Cạnh tranh giành quỹ đất khu công nghiệp
Trọng Tín - 06/05/2024 08:37
 
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp ngoài ngành lấn sân mảng bất động sản khu công nghiệp - phân khúc được đánh giá có nhiều triển vọng trong bối cảnh thị trường địa ốc nói chung còn nhiều khó khăn.
Phân khúc bất động sản công nghiệp luôn duy trì sức hút trong những năm gần đây 	Ảnh: Lê Toàn
Phân khúc bất động sản công nghiệp luôn duy trì sức hút trong những năm gần đây      Ảnh: Lê Toàn

Săn lùng bất động sản công nghiệp

“Sai lầm lớn của tôi là chỉ phát triển khu đô thị, không quan tâm đến khu công nghiệp, làm mất một khoản thu rất lớn. Bây giờ cơ hội đã đến và phải là khu công nghiệp sinh thái. Nếu không làm sẽ bị lạc hậu, doanh thu thụt lùi. Tất cả đô thị bây giờ cũng được định hướng phát triển như vậy”. Đây là lời chia sẻ của ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra mới đây.

Không khó hiểu khi ông Tuấn chia sẻ như vậy. Báo cáo “Triển vọng thị trường vốn nợ năm 2024 - Thích nghi với thay đổi” của FiinRatings nhận định, trong bối cảnh nhiều biến động như giai đoạn 2021 - 2023, các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp vẫn cho thấy khả năng kinh doanh ổn định khi tiếp tục thu hút được đầu tư nước ngoài, thể hiện qua tỷ lệ lấp đầy luôn duy trì ở mức cao.

Đặc biệt, mô hình kinh doanh linh hoạt giúp các nhà phát triển khu công nghiệp nhận được khoản đặt cọc lớn từ khách hàng ngay từ giai đoạn đầu của dự án và nhận thanh toán toàn bộ tiền thuê hạ tầng cho một chu kỳ thuê. Đây cũng là yếu tố giúp các doanh nghiệp này hoạt động ổn định.

Bất động sản công nghiệp có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư. Tỷ lệ hấp thụ nhà xưởng xây sẵn được dự báo tiếp tục tăng, nhu cầu thuê kho được duy trì.

FiinRatings đánh giá, bất động sản khu công nghiệp Việt Nam vẫn sẽ được duy trì ở mức ổn định thông qua ba yếu tố là: nhu cầu cao nhờ mở rộng sản xuất của cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; nguồn cung được Chính phủ khuyến khích để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng; thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng.

Nhận thấy triển vọng của bất động sản công nghiệp, Chủ tịch DIC Corp cho biết, doanh nghiệp ông đang quan tâm đến 4 khu đất để phát triển khu công nghiệp gồm: Khu Châu Đức II, quy mô 1.000 ha (có 400 ha là đất đô thị) đã thỏa thuận được với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Khu Phạm Văn Hai, quy mô 270 ha, đang xin để được làm chủ đầu tư; Khu công nghiệp Hàng Gòn ở cuối cao tốc Long Thành - Dầu Giây có 400 ha đất trồng cây cao su; Khu công nghiệp Long Sơn liên doanh với đối tác.

“Chúng ta phải tập trung làm khu công nghiệp sinh thái. Nếu các khu công nghiệp hiện hữu nâng cấp thành khu công nghiệp sinh thái, thì giá cho thuê có thể tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi”, ông Tuấn nói.

Tương tự, với Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land), trong chiến lược sắp tới, Công ty sẽ mở rộng thêm mảng bất động sản công nghiệp và bất động sản kho vận tại thị trường phía Nam. Đây sẽ là nền tảng góp phần giúp TTC Land tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.

Các doanh nghiệp nhìn nhận, bất động sản công nghiệp đang có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài trong xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế. Tỷ lệ hấp thụ nhà xưởng xây sẵn sẽ tiếp tục tăng; nhu cầu thuê kho được duy trì bởi tiêu dùng trong nước, nền kinh tế định hướng xuất khẩu, sự tăng trưởng của thị trường logistics và thương mại điện tử.

Sẵn sàng nguồn cung lớn

Là một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) có động thái tiến sâu hơn vào mảng phát triển khu công nghiệp. Mới đây, doanh nghiệp này được chấp thuận đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Đông Anh (Hà Nội), với quy mô sử dụng đất của dự án hơn 299 ha, tổng vốn đầu tư hơn 6.338 tỷ đồng, gồm hai giai đoạn: giai đoạn I có diện tích 179 ha; giai đoạn II có diện tích 120 ha.

Tập đoàn Sơn Hà cũng chính thức gia nhập thị trường bất động sản công nghiệp từ năm 2023, khi khởi công Khu công nghiệp SHI IP Tam Dương tại Vĩnh Phúc, quy mô 162 ha, tổng vốn đầu tư 1.576 tỷ đồng. Khu công nghiệp này đánh dấu việc mở rộng đầu tư của Sơn Hà, vốn được biết đến là một thương hiệu sản xuất bồn nước hàng đầu Việt Nam.

Trước áp lực bị các doanh nghiệp ngoài ngành lấn sân, các doanh nghiệp trong ngành cũng tăng tốc triển khai các dự án hiện hữu, săn thêm quỹ đất để chuẩn bị cho tăng trưởng dài hạn.

Trong năm nay, Tổng công ty IDICO có kế hoạch đầu tư gần 1.580 tỷ đồng vào hạ tầng các khu công nghiệp để thu hút đầu tư, mục tiêu cho thuê 145 ha. Đây là diện tích thu hút đầu tư mới, không bao gồm các biên bản ghi nhớ cho thuê đất đã ký chuyển tiếp từ năm 2023 sang hợp đồng cho thuê năm nay.

Ngoài ra, thời gian qua, Công ty tập trung hoàn thiện pháp lý để được chấp thuận làm chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Phước 1, quy mô 470 ha tại tỉnh Tiền Giang, sẽ triển khai trong năm nay, tạo động lực phát triển cho giai đoạn từ năm 2025 trở đi. Mục tiêu của IDICO là phát triển thêm 2 ha mới cho mỗi ha bán ra.

“Năm 2024 và 2025 là thời điểm thuận lợi để IDICO chuẩn bị điều kiện, nắm bắt cơ hội phát triển các dự án khu công nghiệp tại những vị trí tiềm năng. Lợi thế của IDICO là các dự án khu công nghiệp đang nghiên cứu phát triển ở các địa phương giai đoạn 2025 - 2030 đang bám sát với quy hoạch của các tỉnh”, lãnh đạo công ty chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản đón nhận nhiều dự án khu công nghiệp mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo.

Tính đến hết quý I/2024, cả nước có 418 khu công nghiệp (trong đó có 4 khu chế xuất). Trong đó, có 298 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 120 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng. Các khu công nghiệp đang hoạt động có tỷ lệ lấp đầy trên 75%; trong đó, các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 82% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 92%.

“Phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trên thị trường trong năm 2024 và các năm tiếp theo”, ông Đính khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản