“Sức khỏe” nhiều doanh nghiệp địa ốc không mấy khả quan
Thanh Vũ - 06/08/2024 10:15
 
Báo cáo tài chính trong quý vừa qua cho thấy tình trạng “sức khỏe” không mấy khả quan của nhiều công ty bất động sản. Một số doanh nghiệp còn phải trông cậy vào doanh thu tài chính để có lãi.
Thị trường bất động sản có phục hồi, nhưng còn cách rất xa thời “hoàng kim” như năm 2019	ảnh: t.v
Thị trường bất động sản có phục hồi, nhưng còn cách rất xa thời “hoàng kim” như năm 2019        Ảnh: T.V

Doanh thu, lợi nhuận đồng loạt sụt giảm

Chia sẻ thông tin nội bộ, chị H. (cựu nhân viên) cho biết, công ty bất động sản D. đang phải chứng kiến một cuộc “chảy máu nhân sự” quy mô lớn. Thậm chí, những người ở vị trí quản lý cũng đã rời khỏi doanh nghiệp này.

“Công ty cũ của tôi bán hàng từ công ty mẹ là chủ yếu. Tuy nhiên, gần đây, doanh nghiệp không có dự án mới do vướng mắc về mặt pháp lý. Vì thế, chúng tôi đã phải làm đại lý F2 cho các chủ đầu tư khác”, chị H. nói.

Khó khăn chưa dừng lại ở đó. Theo chị H., thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự khởi sắc, giao dịch dù có cải thiện, nhưng về tổng thể, vẫn không bằng giai đoạn 2021 - 2022.

“Ở giai đoạn trước, mỗi sự kiện mở bán ghi nhận số lượng giao dịch lên tới cả ngàn căn. Hiện nay, con số thực tế chỉ tính bằng đơn vị hàng trăm. Với việc hoa hồng giảm do chỉ là đại lý F2, nhiều người dần nản lòng và ra đi tìm cơ hội mới”, chị H. cho biết.

Cụm từ “thị trường vẫn khó khăn” đang là lý do chính được nhiều doanh nghiệp lý giải cho kết quả kinh doanh không khả quan trong quý II/2024. CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) là một trường hợp trong số đó.

Số liệu tiêu cực trong báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp là hệ quả tất yếu của việc thị trường chìm trong khó khăn suốt một thời gian dài.

Trong quý vừa qua, doanh nghiệp này có doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ vỏn vẹn hơn 8,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ doanh thu tài chính, PDR vẫn có lợi nhuận sau thuế lên tới 49 tỷ đồng. Dẫu vậy, con số này vẫn thấp hơn tới 81% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, CTCP Bất động sản Thế Kỷ - Cen Land (CRE) cũng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với kết quả không khả quan. Theo đó, doanh thu thuần giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, dừng ở mức 333 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt 8,6 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ.

“Trong quý II/2024, thị trường bất động sản đã có những tín hiệu tích cực, nhưng vẫn chưa thực sự sôi động. Mảng doanh thu hoạt động đầu tư bất động sản của Công ty giảm do một số dự án chưa ra hàng, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm so với cùng kỳ năm trước”, Cen Land lý giải việc kết quả kinh doanh đi xuống.

Hai doanh nghiệp trên là ví dụ cho thấy bức tranh chung của thị trường vẫn chưa hoàn toàn tích cực. Nhiều doanh nghiệp bất động sản khác như Đầu tư LDG, Khải Hoàn Land, Đầu tư Hải Phát, Nhà Đất Việt, An Dương Thảo Điền... cũng có kết quả kinh doanh đi lùi trong quý II/2024.

Đi tìm điểm sáng hiếm hoi của thị trường

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Đầu tư của DKRA Group cho biết, những số liệu tiêu cực trong báo cáo tài chính quý II/2024 của một số doanh nghiệp là hệ quả tất yếu của việc thị trường chìm trong khó khăn suốt một thời gian dài.

“Thị trường bất động sản bắt đầu rơi vào tình cảnh khó khăn từ đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp không bán được hàng, các hoạt động kinh doanh cốt lõi sụt giảm. Đến cuối năm 2023, thị trường mới bắt đầu nhen nhóm tín hiệu hồi phục ở một số phân khúc”, ông Thắng chia sẻ.

Chẳng hạn, chung cư là một trong những phân khúc được kỳ vọng sẽ dẫn dắt đà hồi phục của thị trường. Tuy nhiên, trong thực tế, dòng sản phẩm này vẫn chưa thực sự có bước nhảy vọt lớn. Ông Thắng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, thị trường chung cư tại TP.HCM và vùng phụ cận ghi nhận nguồn cung mới 15.000 căn, nhưng lượng tiêu thụ chỉ khoảng 3.300 căn, tăng 8% so với cùng kỳ, song chỉ bằng 15 - 20% so với năm 2019.

Giám đốc Đầu tư của DKRA dự đoán, từ năm 2025 trở đi, các công ty mới có thể ghi nhận doanh thu khởi sắc từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu, ông không ngạc nhiên trước thông tin ảm đạm của các doanh nghiệp địa ốc. Tuy nhiên, vị chuyên gia này vẫn nhìn thấy các điểm sáng le lói trong bức tranh chung của thị trường.

“Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Phân khúc bất động sản công nghiệp có thể được hưởng lợi, khi các nhà đầu tư nước ngoài tiến vào thị trường Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn”, ông Hiếu bình luận.

Chẳng hạn, CTCP Phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa đã có tình hình kinh doanh tương đối “sáng” trong quý II/2024. Theo đó, doanh thu thuần của Công ty đạt 40,7 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế lên tới 68 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với năm trước.

Theo lý giải của Công ty, mức tăng này đến từ khoản thu cung cấp dịch vụ tại Khu công nghiệp Tam Phước (Đồng Nai). Đây là kết quả của việc các doanh nghiệp gỗ đã có đơn hàng trở lại và hoạt động ổn định hơn.

Một doanh nghiệp khác là CTCP Sonadezi Long Thành (SZL) cũng có kết quả tài chính tích cực trong quý vừa qua. Về doanh thu thuần, Công ty đạt 125 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng của doanh nghiệp cũng lên tới 34,6 tỷ đồng, tăng 54% so với quý II/2023.

“Bất động sản khu công nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất từ sau Covid-19 đến nay. Chiến lược ‘Trung Quốc + 1’ của nhiều doanh nghiệp quốc tế đang tạo ra làn sóng dịch chuyển các nhà máy sang Việt Nam. Dù kết quả chưa đạt được như kỳ vọng, nhưng rõ ràng, phân khúc này vẫn đang được hưởng trái ngọt”, ông Võ Hồng Thắng phân tích.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi các “đại bàng” mới vẫn chưa đến Việt Nam. Mở rộng vấn đề, ông cho rằng, trong năm nay, thế giới sẽ chứng kiến nhiều biến động địa chính trị, nên còn quá sớm để nhìn nhận một cách hoàn toàn tích cực về một phân khúc chịu tác động nhiều bởi các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản