Sang phiên chiều, đà giảm tiếp tục nới rộng do gánh nặng nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục gia tăng, với tâm điểm là nhóm cổ phiếu ngân hàng, khiến VN-Index suýt chút nữa để mất mốc 900 điểm. Và dường như tâm lý nhà đầu tư càng thận trọng hơn trước những diễn biến khó lường của thị trường khiến dòng tiền tham gia hạn chế, thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm đáng kể.
Đóng cửa, sàn HOSE có 121 mã tăng và 176 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 9,35 điểm (-1,03%) xuống 900,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 157,34 triệu đơn vị, giá trị 3.228,85 tỷ đồng, giảm 11,5% về lượng và 25,37% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 23,72 triệu đơn vị, giá trị 362,93 tỷ đồng.
Như đã đề cập ở trên, dòng bank đóng vai trò lực cản chính khi hầu hết các mã đều bị đẩy lùi sâu về mức giá thấp nhất ngày như VCB giảm 2,4% xuống 53.500 đồng/CP, CTG giảm 2,2% xuống 22.500 đồng/CP, BID giảm 1,9% xuống 30.600 đồng/Cp, TCB giảm 1% xuống 25.850 đồng/CP, VPB giảm 2,5% xuống 21.050 đồng/CP, STB giảm 2% xuống 12.300 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các mã lớn khác cũng gia tăng sức ép lên thị trường như MSN đảo chiều giảm 1,3% xuống 76.500 đồng/CP, GAS lùi về mốc tham chiếu, VIC cũng quay đầu giảm 0,4% xuống 96.400 đồng/CP, MWG giảm 4,4% xuống 108.000 đồng/CP, NVL giảm 1,9% xuống 73.100 đồng/CP, SAB giảm 0,4% xuống 221.200 đồng/CP, VJC giảm 1% xuống 124.800 đồng/CP…
Cùng với anh cả đảo chiều giảm, 2 mã khác cùng họ Vingroup là VRE và VHM cũng lần lượt giảm sâu hơn. Trong đó, VRE giảm 1,7% xuống 35.500 đồng/CP, VHM có thời điểm bị đẩy xuống nằm sàn nhưng lực cầu bắt đáy hỗ trợ tích cực giúp đà giảm được hãm lại, với mức giảm 5,1% xuống 65.000 đồng/CP.
Trong khi phần lớn các cổ phiếu bluechip đều giao dịch thiếu tích cực thì trụ cột VNM lại có phiên khởi sắc, sau 4 phiên giảm liên tiếp trước đó. Với mức tăng 1,2%, VNM đóng cửa tại mức 121.500 đồng/CP.
Một điểm đáng chú ý khác trong nhóm VN30 là GMD. Sau 4 phiên giảm liên tiếp, GMD cũng đã có màn đảo chiều ngoạn mục và tăng vọt 7%, kết phiên tại mức giá trần 26.850 đồng/CP với khối lượng khớp 2,69 triệu đơn vị và dư mua trần 50.940 đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, trong khi nhiều mã quen thuộc vẫn duy trì sắc đỏ thì ITA lại lội ngược dòng nhờ lực cầu gia tăng mạnh. Đóng cửa, ITA tăng 6,7% lên mức giá trần 2.690 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu sàn HOSE đạt hơn 6 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, mặc dù có thời điểm được kéo lên sát mốc tham chiếu nhưng lực cầu khá yếu trong khi áp lực bán tiếp tục dâng cao đã nhấn chìm thị trường trong sắc đỏ. Chỉ số HNX-Index cũng kết phiên tại mức thấp nhất ngày.
Cụ thể, HNX-Index giảm 1,31 điểm (-1,27%) xuống 101,79 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 32,89 triệu đơn vị, giá trị 390,72 tỷ đồng, giảm trên dưới 43% so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,19 triệu đơn vị, giá trị 60,7 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn tác động mạnh tới chỉ số thị trường như ACB giảm 2,1% xuống 28.300 đồng/CP, VGC giảm 3,2% xuống 15.000 đồng/CP, VCG giảm 1,1% xuống 18.600 đồng/CP, SHB giảm 1,3% xuống 7.600 đồng/CP, PVS giảm 1,6% xuống 18.800 đồng/CP, PVC giảm 2,9% xuống 6.600 đồng /CP.
Trong khi đó, ở top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn HNX chỉ có VCS và PVI đứng trên mốc tham chiếu nhưng mức tăng hạn chế chỉ 100 đồng/CP.
Tương tự, sàn UPCoM cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,32%) xuống 51,13 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,41 triệu đơn vị, giá trị 147,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,77 triệu đơn vị, giá trị 51,93 tỷ đồng.
Hai mã dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM là BSR với 1,46 triệu đơn vị, kết phiên tại mức giá 15.700 đồng/CP với mức tăng nhẹ 0,64%; và LPB tăng 2,2% lên 9.300 đồng/CP và khớp 1,12 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí tiếp theo là cặp đôi cổ phiếu dầu khí OIL và POW với khối lượng giao dịch lần lượt 750.700 đơn vị và 592.100 đơn vị. Kết phiên, OIL tăng 3,6% lên 14.200 đồng/CP, POW tăng 3% lên 13.800 đồng/CP.