Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Bộ Giao thông - Vận tải thẩm định đề xuất đầu tư Cảng Liên Chiểu - Đà Nẵng
Anh Minh - 16/01/2018 15:36
 
Với lý do đây là dự án có chuyên môn sâu, Bộ Giao thông - Vận tải được đề xuất sẽ là cơ quan chủ trì thẩm định Dự án xây dựng cảng Liên Chiểu giai đoạn I.
Liên Chiểu là cảng biển thứ hai tại Việt Nam (cùng cảng Lạch Huyện, Hải Phòng đang xây dựng) được quy hoạch với chức năng là cảng cửa ngõ quốc tế.
Liên Chiểu là cảng biển thứ hai tại Việt Nam (cùng cảng Lạch Huyện, Hải Phòng đang xây dựng) được quy hoạch với chức năng là cảng cửa ngõ quốc tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng cảng Liên Chiểu giai đoạn I.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo Luật Đầu tư công, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.

Theo đề xuất của UBND Tp. Đà Nẵng, cảng Liên Chiểu sẽ được quy hoạch là cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung (loại IA) gồm 5 phân khu chức năng. Trong đó, khu bến tổng hợp được quy hoạch tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 DWT; khu bến container được quy hoạch để tiếp nhận cỡ tàu 80.000 đến 100.000 DWT (sức chở 5.000- 8.000 TEU); khu cảng hàng lỏng (xăng dầu và các sản phẩm hoá dầu như LPG, nhựa đường…) đón được tàu trọng tải đến 10.000 DWT; khu bến thủy nội địa: đáp ứng cho tàu từ 1.000 đến 5.000 DWT chạy theo tuyến đường thủy nội địa ven biển và khu dịch vụ logicstic và dịch vụ hậu cần sau cảng.

Đây là cảng biển thứ hai tại Việt Nam (cùng cảng Lạch Huyện, Hải Phòng đang xây dựng) được quy hoạch với chức năng là cảng cửa ngõ quốc tế.

Trước đó, Bộ GTVT đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 3 với lượng hàng hóa thông qua khu cảng Tiên Sa bằng đường bộ từ 8,6 đến 10 triệu tấn/năm vào năm 2020, không vượt quá 12 triệu tấn/năm giai đoạn đến năm 2030.

Tuy nhiên, theo ý kiến của UBND Tp. Đà Nẵng, nếu lượng hàng đến, rời khu bến Tiên Sa bằng đường bộ đạt 12 triệu tấn/năm sẽ gây quá tải hạ tầng giao thông đô thị của thành phố, đặc biệt là trên tuyến đường Ngô Quyền, Yết Kiêu.

Do vậy, để hạn chế ảnh hưởng đến điều kiện giao thông, môi trường đô thị, tiềm năng khai thác du lịch và vẫn đảm bảo yêu cầu khai thác hiệu quả cảng Tiên Sa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Bộ Giao thông - Vận tải và UBND Tp. Đà Nẵng thống nhất điều chỉnh quy hoạch lượng hàng thông qua khu bến Tiên Sa, Thọ Quang bằng đường bộ là 10 triệu tấn/năm.

“Trong bối cảnh Cảng Tiên Sa đã sử dụng gần hết công suất và không còn khả năng mở rộng, việc xây dựng mới Cảng Liên Chiểu để thay thế và làm chức năng cảng cửa ngõ quốc gia trong tương lai gần có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giúp Đà Nẵng duy trì được vị thế đầu tàu kinh tế, là động lực phát triển của khu vực”, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư