoàn viên để được thưởng thức.
“Vài ngày trước, tôi thèm bánh chưng như nghén, phải hỏi thăm bạn bè và lùng sục khắp nơi. Nhưng ở Sydney món ăn này không đâu bán. Mãi mới được người bạn đồng hương mách và nói giúp với một người cô. Sau đó, cô thật tốt bụng, tặng tôi hai chiếc bánh chưng để ăn cho thỏa cơn thèm”, “chàng trai Hà Nội” hí hửng kể.
Anh tâm sự, trước đây ở Việt Nam, Tết nào cũng ăn nhiều bánh chưng, thậm chí phát ngán nên không cảm nhận được hương vị ấy mình đã yêu thích đến nhường nào. Giờ đây xa quê, lại thèm đến phát khóc và tìm mọi cách để thưởng thức cho bằng được món bánh chưng truyền thống.
Lưu Hồng Quang đúc kết: “Thế mới thấy cội nguồn, gốc gác, ngay cả những điều giản dị như hơi thở vẫn luôn ăn sâu trong tiềm thức, dù bao nhiêu tuổi vẫn chẳng thể sống thiếu những hương vị quê hương ấy”.
Tết, anh lại thổn thức lắm khi nhớ về những ngày được sum họp gia đình, cười từ sáng đến đêm. Anh bảo, lần nào về Việt Nam cũng cười mỏi miệng từ khi đáp xuống sân bay tới khi trở lại sân bay, sang Australia.
Nhớ nhất là kỷ niệm ngày 30 Tết, năm nào gia đình Lưu Hồng Quang cũng cùng nhau mang cành bích đào Nhật Tân về quê nội ở Hải Phòng để chuẩn bị đón giao thừa. Anh và em trai Lưu Đức Anh thường có thói quen tụ hội tất cả anh chị em họ ở Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, cách nhà bà nội vài chục mét để xem bắn pháo hoa và hái lộc.
“Kỷ niệm từ hồi nhỏ xíu đến vài năm trước, giờ hơn 30 tuổi vẫn háo hức vô cùng khi nhớ về”, người nghệ sĩ xa quê không dấu được sự vui thích.
Lưu Hồng Quang lại nhớ, mỗi năm mẹ thường nhờ người hợp tuổi xông nhà. Khi là thành viên trong gia đình, khi là bạn bè, hàng xóm. Có năm không nhờ được ai hoặc nhờ nhưng họ bận, mỗi khi từ Hải Phòng về Hà Nội đầu năm, cả 4 thành viên trong gia đình dàn hàng ngang, cùng bước vào nhà một lúc. Mẹ anh bảo, như vậy có điều gì tốt thì tất cả mọi người đều cùng được hưởng.
Tự hào khi nhìn về Tổ quốc
Tết không được đoàn viên cùng gia đình, nghệ sĩ Lưu Hồng Quang chỉ có thể dành tất cả thời gian quý báu trong những giờ giải lao để gọi video về nhà. Anh tự hào lắm khi năm qua, Việt Nam luôn là hình mẫu lý tưởng trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 đối với thế giới.
Lưu Hồng Quang cho biết, năm 2020, trong khi gần như anh chỉ luyện tập và giảng dạy ở nhà, đây cũng là tình trạng chung của tất cả bạn bè anh trên thế giới, từ Đức, Pháp Mỹ, Italia, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…; thì ở Việt Nam, nửa cuối năm 2020, các chương trình, dàn nhạc giao hưởng đã có thể biểu diễn lại, khán giả và nghệ sĩ đều rất phấn khởi.
“Lúc đó, tôi nghĩ, ở Việt Nam như vậy là nhất rồi. Một số thời điểm khác, dịch tái phát, sau đó nhanh chóng được kiểm soát nhờ sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng ý thức, trách nhiệm, sự đoàn kết cao độ của người dân. Thế giới nhìn người dân Việt Nam với ánh mắt đầy ngưỡng mộ, tôi tự hào lắm!”, nghệ sĩ Hà thành bày tỏ và nhận định: “Những ngày này, dịch bệnh tái phát ở Việt Nam, nhưng tôi tin, mọi thứ sẽ một lần nữa không chỉ được kiểm soát tốt mà sẽ rất gọn ghẽ”.
Phá vỡ mọi giới hạn của bản thân
Chia sẻ về những dự định trong năm mới 2021, nghệ sĩ Lưu Hồng Quang đầy hào hứng. Anh cho hay, tính đến ngày 9/2, ở Sydney đã trải qua 23 ngày liên tục không có ca Covid-19 mới. Tháng 3, anh sẽ có 3 buổi biểu diễn bản concerto giọng La thứ của Schumann cùng với dàn nhạc giao hưởng Woollarah (Australia) tại thành phố Sydney.
Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang bật mí, người truyền cảm hứng cho anh chọn tác phẩm này chính là người thầy anh đã theo học hệ cao học, NSND Đặng Thái Sơn. Ông đã chơi bản nhạc này với toàn bộ sự tinh tuý, tâm tình sâu đậm nhất có thể của một người nghệ sĩ. “Khi còn học với NSND Đặng Thái Sơn, tôi thường xuyên trao đổi về những bản concerto mình yêu thích nhất. Ông chỉ trầm ngâm nói: từ từ, sẽ tới một lúc nào đó cậu sẽ thích bản concerto của Schumann. Và khi bước qua tuổi 30, tôi mới khát khao được đàn tác phẩm này”, anh bộc bạch.
Dự kiến, đây là buổi biểu diễn sống đầu tiên sau suốt 14 tháng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Lưu Hồng Quang vừa hồi hộp, vừa vui sướng vì điều này.
Sau đó, cuối năm nay, nếu không có gì thay đổi, các chương trình của Lưu Hồng Quang cùng với các dàn nhạc khác ở Úc sẽ biểu diễn ở Pháp. “Dù chưa biết trước điều gì, nhưng hy vọng vắc-xin đang triển khai sẽ có hiệu quả", anh nói.
Đặc biệt, nghệ sĩ tài hoa bật mí, anh đang thực hiện một dự án lớn của riêng mình.
Covid-19 ập đến, tất cả các kế hoạch, dự định trong năm 2020 đều phải dừng lại, anh dành phần lớn thời gian để đọc và nghe âm nhạc của nhiều nghệ sĩ ở các thời kỳ và đủ lứa tuổi khác nhau trên thế giới.
Anh ấn tượng mạnh với chương trình biểu diễn của nghệ sĩ người Nga Daniil Trifonov, chơi toàn bộ 12 bản Transcendental Etudes của Franz Liszt, dịch ra tiếng Việt Nam nôm na là siêu Việt hay siêu tưởng. Tức là vượt qua tất cả những giới hạn, không chỉ về kỹ thuật diễn tấu mà cả sự tưởng tượng nội dung âm nhạc, những màu sắc, âm hưởng không thể có trên cây đàn Piano ở những thời kì trước đó.
Cũng bởi thế, việc học và biểu diễn 12 bản nhạc này là điều cực kỳ khó khăn. “Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ học và biểu diễn trọn bộ tác phẩm này. Nó không chỉ khó về tính chất đồ sộ mà việc quán xuyến một chương trình khổng lồ là điều gần như không tưởng”, nghệ sĩ dương cầm chia sẻ.
Lưu Hồng Quang kể, anh từng nghĩ sẽ thử học và chơi một vài bài trong đó để nếm chút cảm giác của những người nghệ sĩ xuất sắc nhất thế giới đã chinh phục được đỉnh núi chót vót này.
Nhưng sau khi chia sẻ suy nghĩ với người thầy luôn sát cánh cùng mình, Lưu Hồng Quang nhận được lời khuyên: “Tại sao lại chỉ chạy một đoạn đường mà không chạy cả quãng đường marathon? Khi mà không có một tác phẩm nào trong đó cậu không đánh được. Tự đặt ra giới hạn cho bản thân, đồng nghĩa cậu sẽ chẳng thể nào có được cảm giác vượt qua mọi giới hạn như chính ý nghĩa của 12 bản nhạc này?”.
“Lời khuyên chân thành từ người thầy, người nghệ sĩ tài ba, chân chính và tử tế đã khiến tôi lập tức thay đổi, bắt tay luyện tập ngay để chinh phục giấc mơ không tưởng này”, anh chia sẻ..
Nghĩ và làm. Lưu Hồng Quang luyện tập từ sáng sớm đến đên khuya. Thậm chí có những hôm quên cả ăn trưa. Quy định ở chung cư, sau 7 giờ tối không được đánh đàn, anh phải mượn phòng của một người bạn để đến tập luyện. Trở về nhà, vẫn chưa yên tâm, anh tiếp tục dùng đàn điện, đeo tai nghe để đi vào mọi ngóc ngách cảu những bản nhạc.
Tất cả những điều đó khiến Lưu Hồng Quang có cảm giác đang ngày đêm khổ luyện. Với máu âm nhạc sục sôi trong người, khi bắt tay vào học, nghệ sĩ dương cầm như lên đồng, thăng hoa và cảm nhận được những giới hạn của chính bản thân đang được chinh phục, phá vỡ, điều trước đây anh chưa từng nghĩ tới.
“Đối với tôi, khi đặt ra thử thách lớn cho bản thân, dù chưa biết mình có đạt được hay không, tôi sẽ nỗ lực hết sức bình sinh để khai phá những tiềm tàng của bản thân còn đang ngủ yên”. Hẳn đó là cách anh tạo nên sức mạnh cho chính mình để vượt qua khó khăn trong cuộc sống, trong công việc và đam mê.
Thế nên, Covid-19 chưa hẳn là trở ngại, đó cũng là cơ hội để người nghệ sĩ tài hoa nhìn lại, tiếp tục tôi luyện, hoàn thiện bản thân, tự nâng mình lên một tầm cao mới.
Chưa hết, khi đã quyết tâm luyện tập và chơi toàn bộ 12 bản nhạc, Lưu Hồng Quang đã chọn 12 học sinh xuất sắc của mình để dạy mỗi em một bản nhạc. “Luyện cho các em từng chi tiết li ti, từng ngóc ngách bản nhạc cho đến toàn tuyến tổng thể cũng giúp tôi chơi hay hơn”, anh nói.
Nghệ sĩ gốc Hà thành cho biết, anh đã lên kế hoạch để thu âm 12 bản nhạc này vào giữa năm nay với hãng đĩa Master Performers của Australia. Anh cũng dự định biểu diễn 12 bản nhạc tại Australia trong năm 2021. Nếu Việt Nam và Pháp kiểm soát tốt dịch bệnh, anh cũng dự định biểu diễn cho công chúng ở đây. Và cuối năm, anh sẽ tổ chức cho 12 học trò của mình biểu diễn ở Úc.
Chiến thắng bản thân của mỗi người cộng lại sẽ tạo nên chiến thắng của toàn xã hội
“Năm 2020 dạy cho tôi biết bằng lòng với thực tại và kiếm tìm niềm vui từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống, với học sinh, với dương cầm, với bạn bè, với gia đình. Từ đó, cá nhân mình cũng có tinh thần lạc quan hơn và lòng vị tha lớn hơn với tất cả mọi thứ”, Lưu Hồng Quang kể và cho biết: “Tôi đã rất phấn khởi, hào hứng bước vào năm mới 2021. Hy vọng điều này sẽ đến với tất cả mọi người. Những ai may mắn được sum vầy bên gia đình trong ngày Tết đã vô cùng hạnh phúc. Còn những ai ở trong hoàn cảnh một mình hay xa nhà như tôi hãy coi đây là dịp tốt nhất để hiểu là hoàn thiện bản thân”.
Anh cho rằng, trên đời này, điều khó nhất chính là hoàn thiện bản thân mình. Bởi, hiếm có ai thực sự dễ với người mà khó với chính mình.
Lưu Hồng Quang mong muốn tất cả mọi người, nhân dịp này hãy nhìn sâu hơn ước vọng của mình và đóng góp cho xã hội, cho tổ quốc, cho gia đình qua chính việc hoàn thiện bản thân bằng đam mê và trái tim nhiệt huyết.
“Hãy thật kiên nhẫn trong im lặng để khi Covid-19 hoàn toàn được kiểm soát và mọi thứ quay trở lại bình thường, tất cả chúng ta sẽ cùng reo vang trong chiến thắng. Bởi, chiến thắng bản thân của mỗi người cộng lại sẽ tạo nên chiến thắng của toàn xã hội”, nghệ sĩ Lưu Hồng Quang mong mỏi.
Về nghệ sĩ dương cầm Lưu Hồng Quang:
Nghệ sĩ dương cầm Lưu Hồng Quang sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, cha là PGS – TS – NSƯT Lưu Quang Minh, nguyên Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ông là một nhà giáo uy tín về lĩnh vực biểu diễn và giảng dạy đàn Accordion và nhạc Jazz của Việt Nam.
Mẹ nghệ sĩ Lưu Hồng Quang là CEO Công ty cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy Vọng (Esperantotur) Phan Hồng Châu. Bà nổi tiếng là doanh nhân tâm, tài trong ngành du lịch, vé máy bay. Esperantotur cũng là một trong 5 phòng vé lớn nhất miền Bắc.
Em trai Lưu Hồng Quang là Lưu Đức Anh cũng có đam mê và giảng dạy Piano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Lưu Hồng Quang theo học lớp GS-TS-NGND Trần Thu Hà từ năm 1996 – 2006. Năm 2007, anh nhận học bổng toàn phần của Nhạc viện Quốc tế Australia và trình độ của người nghệ sỹ piano trẻ càng trở nên điêu luyện dưới sự kèm cặp của giáo sư Kyung Hee Lee.
Từ năm 2008, Lưu Hồng Quang đã gặt hái được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi piano tại Úc, bao gồm giải Nhất cuộc thi Sydney Eisteddfod: Kawai, Recital, Chopin, 19th Century piano awards và Lev Vlassenko piano competition.
Trong thời gian này, anh còn tham gia biểu diễn cùng nhiều dàn nhạc có tên tuổi bao gồm Hanoi Philharmonic Orchestra, Vietnam national symphony Orchestra, Orchestra from Florence(Italy), Queensland symphony Orchestra, KOZY symphony Orchestra, Metropolitan Orchestra(Sydney), Wuhan philharmonic Orchestra(China).
Năm 2011, Lưu Hồng Quang nhận học bổng toàn phần từ chương trình Kirishima International music festival, Nhật Bản. Tại đây, ngoài cơ hội làm việc với nghệ sỹ danh tiếng Đặng Thái Sơn, anh còn có buổi biểu diễn tại Tokyo Opera City Concert Hall.
Năm 2012, anh tốt nghiệp loại xuất sắc tại Nhạc viện quốc tế Australia.
Khi 23 tuổi, Lưu Hồng Quang vinh dự được nghệ sỹ Đặng Thái Sơn mời biểu diễn song tấu trong chương trình “Đặng Thái Sơn trong âm thanh mới thế kỷ XX”, diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội tối 4/12/2013. Anh đã song tấu ăn nhịp trong bộ 4 tác phẩm của nhà soạn nhạc người Pháp Francis Poulenc, đặc biệt ấn tượng là bản Elégie đầy tính đối đáp, một trong những tác phẩm tuyệt vời nhất của Poulenc.
Lưu Hồng Quang từng được Nghệ sỹ Đặng Thái Sơn đánh giá là “một nghệ sĩ Piano chuyên nghiệp ở trình độ cao, thể hiện sự sáng tạo âm nhạc tuyệt vời, khả năng kiểm soát và trình diễn hấp dẫn trên sân khấu”.
Năm 2013, Lưu Hồng Quang phát hành đĩa CD đầu tiên, biểu diễn độc tấu cùng dàn nhạc Queensland Youth Orchestra của Australia tại thành phố Brisbane, biểu diễn độc tấu ra mắt tại Aukland - New Zealand và tại Việt Nam là hai đêm diễn với người thầy, NSND Đặng Thái Sơn.
Năm 2015 - 2016, anh theo học bậc cao học biểu diễn Piano với Nghệ sỹ Đặng Thái Sơn tại nhạc viên Montreal, Canada.
Hiện nay, Lưu Hồng Quang đang giảng dạy bậc Đại học và Cao học, Chuyên ngành Độc tấu và Hoà tấu Piano cổ điển, Học viện Âm nhạc Quốc tế Australia (Academy of Music and performing Arts, Australia).
Một số giải thưởng nghệ sĩ dương cầm Lưu Hồng Quang đã được:
-Giải Đặc biệt tại Cuộc thi Piano Chopin Quốc tế châu Á tại Tokyo (Nhật Bản) 1/2006.
-Giải Ba Cuộc thi Piano Quốc tế Valtidone (Italy) - 6/2006
-Giải Nhì Cuộc thi Piano Quốc tế Valtidone (Italy) - 6/2008
-Giải Ba Cuộc thi Piano thế kỷ 19 tại Sydney (Australia) - 6/2008
-Giải nhất Cuộc thi Giải thưởng Độc tấu Piano” tại Sydney (Australia) 8/2008
-Giải nhất Cuộc thi Piano Chopin tại Sydney (Australia) - 7/2009
-Giải Ba Cuộc thi Piano Quốc tế lần 1 tại Hà Nội (Việt Nam) - 9/2010
Giải Nhất cuộc thi Piano Lev Vlassenko toàn châu Úc dành cho lứa tuổi 16-30 diễn ra vào tháng 8/2011.
Giải Nhì cuộc thi piano quốc tế Euregio Piano Award diễn ra từ ngày 23-26/7/2015 tại Geilenkirchen - CHLB Đức