Thu ngân sách từ nhà, đất tăng mạnh; Long An có thêm khu công nghiệp 5.600 tỷ đồng
Thanh Vũ - 09/06/2024 07:54
 
Thị trường bất động sản “gặp thời” bởi các yếu tố vĩ mô; Nguyên nhân ngập úng là do đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu; Thu ngân sách từ nhà đất tăng gần 80%; Chủ đầu tư khắp ba miền đang dần ra hàng mới.

Thị trường bất động sản “gặp thời” bởi các yếu tố vĩ mô

“Giá USD và lãi suất sẽ giảm từ nay tới năm 2027. Xu hướng này sẽ tác động trực tiếp đến tình hình lãi suất tại Việt Nam”, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nhấn mạnh tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến” do Báo Đầu tư tổ chức.

Các chuyên gia có mặt tại sự kiện của Báo Đầu tư đều bày tỏ thái lạc quan về tương lai của nền kinh tế. Ảnh: Chí Cường

Với mảng bất động sản - lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm với các tác động của lãi suất, nhận định của ông Trương Văn Phước chính là một lời gợi mở về tương lai của thị trường. Theo vị chuyên gia, khi lãi suất "hạ nhiệt", ngành địa ốc sẽ được hưởng lợi, dưới cả góc độ doanh nghiệp lẫn người mua nhà. Theo ông Phước, quy luật này đã trở thành một “công thức trong sách giáo khoa” của dân tài chính.

Không chỉ lãi suất, thị trường bất động sản còn chịu tác động bởi yếu tố kinh tế vĩ mô. Dưới góc độ này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, bày tỏ thái độ vô cùng lạc quan.“Các động lực tăng trưởng đang phục hồi. Trong đó, nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro đang được tích lũy tốt lên. Rủi ro tài khóa chỉ ở mức trung bình, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn. Đặc biệt, tình hình lạm phát, tỷ giá và nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát…”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại sự kiện.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia còn cho rằng, nền tảng phục hồi của thị trường bất động sản sẽ được thúc đẩy bởi sự hoàn thiện trong cơ chế, chính sách. Với việc bộ ba Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực sớm hơn 5 tháng, thị trường địa ốc sẽ bước sang một “trang mới” bền vững và lành mạnh hơn. 

“Giá cổ phiếu ngành bất động sản trong 2 năm trước chỉ nhuốm trong một màu đỏ. Tuy nhiên, sắc xanh đã quay trở lại trong năm nay”, TS. Cấn Văn Lực dẫn chứng về niềm tin của nhà đầu tư về tương lai của thị trường bất động sản.

Theo ông Cấn Văn Lực, hiện thị trường đang có nhiều cơ hội hơn là thách thức. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần nhận định rõ khẩu vị rủi ro cũng như có kế hoạch sử dụng đòn bẩy hợp lý. Thậm chí, nhà đầu tư có thể tham khảo sử dụng dịch vụ “chuyên môn” của các trung gian tài chính để đưa ra quyết định chính xác hơn.

Nguyên nhân ngập úng là do đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu

Tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp cũng như tình trạng ngập úng đô thị do san lấp ao hồ làm dự án bất động sản.

Trả lời chất vấn về vấn đề sử dụng cát biển, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ đã xây dựng, ban hành và chuyển các cơ quan có thẩm quyền ban hành tương đối đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật cũng như là các định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý sử dụng tro xỉ, thạch cao để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.

Bộ cũng đã đã xây dựng, ban hành tiêu chuẩn về cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa, đồng thời ban hành tiêu chuẩn cấp phối tái chế chất thải rắn xây dựng để làm móng, đường giao thông đô thị.

Riêng cát nhiễm mặn làm vật liệu san lấp đường giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông Vận Tải xây dựng đề án nghiên cứu đánh giá và thí điểm sử dụng cát biển để đắp nền đường. 

Đáng chú ý, về vấn đề ngập úng đô thị do san lấp ao hồ làm dự án, Bộ trưởng Xây dựng khẳng định, tình trạng này diễn ra phức tạp do một số nguyên nhân như tác động của tự nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến khả năng tiêu thoát nước tự nhiên giảm xuống; công tác quy hoạch chưa đáp ứng được dự báo cũng như đáp ứng các yêu cầu để phòng, chống ngập úng đô thị.

Thu ngân sách từ nhà đất tăng gần 80%

Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách 5 tháng đầu năm của cả nước đạt 898.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, khoản thu ngân sách từ nhà, đất đạt 90.600 tỷ đồng, tăng tới 78,2% so với cùng kỳ năm trước.

Siêu dự án của Vinhomes tại Hải Phòng đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước tổng số tiền lên tới 6.600 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, mức tăng trên xuất phát từ hàng loạt cuộc đấu giá, giao đất của các địa phương. Trong đó, dự án Vinhomes Vũ Yên (Hải Phòng) góp khoảng 5.600 tỷ, Ecopark Vinh - Nghệ An là 1.000 tỷ, Phố Mới (Hưng Yên) khoảng 700 tỷ, khu dân cư Mai Bá Hương (Long An) đóng góp 970 tỷ đồng.

Đồng thời, một số địa phương cũng phát sinh thu tiền thuê đất một lần với một số dự án như Vinhomes Vũ Yên là 1.000 tỷ, dự án Mặt trời Kiên Giang khoảng 644 tỷ, cáp treo Hòn Thơm là 570 tỷ, EcoLand (Hưng Yên) với 580 tỷ.

Ngoài ra, tiền thu từ nhà, đất tăng mạnh so với cùng kỳ bởi trong 5 tháng đầu năm 2023, các địa phương đã phải thực hiện chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất theo nghị định 12, làm giảm số tiền thu khoảng 38.000 tỷ đồng.

Trong gần 10 năm trở lại đây, số thu từ nhà đất liên tục tăng cao. Năm 2013, số thu từ nhà đất là gần 63.700 tỷ đồng, năm 2022, số thu này tăng khoảng 4 lần. Năm 2023, do thị trường bất động sản trầm lắng nên thu ngân sách từ nhà đất giảm so với năm 2022.

Chủ đầu tư khắp ba miền đang dần ra hàng mới

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, cùng với nền kinh tế, thị trường địa ốc vẫn đang phục hồi tích cực qua từng tháng. Hàng loạt dự án bất động sản đang được tái khởi động, khởi công, công bố, giới thiệu ra thị trường. Đáng chú ý, đa phần các dự án đều thuộc phân khúc trung cấp trở lên.

Theo đó, tại khu vực phía Bắc, nguồn cung mới được bổ sung từ loạt dự án như Lumière Evergreen, The Sola Park tại khu đô thị Vinhomes Smart City (Hà Nội); dự án MasCity (Bắc Giang); dự án Vaquarius (Văn Giang); dự án Golden Crown (Hải Phòng); dự án Hạ Long Marina (Quảng Ninh)...

Tại miền Trung, thông tin các dự án mới mở bán cũng đã góp phần “sưởi ấm” thị trường, chẳng hạn Gold Tower, Sun Ponte Residence, Sun Symphony Residence tại Đà Nẵng; Libera tại Nha Trang…

Với khu vực TP. HCM và vùng phụ cận, hàng loạt dự án được triển khai kinh doanh, kick - off, nhận booking như dự án Cara Riverview (Cần Thơ); dự án A&T Garden và Phú Đông SkyOne (Bình Dương); dự án The Beverly, Vinhomes Grand Park, Eaton Park (TP. Hồ Chí Minh); dự án New Vegas (Kiên Giang)...

Thanh Hóa chấp thuận dự án khu dân cư hơn 480 tỷ đồng

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu dân cư mới phía Tây Bắc đường tỉnh 517, xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn.

Dự án có diện tích lên tới 17,03 ha với tổng vốn đầu tư hơn 484 tỷ đồng. Khi hoàn thiện, khu dân cư sẽ cung cấp ra thị trường 386 căn nhà và lô đất ở. Dự kiến quy mô dân số tại dự án lên tới 2.600 người.

Long An có thêm khu công nghiệp hơn 5.600 tỷ đồng

Vào ngày 6/6, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định chấp thuận dự án khu công nghiệp Phúc Long mở rộng. Dự án tọa lạc tại xã Long Hiệp, huyện Bến Lức và xã Long Định, Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Quy mô của khu công nghiệp này lên tới 329 ha với tổng mức đầu tư khoảng 5.642 tỷ đồng. Tính đến nay, Long An đã có tới 34 khu công nghiệp với tổng quy mô hơn 9.250 ha. Các khu công nghiệp này đã thu hút hơn 1.900 dự án, tạo ra việc làm cho 183.000 lao động, trong đó có trên 950 dự án FDI.

Bắc Giang có thêm một xã được lập quy hoạch 

Vào ngày 6/6, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Tam Tiến (Mỏ Trạng), huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đến năm 2040, tỷ lệ 1/5.000.

Theo đó, phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính xã Tam Tiến (hiện trạng), huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 3.057 ha. Dự án có tổng chi phí thực hiện khoảng 5.404 tỷ đồng.

Hiện lượng dân số hiện trạng chỉ khoảng 6.546 người. Tuy nhiên, đến năm 2040, quy mô dân số dự kiến tại địa phương sẽ lên tới 11.800 người.

Về tính chất, đô thị Tam Tiến (Mỏ trạng) là đô thị loại V, phát triển theo hướng sinh thái, trên trục đô thị hóa dọc theo quốc lộ 17 của tỉnh Bắc Giang và huyện Yên Thế. Đây là đô thị động lực, hạt nhân của vùng II (vùng núi cao phía Bắc) của huyện Yên Thế, là trung tâm dịch vụ - thương mại, vận tải - nông - công nghiệp của vùng huyện.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản