✡✡✡✡✡
Theo ông Phạm Việt Khoa, FECON là một nhà đầu tư, nhà thầu trong nước đã từng tham gia nhiều dự án đầu tư xây dựng và trực tiếp đầu tư các dự án theo hình thức BOT, có cơ hội làm việc với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Châu Âu, những ý kiến của ông sẽ đóng góp một phần nhỏ bé hiến kế thúc đẩy đầu tư dự án và xây dựng công trình, đặc biệt là khơi thông và thu hút đầu tư các dự án năng lượng theo Luật PPP mới có hiệu lực tháng 1/2021.
Ý KIẾN TRÊN TƯ CÁCH NHÀ THẦU XÂY DỰNG
Với các dự án đầu tư có vốn của Nhà nước, ông Khoa kiến nghị tổ chức đấu thầu EPC hoặc E&C sau khi có Nghiên cứu khả thi (FS) dự án, nhà thầu chịu trách nhiệm toàn diện từ thiết kế kỹ thuật thi công, mua sắm và xây lắp, tăng thời gian bảo hành lên 3 - 5 năm (thay vì 2 năm như hiện nay). Khi đấu thầu EPC với dự án đầu tư công có vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thì quy định rõ phải có nhà thầu trong nước đảm bảo năng lực thực hiện ít nhất 30% khối lượng công việc của dự án.
Sơ tuyển các nhà thầu/tổ hợp nhà thầu đủ năng lực mới đc tham gia dự thầu EPC các dự án cấp phù hợp. Tạm ứng thanh toán tỷ lệ lớn (50%) để khơi thông dòng tiền dự án và đảm bảo mua phần lớn khối lượng vật liệu chính ngay từ đầu để tránh ảnh hưởng của trượt giá, yêu cầu nhà thầu phát hành bảo lãnh tạm ứng. Nhà nước cần xây dựng chính sách bình ổn giá thị trường đối với các nguyên vật liệu xây dựng để đảm bảo ko đội vốn đầu tư dự án.
Với dự án cấp 1 trở lên, cơ quan quản lý nhà nước chỉ thẩm tra phương án thiết kế kỹ thuật nhà thầu trúng thầu, không cần thẩm tra, phê duyệt đơn giá, định mức (vì đã đấu thầu theo giá hoặc đơn giá trọn gói). Các dự án cấp 2 trở xuống, chủ đầu tư tự thẩm tra hoặc thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm tra.
Đơn giản hóa thủ tục nghiệm thu, đặc biệt hồ sơ chất lượng, vì thời gian bảo hành 3 - 5 năm đã đủ để chứng minh chất lượng dự án. Chủ đầu tư chỉ xác nhận các mốc hoàn thành công việc theo giai đoạn không cần đánh giá hồ sơ chất lượng theo giai đoạn. Chỉ đánh giá hồ sơ chất lượng tại mốc nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng. Giảm bớt số lượng hồ sơ chất lượng/ hồ sơ hoàn công, thanh toán, quyết toán các dự án Công. Hiện có nhiều dự án chủ đầu tư yêu cầu phải lập đến 9 - 11 bộ hồ sơ.
Ngoài ra, cần xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng công trình, giải quyết kịp thời các vướng mắc của các nhà thầu chính đáng. Nên có danh sách xếp hạng các nhà thầu để sàng lọc, lựa chọn nhà thầu có năng lực phù hợp cho tham gia đấu thầu các dự án công (như cách làm của Singapore, Nhật Bản).
Đối với dự án đầu tư bằng vốn ngân sách, cần xây dựng cơ chế cho phép cho các nhà thầu trong nước được làm tổng thầu, trong đó các nhà thầu trong nước có thể thuê đối tác nước ngoài làm thầu phụ để tham gia đấu thầu.
Đối với các dự án đầu tư bằng vốn vay nước ngoài, cần xây dựng cơ chế sử dụng nguồn lực địa phương là điểm chấm bắt buộc khi xét kết quả đấu thầu.
Ý KIẾN TRÊN TƯ CÁCH NHÀ ĐẦU TƯ
Về Luật PPP đã có hiệu lực từ tháng 1/2021, ông Khoa cho rằng, Chính phủ cần ban hành cơ chế chia sẻ rủi ro khả thi, đảm bảo cho Nhà đầu tư tư nhân và Nhà nước cùng nhận được hiệu quả đầu tư hoặc rủi ro tương ứng tỷ lệ tham gia; Cần thiết kế cơ chế đảm bảo để phù hợp yêu cầu của các tổ chức tín dụng cấp vốn cho dự án theo thông lệ quốc tế; Cần có các cơ chế đảm bảo các yếu tố liên quan đến chủ quyền để hạn chế các rủi ro cho dự án đầu tư, như các vấn đề sở hữu đất đai, sở hữu sử dụng mặt biển, các dự án hạ tầng dùng chung…; Xây dựng cơ chế riêng để khuyến khích nhà đầu tư tham gia tại các dự án hạ tầng, dự án an sinh xã hội.
Để thu hút nhà đầu tư, Chính phủ cần xem xét sửa đổi nâng tỷ lệ vốn Nhà nước (theo quy định tại điều 69 - Luật PPP thì tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án) tham gia dự án PPP cho các mục đích: Hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP; Chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm.
Theo đó, ông Khoa đề xuất điều chỉnh nội dung quy định về việc xem xét của các cơ quan ban ngành khi sử dụng vốn ngân sách thanh toán chia sẻ giảm doanh thu cho doanh nghiệp PPP để tạo động lực khuyến khích nhà đầu tư; Bổ sung quy định lợi nhuận của nhà đầu tư trong thời gian thi công dự án để tính toán các chỉ tiêu tài chính của dự án PPP; Xây dựng quy chế về quản lý ngoại tệ tại dự án PPP để thu hút nhà đầu tư nước ngoài; Bổ sung hướng dẫn chi tiết trong việc lập Tổng mức đầu tư xây dựng, phương pháp xây dựng giá/phí sản phẩm dịch vụ công bảo đảm tính đúng/đủ chi phí đầu tư dự án và lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP; Có hướng dẫn chi tiết trong việc doanh nghiệp dự án PPP phát hành trái phiếu dự án; Ban hành quy định về mẫu hợp đồng thực hiện dự án PPP phù hợp với thông lệ quốc tế để thu hút nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài; Bổ sung các văn bản hướng dẫn chi tiết để doanh nghiệp PPP trong việc lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án, quản lý chi phí dự án.
Về các dự án Hạ tầng đô thị, hiện nay, cơ chế đầu tư PPP theo hình thức BT đã chấm dứt do những lo ngại về tính không minh bạch trong xác định giá trị đất thanh toán cho dự án hạ tầng. Để khắc phục vấn đề này mà vẫn tạo được nguồn thu từ đất đai cho phát triển hạ tầng, FECON đề xuất cơ chế đầu tư theo hình thức BLT (Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao). Cơ quan có thẩm quyền lập dự án và tổ chức đấu thầu đầu tư dự án, sau đó Nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng rồi ký hợp đồng cho Nhà nước thuê dự án (15-20 năm theo phương án tài chính của dự án). Nhà nước (chính quyền các Thành phố, Bộ ngành) bố trí nguồn để trả tiền thuê dự án bằng cách đấu giá đất, đấu già tài sản công, bán cổ phần doanh nghiệp Nhà nước… hoặc các nguồn thu khác. Mô hình này sẽ tuyệt đối minh bạch với tất cả các bước. Tuy nhiên, Nhà nước cần có cơ chế linh hoạt trong phê duyệt ngân sách chi tiêu công, đặc biệt là ngân sách đầu tư hạ tầng.
Đối với các dự án đường sắt đô thị trọng điểm cần kết hợp với phát triển các khu đô thị xung quanh (mô hình TOD) thay thế cho hình thức BT trước đây. Coi hạ tầng và đô thị là một dự án không tách rời từ đó Nhà đầu tư tư nhân được quyền đầu tư xây dựng, khai thác các đô thị lân cận. Đảm bảo yếu tố đồng bộ về kiến trúc cảnh quan, chức năng sử dụng đất theo quy hoạch và đặc biệt là đảm bảo hiệu quả chung của dự án.
Về các dự án BOT giao thông, ông Khoa cho rằng nên có quy định về nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tham gia vào dự án để Irr ≥12%, hiện tại với các dự án BOT cao tốc đang triển khai, đơn vị tư vấn và các cơ quan quản lý nhà nước đang cố gắng giảm tối đa vốn nhà nước hỗ trợ cho dự án dẫn đến Irr của các dự án thấp (~11%) không hấp dẫn ngân hàng và các tổ chức tín dụng, dẫn đến các nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn vay. Như vậy, để hấp dẫn các nhà đầu tư các dự án PPP giao thông, đề xuất Chính phủ ra chính sách để các địa phương giao mỏ vật liệu xây dựng (đất đắp, đá…) trực tiếp cho các nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp khai thác phục vụ dự án theo quy hoạch.
Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ tháng 1/2021 và nghị định số 35/2021/NĐ-CP về “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư” ngày 29 tháng 3 năm 2021, tuy nhiên chưa đủ sức hấp dẫn để huy động được nguồn lực rất lớn từ các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào đầu tư với lý do: Cơ chế chia sẻ rủi ro không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực BOT đường cao tốc vì không có bảo lãnh doanh thu tối thiếu mà chỉ chia sẻ 50% khi doanh thu giảm dưới 75% so với phương án tài chính và kèm theo nhiều quy định ràng buộc phức tạp; Chưa có cam kết về biến động tỷ giá và chỉ đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ ở mức 30% doanh thu dự án do đó sẽ gây khó khăn trong trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài huy động vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng nước ngoài bằng ngoại tệ.
Ông Khoa kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm đối với các dự án cấp bách quan trọng tạo điều kiện thu hút các Nhà đầu tư có đủ tiềm lực kinh nghiệm tham gia vào các dự án PPP như sau: Hình thành gói tín dụng ưu đãi phù hợp để cung cấp vốn tín dụng cho các dự án đường bộ cao tốc trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đang hạn chế cho vay đối với các dự án BOT, hoặc phát hành trái phiếu công trình có bảo lãnh của chính phủ để huy động vốn cho dự án; Lựa chọn Nhà đầu tư để thực hiện một số dự án quan trọng, có yêu cầu đẩy nhanh tiến độ; trên cơ sở áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư để lựa chọn được các Nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, uy tín, năng lực, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
Về các dự án điện gió ngoài khơi, Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn về điện gió ngoài khơi, khi hiện thực hóa các tiềm năng này chúng ta sẽ cùng một lúc đạt được 3 mục tiêu: đảm bảo an ninh năng lượng Quốc Gia, giảm phát thải do nhiệt điện than gây ra với sự tham gia quan trọng của năng lượng SẠCH, đồng thời đảm bảo góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, suất đầu tư loại điện gió ngoài khơi còn khá cao so với các loại hình năng lượng khác như nhiệt điện than, điện khí, điện gió và điện mặt trời trên bờ, vì vậy cần có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước theo hình thức đối tác công tư.
Do vậy, cần có cơ chế hỗ trợ chi phí đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi, hoặc xây dựng cơ chế trợ giá cho EVN trong việc mua điện từ nguồn điện gió này. Đề nghị Chính phủ áp dụng cơ chế chỉ định Nhà đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi để đảm bảo các NĐT trong nước và các nước G7 đủ năng lực tham gia đầu tư. Ngành công thương cần có chiến lược phát triển chuỗi cung ứng cho mảng dự án chiến lược này để tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành đầu tư.
Về lựa chọn chủ đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở thương mại, theo Nghị Định 30/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021 đối với trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng và có đủ các điều kiện làm chủ đầu tư dự án quy định tại Điều 21 của Luật Nhà ở 2014, pháp luật kinh doanh bất động sản, pháp luật có liên quan thì trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời xác định nhà đầu tư đó là chủ đầu tư dự án. Tuy vậy, không tìm thấy quy định hay biểu mẫu của quyết định chủ trương đầu tư trong đó ghi nhận nhà đầu tư đồng thời làm chủ đầu tư, khi nhà đầu tư đã có đủ các điều kiện đã nêu. Do đó, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét thống nhất quy định/hướng dẫn về xác định nhà đầu tư đồng thời là chủ đầu tư khi ban hành quyết định chủ trương đầu tư.
Chia sẻ về các vướng mắc thực hiện hồ sơ công nhận chủ đầu tư trong trường hợp liên danh nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại qua hình thức đấu thầu, ông Khoa đề xuất nhà đầu tư có thể nộp các quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư để làm tài liệu chứng minh quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.
Ngoài ra, ông Khoa cũng đề xuất Cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định cụ thể để hướng dẫn đối với trường hợp xác định 20% diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có nhiều dự án thành phần.
Khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại vào xây dựng công trình
Kiến nghị cần có cơ chế đột phá cho các dự án xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước, được ứng dụng công nghệ, giải pháp thi công xây dựng hiện đại, nếu chứng minh được có hiệu quả về kinh tế, tiến độ và chất lượng bền vững thì các dự án này không cần có định mức, thay vào đó là quản lý bằng tổng mức đầu tư.
Đối với công nghệ thi công xây dựng hiện đại có thể ứng dụng trong các dự án mang tính chất đặc biệt, hoặc cấp thiết thì có thể áp dụng định mức và đơn giá của nước ngoài.
Bỏ phương pháp quản lý xây dựng bằng định mức đơn giá
Quy định về định mức đơn giá đang được Bộ Xây dựng chủ trì thiết lập và áp dụng nhiều năm nay, tuy nhiên đã thể hiện nhiều bất cập trong thực tiễn, ngăn cản quá trình phát triển bởi các công nghệ mới rất khó được áp dụng trong các dự án công trình có sự tham gia vốn của Nhà nước. Bên cạnh đó, chính hệ thống định mức đơn giá gây khó khăn cho Nhà thầu và các chủ đầu tư khi giải trình với các cơ quan thanh tra kiểm toán, mặc dù trước đó dự án đã được đấu thầu cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường.
Đề nghị chỉ áp dụng quy định về định mức đơn giá trong xây dựng tổng mức đầu tư phục vụ phê duyệt ngân sách dự án; Không áp qui định về dụng định mức đơn giá trong quá trình triển khai đầu tư, mà áp dụng theo hình thức hợp đồng trọn gói trên cơ sở ngân sách đã phê duyệt.
Về hoạt động tư vấn thiết kế/giám sát thi công công trình điện
Theo Thông tư số 21/2020/TT-BCT trong đó yêu cầu các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Tư vấn thiết kế và Tư vấn giám sát thi công công trình điện lực phải xin Giấy phép hoạt động điện lực.
Với các đơn vị tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát thi công công trình thông thường, các đơn vị này đã phải có Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hoặc Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
Như vậy, cùng một công việc nhưng nhà thầu hoạt động Tư vấn thiết kế/Tư vấn giám sát thi công các công trình điện (như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, nhiệt điện, đường dây và trạm biến áp) phải xin cấp hai loại giấy phép. Thủ tục xin cấp phép của hai loại giấy phép này là tương tự nhau (gồm bằng cấp, chứng chỉ, tài liệu chứng minh…).
Vì vậy, đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị với Chính phủ xem yêu cầu Nhà thầu hoạt động Tư vấn thiết kế/Tư vấn giám sát thi công các công trình điện chỉ cần có một trong hai loại giấy phép nêu trên là hợp lệ.
Chi phí phát triển dự án không được tính là chi phí hợp lý của doanh nghiệp
Đối với các doanh nghiệp xây lắp, để tiến hành đấu thầu dự án phải bỏ ra chi phí để tìm kiếm, tiếp cận và đánh giá dự án đó như chi phí khảo sát, chi phí tư vấn, chi phí thiết kế để lên bài thầu, chi phí bảo lãnh dự thầu, có khi tham gia đấu thầu 3 dự án chỉ trúng 1 dự án nhưng chi phí phát triển dự án của 2 dự án không trúng thầu không được tính là chi phí hợp lệ của doanh nghiệp, điều này rất không thực tế với hoạt động các doanh nghiệp xây dựng và đầu tư… Hiện tại, FECON đều hạch toán vào chi phí bán hàng (tài khoản 641). Tuy nhiên, theo quy định tại điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC thì chi phí này đều không được đưa vào chi phí khi xác định thuế TNDN (Do khoản chi phát sinh không liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra doanh thu, thu nhập của doanh nghiệp).
Ông Khoa nhấn mạnh: “Vì đặc thù của doanh nghiệp xây lắp để đấu thầu, chào giá dự án thì phải bỏ ra những chi phí ban đầu để tiếp cận dự án, dự án có thể trúng thầu, có thể không trúng thầu nhưng đó là chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra thực tế và liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trên thực tại, chi phí để tìm kiếm, phát triển dự án của doanh nghiệp là phát sinh hàng năm và chiếm tỷ trọng không hề nhỏ trong chi phí bán hàng. Nếu theo luật hiện hành, chi phí của những dự án không trúng thầu bị loại là 1 tổn thất không hề nhỏ của doanh nghiêp. Kính đề nghị các cơ quan chức năng xem xét để cho các doanh nghiệp được hạch toán chi phí hợp lý, hợp lệ”.
✡✡✡✡✡