Kỳ Thành thực hiện - Ảnh: Vân Anh
Không có những cái bắt tay để bảo đảm giãn cách theo quy định phòng chống dịch Covid-19, nhưng ánh mắt, lời nói của Ngài Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Đức và Ngài Đại sứ CHLB Đức trong buổi gặp mặt sáng đầu hè tháng Năm lại đủ để những người có mặt ở đó cảm nhận được nghĩa tình của “những người bạn thực thụ”.
--------------------
Sáng 6/5, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch hội Hữu nghị Việt Nam - Đức và các thành viên của Hội đã trao món quà 80.000 khẩu trang chất lượng cao do Việt Nam sản xuất cho Ngài Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, để hỗ trợ nhân dân Đức chống dịch Covid-19.
Việt Nam và CHLB Đức lâu nay vẫn được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng, từ những yếu tố tự nhiên như diện tích, dân số, cho tới những yếu tố như văn hóa, lịch sử… Đức cũng là quốc gia đã có nhiều hỗ trợ đối với Việt Nam trong suốt những năm qua thông qua các hoạt động tư vấn chính sách, các khoản cho vay vốn ODA… Đặc biệt, năm 2020 là năm mà hai quốc gia kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ hai nước có nhiều bước phát triển mới, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, an ninh, quốc phòng, giáo dục đào tạo, văn hóa, du lịch…
Trong “cuộc chiến” chống virus SARS-CoV-2, hai quốc gia lại có thêm những điểm tương đồng mới. “Chúng ta có chung kẻ thù là Covid-19”, ông Nguyễn Chí Dũng nói. Trong khi đó, vị Đại sứ CHLB Đức nhìn nhận, Việt Nam được thế giới đánh giá là “đặc biệt thành công” trong phòng chống và kiểm soát đại dịch, trong khi Đức được đánh giá là quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh trong khối châu Âu.
Phân tích cụ thể hơn, Chủ tịch hội Hữu nghị Việt Nam - Đức cho rằng, Đức là quốc gia phát triển, có nền y học hiện đại. Đặc biệt, Chính phủ Đức đã có cách tiếp cận đúng, hành động chính xác, kịp thời nên đem lại hiệu quả. Trong khi đó, dưới góc nhìn của Ngài Guido Hildner, Chính phủ Việt Nam đã có đường lối kiên quyết, sát sao, cùng với sự nỗ lực, đồng thuận của toàn xã hội để thực hiện các biện pháp một cách quyết liệt. “Điều đó cực kỳ ấn tượng”, Ngài Guido Hildner bày tỏ.
Hai vị đại diện cũng có chung một nhận định, đó là đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp trong khi chưa có vaccine. “Để làm thì không chỉ một nước đơn lẻ, mà cần sự đồng lòng hợp tác của quốc tế”, Ngài Guido Hildner nói.
Với những thành công bước đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19, sự tương đồng tiếp theo là cả Việt Nam và Đức đang cùng khởi động lại nền kinh tế, và khẩu trang là thứ không thể thiếu khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng.
Bày tỏ sự tôn trọng cao đối với sáng kiến của Hội hữu nghị Việt Nam - Đức về món quà 80.000 khẩu trang, Ngài Guido Hildner xúc động: “Trong khủng hoảng mới nhận thấy, ai là người bạn thực thụ của mình”.
Đại sứ chia sẻ, Đức đã trải qua giai đoạn giãn cách xã hội và bắt đầu nới lỏng. Đây là lúc người dân Đức cần nhất khẩu trang để ngăn chặn nguy cơ bùng nổ làn sóng thứ 2 của dịch bệnh này.
“Món quà này là biểu hiện tình đoàn kết, quan hệ hữu nghị khăng khít của Đức và Việt Nam. Điều đó chứng tỏ chúng tôi không đứng một mình. Chúng ta cùng động viên nhau, chung tay chiến thắng virus”, Ngài Guido Hildner nói.
Về phần mình, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Đức Nguyễn Chí Dũng bày tỏ, món quà giá trị không quá lớn, nhưng đó là truyền thống của người Việt Nam, dù trong bối cảnh còn hết sức khó khăn hiện nay nhưng luôn mong muốn chia sẻ, đồng hành với thế giới nói chung và nhân dân Đức nói riêng.
“Món quà không quá lớn nhưng thể hiện tình cảm, tình hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là những người từng học tập, công tác tại Đức và cả những người yêu mến nước Đức. Hy vọng món quà nhỏ này sẽ đóng góp một phần nhỏ bé giúp nhân dân Đức sớm vượt qua đại dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Nhắc đến hai “vai” vừa là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vừa là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Đức, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, ông sẽ cố gắng hết sức mình để thúc đẩy quan hệ hai nước.
Trong khi đó, Ngài Đại sứ cũng khẳng định, Đức sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam để khắc phục những hậu quả kinh tế do dịch bệnh để lại.
Hai bên nhất trí sẽ xúc tiến thúc đẩy hợp tác, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, hướng đến sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ hữu nghị hai nước.
Trên các báo chí quốc tế và cả Việt Nam thời gian gần đây, những cụm từ như “ngoại giao y tế” hay “ngoại giao khẩu trang” đã được nhắc đến khi những chuyến hàng chở khẩu trang, thiết bị y tế do Việt Nam sản xuất được gửi tới nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả những quốc gia có nền y học tiên tiến, nền kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, món quà mang nghĩa tình mà Hội hữu nghị Việt Nam - Đức gửi tặng cho nhân dân CHLB Đức đã chứng minh rằng, dù toàn bộ hệ thống chính trị của Việt Nam đang nỗ lực để thực hiện “mục tiêu kép” thì đằng sau luôn có sự ủng hộ của xã hội và nhân dân để đáp lại những tình cảm, sự hỗ trợ mà bạn bè Đức đã dành cho Việt Nam trong những năm tháng khó khăn.
Chính sự đồng lòng của nhân dân với Đảng, Nhà nước đã làm nên một nền “ngoại giao nhân dân” đầy tính nhân văn của dân tộc Việt Nam.