Thành danh với rất nhiều giải thưởng Piano quốc tế, nghệ sĩ Lưu Đức Anh cũng không còn là cái tên xa lạ tại nhiều sân khấu lớn ở Bỉ, Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ba Lan, Ý, Úc, Nhật,… Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp thủ khoa bậc Đại học và Cao học tại Nhạc viện Hoàng gia Liège (Bỉ), rồi khóa nâng cao tại Học viện âm nhạc Malmo (Thụy Điển) anh vẫn bỏ lại nhiều cơ hội phát triển bản thân ở “xứ sở” âm nhạc cổ điển chuyên nghiệp để trở về quê hương khởi nghiệp.
Dù ở cương vị đồng sáng lập tổ chức âm nhạc Maestoso, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, hay sáng lập Inspirito School of Music… nghệ sĩ dương cầm Lưu Đức Anh vẫn luôn nỗ lực hết sức, bằng cả trái tim cháy bỏng và khát khao tiếp nối hành trình đưa âm nhạc cổ điển đến gần với công chúng Việt Nam.
Bên hiên quán cà phê gần Inspirito School of Music, hoa xưa trắng muốt khẽ rơi cùng hương thơm thanh khiết, cuộc trò chuyện của tôi với nghệ sĩ dương cầm Lưu Đức Anh về chủ đề khởi nghiệp thật nhiều thú vị…
Nhớ về những dòng cảm hứng thôi thúc mình về nước, Lưu Đức Anh không giấu nổi lòng biết ơn. Anh kể, sau nhiều năm được sống, học tập và làm việc trong môi trường âm nhạc cổ điển chuyên nghiệp, bản thân đã được tiếp cận nhiều tinh hoa âm nhạc cổ điển. Chàng nghệ sĩ nhận ra những giá trị mà nó có thể mang đến cho mỗi con người và thậm chí là mỗi quốc gia.
“Tôi thấy mình may mắn và thuận lợi hơn nhiều người, kể cả về hoàn cảnh, điều kiện lẫn khả năng nên tôi phải có trách nhiệm thực hiện những điều lớn lao hơn. Một lý tưởng sống, một mục tiêu đúng đắn sẽ làm cho cuộc sống của mỗi người trở nên ý nghĩa và tôi tin mình đã tìm được điều đó”, chàng nghệ sĩ dương cầm bộc bạch.
Bởi thế, khi nhiều người chọn cách tiếp tục được hoạt động trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp ở nước ngoài, anh lại nỗ lực đưa những tinh hoa âm nhạc, nghệ thuật về quê nhà với mong muốn tiếp nối những lớp nghệ sĩ đi trước, góp phần phát triển môi trường âm nhạc cổ điển của Việt Nam.
Và Lưu Đức Anh đã thực hiện ước muốn ấy từ cuối năm 2017, khi chưa về nước. Chàng nghệ sĩ Hà thành cùng 3 đồng nghiệp khác là Dương Vũ Minh, Nguyễn Phú Sơn, Nguyễn Đức Anh, đều du học nước ngoài và gặt hái được nhiều giải thưởng trên các sân khấu quốc tế sáng lập tổ chức âm nhạc Maestoso.
Sứ mệnh của Maestoso là góp phần phát triển âm nhạc giao hưởng thính phòng ở Việt Nam; tạo ra nhiều cơ hội biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp cho những nghệ sĩ tài năng của Việt Nam và đưa âm nhạc cổ điển đến mọi tầng lớp khán giả. Các dự án của Maestoso ngay từ chương trình biểu diễn đầu tiên ở Nhà thờ Lớn Hà Nội đã gây dược tiếng vang. Lịch biểu diễn cũng được duy trì đều đặn.
Tháng 6/2019, Lưu Đức Anh thành lập Inspirito School of Music với mong muốn hội tụ những nghệ sĩ cùng chung lý tưởng tới giảng dạy, làm việc, tạo thành cộng đồng cổ điển mạnh và chuyên nghiệp.
“Cùng với các hoạt động của Maestoso, tôi rất vui khi những lứa học sinh đầu tiên của mình tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Inspirito School of Music đều rất chăm chỉ và tài năng. Cho đến thời điểm này, tôi thấy việc trở về Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn”.
Nghệ sĩ dương cầm Lưu Đức Anh vừa trở thành đại sứ của cuốn sách Mozart, một cuộc đời của Maynard Solomon, bản dịch Tiếng Việt bởi Mai Đức Hạnh và Nguyễn Anh Tùng, do Omega+ và nhà xuất bản Dân Trí phát hành. Lưu Đức Anh là người viết lời tựa cho cuốn sách và giới thiệu tới độc giả, khán giả Việt Nam cuốn tiểu sử sâu sắc này cùng rất nhiều tác phẩm âm nhạc tiêu biểu của thần đồng người Áo Wolfgang Amadeus Mozart.
Trở về Việt Nam, Lưu Đức Anh xác định ngay từ đầu là không biến mình thành nô lệ của cây đàn. Anh nung nấu nhiều dự án liên quan đến âm nhạc, không ngồi đợi các cơ hội biểu diễn mà tự tạo cơ hội cho mình. Mục tiêu xa và lớn nhất của nghệ sĩ dương cầm sinh năm 1993 là có thể góp phần xây dựng môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, vừa nghiêm túc vừa hiện đại.
“Hiện nay, ở Việt Nam còn đôi chút lẫn lộn về thẩm mỹ, tiêu chuẩn nghệ thuật. Thậm chí, những thứ đỉnh cao hay bị lãng quên hoặc bị đánh đồng với những thứ khác. Bởi vậy, tôi muốn xây dựng cộng đồng biểu diễn, dạy học cùng những người tâm huyết”, Lưu Đức Anh cho hay.
Anh tâm sự: “Tôi biết, nhiều người học tập từ nước ngoài trở về muốn được cống hiến, truyền dạy những gì mình đã được tiếp nhận từ những nơi phát triển âm nhạc cổ điển. Nhưng về đây, không ít người bắt buộc phải chạy theo đồng tiền để trang trải cuộc sống, nhiều người bỏ nghề vì không có môi trường chuyên nghiệp để giữ đam mê”.
Thực ra, có thời điển, Lưu Đức Anh từng muốn ở châu Âu để được sống trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp đúng nghĩa và có nhiều cơ hội phát triển. Nhưng rồi, chàng nghệ sĩ Hà thành nhận ra, môi trường nào cũng có những hạn chế riêng.
“Ở nước ngoài, môi trường của họ có sự nghiêm túc, chuẩn chỉnh nhưng rất khó để trở thành một nhân vật nổi bật và hiện thực hóa những ước mơ riêng của mình, điều này càng khó đối với một người nước ngoài. Rất khó để làm được những dự án cá nhân vì họ rất công bằng, mọi cơ hội đều chia đều cho tất cả chứ không thiên vị một ai. Phải vô cùng xuất chúng mới có cơ hội để bứt phá hẳn lên”, Lưu Đức Anh chia sẻ.
Còn ở Việt Nam, có nhiều thuận lợi cho Lưu Đức Anh làm những điều mình mong muốn. “Âm nhạc không chỉ có biểu diễn mà còn có tổ chức biểu diễn và giảng dạy. Tôi cũng đã biểu diễn nhiều chương trình trong nước và gây dựng được ít nhiều uy tín tại Việt nam. Điều đó tạo điều kiện giúp tôi mạnh dạn thực hiện ước mơ, phát triển các dự án cá nhân và trình độ chuyên môn”, Lưu Đức Anh bộc bạch.
Anh nhận định: “Âm nhạc Cổ điển đang ngày càng phát triển tại Việt Nam. Những năm gần đây, lịch diễn của các tổ chức hay dàn nhạc khá dày so với 10 năm trước. Có những thời điểm, lực lượng nghệ sĩ phải hoạt động hết công suất, tuy thu nhập không tỉ lệ thuận”.
Ở Việt Nam, hầu hết các nghệ sĩ phải tham gia giảng dạy hoặc có một nghề tay trái khác để đảm bảo cuộc sống. “Một điều khá nguy hiểm là nếu quá mải mê với các công việc giảng dạy thì sẽ không có thời gian đầu tư luyện tập để biểu diễn, duy trì chất lượng chuyên môn. Thế nên, lập nghiệp trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển ở Việt Nam đòi hỏi người nghệ sĩ phải cân bằng thời gian. Bản thân tôi luôn cố gắng dùng lý trí, nghiêm khắc với bản thân thực hiện kế hoạch luyện tập mỗi ngày để tay nghề không bị thui chột”, Đức Anh chia sẻ.
Một vấn đề được nghệ sĩ dương cầm đề cập là phải có sự liên kết giữa các cá nhân mới có thể phát triển. “Bài học cần rút kinh nghiệm từ thế hệ trước là có những người rất giỏi, có nhiều ý tưởng và mông muốn cống hiến cho Việt Nam nhưng vì họ quá đơn độc cộng với hoàn cảnh xã hội, điều kiện kinh tế chưa lí tưởng nên có muốn họ cũng khó làm gì được”, anh nhấn mạnh.
Để có thể biến Việt Nam thành "thiên đường" khởi nghiệp, Lưu Đức Anh cho rằng, trước tiên cần phải có nhiều người trẻ có ước mơ, có khát vọng, có hoài bão lớn và quyết tâm hiện thực hóa những điều đó đến cùng.
“Điều kiện, môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay thuận lợi hơn trước kia rất nhiều. Tuy nhiên, cả âm nhạc và các lĩnh vực khác, số lượng bạn trẻ chuyên môn cao rất nhiều, nhưng lại dễ bằng lòng, thiếu tinh thần dám ước mơ và sẵn sàng chiến đấu cho những hoài bão của mình”, Lưu Đức Anh nói.
Theo anh, khởi nghiệp hay những dự án, khát vọng, hoài bão lớn không dễ dàng để thực hiện. Như Maestoso, khi mới hoạt động đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu tổ chức vì chưa có nhiều kinh nghiệm, nhân lực mỏng. Các thành viên vừa phải biểu diễn, vừa phải chạy lo các công việc tổ chức, nhân sự…
Nhưng Maestoso cũng nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các nhà tài trợ, các tổ chức, cá nhân, tình nguyện viên trong mỗi chương trình nên tất cả các buổi hòa nhạc đều diễn ra thành công tốt đẹp. Ngày càng có nhiều những nghệ sĩ chất lượng tham gia biểu diễn và số lượng chương trình rất đều đặn.
“Và đây sẽ là một hành trình không bao giờ có điểm kết thúc. Chúng tôi luôn luôn cảm thấy mình vẫn chỉ ở giữa dòng sông mà thôi. Càng đi, càng thấy dòng sông dài và rộng, thậm chí còn dẫn ra cả đại dương. Đưa âm nhạc cổ điển phát triển là một con đường dài, sẽ xuyên suốt nhiều thế hệ và cũng sẽ cần nhiều hơn nữa những cá nhân hay tổ chức như Maestoso. Chúng tôi rất vui và tự hào khi được góp phần nhỏ của mình vào trong hành trình vĩ đại này”, nghệ sĩ dương cầm Lưu Đức Anh chia sẻ thật tâm.
“Piano là phương tiện giúp tôi đi tới âm nhạc, tới thế giới nghệ thuật. Âm nhạc cổ điển đã giúp tôi trở thành một người tốt, không ích kỷ, luôn luôn muốn chia sẻ với mọi người, biết yêu thương người khác. Âm nhạc giúp tôi trở thành một con người có kỉ luật, có khối lượng kiến thức lớn về văn hóa nghệ thuật, được hình thành từ những năm tháng kiên trì tập luyện, học tập và nghiên cứu nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày”- Nghệ sĩ dương cầm Lưu Đức Anh
Đại dịch Covid-19 kéo dài hơn một năm đã ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của nghệ sĩ, thầy giáo Lưu Đức Anh như thế nào, sắp tới anh có dự định gì?
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, công việc của tất cả mọi người. Công việc giảng dạy ở Nhạc viện và Inspirito School of Music của tôi cũng bị gián đoạn. Các chương trình biểu diễn bị hoãn suốt nửa đầu năm 2020.
Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may vì tôi có nhiều thời gian để tự tập luyện, nghỉ ngơi đầu óc và suy nghĩ về những kế hoạch, dự định lớn hơn. Chẳng hạn như đường hướng phát triển, tạo chất riêng cho Inspirito School of Music.
Tháng 6, tôi dự kiến sẽ có buổi biểu diễn lớn cùng Giàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 210 năm ngày sinh của nhạc sĩ Franz Liszt. Trong chương trình này, tôi sẽ đánh 4 tác phẩm lớn cho piano với dàn nhạc. Đây là một thử thách từ trước đến giờ tôi chưa từng nghĩ đến. Nhưng khi có cơ hội ở nhà tự tu dưỡng, tôi thấy mình đã sẵn sàng thể thực hiện thử thách này. Phải dung cảm đương đầu với những thử thách thì mới có những bước nhảy vọt trong tương lai.
Ngoài ra hàng tháng, Inspirito School of Music và Viện Goethe sẽ đồng tổ chức chuỗi hòa nhạc dành riêng cho những nhạc sĩ của thế kỷ XX. Maestoso thì sẽ vẫn duy trì những chương trình biểu diễn ở Nhà thờ Lớn với quy mô hoành tráng hơn, kết hợp với những dàn nhạc và nhiều điều thú vị khác nữa.
Ngay trong tháng 3, Inspirito School of Music sẽ có chuỗi hòa nhạc đương đại vào ngày 22/3, tại Viện Goethe. Ngày 28/3 có chương trình đặc biệt tại VCCA (Royal City, Hà Nội). Đây là chương trình đặc biệt, vừa biểu diễn, vừa triển lãm, sắp đặt. Khán giả đến trải nghiệm sẽ không chỉ được thưởng thức âm nhạc mà còn như được đi tham quan các dấu mốc lịch sử, biểu thị cho những thời kỳ âm nhạc khác nhau như một bảo tàng sống. Đây là mô hình tôi rất muốn đầu tư vì ngoài việc tạo không gian biểu diễn, thưởng thức âm nhạc còn có ý nghĩa giáo dục rất lớn.
Điều gì đã tạo nên tên tuổi của nghệ sĩ dương cầm Lưu Đức Anh hôm nay?
Có lẽ là nhờ từ nhỏ tôi may mắn được giáo dục trong một gia đình có gia phong nghiêm khắc nên chỉn chu, nề nếp, có nguyên tắc sống. Điều quan trọng nhất với tôi không phải tiền bạc hay vật chất mà là những con người xung quanh mình và bản thân mình. Đó là những thứ tôi trân quý và luôn quyết tâm bảo vệ, gìn giữ cho bằng được.
Tạo dựng mối quan hệ tốt với tất cả đồng nghiệp là ưu tiên hàng đầu của tôi. Tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ họ trong điều kiện có thể. Như vậy, tập thể nơi tôi làm việc sẽ trở thành tập thể vững mạnh và chắc chắn sẽ đạt được thành công. Đó là cách tôi khẳng định uy tín của mình trong giảng dạy và thu hút học sinh.
Là một trong những giảng viên trẻ nhất của Khoa Piano của Học viện Âm nhạc Quốc gia. Sau 3 năm giảng dạy, anh có nhìn nhận thế nào về chất lượng của các thế hệ sinh viên hiện nay?
Thế hệ học sinh, sinh viên hiện nay ngày càng có trình độ cao hơn và có nhiều thuận lợi hơn so với ngày trước. Đó cũng là tín hiệu đáng mừng đối với nền âm nhạc cổ điển Việt Nam. Hiện tại đã có nhiều cơ hội biểu diễn hơn, chúng ta cũng đã tổ chức được những cuộc thi quốc tế lớn trong khu vực, tạo nên một môi trường âm nhạc ngày càng chuyên nghiệp, chính quy.
Tuy nhiên số lượng học sinh theo âm nhạc tới cùng vẫn còn khá ít, rất nhiều bạn bỏ dở giữa chừng. Có lẽ vẫn cần một thời gian dài nữa chúng ta mới có thể có được một lực lượng đông đảo nghệ sĩ trẻ chất lượng, sánh ngang với các quốc gia khác trong khu vực về mặt số lượng.
Vì thế, bản thân tôi dù kinh nghiệm sư phạm còn non trẻ nhưng sẽ nỗ lực hết sức để góp phần đào tạo ra một lứa học sinh đam mê âm nhạc, đủ bản lĩnh và trình độ để tiếp bước thế hệ trước, dung cảm bước chân vào thế giới bao la của âm nhạc.
“Nhạc cổ điển là một trong những đỉnh cao nghệ thuật, tinh hoa được tạo nên từ bao thế hệ và đã trở thành di sản của cả thế giới, không chỉ của riêng quốc gia nào. Đất nước phát triển cần văn hóa nghệ thuật ở trên đỉnh. Việt Nam do hoàn lịch sử nên đi ngược lại phương Tây: Các dòng nhạc mới du nhập vào trước thể loại cổ điển. Tôi mong muốn phần nào khiến người Việt Nam hiểu rằng, đây là thể loại âm nhạc cần được tôn trọng và phát triển. Quá trình này sẽ rất dài, qua nhiều thế hệ. Tôi hy vọng các bạn trẻ theo học âm nhạc cổ điển dù ở Việt Nam hay đi du học đều nhận thấy có trách nhiệm duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật này ở nước ta”- Nghệ sĩ dương cầm Lưu Đức Anh