✡✡✡✡✡
Nhìn lại chiến thắng của cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden trong những tuần qua, cuộc đua “song mã” giữa Biden và thượng nghị sĩ Bernie Sanders để trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ giờ ra sao, thưa ông?
Trong 4 tuần vừa qua, từ chiến thắng khởi đầu tại bang South Carolina, Siêu Thứ Ba, Mini Siêu Thứ Ba và chiến thắng tại 3 bang hôm 17/3 cho thấy con đường ông Biden trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ rõ ràng không thể đảo ngược.
Tại sao? Thứ nhất, sau chiến thắng hôm 17/3 của Biden có đến 60% đại biểu ở các bang đã được phân chia. Hai là, số đại biểu ủng hộ Biden đã đạt gần 1.200, nhưng quan trọng hơn, Biden đã nhân đôi cách biệt với Sanders lên hơn 300 phiếu.
Theo tính toán, với hơn một nửa số đại biểu đã được phân chia thì chặng đua còn lại, nếu Sanders muốn số phiếu ngang ngửa với Biden thì thượng nghị sĩ bang Vermont buộc phải thắng ở các bang còn lại với tỷ lệ phiếu gần 60%. Đây là điều hầu như không thể với Sanders.
Điều thứ ba, soi vào cấu trúc cử tri của đảng Dân chủ, thì với Sanders, vị thượng nghị sĩ này từ đầu mùa tranh cử cho đến nay, vẫn chủ yếu dựa vào nhóm những người cấp tiến, nhất là giới trẻ. Nhưng, tiếp đó, Sanders vẫn không thể mở rộng được cơ sở cử tri của mình. Trong khi đó, Biden, đã lấy lại được đà và thắng lớn qua các cuộc bầu sơ bộ ở Siêu Thứ Ba, Mini Siêu Thứ Ba và cả hôm 17/3 vừa qua. Ngoài ra, Biden còn mở rộng hơn nữa cả diện và cấu trúc cử tri của mình trong lòng đảng Dân chủ, từ đó có thể nhân rộng ra toàn quốc.
Nếu nhìn lại các bang đã bầu cử sơ bộ, lực lượng ủng hộ chủ chốt của Biden có độ phổ quát rộng, bao gồm những người dòng chính của đảng Dân chủ, những người có tuổi, phụ nữ, rồi nhất là người Mỹ gốc Phi - đây là cơ sở cử tri rất cốt yếu của đảng Dân chủ lâu nay.
Do đó, việc Biden dẫn Sanders với khoảng cách đại biểu lớn như vậy, nếu chỉ xét về số học, thì cánh cửa để Sanders lật ngược tình thế là hầu như đã không còn. Mặt khác, cũng quan trọng không kém, đó là, cứ qua các cuộc bầu cử sơ bộ, thì Biden lại càng mở rộng được cơ sở cử tri cho mình. Vì vậy, người ta tin hơn vào khả năng Biden trong đương đầu với ứng viên của đảng Cộng hòa là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
Cánh cửa Sanders trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ là mong manh, vậy điều gì ẩn chứa phía sau khi Sanders thừa nhận dưới cơ, nhưng ông vẫn quyết bám đường đua với Biden?
Nói về Sanders, cần nhìn lại cả chặng đường dài. Đây là lần thứ 2 Sanders ra tranh cử và đều tạo ra những chấn động trong lòng đảng Dân chủ. Ở mùa bầu cử 2015 - 2016 và mùa bầu cử này, Sanders đã đưa ra những khẩu hiệu cấp tiến với hàm ý một “cuộc cách mạng”, muốn cải cách những gì cho rằng chính trị dòng chính đã không làm được.
Dù không còn cửa trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, Sanders vẫn đề cao chủ thuyết và niềm tin về “cuộc cách mạng” và các lý tưởng vốn đã cuốn hút được nhiều cử tri Mỹ.
Hàm ý thứ nhất là những dòng chính của nước Mỹ nói chung và đảng Dân chủ đã không tạo ra được sự bình đẳng trong lòng nước Mỹ. Ở hàm ý thứ hai, cơ hội và thành quả phát triển của nước Mỹ đã không chia đều với mọi thành phần, nhất là lực lượng trẻ, làm cho họ tụt hậu, không vào được đại học và không có cơ phấn đấu vươn lên. Sanders muốn đại diện cho tiếng nói của những người này.
Cũng giống mùa bầu cử trước, lần này Sanders đã tạo được sự hưng phấn khi có hàng triệu người Mỹ đi theo, ủng hộ và đã tạo ra những nhóm quan điểm khác nhau và có thế lực nhất định trong lòng đảng Dân chủ. Đó là chỗ dựa cho Sanders.
Sanders không còn dẫn trước Biden như lúc đầu cuộc đua “song mã” và hiện đã thất thế. Dù nay khó còn cửa thắng, chiến dịch tranh cử vẫn để lại những hàm ý đáng lưu ý. Một là, Sanders với những khẩu hiệu cấp tiến và số ủng hộ của mình, đã buộc đảng Dân chủ và Biden không thể không chú ý tới những nhóm người ủng hộ Sanders. Tại sao? Những nhóm này là tiếng nói của hàng triệu người, nhất là của giới trẻ, của những người không có cơ hội vươn lên trong lòng nước Mỹ.
Chưa bàn chuyện thắng thua, nhưng muốn đủ sức đương đầu với Tổng thống Donald Trump, thì ứng viên của đảng Dân chủ chắc chắn phải tranh thủ nhóm cử tri này, tranh thủ tối đa các lực lượng trong lòng đảng mình.
Đó là điều mà đảng Dân chủ và Biden phải chú ý. Trong các phát biểu gần đây, Biden đã có những điều chỉnh nhất định, kể cả về một số vấn đề được coi là cấp tiến, vốn không phải truyền thống của mình cũng như của dòng chính trong đảng Dân chủ. Phát biểu sau thắng lợi tại bầu cử sơ bộ hôm 17/3, Biden đã thể hiện rõ việc tranh thủ lớp trẻ, bằng thông điệp: “Tôi lắng nghe các bạn”. Đó chính là muốn giành sự ủng hộ của lực lượng ủng hộ Sanders sau này.
Còn trong tranh luận ngày 15/3 với Sanders, Biden cũng đã điều chỉnh, có cách tiếp cận phù hợp với các vấn đề như giáo dục miễn phí (vấn đề cấp tiến được Sanders nêu ra), hỗ trợ phá sản của doanh nghiệp nhỏ và vừa (quan điểm cấp tiến được ứng viên Elizabeth Warren đưa ra trước đó).
Có ba kịch bản có thể đặt ra từ đối với những nhóm người ủng hộ Sanders. Một là, Biden có thể tranh thủ được một phần nhóm cử tri này. Hai là, tranh thủ nhưng phải cho họ niềm tin, để đến ngày bầu cử, thì họ thực sự đi bỏ phiếu. Ba là, nếu làm họ thất vọng, bất bình (như trước việc các ứng viên cấp tiến Warren hay Sanders bị thất thế), họ không những chỉ tẩy chay, mà còn có thể nổi giận và quay sang ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa.
Điều này lại dẫn tới câu hỏi vậy Sanders sẽ xử lý ra sao khi không được đề cử. Muốn gì Sanders cũng phải trang trải, đáp lại số người đã ủng hộ mình.
Do vậy, dù không còn cửa trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, Sanders vẫn phải đề cao chủ thuyết và niềm tin về “cuộc cách mạng” và các lý tưởng vốn đã cuốn hút được nhiều người, cảm ơn và tiếp tục nuôi niềm tin đó của những người ủng hộ và trong lòng nước Mỹ.
Vậy Sanders tính chuyện cuộc đua dài ngắn ra sao sẽ phụ thuộc chính vào điều đó, có thể rời cuộc chơi, nhưng vẫn tiếp tục dương ngọn cờ cải cách. Còn Biden và đảng Dân chủ, dù ở thế thắng, nhưng chắc chắc sẽ không nóng vội hay thúc ép Sanders. Sanders rút chỉ còn là vấn đề thời gian và sớm hay muộn, có lẽ một phần sẽ phụ thuộc vào việc đảng Dân chủ lắng nghe ý kiến của cá nhân ông và giới trẻ đến đâu.
Biden có tỏ ý chọn người đồng hành tranh cử là nữ giới. Ông có bình luận gì về điều này?
Chọn liên danh Phó tổng thống luôn là điều quan trọng. Đó là cặp đôi, không chỉ làm việc được với nhau, mà quan trọng hơn, còn là sự bổ sung, để có thể nhân lên thanh thế và tranh thủ được cử tri để giành thắng lợi trong bầu cử. Đó là cái lớn nhất.
Phát biểu tranh luận hôm 15/3 của Biden đã có hàm ý rõ ràng hơn về khả năng lựa chọn một nữ ứng cử viên để liên danh Phó tổng thống trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Nữ giới là bộ phận cử tri rất quan trọng, họ có lực lượng và tiếng nói trong chính trị nước Mỹ, đặc biệt trong chính trị đảng Dân chủ. Nhưng như trên nêu, điều này phụ thuộc vào nhiều cân nhắc khác nhau, từ giới tính, chủng tộc, đến độ tuổi, tính cách, và các hồ sơ khác, bao gồm cả về quan điểm chính sách.
Ai và con người cụ thể nào sẽ đáp ứng các điều đó, nhất là nhân lên được phiếu ủng hộ trong cuộc đối đầu với đảng Cộng hòa vào tháng 11/2020. Muốn vậy, cặp đôi này cũng phải tạo được sự hưng phấn để cử tri đi bầu và tranh thủ rộng rãi số phiếu ủng hộ.
Cho nên, không phải lúc nào ứng cử viên tổng thống cũng chọn người giống mình để đồng hành, mà hướng đến người bổ khuyết cho mình để mở rộng cơ sở cử tri. Đã có nhiều ví dụ trước đây. Câu chuyện già trẻ giữa Tổng thống và Phó tổng thống thì Barack Obama - Joe Biden cũng là một cách chọn bộ đôi. Hay trường hợp Trump-Pence là giữa một chính trị gia chính thống và một chính trị gia lão luyện trên chính trường Mỹ. Còn cặp Bin Clinton - Al Gore lại là bộ đôi rất trẻ tuổi thời đó.
Tùy từng thời điểm để ứng viên tổng thống cân nhắc và lựa chọn người đồng hành tranh cử. Vào lúc này và với Biden, đã ở tuổi 76, thì cùng với giới tính, vì phụ nữ rõ ràng là đại diện quan trọng, có thể có thêm hai yếu tố cần chú ý hơn lúc này: vấn đề chủng tộc (da màu) và yếu tố độ tuổi (trẻ hơn) là những điều rất cần cân nhắc. Biết đâu có ai đó đạt đủ những điều kiện đó và là nữ. Mọi thứ chắc chắn sẽ được cân nhắc, cái chính là làm sao tốt hơn cho cuộc đối đầu sắp tới với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
Nhìn lại mùa bầu cử năm 2015 - 2016, Donald Trump đã thắng trong cuộc đua với Hillary Clinton, trong đó quan trọng là nhờ đã lấy được nhiều cử tri Rust Belt (“vùng gỉ sắt”). Phải chăng mùa bầu cử năm nay sẽ lại là cuộc đua giữa một bên là Trump tiếp tục nhắm vào cử tri “vùng gỉ sắt” và bên kia đảng Dân chủ sẽ “phục thù” và lấy lại cử tri vốn thuộc về mình?
Lâu nay, điều trước hết với cử tri vẫn là lợi ích sát sườn của họ. Kinh tế, kéo theo là công ăn việc làm, phúc lợi, luôn là cái cốt lõi. Hai đảng (Cộng hòa và Dân chủ) cũng có những lực lượng và chủ thuyết chủ chốt của mình. Như đảng Cộng hòa, họ chú trọng các chính sách thúc đẩy các tập đoàn lớn của họ, giảm thuế để đẩy doanh nghiệp, kinh tế Mỹ phát triển thì các cá nhân cũng được lợi, thu nhập của các gia đình cũng tốt hơn.
Còn đảng Dân chủ lại nhằm vào giới bình dân và xã hội, tức là tăng phúc lợi, các giá trị dân chủ, nhưng muốn tăng phúc lợi, thì phải có nguồn và do đó, sẽ buộc phải tăng thuế đánh vào doanh nghiệp lớn, nhà giàu. Tạm đơn giản hoá là như vậy.
Cuộc đua lần này sẽ chịu tác động của những cái đó. Nhưng, nước Mỹ hiện nay cũng đã có nhiều cái khác. Trong lòng nước Mỹ đã có sự phân hóa trước sự phát triển mạnh mẽ của đất nước và có những bộ phận người dân không còn là cử tri truyền thống của mỗi đảng một cách mặc nhiên như trước.
Trước đây, bàn cờ bầu cử nước Mỹ được chia thành 3 khu vực: Thông lệ, dùng màu đỏ để chỉ các bang thuộc đảng Cộng hòa, màu xanh là của đảng Dân chủ, số còn lại là các khu vực cử tri dao động (có thể là màu gì cũng được, thậm chí có thể đùa là trắng hay vàng gì đó). Có mấy thứ cần chú ý ở đây.
Trước hết, theo truyền thống, mỗi đảng sẽ cố giữ các bang vốn ủng hộ mình và tìm cách nhân lên, bằng việc tác động vào các bang lừng chừng, dao động (swing states), để giành thêm phiếu bầu.
Nhưng, cuộc bầu cử 2016 và Trump thắng cử đã cho thấy một nước Mỹ khác, trong đó phân tuyến cử tri cũng khác trước. Đó chính là sự phân hoá và chia rẽ trong lòng cử tri vốn là của mỗi đảng, xuyên qua các bang vốn lâu nay đã có màu xanh-đỏ rõ ràng.
Tức là, trong mỗi một khu vực hoặc xanh hoặc đỏ, đã có những bộ phận cử tri bị mất đi quyền lợi và phúc lợi của mình, hoặc do chính sách của mỗi đảng hoặc do sự chuyển hóa cơ cấu về kinh tế và phát triển của nước Mỹ mà bị thiệt thòi.
Mùa bầu cử năm 2016, ông Trump đã đánh vào những chỗ đó. Đó là bài học của Dân chủ. Nhìn lại khu vực “vành đai gỉ sắt”, đó là nơi vốn rất thịnh vượng với cơ sở là công nghiệp chế tạo, cơ khí. Khi nước Mỹ phát triển lên, cơ cấu kinh tế chuyển sang dựa vào công nghệ, dịch vụ và tự động hóa (còn chế tạo thì chuyển ra bên ngoài) - Đó là sự phân công, sắp xếp tự nhiên lại chuỗi cung ứng, cả nền kinh tế Mỹ cũng được lợi hơn. Nhưng điều này đã khiến những người dân sống dựa vào công nghiệp chế tạo mất việc làm, từ đó mất vị trí xã hội, nên kéo theo nhiều bất bình.
Trump đã thành công khi đánh trúng vào những điểm này và đã “xuyên thủng” cả những bang vốn trước đây thiên về màu xanh của phe Dân chủ, hay lừng chừng trắng vàng gì đó.
Một điểm khác nữa, đó là nước Mỹ vốn phân hoá, thì từ khi Trump nắm quyền, lại càng chia rẽ hơn. Không chỉ hai bên có những quan điểm, chính sách rất khác nhau, mà từ đầu nhiệm kỳ của Trump từ năm 2017 đến nay, đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà rất ít khi có các dự luật chung tại Quốc hội. Đó là chưa kể đến những mâu thuẫn sâu sắc của Dân chủ với những chính sách cực đoan dân tuý của Trump, và đỉnh cao là cuộc luận tội Tổng thống vừa rồi. Cái đó càng làm tăng thêm chia rẽ trong cử tri Mỹ.
Nhìn vào tỷ lệ ủng hộ, vừa qua, Tổng thống Trump luôn giữ vững tỷ lệ cử tri nòng cốt ủng hộ mình, ổn định ở mức 38-40%. Cùng với kinh tế và dân tuý, con số đó có lúc còn cao hơn, như kết quả thăm dò dư luận sau kết luận điều tra luận tội ông Trump cho thấy tỷ lệ này còn tăng lên 49-50%.
Kinh tế phát triển luôn tạo ra thế mạnh cho ông Trump. Vừa qua, đà tăng trưởng của nước Mỹ được duy trì tốt dù xung quanh có nhiều bất ổn. Tuy không đạt tăng 3-4% như Trump hứa, nhưng kinh tế Mỹ đã đạt mức tăng trưởng khá cao (quanh mức 2,9%). Trước đại dịch Covid-19, các chỉ số mà Tổng thống Trump thường dựa vào, đều tốt, đó là: chỉ số tăng trưởng, sức mạnh thị trường chứng khoán và chỉ số ủng hộ ông. Và dù nước Mỹ bị phân hóa, nhưng ông Trump luôn giữ được và củng cố bộ phận cử tri nòng cốt ủng hộ mình.
Do vậy, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cơ tranh cử tổng thống của ông Trump trong mùa bầu cử này là rất lớn và đó cũng chính là thách thức mà đảng Dân chủ phải đối diện.
Câu hỏi đặt ra là đảng Dân chủ phải tranh thủ cử tri ra sao, liệu có cách gì đảo thế cờ khi mà các đánh giá trước thời điểm dịch bệnh, đều cho thấy, nếu không nói cuộc đấu giữa hai bên là ngang ngửa, thì phần lợi thế dường như vẫn thuộc về phe Cộng hòa, thuộc về Trump nhiều hơn.
Không những thế, trong lịch sử nước Mỹ, khi kinh tế tốt, đa phần các tổng thống đương nhiệm đều tái cử nhiệm kỳ thứ 2, trừ khi xảy ra bất ổn trong nước, đặc biệt về kinh tế. Chẳng hạn, Tổng thống Mỹ George Herbert Walker Bush, thế đối ngoại rất cao, khi đánh Iraq và tạo thế một cực, nhưng đã không thành, chính vì khó khăn kinh tế trong nước nên chỉ có một nhiệm kỳ tổng thống.
Trở lại với bầu cử Mỹ năm 2020, giữa lúc kinh tế Mỹ đang phát triển, tạo cửa lớn cho Trump trong cuộc bầu cử. Nhưng nước Mỹ bỗng đứng trước tác nhân bất ngờ - dịch Covid-19. Tác nhân này đang làm đảo lộn cuộc sống người dân và gây xáo trộn lớn với kinh tế Mỹ.
Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng, vì là đương quyền, nên Tổng thống Trump có cơ hội và rủi ro. Ông Trump có chủ động đưa ra các gói giải pháp, vừa nhanh chóng kiểm soát dịch, kịp thời hỗ trợ người dân, vừa phát triển kinh tế dài hạn hơn. Nếu “biến nguy thành cơ”, thì đây sẽ là thành công vang dội và tạo cơ hội rất lớn cho Trump.
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp như đang xảy ra, thì rủi ro cho ông Trump cũng là rất lớn. Trước hết, kinh tế và các chỉ số vốn tạo thế cho Trump, giờ đang bị lung lay trước tác động của đại dịch, khi sản xuất, kinh doanh ngừng trệ, người lao động nghỉ việc, an sinh xã hội bị ảnh hưởng. Là Tổng thống đương nhiệm, nên ông Trump sẽ phải hứng chịu soi xét của dư luận trong câu chuyện chống dịch và kích thích nền kinh tế.
Mặt khác, khi ông Trump có số ủng hộ 40-45%, cũng đồng nghĩa với việc nước Mỹ phân hoá và còn những cử tri lừng chừng. Đó sẽ là những điều mà Dân chủ có thể tận dụng trong cuộc đấu với Trump.
Với phe Dân chủ mà cụ thể là Biden, câu hỏi đặt ra là làm sao vừa phải đoàn kết, huy động được những người ủng hộ mình, gồm cả bộ phận cấp tiến trong đảng, mà còn cả các bang dao động (swing states) và những cử tri lừng chừng khác nói chung, để tạo thêm sức mạnh và thế mới trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Trong khi đó, cũng phải đối chiếu xem Trump đã đem lại được gì cho các khu vực cử tri sau ba năm cầm quyền vừa qua. Ví dụ, Rust Belt (“vùng gỉ sắt”) vốn là khu vực đã chứng kiến sự suy giảm công nghiệp chế tạo, người dân ở đây phát triển nhờ ngành công nghiệp này, nhưng nay không còn, thậm chí mất việc. Điều này là do cơ cấu kinh tế nước Mỹ thay đổi, nên vừa qua, Trump chưa hẳn đã đem lại lợi ích cho cử tri ở đây như đã hứa, những người vốn đã ủng hộ Trump vào năm 2016.
Trump đã qua ba năm làm Tổng thống, còn Biden cũng từng là Phó Tổng thống, một chính trị gia lão luyện. Con người và chủ trương chính sách của hai bên, không còn xa lạ với cử tri. Với phe Dân chủ mà cụ thể là Biden, câu hỏi đặt ra là làm sao vừa phải đoàn kết, huy động được những người ủng hộ mình, gồm cả bộ phận cấp tiến trong đảng, mà còn cả các bang dao động (swing states) và những cử tri lừng chừng khác nói chung, thì sẽ tạo thêm sức mạnh và thế mới trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Vậy hãy đợi xem với miếng bánh quan trọng nêu trên, liệu đảng Dân chủ có giành lại được không. Đây mới là câu chuyện quan trọng, nhất là khi dịch Covid-19 đang tác động khó lường tới mọi mặt của nước Mỹ, làm thay đổi ý kiến của cử tri và qua đó tác động tới mùa bầu cử này.
Khi Biden trở thành ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ. Cuộc đối đầu Trump - Biden sẽ thú vị ra sao, thưa ông?
Khi mà hai ứng viên được chính thức lựa chọn và từ đó đến lúc bầu cử, mọi thứ trong cuộc đời, chính sách, sự nghiệp chính trị và đời tư… của họ đều có thể bị soi xét, “tung” lên báo. Vì cả hai nhân vật đều không mới, nên khó có gì bí mật đột biến xảy ra. Người ta đã soi nhiều rồi, cả với Biden và với Trump như trong vụ luận tội Tổng thống vừa qua.
Nhưng cả hai vẫn phải chú ý, vì lịch sử bầu cử Mỹ cho thấy đôi khi chỉ một sơ xuất nhỏ cũng có thể thành chuyện chính trị. Riêng ông Trump thì gái góc lắm, vừa qua bao nhiêu chuyện, có cả “tì vết” nhưng cũng vẫn “không sao”.
Quay lại cuộc đua Trump - Biden, nếu trước kia người ta chưa biết Trump thì giờ cũng không lạ gì ông, tốt xấu đều có. Còn Biden đã là Phó Tổng thống, từng ra tranh cử lần đầu từ năm 1988 nên hơn 30 năm qua, người ta cũng đã quá biết Biden.
Về tầm chính sách, đây sẽ là cuộc đối đầu giữa đại diện rất khác biệt của hai đảng, giữa một Trump quyết đoán, dám làm những việc lạ, trực diện và gây sốc, với một Biden lão luyện chính trị, vừa theo tư tưởng chính thống của Dân chủ, nhưng cũng rất thực tế và thời cuộc, biết sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp để tiếp cận người dân.
Trump đã có cách riêng của mình tạo ra sự hưng phấn cho bộ phận lớn cử tri (tỷ lệ ủng hộ có lúc lên tới 50%), chắc Trump sẽ không thay đổi cách tiếp cận đó. Còn Biden vốn là chính trị gia lão luyện và chắc chắn, nhưng dường như đang thiếu một chút đột phá và tạo sự hưng phấn và sự hấp dẫn. Chắc chắn sẽ thú vị nếu Biden dám tính đến đột phá và tạo sự hưng phấn như vậy.
Trump - Biden là hai đối cực - một bên là Trump quả quyết, dám đột phá, gây sốc và không ngần ngại chỉ trích người khác, còn bên kia là Biden lão luyện, tưởng là ôn hoà, còn thiếu độ đột phá, nhưng cũng lại là người dám chơi rắn.
Với cử tri, mùa bầu cử thì việc quan trọng nhất là “nồi cơm”, là lợi ích và phúc lợi. Theo đó, cử tri sẽ theo sát xem ai sẽ tạo ra sự hấp dẫn và niềm tin về những câu chuyện “cơm ăn áo mặc” này cho họ. Vậy giữa đột phá và chắc chắn, xem ai là người về đích?.
Xem thêm: [eMagazine] Việt Nam - Hoa Kỳ, mối quan hệ mẫu mực