Thủ tướng: 2020 là năm thành công nhất về tinh thần, ý chí vươn lên

Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”...

Cơ đồ, vị thế của đất nước là kết tinh của nhiều phong trào thi đua sôi nổi

 

Phát biểu khai mạc Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X vào sáng nay (10/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho biết, cách đây 72 năm, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc.

 

Người viết: "Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sỹ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa." Người kêu gọi: "Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều."

 

Thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng đó của Người, trải qua 26.480 ngày kể từ ngày 11/6 năm đó, không ngày nào nhân dân ta không thi đua yêu nước. Từ những ngày đầu với phong trào thi đua diệt giặc dốt, diệt giặc đói, cho đến giặc ngoại xâm; từ thi đua khôi phục kinh tế-xã hội ở miền Bắc cho đến thi đua chi viện cho chiến trường miền Nam; từ thi đua đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước đến thi đua kiến thiết lại nước nhà, thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế và đưa đất nước tiến lên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thi đua làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

“Ngày nay, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta có được là kết tinh của nhiều phong trào thi đua sôi nổi, bao gồm cả những cống hiến và hi sinh thầm lặng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp xã hội”, Thủ tướng bày tỏ.

 

Thủ tướng nhấn mạnh, cơ đồ, vị thế và uy tín của đất nước là kết tinh của nhiều phong trào thi đua sôi nổi (Ảnh: VGP)

 

Thủ tướng đánh giá, trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng chưa từng thấy, với nhiều nội dung phong phú, hình thức sinh động. Thủ tướng nhắc đến những hình ảnh cảm động, nhân văn, những tấm gương đa dạng trong nhiều lĩnh vực, từ người chiến sĩ lực lượng vũ trang đến người dân, người già, trẻ nhỏ đều có tấm lòng đối với đất nước trong lúc khó khăn, dịch bệnh diễn ra. “Chúng ta đã làm những việc mà thế giới cảm động, khâm phục”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Theo Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các phong trào thi đua đã góp phần quan trọng vào việc động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, khơi dậy được tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; hun đúc ý chí mạnh mẽ, khát vọng hùng cường của dân tộc ta. Thi đua giờ đây đã trở thành điều rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Tinh thần thi đua, vượt lên chính mình chính là cội nguồn sức mạnh của sự phát triển.

 

Mặc dù còn những tồn tại, hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, tô đậm thành tựu của 35 năm đổi mới với những bước tiến vượt bậc.

 

Liên tiếp trong 4 năm 2016-2019, chúng ta đã thi đua hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh tế-xã hội đề ra, đứng trong tốp 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.

 

Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X (Ảnh: VGP)

Mức độ thành công được tính bằng những trở ngại đã vượt qua

 

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, năm 2020 đánh dấu một bước ngoặc lớn trong lịch sử 100 năm gần đây của nhân loại khi đại dịch Covid-19 gây ra những tác hại vô cùng lớn đến kinh tế và sự xáo trộn trong đời sống xã hội của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của sự hòa quyện giữa "ý Đảng và lòng dân", chúng ta đã thi đua và giành thắng lợi trong việc thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế.

 

Đến thời điểm hiện nay, khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới bị rơi vào suy thoái sâu, Việt Nam là nền kinh tế vẫn duy trì được tăng trưởng dương. Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, giảm thiểu số người chết và những thiệt hại về kinh tế, an sinh xã hội được bảo đảm, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả ấn tượng.

 

“Từ đây chúng ta hiểu thêm rằng, mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua”, Thủ tướng nói.

 

Với những kết quả đặc biệt đó, không thể không cho rằng, năm 2020 phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với tương lai đất nước không ngừng được củng cố và nâng cao.

 

Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”; tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam, không thử thách nào mà dân tộc ta không thể vượt qua.

 

Thủ tướng nêu rõ, trong mỗi chặng đường phát triển của đất nước, phong trào thi đua yêu nước như những làn sóng trào dâng, kết tinh sức mạnh, mang theo khí thế lịch sử hào hùng của cha ông và dân tộc ta. Thi đua là động lực thúc đẩy mỗi cá nhân tự làm mới mình, luôn nỗ lực ngày thêm tiến bộ, tự giác vươn lên giành lấy thành quả mới trong lao động, học tập, sản xuất kinh doanh.

5 nội dung thi đua giai đoạn tới

 

Phát động Phong trào thi đua trong cả nước giai đoạn 2021-2025 với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 5 nội dung thi đua.

 

Thứ nhất, thi đua xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước... khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới, đột phá mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

 

Các Ban, Bộ, ngành Trung ương thi đua đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, hội nhập, đảm bảo khả thi, hiệu quả, nghiêm minh, theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và phát triển; xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Các địa phương thi đua xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi, mang tính đột phá để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

 

Thứ hai, thi đua phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vào thị trường khoa học công nghệ. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ, phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam. Xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới.

 

Trong thời gian đầu của giai đoạn 2021-2025 khi còn dịch bệnh, cần tiếp tục thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch COVID-19 nhằm tập trung thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tận tụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vaccine và giải pháp để nhân dân tiếp cận, sử dụng vaccine phòng dịch sớm nhất.

 

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, sáng tạo các phong trào thi đua, trong đó trọng tâm là 4 phong trào thi đua đã được Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.

 

Thứ ba, thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, phong trào khuyến học khuyến tài và các phong trào phong phú khác, đảm bảo quyền làm chủ và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đặc biệt nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục đào tạo. Tạo chuyển biến mạnh mẽ căn bản về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, phát triển mạnh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học xã hội, tận dụng và phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc. Xây dựng và thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

 

Thứ tư, tiếp tục phát động các phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, vun đắp niềm tin, niềm tự hào, hướng về Tổ quốc, chung tay, chung sức xây dựng quê hương, đất nước.

 

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hướng các phong trào thi đua vào việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, gắn phong trào thi đua với việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, trong đó tập trung xây dựng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thi đua thực hiện cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tâm, có tầm, có phẩm chất tốt và trình độ chuyên môn cao, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

 

Thủ tướng đề nghị sau Đại hội hôm nay, các ban, bộ ngành Trung ương, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, căn cứ chủ đề của Đại hội, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 và tình hình thực tế của đơn vị, địa phương mình để phát động mạnh mẽ phong trào thi đua với nhiều nội dung đổi mới, sáng tạo, sôi nổi, rộng khắp, thiết thực. Trước mắt, tổ chức đợt thi đua đặc biệt sôi nổi, rộng khắp trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân lập thành tích cao nhất, thiết thực chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bình luận bài viết này
Kỳ Thành 10/12/2020 11:59