Thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại; Đấu giá đất Hoài Đức (Hà Nội) dần “hạ nhiệt”
Thanh Vũ - 09/11/2024 10:38
 
TP.HCM lập tổ công tác giải quyết cấp sổ hồng các dự án nhà ở thương mại; Sắp đấu giá 32 lô đất cuối cùng tại khu Lòng Khúc, huyện Hoài Đức; Ninh Thuận tách thửa đất ở tại Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tối thiểu 40 m2.

Sau đây là tổng hợp các tin tức bất động sản nổi bật trong tuần

Mở rộng đất cho nhà ở thương mại: Chính phủ làm rõ các loại đất được thí điểm

Theo Chính phủ, Dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm cho nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp không phải đất ở và trường hợp đất ở và đất khác trong cùng thửa đất là phù hợp.

Nhiều dự án mới đang được triển khai trên quỹ đất ban đầu không phải là đất ở. Ảnh: Thanh Vũ


Ngày 7/11, Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (Dự thảo).

Trước đó, tại tờ trình ngày 29/10, Chính phủ đề xuất tổ chức kinh doanh bất động sản được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất được chuyển mục đích sử dụng đối với một hoặc các loại đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp không phải đất ở; đất ở và đất khác trong cùng thửa đất đối với trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất.

Cho ý kiến tại phiên họp ngày 3/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ cơ sở, căn cứ việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất cho tất cả các loại đất quy định tại Điều 9 Luật Đất đai năm 2024.

Chính phủ giải thích, trên thực tế phần lớn các dự án bất động sản phát triển mới, nhất là các dự án quy mô lớn, đều được triển khai trên quỹ đất ban đầu không phải là đất ở và quy hoạch chi tiết của dự án cũng gồm nhiều loại đất khác nhau như đất ở, đất giao thông, đất cây xanh…

Mặt khác, theo quy định tại Điều 9 của Luật Đất đai năm 2024 thì có rất nhiều loại đất cụ thể trong nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp. Các loại đất này sẽ được chuyển đổi mục đích thành đất ở và các loại đất khác trong phạm vi dự án nên việc quy định cụ thể từng loại đất và điều kiện đối với từng loại đất sẽ dễ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Do đó, dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm cho nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp không phải đất ở và trường hợp đất ở và đất khác trong cùng thửa đất là phù hợp.

TP.HCM thành lập tổ công tác giải quyết cấp sổ hồng các dự án nhà ở thương mại

Ngày 5/11, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 5013/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ Công tác giải quyết các nội dung liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (còn gọi là sổ hồng) cho tổ chức, cá nhân tại các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố.

Một dự án chung cư tại TP.Thủ Đức chưa được cấp sổ hồng. Ảnh: Trọng Tín


Tổ Công tác do ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM làm Tổ trưởng. Các thành viên khác của Tổ Công tác gồm các sở, ngành khác như Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Thanh tra Thành phố, Công an Thành phố…

Tổ Công tác có nhiệm vụ rà soát tổng thể và thống kê số liệu các khu nhà, các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố đã được cấp phép đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp sổ hồng.

Từ đó, xác định rõ nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến việc chưa hoàn thành cấp Giấy chứng nhận, phân nhóm, phân loại, thống kê số liệu, danh sách dự án cụ thể theo từng nhóm, đề ra và thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo kế hoạch, lộ trình và thời gian cụ thể.

Sau đó, tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất và đồng bộ từ Thành phố đến quận, huyện, TP. Thủ Đức để giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà.

Tổ Công tác được giao theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đánh giá toàn diện về tình hình phát triển cũng như công tác cấp Giấy chứng nhận tại các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố kể từ khi dự án được cấp phép đầu tư xây dựng đến khi nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng và cấp Giấy chứng nhận.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, tính đến đầu năm 2024, trên toàn địa bàn Thành phố còn khoảng 81.000 căn hộ tại các dự án nhà ở thương mại chưa được cấp sổ hồng.

Những dự án vướng mắc được phân thành 6 nhóm gồm: nhóm chờ thuế; nhóm chậm nộp hồ sơ cấp sổ hồng; nhóm bất động sản mới; nhóm phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung; nhóm dự án có vướng mắc khác; nhóm dự án đang thanh tra, điều tra.

Đấu giá đất Hoài Đức “hạ nhiệt", mức giá trúng cao nhất là 103 triệu đồng/m2

Không còn những màn trả giá xuyên đêm, phiên đấu giá 20 thửa đất lô LK01 và LK02 tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã kết thúc vào khoảng 5h chiều ngày 4/11. Mức giá các lô đất đa phần dao động quanh mức 91 - 97 triệu đồng/m2. Trong đó, lô có giá thấp nhất là 85 triệu đồng/m2; cao nhất là 103,3 triệu đồng/m2.

Hình ảnh lô đất LK02-01 - một trong hai thửa đất có giá 103 triệu đồng/m2. Ảnh: Nhật Linh


20 lô đất được đấu giá lần này nằm đối diện Trường Mầm non Tiền Yên, cách đường Vành đai 4 khoảng 400 m và tọa lạc ngay cạnh 19 lô đất LK03 và LK04 - những lô đất từng lập kỷ lục về giá trúng tại huyện Hoài Đức với 133 triệu đồng/m2.

Hai lô có giá trúng cao nhất trong phiên này là LK02-01 và LK01-04, diện tích lần lượt là 145 m2 và 109 m2. Đây đều là các lô góc, sở hữu 3 mặt tiền và nằm ở vị trí “cửa ngõ" dẫn vào khu đất. Nói theo cách khác, khi người dân tới khu đất đấu giá Lòng Khúc, gần như bắt buộc họ sẽ phải đi qua hai lô đất trên. Đây chính là lý do các thửa đất này có giá đắt gấp 14 lần mức khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2.

Sắp đấu giá 32 lô đất cuối cùng tại khu Lòng Khúc, huyện Hoài Đức

Ngày 11/11 sẽ là thời điểm tổ chức phiên đấu giá 32 thửa đất LK05 và LK06 tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Đa số các lô đất có diện tích khoảng 97 m2, cá biệt có những lô rộng tới 144 - 172 m2. 

Mức giá khởi điểm của tất cả các thửa đất vẫn là 7,3 triệu đồng/m2 - con số tương tự các phiên đấu giá trước tại khu Lòng Khúc. Khoản tiền cọc cho các lô đất dao động trong khoảng 141 - 251 triệu đồng/thửa.

Toàn cảnh các lô đất đấu giá thuộc khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Bất động sản Tâm Phúc


Những lô đất đấu giá sắp tới có vị trí tương đối đẹp. Cả hai khu đều sở hữu hướng nhìn thẳng ra đường Vành đai 4 và nằm ngay cạnh hồ nước. Riêng lô LK05 sẽ nằm kế bên sân bóng. Còn lô LK06 sẽ tọa lạc cạnh dự án nhà ở xã hội. 

Theo công bố từ Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt, hạn chót tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia phiên đấu giá là ngày 8/11. Hình thức đấu giá vẫn là bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng, tối thiểu là 6 vòng. Bước giá áp dụng chung trong các vòng là 6 triệu đồng/m2. 

Bình Định: Hai khu đất thực hiện dự án trên 2.200 tỷ đồng sắp đưa ra đấu giá

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Bình Định) mới đây đã có thông báo đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện 2 dự án gồm dự án khu đô thị Tây Nam xã Nhơn Lý và dự án Điểm số 2 (2-2), khu du lịch biển Nhơn Lý - Cát Tiến.

Dự án khu đô thị Tây Nam xã Nhơn Lý thuộc quy hoạch khu đô thị du lịch Nhơn Hội (phân khu 03), khu kinh tế Nhơn Hội, xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn có diện tích hơn 21,3 ha (đất ở 5,9 ha, đất thương mại dịch vụ hơn 1,7 ha). Tiến độ thực hiện hoàn thành toàn bộ dự án không quá 72 tháng kể từ khi có quyết định giao đất, cho thuê đất.

Dự án có tổng số nhà ở liền kề kết hợp thương mại dịch vụ 106 căn, nhà ở biệt thự 229 căn, căn hộ chung cư nhà ở xã hội 300 căn. Ngoài ra, dự án còn có khách sạn cao 9 tầng và tòa nhà dịch vụ phụ trợ cao 3 tầng…

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản cho biết, giá khởi điểm của tài sản là 537,436 tỷ đồng, bước giá 10.749 tỷ đồng, tiền đặt trước tham gia đấu giá là 107,487 tỷ đồng. Thời gian nộp hồ sơ năng lực, phiếu trả giá gián tiếp trước 16h ngày 15/11/2024; thời gian tổ chức cuộc đấu giá là 9h, ngày 23/11/2024.

Trong khi đó, dự án Điểm số 2 (2-2), khu du lịch biển Nhơn Lý – Cát Tiến có diện tích 40,21 ha gồm đất dịch vụ du lịch hơn 14,4 ha, đất khách sạn 1,6 ha, đất dịch vụ nghỉ dưỡng 1,1 ha…

Theo Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, giá khởi điểm của tài sản là 537,436 tỷ đồng, bước giá 6,959 tỷ đồng, tiền đặt trước tham gia đấu giá hơn 69,5 tỷ đồng. Thời gian nộp hồ sơ trước 16h, ngày 22/11/2024; thời gian tổ chức đấu giá là 9h, ngày 30/11/2024.

Ninh Thuận tách thửa đất ở tại Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tối thiểu 40 m2

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành quy định về điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, về tách thửa đất đối với đất ở tại khu vực đô thị, UBND tỉnh Ninh Thuận quy định diện tích của thửa đất mới được hình thành do tách thửa và diện tích còn lại của thửa đất sau khi tách thửa tối thiểu là 40 m2 (tại khu vực nông thôn là 80 m2).

Tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm, đối với đất ở, diện tích thửa đất mới được hình thành do tách thửa và diện tích còn lại của thửa đất sau khi tách thửa tối thiểu là 40 m2.


Đồng thời, kích thước cạnh của thửa đất mới được hình thành do tách thửa cũng như của thửa đất còn lại sau khi tách thửa phải lớn hơn hoặc bằng 3,5 m (tại khu vực nông thôn là 5 m).

Ngoài ra, thửa đất mới được hình thành do tách thửa và thửa đất còn lại sau khi tách thửa phải tiếp giáp với đường giao thông do Nhà nước quản lý hoặc bảo đảm có lối đi được kết nối với đường giao thông do Nhà nước quản lý.

Đáng chú ý, các thửa đất ở tại các khu dân cư hiện hữu ven biển tại xã Cà Ná và xã Phước Diêm thuộc huyện Thuận Nam thì diện tích đất tối thiểu được phép tách thửa cũng được áp dụng như tại khu vực đô thị.

Cùng với đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng quy định việc tách thửa đối với đất nông nghiệp (là đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác và đất rừng sản xuất trừ đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên) tại khu vực đô thị và nông thôn.

Cụ thể, tại khu vực đô thị, diện tích của thửa đất mới được hình thành do tách thửa và diện tích còn lại của thửa đất sau khi tách thửa tối thiểu tại các xã, phường thuộc TP. Phan Rang - Tháp Chàm là 300 m2; tại các thị trấn là 500 m2.

Tại khu vực nông thôn, diện tích của thửa đất mới được hình thành do tách thửa và diện tích còn lại của thửa đất sau khi tách thửa tối thiểu tại các xã đồng bằng là 750 m2; tại các xã trung du là 1.000 m2; tại các xã miền núi là 2.000 m2.

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng lưu ý, đối với đất ở và đất đất phi nông nghiệp không phải là đất ở tại những khu vực có đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng riêng thì diện tích tối thiểu được thực hiện tách thửa theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng và hồ sơ đồ án kèm theo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Thừa Thiên Huế tăng cường quản lý, ngăn chặn hành vi thổi giá bất động sản

Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã ký ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác khi có yêu cầu. Tiếp tục thực hiện Đề án chống thất thu thuế trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 theo chức năng và nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát các hoạt động giao dịch bất động sản, đảm bảo tuân thủ pháp luật. Phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi “thổi giá”, đầu cơ bất động sản, góp phần ổn định thị trường bất động sản.

Đồng thời, giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp tổ chức thanh tra, kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có) theo thẩm quyền.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản