Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: "Xây dựng hệ sinh thái cho đấu thầu qua mạng dựa trên 3 trụ cột: Thứ nhất là môi trường, khuôn khổ pháp lý, tạo ra “cuộc chơi”; Thứ hai là xây dựng công cụ để “chơi”; Thứ ba là mọi người trong môi trường đó nhận thức đầy đủ về cuộc chơi, công cụ chơi".
Trên một đánh giá tổng quan, Việt Nam có thể nói đã hội đủ cả ba yếu tố trên.
1. Hành lang pháp lý rộng mở cho đấu thầu qua mạng
Đấu thầu qua mạng có được sự ủng hộ lớn từ phía nhà nước khi có hàng loạt các chính sách được đặt ra để ủng hộ hình thức đấu thầu này.
Đấu thầu qua mạng được định nghĩa tại Điều 30 trong Luật đấu thầu được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc phát triển đấu thầu qua mạng tại nước ta.
Tiếp đến là Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 do Thủ tướng phê duyệt về "Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025". Quyết định này đề ra mục tiêu phát triển 100% hoạt động mua sắm thường xuyên phải đấu thầu qua mạng đến 2025.
Bên cạnh đó, Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành có hiệu lực từ 01/03/2018 giúp mở rộng phạm vi đấu thầu qua mạng bao gồm cả các gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp có giá trị cao. Ngoài ra, Thông tư cũng đưa ra hướng dẫn cụ thể về mẫu hồ sơ, tài liệu thể tham gia đấu thầu.
Như vậy, về mặt pháp lý, chúng ta đã có đủ cơ sở để bước vào cuộc chơi.
2. Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia : Công cụ với những lợi ích thiết thực
Ra đời từ 2009, VNEPS chính thức được đưa vào sử dụng rộng rãi từ năm 2016. VNEPS được vận hành với 4 chức năng chính bao gồm: cổng thông tin, quản lý người dùng, đấu thầu điện tử và hỗ trợ người dùng. Mọi tin tức, thông báo có liên quan đến các gói thầu đang xử lý hay quan tâm sẽ được thông báo qua hòm thư điện tử của người dùng. Tham gia VNEPS, các nhà thầu nhận được 4 lợi ích quan trọng:
Cơ hội kinh doanh không giới hạn
VNEPS đăng tải các gói thầu trong lĩnh vực mua sắm công, gồm mua sắm hàng hoá, xây lắp, tư vấn và phi tư vấn sử dụng vốn ODA và vốn nhà nước.
Các gói thầu đều được đăng tải công khai nên các nhà thầu đều có cơ hội bình đẳng để tham gia.
Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm, VNEPS đã mở ra môi trường kinh doanh rộng mở với gần 50.000 gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, trong đó có 8.900 gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng, tổng giá trị lên đến 19.000 tỷ đồng.
Thuận tiện So với đấu thầu truyền thống, đấu thầu qua mạng đơn giản hơn về mặt thủ tục. Chỉ cần là thành viên của hệ thống và một chiếc máy tính được kết nối internet, nhà thầu có thể ngồi ở văn phòng tham gia đấu thầu
dự án ở bất cứ đâu.
Ngoài ra, VNEPS không chỉ chạy tốt trên phiên bản web, mà đã có ứng dụng điện tử trên nền tảng IOS, Android và Window. Hồ sơ mời thầu, dự thầu với nhiều biểu mẫu đã được số hóa có khả năng liên kết thông tin với nhau, nên mọi quy trình, từ mua hồ sơ, nộp hồ sơ, theo dõi kết quả… đều được thực hiện hoàn toàn qua mạng chỉ sau vài cú nhấp chuột.
Tiết kiệm
Theo số liệu thống kê sơ bộ, VNEPS giúp tăng tỷ lệ tiết kiệm lên đến 9,23%. Trong khi đấu thầu truyền thống, tỉ lệ tiết kiệm chỉ đạt khoảng 6,98%.
Tại một số địa phương tiên phong, con số tiết kiệm còn cao hơn nhiều. Ví dụ tại Đà Nẵng, theo chia sẻ của ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng, đấu thầu qua mạng tiết kiệm được từ 10-15%. Tại Sơn La, con số này là 9,5%.
Công khai, minh bạch và cạnh tranh bình đẳng
Đấu thầu qua mạng giúp gia tăng tính minh bạch và hạn chế tiêu cực trong đấu thầu.
Các thông tin đấu thầu như kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu, hồ sơ mời thầu, biên bản mở thầu và kết quả trúng thầu đều được đăng công khai và dễ dàng tiếp cận trên hệ thống. Toàn bộ giao dịch giữa nhà thầu và bên mời thầu được thực hiện thông qua hệ thống, không có sự tiếp xúc trực tiếp trong quá trình đấu thầu.
Đặc biệt, khi đấu thầu qua mạng, thông tin và số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu chỉ được biết đến khi mở thầu, giúp loại bỏ tình trạng thông thầu, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà thầu.
3. Con người - Sự chuyển dịch đầy khả quan sang đấu thầu qua mạng
Thống kê của Cục Quản lý đấu thầu cho thấy, tính đến 31/12/2017, số lượng bên mời thầu đăng ký tham gia hệ thống là 17.637, số lượng nhà thầu là 62.018; số lượng kế hoạch lựa chọn nhà thầu và thông báo mời thầu đăng tải trong năm 2017 lần lượt là 68.973 và 93.000 thông báo.
Còn theo Trung tâm đấu thầu qua mạng quốc gia, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2018 đã có gần 8.900 gói thầu được áp dụng đấu thầu qua mạng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, và dự kiến, đến hết năm 2018 sẽ có khoảng 15.000 gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng.
Tuy vẫn tồn tại một số rào cản nhận thức và những con số trên vẫn chưa đạt được kỳ vọng đặt ra, nhưng chúng ta có thể lạc quan vì đang có một sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần từ hình thức đấu thầu truyền thống sang đấu thầu qua mạng