Thụy Sỹ hỗ trợ Việt Nam 80 triệu USD cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng lực kinh tế tư nhân

Kỳ Thành thực hiện - Ảnh: Đức Trung

Chính phủ Thụy Sỹ tiếp tục cam kết viện trợ cho Việt Nam 70 triệu CHF (gần 80 triệu USD) trong giai đoạn 2021-2024, tập trung hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hỗ trợ, tăng cường sức cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân.

 

Lễ công bố "Chương trình hợp tác của Việt Nam và Thụy Sỹ giai đoạn 2021-2024"

 

Sáng ngày 6/8/2021, tại Trung tâm điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Thụy Sỹ Ignazio Cassis và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đồng chủ trì Lễ công bố "Chương trình hợp tác của Việt Nam và Thụy Sỹ giai đoạn 2021-2024" theo hình thức trực tuyến.

 

Thụy Sỹ là nhà tài trợ cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam từ năm 1992, chủ yếu là viện trợ không hoàn lại. Tính đến năm 2020, Thụy Sỹ đã hỗ trợ Việt Nam gần 500 triệu CHF, tập trung giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường.

 

Trong năm vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Cơ quan hợp tác kinh tế của Thụy Sỹ tại Việt Nam (SECO) xây dựng chiến lược hợp tác 4 năm (2021 đến năm 2024), trong đó Chính phủ Thụy Sỹ tiếp tục cam kết viện trợ cho Việt Nam 70 triệu CHF (gần 80 triệu USD), tập trung hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hỗ trợ, tăng cường sức cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân.

 

Ngài Ignazio Cassis cho biết, chuyến thăm lần này của ông nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng về mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước sau 50 năm thiết lập quan hệ, đồng thời trao đổi cụ thể các vấn đề hợp tác trong thời gian tới

 

Trao đổi tại buổi tiếp thân mật trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chúc mừng Kỷ niệm 730 năm ngày Quốc khánh Thụy Sỹ, cảm ơn ông Phó Tổng thống Thụy Sỹ đã dành những tình cảm quý báu, sự quan tâm đến Việt Nam khi thực hiện chuyến thăm trong thời điểm khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Bộ trưởng đánh giá cao những hỗ trợ của Chính phủ Thụy Sỹ dành cho Việt Nam và cho rằng, với chính sách hỗ trợ của mình, Thụy Sỹ đã trở thành đối tác đồng hành với Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển.

 

Chia sẻ về định hướng hợp tác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Phó Tổng thống Ignazio Cassis đã thống nhất những nguyên tắc lớn, đó là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và các vấn đề xã hội, trong đó cải cách thủ tục hành chính, xây dựng năng lực quản lý tài chính lành mạnh, quy hoạch phát triển đô thị thân thiện với doanh nghiệp và người dân và hỗ trợ doanh nghiệp trong quản lý, tiếp cận thị trường...; hỗ trợ quản lý ở cấp địa phương nhằm nâng cao năng lực chịu trách nhiệm, năng lực thực thi... và hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới nhằm tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế.

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác với Thụy Sỹ, đồng hành với các doanh nghiệp Thụy Sỹ đã, đang và sắp có ý định đầu tư tại Việt Nam

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi Thụy Sỹ là đối tác quan trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác trên tất cả các mặt. Bộ trưởng đề nghị Ngài Phó Tổng thống khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp của Thụy Sỹ đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam, tăng cường hơn nữa kinh ngạch xuất nhập khẩu hai chiều, mang lại lợi ích cho cả hai bên. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đồng hành và ủng hộ các doanh nghiệp Thụy Sỹ đầu tư vào Việt Nam, chú ý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với doanh nghiệp Thụy Sỹ đang hoạt động tại Việt Nam”, ông khẳng định.

 

Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chúc mừng thành công của Lễ công bố Chương trình hợp tác của Việt Nam và Thụy Sỹ giai đoạn 2021-2024

 

Về các dự án ưu tiên, bên cạnh các dự án sẽ xây dựng theo các định hướng trên, hai bên nhất trí huy động nguồn lực của Thụy Sỹ cho dự án “hỗ trợ chương trình chuyển đổi số doanh nghiệp” theo hình thức song phương hoặc ba bên (cùng với đối tác Hoa Kỳ) cũng như xem xét cụ thể các nội dung trong hợp tác khoa học, đổi mới sáng tạo gắn với nhu cầu phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.

 

Hai bên nhất trí cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác về đầu tư, thương mại, thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp Thụy Sỹ hàng đầu vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao qua đó, đào tạo, chuyển giao, hình thành hệ sinh thái đổi mới và sáng tạo, nâng cao năng suất, giúp Việt trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, đạt nước có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Bình luận bài viết này
Kỳ Thành 06/08/2021 16:23