Đây là công trình truyền tải điện có vai trò đặc biệt quan trọng để nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc - Trung, giúp bổ sung công suất cho miền Bắc, giảm tải cho các đường dây 500kV hiện hữu. Đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối đi vào vận hành đến nay, đã có đóng góp và giữ vai trò quan trọng cho hệ thống điện quốc gia.

 

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhắc đến bài học nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và phải tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc về mặt thể chế; với tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, làm việc quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và tăng cường kiểm tra giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

 

 

 

“Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; để thực hiện thắng lợi 2 mục tiêu trăm năm của dân tộc, trong giai đoạn tới nước ta phải tăng trưởng đột phá về kinh tế với mức hai con số. Đây là một thách thức rất lớn của ngành điện, bởi cứ 1% tăng trưởng của GDP, ngành điện tăng trưởng gấp 1,5 lần”, Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định ngành điện trong phải đột phá, phải có những công trình thế kỷ, có tính chất xoay chuyển tình thế, với mục tiêu cao nhất “dứt khoát không thể để thiếu điện”.

 

 

Đây là không chỉ là công trình động lực, tính biểu tượng, tạo ra sức bật cho nền kinh tế, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mà còn tạo ra thị trường xây dựng, vật liệu, cơ khí lên tới 33,5 tỷ USD.

 

Hiện thế và lực của đất nước cho phép triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tinh thần tự lực, tự cường theo phương châm “thủ tục rút gọn, thi công rút ngắn”.

 

Nếu tính cả việc nâng cấp tuyến đường sắt Thống Nhất; xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, Campuchia; đầu tư mới 580 km đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM… với tổng vốn đầu tư lên tới gần 150 tỷ USD chắc chắn sẽ đưa giai đoạn 2025 - 2035 trở thành “thập kỷ” của đường sắt, nối tiếp thời kỳ bùng nổ về phát triển đường bộ cao tốc được khởi phát từ năm 2020 tới nay.

 

 

Tại TP.HCM, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức đưa vào khai thác vận hành  từ ngày 22/12. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển mình của TP.HCM trong việc phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại.

 

Cũng tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Chính phủ chính thức trình Quốc hội tiếp tục chủ trương đầu tư với mục tiêu góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng "0" năm 2050.

 

 

Dự án hạ tầng chiến lược về năng lượng này khi hoàn thành sẽ là một trong những nguồn cung cấp điện ổn định cho tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và hàng chục tuyến đường sắt đô thị khác trong tương lai.

 

Cũng trong năm 2024, hưởng ứng phong trào thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”, với tinh thần chỉ bàn làm không bàn lùi, Bộ Giao thông – Vận tải đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 8 dự án, nhiều vướng mắc, khó khăn phức tạp đã được tập trung xử lý, tháo gỡ như giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu phục vụ các dự án, nhất là khu vực phía Nam.

 

 

Đến nay, tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng. Tính đến cuối tháng 12/2024, tổng số km đường cao tốc cả nước đến nay lên đến 2.021 km. Mục tiêu có được 3.000 km vào năm 2025 đang được thúc đẩy quyết liệt.

 

 

Các dự án Astral City (Bình Dương), HaNoi Melody Residences (Hà Nội), QMS Top Tower (Hà Nội), The Summit Building (Hà Nội), khu đô thị E.City Tân Đức (Long An)... có tên trong danh sách các dự án được tháo gỡ, sẽ trở lại thị trường.

 

Đây là các dự án đắp chiếu nhiều năm, khi tái khởi động nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời và hiệu quả của Tổ công tác của Chính phủ, từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản hồi phục cùng với mặt bằng mới giá mới ở mức cao.

 

 

Năm 2024 cũng là năm 3 luật về bất động sản (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản) được ban hành và có hiệu lực sớm.

 

Đây là một quyết sách thể hiện sự quyết tâm và mang tầm vóc của một “đòn bẩy chiến lược” có nhiều nội dung chính sách mới mang tính đột phá, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

 

 

Ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây Dựng Việt Nam (CB) cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

 

Sau khi được chuyển giao bắt buộc, CB và OceanBank sẽ là các ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ.

 

 

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, việc chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đánh dấu một giai đoạn chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan. Ngân hàng Nhà nước cho biết, 1 ngân hàng 0 đồng còn lại (GPBank) và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt Dong A Bank sẽ được chuyển giao cho trong thời gian sớm nhất.

 

Cùng trong ngành ngân hàng, năm 2024, lần đầu có tham gia của nhóm Big 4 ngân hàng vào việc bình ổn thị trường vàng.

 

Nửa đầu năm 2024, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới có lúc lên tới 18 triệu đồng/lượng, người dân đổ xô đi mua vàng gây tâm lý hoang mang.

 

 

Trước yêu cầu cấp bách, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra loạt giải pháp để ổn định thị trường vàng, nhưng không có hiệu quả. Từ đầu tháng 6/2024, NHNN đưa ra giải pháp chưa từng có tiền lệ: trực tiếp bán vàng cho nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh (Big 4) và Công ty SJC để các doanh nghiệp này bán vàng cho người dân.

 

 

Kết thúc tháng 11/2024, VinFast công bố đã bàn giao hơn 16.000 xe ô tô điện các loại cho khách hàng, nâng tổng số luỹ kế từ đầu năm lên hơn 67.000 chiếc, củng cố vững chắc ngôi vị số 1 thị trường thiết lập từ tháng 10. Khoảng cách giữa VinFast với hãng xe bán chạy số 2 là gần 10.000 xe.

 

Đây là cột mốc đặc biệt của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khi lần đầu tiên, một hãng xe nội địa, thương hiệu non trẻ đã vượt xa mọi đối thủ lâu năm trong ngành, chiếm lĩnh thị phần lớn nhất. Đây cũng là cột mốc đặc biệt của ngành xe điện thế giới khi một hãng xe điện hoàn toàn lấn át các hãng xe xăng để vươn lên vị trí số 1 thị trường liên tiếp.

 

 

Điều này cho thấy thực lực mạnh mẽ của công nghiệp ô tô Việt Nam mà đại diện là VinFast, khẳng định người Việt Nam đã thực sự làm chủ chuỗi công nghiệp ô tô từ khâu nghiên cứu sản phẩm đến sản xuất thành phẩm hoàn thiện ra thị trường. Hiện VinFast đã đạt tỷ lệ nội địa hóa lên tới hơn 60%, dẫn dắt nhiều doanh nghiệp phụ trợ trong nước phát triển quy mô tới cả chục lần chỉ sau 7 năm, và dự kiến sẽ còn tăng tỷ lệ nội địa hóa lên hơn 80% vào năm 2026, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

 

Việc VinFast vươn lên vị trí số 1 thị trường nội địa cũng đánh dấu cột mốc về tâm lý tiêu dùng, khi ngày càng nhiều người Việt thay đổi nhận thức, lựa chọn dòng xe xanh - sạch thân thiện với môi trường làm phương tiện di chuyển hàng ngày.

 

 

Tháng 10/2024 và tháng 12/2024, Viettel và VNPT chính thức thương mại hóa 5G trên toàn quốc. MobiFone đang lên kế hoạch thương mại hóa 5G vào đầu năm 2025.

 

Việc thương mại hóa 5G trên toàn quốc giúp cụ thể hóa mục tiêu phổ cập hạ tầng số quốc gia, thúc đẩy phát triển các ứng dụng số và hệ sinh thái dịch vụ số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.

 

 

Các dự báo cho thấy, đến năm 2030, 5G đem lại cho các nhà mạng Việt Nam doanh thu 1,5 tỷ USD. Năm 2025, 5G có khả năng đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,3- 7,4%. Đồng thời với thương mại hóa 5G, tháng 10/2024, Việt Nam chính thức tắt sóng 2G, đưa 18 triệu thuê bao 2G lên 4G.

 

Thương mại hóa 5G và tắt sóng 2G, đưa 18 triệu thuê bao lên 4G là cột mốc quan trọng để Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu phổ cập 4G- 5G, thúc đẩy kinh tế số và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.

 

 

Ngày 5/12/2024, Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA ký kết thỏa thuận hợp tác về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Sự kiện này được coi là “bước ngoặt lịch sử”, không chỉ thể hiện bước đi chiến lược và hướng phát triển mới của NVIDIA, mà còn là dấu mốc quan trọng để Việt Nam trở thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) AI hàng đầu châu Á, tạo ra những đột phá cho các ngành công nghệ then chốt, đồng thời mở ra cơ hội nghề nghiệp cho đội ngũ nhân tài trong nước.

 

Để thiết lập các hoạt động tại Việt Nam, NVIDIA cũng đã quyết định mua lại VinBrain, một công ty về AI của Vingroup, với mục tiêu phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn tại Việt Nam.

 

 

Trước khi ký thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam, Tập đoàn NVIDIA của tỷ phú Jensen Huang cũng đã ký kết hợp tác với Tập đoàn FPT để thành lập Nhà máy AI Factory với hệ thống siêu máy tính sử dụng GPU H100 dành cho nghiên cứu và phát triển. Khoảng 200 triệu USD sẽ được bỏ ra để triển khai dự án này, với mong muốn biến Việt Nam trở thành trung tâm phát triển AI của thế giới.

 

Trí tuệ nhân tạo được tỷ phú Jensen Huang cho là “cơ hội phi thường cho Việt Nam”. Không chỉ là AI, Việt Nam cũng đang có cơ hội lịch sử để trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang muốn thiết lập cơ sở tại Việt Nam. Để đón đầu cơ hội này, Chính phủ Việt Nam trong năm 2024 đã ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án đào tạo 50.000 nhân lực bán dẫn đến năm 2050.

 

 

Bán dẫn, AI chính là những ngành công nghiệp tiên phong mà Việt Nam đang có nhiều cơ hội để thu hút đầu tư và phát triển. Đây cũng chính là những động lực tăng trưởng mới mà Việt Nam đang muốn thúc đẩy mạnh mẽ, qua đó đưa nền kinh tế tăng tốc, phát triển.

 

 

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện thu được 71,7 tỷ USD xuất khẩu, tăng 25%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 53,9 tỷ USD, tăng 2,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 52,6 tỷ USD, tăng 22%…

 

Ấn tượng hơn cả là ngành nông nghiệp đã về đích với kết quả hơn cả mong đợi với doanh thu gần 63 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023. Đây là con số kỷ lục kể từ khi tham gia xuất khẩu, xuất siêu toàn ngành nông nghiệp 18,6 tỷ USD.

 

 

Doanh nghiệp dệt may thu 44 tỷ USD từ xuất khẩu, tăng 11,26% so với năm 2023. Đây là kết quả ngoạn mục khi chỉ mới năm ngoái, câu chuyện ngành dệt may được nói đến rất nhiều về việc doanh nghiệp Việt bị mất đơn hàng "vào tay" Bangladesh.

 

Tính chung, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hướng tới mốc 800 tỷ USD, tăng 15%, cao gần gấp 2,5 lần so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao là 6%, duy trì vị thế động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

 

 

Vượt qua những khó khăn về giá nhiên liệu bay; quy mô đội tàu bay giảm mạnh từ lệnh triệu hồi động cơ của nhà chế tạo động cơ Pratt&Whitney trên phạm vi toàn cầu, nhưng năm 2024 các hãng hàng không Việt Nam đã có bước tăng trưởng ngoạn mục về kết quả sản xuất, kinh doanh.

 

Trong đó, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) chạm mức doanh thu lên tới 113.577 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước thực hiện 6.264 tỷ đồng, đạt 138,5% kế hoạch năm; nộp ngân sách 2.913 tỷ đồng, đạt 100,4% kế hoạch.

 

 

Hãng hàng không thế hệ mới – Vietjet, ngoài việc tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh ấn tượng còn đạt được sự tăng trưởng ngoạn mục về quy mô đội tàu bay. Tính đến cuối tháng 12/2024, Vietjet đã sở hữu đội tàu bay lên tới 114 chiếc.

 

Bên cạnh các tàu bay mới nhận, Vietjet cũng cho biết dự kiến sẽ thuê ướt ngắn hạn thêm từ 6 đến 10 tàu bay trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 nhằm phục vụ tối đa cho nhu cầu đi lại mùa cao điểm của người dân và du khách, đồng thời cụ thể hóa khát vọng chinh phục các thị trường quốc tế mới.

 

Trong năm 2024, Bamboo Airways chính thức mở lại mạng bay thường lệ quốc tế với đường bay kết nối giữa TP.HCM và Bangkok từ cuối tháng 11/2024 sau một thời gian chỉ khai thác các đường bay nội địa.

 

Bên cạnh đó, việc Tập đoàn T&T chính thức trở thành cổ đông chiến lược tại Vietravel Airlines không chỉ góp phần giúp hãng bay này từng bước vượt qua khó khăn, mà còn cho thấy những tín hiệu tích cực cho ngành hàng không Việt Nam năm 2025.

 

 

Yeah1 và DatViet VAC Group Holdings - các nhà sản xuất của Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh Trai 'Say Hi' đã không chỉ hưởng lợi lớn từ sự thành công của chương trình âm nhạc thực tế này, mà còn góp phần thay đổi nền công nghiệp giải trí và sáng tạo nội dung Việt Nam trong năm 2024.

 

Với hơn 15 tỷ lượt xem trên các nền tảng và liên tục chinh phục tất cả các bảng xếp hạng từ YouTube Trending, Spotify, iTunes cho đến các bảng xếp hạng xu hướng được thảo luận nhiều trên mạng xã hội liên tục từ tháng 6/2024 cho đến hiện nay dù chương trình đã kết thúc. Chương trình tác động lớn đến giới trẻ, ủng hộ các nghệ sĩ trẻ tài năng Việt Nam, chia sẻ tinh thần tích cực được coi là bản sắc của show. Trên hết là việc định hình về một thế hệ nghệ sĩ chân chính trẻ lao động hăng say để đạt được thành công trong cuộc sống.

 

 

 

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, nhiều đại biểu cũng nhắc đến 2 sự kiện này.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị và cũng gợi ý đến việc cần nhân rộng 2 concert này, khẳng định Việt Nam đủ tầm, đủ sự thông minh, sáng tạo để phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…

 

 

Bình luận bài viết này
  • Ngọc Hà 15:27 | 30-12-2024
    MỘt năm với nhiều sự kiện dấu ấn, dù khó khăn nhưng tựu chung lại chúng ta đã vượt qua khó khăn và đạt kết quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Sự kiện ấn tượng nhất với tôi chính là thương hiệu Vinfast vươn lên top 1 thị trường cho thấy nội lực doanh nghiệp nội đã tạo ra sản phẩm chất lượng và tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
  • Hà Linh 15:34 | 30-12-2024
    Năm nay thật là năm nhiều sự kiện lớn. Việt Nam phải đối mặt với quá nhiều biến động, vậy mà chúng ta đạt được rất nhiều thành tựu, tăng trưởng kinh tế vượt bậc, có nhiều kỳ tích điển hình như việc VinFast - hãng xe Việt lên số 1 thị trường - điều mà những người yêu xe Việt đã mong mỏi bấy lâu. Tôi mong rằng trong năm tới sẽ có thêm nhiều kỳ tích như vậy, tiếp tục đưa Việt Nam trở thành "con rồng Đông Nam Á" tiếp theo.
  • Hoàng Anh 16:20 | 30-12-2024
    Ấn tượng nhất là sự vươn lên của Vinfast, quá là tự hào
BÁO ĐẦU TƯ 30/12/2024 09:09