1/4 là ngày kỷ niệm thành lập của Tập đoàn Masan, và đầu tháng 4 vừa rồi là vừa tròn 25 năm. Ôn về chuyện khởi nghiệp năm 1996, ông tiến sĩ ngành vật lý hạt nhân (Belarus) này chia sẻ cảm giác “vui và mình đã đúng”.

 

Kể lại câu chuyện từ lúc bắt đầu, ông Quang chia sẻ, hồi đó, vợ chồng ông và các cộng sự không nghĩ lớn lao lắm đâu, chỉ quyết định quan điểm là kinh doanh, còn tại Nga hay ở đâu cũng chỉ là câu chuyện thị trường, còn nền tảng là ở Việt Nam.

 

“Đầu tiên thì mình cứ phải về Việt Nam đã rồi chắc chắn mình sẽ tìm ra một cách nào đấy”, ông Quang chia sẻ. Cách mà ông Quang tìm được xoay quanh chữ consumer (người tiêu dùng, khách hàng), ngoài ý nghĩa về kinh doanh thì “mình là người Việt Nam phục vụ người tiêu dùng Việt Nam thì còn thấy cái tình yêu trong đó”.

 

 

“Bây giờ mình vẫn nghĩ đến quá trình đào tạo của mình, năm 60 tuổi có khi mình lại làm khoa học thì sao!”, ông cười và trả lời khi được hỏi về ngã rẽ khởi nghiệp kinh doanh của mình.

 

Ông chia sẻ, ai là người Việt Nam đều yêu nước, đều khát khao làm một cái gì đó cho đất nước, khi thành lập Masan ông cũng có suy nghĩ đó, dù thừa nhận nó không to tát, đầu tiên cũng là câu chuyện của mình, gia đình, rồi khi phát triển lên suy nghĩ sẽ rộng hơn, mình phải làm thế nào để bạn bè anh em thành công theo cái mà họ biết làm tốt nhất, rồi khi phát triển hơn nữa thì thấy ý nghĩa việc mình làm lớn hơn đó là các cộng sự, nhân viên và gia đình họ, tựu chung là xã hội.

 

“Theo câu của Bác Hồ thôi, cứ mỗi người dân giàu thì nước giàu”, ông Quang cho biết: “Không nhất thiết bạn phải làm cái gì to tát, lớn lao hãy làm một cái điều tốt hơn mỗi ngày, và nếu bạn làm được cho nhiều người thì giá trị sẽ rất lớn”.

 

Các sản phẩm FMCG của Masan Consumer tại hệ thống siêu thị VinMart.

 

 

Trong câu chuyện phát triển, ông Quang tin vào sự thịnh vượng sẽ đến của Việt Nam. Nhưng điều đó sẽ không tự nhiên xảy ra, cần có bối cảnh, có ví dụ thành công, có những lãnh đạo xuất sắc.

 

“Cuối cùng vẫn là thiên thời, địa lợi, nhân hòa và quan trọng là nếu mục tiêu được thực hiện với sự khát khao của cả dân tộc thì chắc chắn sẽ đến một thời điểm sẽ xảy ra một cái gì đấy”, ông Quang nói và cho rằng, để tạo ra một Việt Nam mới thì tất cả phải đóng góp, trong đó có đội ngũ doanh nhân. “Tôi thấy họ (các doanh nhân) đang rất tự tin và đĩnh đạc”.

 

Để nói bây giờ Việt Nam có sản phẩm gì thế giới biết tới như khi đề cập tới Nhật Bản thì ai cũng biết tới Toyota, Mitsubishi... hay Đức là Mercedes, Volkswagen, Siemens… theo ông Quang, hiện tại là khó. Nhưng người Việt Nam và đội ngũ doanh nhân đi ra thế giới có tri thức và công nghệ nên sẽ thành công. Tri thức thì dễ hiểu, người Việt tự tin, có trí tuệ và có năng lực học tập rất mạnh, còn công nghệ ở đây không phải nghĩa là các phát minh sáng chế, mà là khả năng biến điều không thể thành có thể.

 

 

“Trong câu chuyện này, người Việt Nam chả kém ai”, ông Quang khẳng định.

 

Nhưng trước khi làm chuyện đó thì tất cả phải từ câu chuyện bắt đầu. Ông Quang không gọi đó là “start-up” hay “khởi nghiệp”, mà gọi là tinh thần kinh doanh.

 

“Khái niệm khởi nghiệp hiện hơi bị đẩy lên quá, do gần đây chúng ta nói nhiều tới điều này, thực ra, nó là tinh thần kinh doanh, ở Masan chúng tôi hay nói tới khởi nghiệp theo cách bạn tạo ra giá trị bằng việc kiến tạo ra các sản phẩm đột phá, và biết cách thành công. Trong quá trình đấy, bạn phải phải chấp nhận trong khả năng của mình về việc kiểm soát rủi ro”.

 

“Chữ khởi nghiệp, tôi nghĩ, nó hơi bao gồm một vế là ‘cứ làm đi rồi tính’, nhưng nhiều khi bạn không có lần thứ hai, do vậy, bạn vẫn phải tối đa hóa cơ hội và kiểm soát được rủi ro”.

 

 

Đây là cách mà ông Quang tiếp cận khi chia sẻ về quá trình “khởi nghiệp” không nghỉ của mình vì liên tục mở rộng thị trường mới, ngành nghề mới, sản phẩm mới. Mỗi lĩnh vực vực kinh doanh đều là sự bắt đầu mới, và ông Quang cho rằng, “khởi nghiệp” là quá trình học tập, không chỉ của doanh nhân, mà cả của tổ chức.

 

Theo ông Quang, cần phải tránh cách nghĩ “cứ làm đi rồi tính”, vì điều này sẽ dẫn đến tình trạng “mỗi buổi sáng mình khởi nghiệp một lần và cuối giờ mình đóng sổ, xong hôm sau lại khởi nghiệp”.

 

 

“Khởi nghiệp là quá trình tạo ra giá trị bằng cách hiểu, ở Masan chúng tôi hay gọi là những nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn, hoặc hiểu rõ cái gọi là không hiệu quả”.

 

“Bạn chưa thể bắt đầu, nếu bạn chưa hình dung ra được những cách để giải quyết vấn đề đó. Bạn nếu vội ‘làm đi’ sẽ không bao giờ thắng. Có vấn đề, có cơ hội, bạn cần nhìn ra cách, đó có thể là sản phẩm, có thể là giải pháp để giải quyết câu chuyện đó, và sau khi mình tìm ra được thì mới bắt đầu làm”.

 

Dây chuyền chế biến thịt mát MEATDeli.

 

Năm nay, câu chuyện tái cấu trúc VinComerce sau khi mua lại cuối năm 2019 được giới đầu tư quan tâm, từ một doanh nghiệp phân phối với hệ thống lớn nhất Việt Nam, nhưng đang thua lỗ 100 triệu USD trở thành doanh nghiệp có lãi trong 1 năm. Theo ông Quang, bí quyết để làm được điều này đơn giản, đó là cách Masan hình dung câu chuyện đang là gì, sau đó mới làm một cách quyết liệt.

 

“Phải quay về lõi, nếu mình làm kinh doanh thì phải nhìn tới đích và đích đó cần được định nghĩa và mô tả thế nào, và sau đó ta thiết lập các ưu tiên theo kế hoạch từng bước. Giống như leo núi, thì đầu tiên phải giải quyết gánh nặng trên vai, bạn phải biến các hành trang mang theo mình không phải là gánh nặng, mà là phương tiện. Đó là một phần của chiến lược, ưu tiên đầu tiên là chống lỗ, bạn nhìn thấy và phải quyết liệt làm”.

 

Masan quyết liệt đóng cửa hơn 700 siêu thị mini VinMart+, tinh gọn danh mục hàng hóa, tái cấu trúc chuỗi cung ứng để cải thiện hiệu quả quy trình hậu cần và luân chuyển hàng hóa, đặt trọng tâm vào người dùng thay vì thúc đẩy doanh số.

 

Thịt mát MEATDeli.

 

Chỉ trong vòng 1 năm, kết thúc 2020 thì việc lỗ không là gánh nặng với VinComerce.

 

“Bước kế tiếp, mình không thể chạy vội, mà cần làm thế nào để phát huy lợi thế của mình là hàng ngàn tiệm bán lẻ. Phải tìm ra được phương thức kinh doanh hiệu quả”, ông Quang chia sẻ. Một con số mà ông Quang đưa ra làm ví dụ: “Việt Nam có gần 100 triệu người, có khoảng 1,5 triệu tiệm tạp hóa, trung bình một tiệm tạp hóa đang phục vụ khoảng hơn 60 người, tức là không có cách nào mở tiệm để phục vụ bằng đó con người mà có lãi”.

 

“Không có lời thì kết quả chỉ là đắp đổi qua ngày, quá trình cần phải diễn ra là phải là tái cấu trúc. Cả hệ thống phải tái cấu trúc theo hướng đạt tới một quy mô phục vụ nhất định”.

 

 

Dẫn con số ở Mỹ có hơn 300 triệu người, nhưng chưa có tới 100.000 tiệm tạp hóa, ông Quang cho rằng, việc nâng cao khả năng phục vụ của từng cửa hàng là hướng ra.

 

Nhưng để làm điều đó không thể chờ quá trình chọn lọc tự nhiên, mà phải tạo một phương thức kinh doanh mới, mà theo cách Masan đã trình bày với cổ đông đó là “Point of Life”, sử dụng công nghệ để tạo mô hình mới, khi đó mới giải quyết được câu chuyện giảm giá vốn hàng bán, giải quyết khâu logistic để đảm bảo cung ứng hòa hóa đủ, xây dựng được các thương hiệu riêng…

 

Sau khi có được mô hình tốt thì hệ thống phân phối của VinCommerce sẽ chia sẻ mô hình tới các chủ tiệm tạp hóa khác (franchise).

 

Một số sản phẩm của Masan Consumer.

 

“Cách mà Masan làm không phải là giúp cho 1,5 triệu tiệm tạp hóa đều có lời, mà franchise cách thức làm hiệu quả để cùng thắng”, ông Quang nói và tự đặt câu hỏi: “Tại sao bạn phải làm mọi thứ khi có những người khác làm cùng bạn?”.

 

Kế hoạch tiếp theo là trong 5 năm tới, Masan xây dựng mạng lưới 10.000 cửa hàng bán lẻ tự vận hành và 20.000 cửa hàng nhượng quyền với kỳ vọng phục vụ 30-50 triệu người dùng. Công ty cũng phát triển thêm danh mục nhãn hàng riêng để đáp ứng nhu cầu người dùng, đặc biệt ở khu vực nông thôn.

 

 

Trên thế giới Apple là một ví dụ về việc tạo nhu cầu, sản phẩm Iphone và các sản phẩm xoay quanh chiếc điện thoại được tạo ra không nhờ quá trình khảo sát nhu cầu người tiêu dùng, mà tạo bởi sự sáng tạo ra nhu cầu. Mỗi sản phẩm ra mắt, người tiêu dùng ngay lập tức hiểu, đây mới là chiếc điện thoại tôi cần.

 

Nhu cầu xã hội là lớn và người kinh doanh thành công là người không chỉ thỏa mãn mà phải làm nhu cầu đó lớn hơn. Thừa nhận làm được điều này không dễ, ông Quang cho rằng, đầu tiên cần phải hiểu được nhu cầu, những sản phẩm của Masan có mặt ở mọi bếp ăn các gia đình Việt Nam là nhờ hiểu được nhu cầu đó. Không phải tất cả các sản phẩm ra mắt đều thành công, nhưng bài học thất bại sẽ giúp doanh nhân thành công trong tương lai.

 

Siêu thị VinMart.

 

Không đi vào chi tiết cụ thể, nhưng theo ông Quang, nhu cầu luôn có sự tiến hóa. Dẫn ví dụ về tiêu dùng một cách đơn giản là khi con người qua được ngưỡng đủ ăn, đủ mặc, tức là không ăn được hơn nữa, mặc nhiều hơn nữa thì họ sẽ cần cái sản phẩm chất lượng hơn. Năm 1945 là có cơm ăn áo mặc vì lúc đó nhiều địa phương gặp nạn đói, đến những năm 1960 thì là khẩu hiệu cơm no áo ấm, bây giờ là ăn ngon mặc đẹp.

 

“Đó là sự tiến hóa của nhu cầu, trong quá trình đó có cả sự phát triển tự thân của nhu cầu, và người doanh nhân thành công khi định hướng một nhu cầu tốt cho người tiêu dùng”, ông Quang chia sẻ.

 

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 Masan Group.

 

 

Bình luận bài viết này
  • Nam Hoàng 09:39 | 04-05-2021
    Tỷ phú Vượng lập lên Vincommerce là "tinh thần Việt" nhưng rất tiếc chưa đi hết đoạn đường, chờ tỷ phú Quang làm lên kỳ tích trong ngành bán lẻ thế giới
  • Phi Lôi 09:44 | 04-05-2021
    Tỷ phú khởi nghiệp tất nhiên dễ hơn một người trẻ, tôi đồng ý nguyên tắc ông Quang đưa ra, nhưng phải nói thật kể cả xác định được đường đi và giải pháp thì vẫn có rủi ro. Khởi nghiệp cần đôi chút mạo hiểm chứ không thể cầu toàn
  • Thập Toàn 09:42 | 04-05-2021
    Rất thú vị phần định hướng cho con cái, "muốn vậy nhưng làm rất khó". Tôi thấy cách thức các doanh nghiệp Việt chuyển giao thế hệ chưa thực sự rõ nét, tạm gọi là chưa có "quy trình chuyển giao", cần có những người đi trước và thành công trong mô hình này để doanh nghiệp tiếp tục lớn.
  • Empty 10:08 | 03-05-2021
    Tỷ phú ít xuất hiện nhưng lần nào nói là nguyên cả một bài dài mới chịu. Quá hay!
  • Tuấn 10:03 | 03-05-2021
    Giờ mới biết MaSan là "Mạnh" và "Sáng" ^^!
Đăng Khôi 02/05/2021 09:57