Ưu tiên vốn cho các dự án khoa học công nghệ có khả năng bứt phá

Kỳ Thành thực hiện - Ảnh: Đức Trung

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là lĩnh vực tiên phong để đưa Việt Nam bứt phá, nhưng với nguồn lực còn hạn chế, cần lựa chọn những dự án, lĩnh vực có khả năng trở thành thế mạnh để 'bắt kịp, tiến cùng và vượt lên'.

 

Khoa học công nghệ là ưu tiên hàng đầu và lựa chọn một số lĩnh vực vượt trội để phát triển là hai thông điệp được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của VAST diễn ra chiều nay, 14/8.

 

Buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Cần những quyết sách lớn về khoa học công nghệ

 

Cuộc họp này có sự chủ trì của người đứng đầu 2 cơ quan là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và GS-TS. Châu Văn Minh, Viện trưởng VAST cùng các đơn vị tham mưu chiến lược nhằm kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của VAST nhằm đưa Viện trở thành trung tâm khoa học và công nghệ thuộc nhóm dẫn đầu các nước trong khu vực, nâng cao hiệu quả hoạt động của VAST phù hợp với xu thế vận động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

“Trong quá trình phát triển của các nước trên thế giới hay với Việt Nam nói riêng, lực lượng khoa học công nghệ luôn là tiên phong và có đóng góp rất lớn. Động lực phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới có 2 thứ: khoa học công nghệ dựa trên đổi mới sáng tạo và nguồn lực con người. Cả hai cái đó đều là những nhiệm vụ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Chúng ta cần phải có những quyết sách lớn để bứt phá”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh quan điểm khoa học công nghệ phải là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu

 

Theo GS-TS. Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VAST, Viện có 51 đơn vị trực thuộc gồm các viện nghiên cứu chuyên ngành quốc gia, các đơn vị sự nghiệp công nghiệp, 2 trường đại học cùng nhiều đơn vị chuyên môn, với gần 4.000 cán bộ, trong đó có gần 300 giáo sư, phó giáo sư và gần 900 tiến sĩ. Theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế uy tín, Viện luôn là đơn vị đứng đầu cả nước và có thứ hạng khá trong khu vực về nghiên cứu cơ bản.

 

Giai đoạn 2016-2020, Viện được Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao tổng số vốn kế hoạch đầu tư phát triển là 1.941 tỷ đồng vốn trong nước, 3.869 tỷ đồng vốn nước ngoài… Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, Viện được giao thực hiện 1.503 tỷ đồng, thiếu 438 tỷ đồng so với kế hoạch trung hạn. Viện đã thực hiện điều chỉnh giảm quy mô một số dự án.

 

Tính chung giai đoạn 2016-2020, Viện đã giải ngân được 1.316 tỷ đồng vốn trong nước và 235 tỷ đồng vốn nước ngoài, lần lượt đạt 88,75% và 4,15% kế hoạch được giao.

 

Ngoại trừ 2 dự án sử dụng vốn ODA là Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và Dự án xây dựng trường Đại học khoa học công nghệ Hà Nội (Đại học Việt - Pháp) bị chậm tiến độ, hầu hết các dự án trong danh mục kế hoạch được giao đã được VAST hoàn thành và đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ, đạt mục tiêu đề ra, có thể kể đến như Cơ sở nghiên cứu Viện Công nghệ vũ trụ và Hóa sinh biển, cơ sở nghiên cứu Viện Công nghệ Hóa học, nâng cấp Trung tâm giám định ADN hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; hoàn thành đưa vào sử dụng hệ thống 30 trạm địa chấn phục vụ công tác báo tin động đất và cảnh báo sóng thần; hoàn thành hệ thống thiết bị giải mã hệ gien người và các sinh vật đặc hữu của Việt Nam…

 

“Trong bối cảnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn biến sôi động, đầu tư cho khoa học công nghệ là rất quan trọng. Không đầu tư cho khoa học công nghệ, đất nước sẽ không phát triển”, GS-TS. Châu Văn Minh nhấn mạnh.

 

GS-TS. Châu Văn Minh khẳng định, tầm nhìn của VAST trong 5 năm tới là trở thành trung tâm khoa học và công nghệ thuộc nhóm dẫn đầu các nước trong khu vực

Lựa chọn một số dự án, lĩnh vực để ‘bắt kịp, tiến cùng và vượt lên’

 

Lấy dẫn chứng trong văn kiện của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là Tổ trưởng Tổ biên tập và bản thân GS-TS. Châu Văn Minh cũng tham gia xây dựng, Giáo sư Châu Văn Minh cho biết, nghiên cứu cho thấy vai trò của khoa học công nghệ được thể hiện trong đó rất rõ.

 

Trong chiến lược 10 năm, nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học công nghệ trong nước để có thể triển khai các nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ mới, tập trung phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao, nhất là công nghệ số, công nghệ thông tin, sinh học, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hóa, vi sinh, năng lượng, môi trường... là chủ trương lớn được xác định rất rõ.

 

Do đó, VAST đặt ra mục tiêu, định hướng phát triển phấn đấu đến năm 2025, Viện có bước phát triển đột phá, đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả hoạt động, trở thành trung tâm khoa học và công nghệ thuộc nhóm dẫn đầu các nước trong khu vực.

 

Để thực hiện mục tiêu này, Viện đã lựa chọn và bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn theo thứ tự ưu tiên, với dự kiến nhu cầu vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là 11.760 tỷ đồng, trong đó 6.180 tỷ đồng là vốn trong nước, 5.580 tỷ đồng vốn nước ngoài. Trong đó, toàn bộ vốn nước ngoài và 1.500 tỷ đồng vốn đối ứng dành cho 2 dự án chuyển tiếp sử dụng vốn ODA nói trên.

 

Trong các đề xuất của mình, VAST nhấn mạnh việc đầu tư có chiều sâu 15 phòng thí nghiệm chuẩn quốc tế nhằm thu hút trí tuệ thế giới, tăng cường chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực trình độ cao cho đất nước. Ngoài ra, VAST đề xuất bổ sung kế hoạch trung hạn 2021-2025 dự án đầu tư 01 tàu nghiên cứu khoa học biển nhằm thu thập dữ liệu phục vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, dự án pha 2 tăng cường năng lực khoa học công nghệ cho Lào, triển khai các khu thử nghiên và ứng dụng công nghệ tại Cổ Nhuế (Hà Nội) và Hoành Bồ (Quảng Ninh)…

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (ngoài cùng bên trái) thăm Trung tâm giám định ADN hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin thuộc VAST

 

Đánh giá cao những thành tựu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cũng như sự chủ động của cơ quan này trong việc xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Chúng tôi không đi sâu vào vấn đề công nghệ, mà chúng tôi đi vào vấn đề Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động thế nào đến nền kinh tế? Nền kinh tế có thể tận dụng được gì từ cuộc cách mạng này?”.

 

Đồng tình với vấn đề được nhấn mạnh bởi đại diện VAST, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ông quan tâm nhất là 15 phòng thí nghiệm. Muốn có công nghệ mới, khai thác tối đa năng lực của các chuyên gia nghiên cứu của VAST thì phải đầu tư cho bằng được để có môi trường, điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu. “Tôi cho rằng điều này rất đúng và nên làm ngay trong 5 năm tới, hiện đại nhất cũng làm”, ông quả quyết.

 

Ông cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc xây dựng trung tâm sinh học. “Đây là ngành có thể tạo ra sự đột phá”, ông nhìn nhận.

 

Lấy dẫn chứng về chuỗi giá trị chăn nuôi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, người nông dân đang tham gia vào khâu có giá trị gia tăng thấp, rủi ro cao. “Trồng trọt, chăn nuôi quan trọng phải làm được giống”, ông nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn, VAST sẽ đi sâu vào R&D (nghiên cứu và phát triển - PV), tạo ra công nghệ, nghiên cứu về gien, giống hỗ trợ cho nông dân.

 

“Chúng tôi là cơ quan làm chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0. Quan điểm là một số ngành, lĩnh vực phải nhanh chóng bắt kịp, tiến cùng và chọn một số lĩnh vực còn dư địa cho chúng ta để bứt phá, vượt lên, như sinh học, vật liệu mới, công nghệ quốc phòng, công nghiệp môi trường…”, ông nói.

 

Trên quan điểm đó, ông phân tích, các dự án cần xây dựng chiến lược cụ thể, rõ ràng và có kế hoạch thực hiện một cách bài bản, cân nhắc thời điểm đầu tư, tránh dàn trải.

 

“Chúng ta cần phân tích, đánh giá tác động nhiều chiều xem phương án nào hiệu quả. Đất nước chúng ta còn nghèo, đang ở giai đoạn ‘thắt lưng buộc bụng’. Chúng ta phải nhìn nhận và trao đổi thẳng thắn với nhau”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

 

Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cũng khẳng định cam kết, Bộ sẽ đồng hành và hỗ trợ cho VAST, làm sao đưa 2 dự án sử dụng vốn vay ODA triển khai nhanh nhất có thể.

 

Khẳng định lại quan điểm khoa học công nghệ phải là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó có thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, quy tụ các nhà khoa học, tri thức từ các tập đoàn công nghệ, các viện nghiên cứu trên khắp thế giới tham gia vào mạng lưới.

 

“Chúng tôi đã và đang làm tích cực, làm sao huy động trí tuệ Việt Nam khắp thế giới, biến thành sức mạnh cho sự phát triển. Trong tương lai, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghiệp Việt Nam và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia có thể hợp tác để phát huy tối đa năng lực mỗi bên, từ đó tạo ra nhiều giá trị, sản phẩm cho đất nước”, Bộ trưởng khẳng định.

Bình luận bài viết này
Kỳ Thành 14/08/2020 21:50