Ngoài ra, Thành phố rà soát cụ thể, chi tiết từng dự án đầu tư công, xác định rõ khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân, tạo vốn thực hiện kích cầu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các dự án, trọng tâm là các dự án nông nghiệp, giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội; các dự án khởi công, hoàn thành chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố và Đại hội Đảng toàn quốc.
Đồng thời, đôn đốc các công trình trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách để đẩy mạnh kích cầu đầu tư.
Bên cạnh đó, cải cách triệt để các thủ tục hành chính, cụ thể là đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết, nhất là thủ tục hành chính liên thông; mở rộng các dịch vụ công trực tuyển mức độ 4 gắn; đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm; phân bổ và đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn cho vay, giải quyết việc làm phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân và cho vay giải quyết việc làm đối với người nghèo và các đối tượng chính sách...
Người đứng đầu chính quyền TP. Hà Nội kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong thực hiện xây dựng Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại điều 89 Luật Đầu tư công.
“Việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong 02 kỳ kế hoạch đầu tư công liên tiếp phải đảm bảo tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn trước" do Luật Đầu tư 2019 mới có hiệu lực từ 01/01/2020 trong khi danh mục dự án đang thực hiện đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt từ các năm trước đây", ông Chung nêu.
Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo của Bộ, Ngành quan tâm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về: Quyết định hỗ trợ ngân sách trung ương cho ngân sách Thủ đô để triển khai thực hiện cho từng dự án thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi theo quy định tại Điều 21 Luật Thủ đô; nâng tỷ lệ ngân sách Thành phố được giữ lại hiện nay là 35% lên thành 42% cho thời kỳ ốn định ngân sách mới (2021-2025) để đảm bảo nguồn lực phát triển Thủ đô.
Ngoài ra, Thành phố kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất.
Đồng thời, cho phép Thành phố Hà Nội thực hiện rà soát, lựa chọn danh mục một số công trình cấp bách, cần thiết trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và có tác động lan tỏa trong việc phát triển kinh tế xã hội thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, ùn tắc giao thông.
Kiến nghị nới giãn cách xã hội
Chia sẻ tại cuộc họp về việc phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, Hà Nội là một địa bàn trọng điểm có rủi ro cao (xâm nhập từ bên ngoài, lây nhiễm từ bên trong với các ổ dịch phức tạp như Trúc Bạch, Bạch Mai, Mê Linh).
Tuy nhiên, trên tinh thần Thành uỷ và cả hệ thống chính trị đều chỉ đạo các quận, huyện vào cuộc quyết liệt, trên tinh thần chấp hành nghiêm các Chỉ đạo T.Ư và Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Hà Nội có Ban chỉ đạo từ TP đến các quận, huyện, đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng dịch. Đến nay Hà Nội đã có kết quả bước đầu và cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, không để lây lan. Bảo vệ được Hà Nội cũng là góp phần thành công chung trong công tác phòng, chống dịch của cả nước.
Tới đây, Hà Nội kiến nghị Thủ tướng cân nhắc trên bộ tiêu chí Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia để đánh giá, xếp loại mức độ rủi ro Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh khác để có thể nới lỏng một phần nào đó giãn cách xã hội, đảm bảo vừa phòng chống dịch nhưng cũng vừa có điều kiện khôi phục sản xuất ở mức độ nhất định.
"Hà Nội hứa với Thủ tướng sẽ quyết tâm làm tốt việc này", ông Huệ nói.
Thủ tướng biểu dương Hà Nội
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Hà Nội đã nỗ lực, làm tốt công tác phòng chống dịch trong thời gian qua. Về tình hình kinh tế-xã hội của Hà Nội, theo Thủ tướng, quý I/2020 duy trì tăng trưởng dưới 4% là một cố gắng và có một số điểm sáng.
Thủ tướng lưu ý một số vấn đề, đó là cần tiếp tục đề cao cảnh giác trong phòng chống Covid-19, không thể chủ quan. Do ảnh hưởng của dịch, các chỉ tiêu của Hà Nội đều thấp hơn so với cùng kỳ, tạo áp lực lớn trong việc hoàn thành kế hoạch năm 2020.
Tiến độ thi công một số công trình còn chậm, ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn, mà theo báo cáo của Hà Nội, còn 50.000 tỷ đồng chưa giải ngân được. Đặc biệt, quý I, huy động vốn xã hội chưa đạt kế hoạch. Trong khi vốn là một kênh tăng trưởng, Hà Nội cần quan tâm vấn đề này.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ cùng với Hà Nội, các bộ, ngành phối hợp tháo gỡ mọi ách tắc để Hà Nội phát triển.
Hà Nội cần tìm nguồn lực xã hội, đây là vấn đề quan trọng nhất, cùng với việc phát triển hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường tiêu dùng của các hộ gia đình.
Đặc biệt, Hà Nội phải khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển trong điều kiện khác nhau trong nền kinh tế đang có nhiều thay đổi, “thuận lợi có, khó khăn có, để không rơi vào tình thế bị động”.
Ghi nhận cam kết của lãnh đạo TP. Hà Nội là Thủ đô sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho kinh tế đất nước trong năm 2020, Thủ tướng đề nghị Hà Nội giải quyết 10 tồn tại mà lãnh đạo Thành phố đã nêu, trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh vào 4 tồn tại.
Một là, ở Đồng Tâm, cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn nữa, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới. Thứ hai là vấn đề dự án 8B Lê Trực, cần bảo đảm quy hoạch chi tiết khu vực này, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư, cần phải làm ngay phương án cụ thể vì công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong.
Đối với công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cần phải tập trung giải quyết dứt điểm, có cơ chế tạm ứng, thanh toán, hoàn thiện dự án, sau đó khấu trừ. Bộ Giao thông vận tải bàn với đối tác xử lý dứt điểm trước tháng 6/2020. Tồn tại nữa cần khẩn trưởng xử lý dứt điểm là vấn đề mương Phan Kế Bính.
Lưu ý việc bảo đảm nước sạch cho người dân với giá phù hợp, Thủ tướng cho biết, đã yêu cầu Chủ tịch các tỉnh có văn bản giảm giá nước để hỗ trợ người dân, giống như ngành viễn thông đã hỗ trợ giảm giá với tổng số tiền 15.000 tỷ đồng, ngành điện là 12.000 tỷ đồng.
Vấn đề bảo vệ môi trường đô thị, chất lượng cuộc sống người dân rất quan trọng. Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội giải quyết vấn đề môi trường sông Đáy, sông Nhuệ.
Tiếp tục xây dựng nền hành chính của Hà Nội là nền hành chính phục vụ, văn minh và thanh lịch, làm sao giải quyết tình trạng không còn khiếu kiện đông người, tiềm ẩn mất an ninh trật tự. Không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.
Về các kiến nghị cụ thể của Hà Nội, Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo giải quyết với tinh thần là các bộ cùng Hà Nội tháo gỡ, tạo điều kiện cho Hà Nội, có điều gì vướng mắc vượt thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ sẵn sàng tháo gỡ.