Công trình xanh: Cơ hội để dẫn đầu
- 02/11/2014 09:01
 
TIN LIÊN QUAN

 

TIN LIÊN QUAN
Gắn biển chào mừng cho Dự án Thăng Long Number One
Người thiết kế cảm xúc cho cảnh quan Việt
Rào cản khi tăng suất đầu tư với các công trình xanh
Công trình xanh dùng năng lượng mặt trời

Doanh nghiệp Việt Nam chậm chân?

Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, công trình xanh không còn là yếu tố “nên có” mà đã trở thành công cụ cạnh tranh ở cấp độ cao cấp. Những tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang chạy đua đầu tư vào công trình xanh để duy trì lợi thế cạnh tranh này.

   
 

Công trình xanh được thiết kế tiết kiệm năng lượng và nước

 

Công trình xanh là công trình được thiết kế, xây dựng và vận hành theo hướng giảm thiểu các tác động đến môi trường, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên và cung cấp môi trường sống và làm việc tốt cho người sử dụng.

Có 3 loại chứng nhận phổ biến ở Việt Nam hiện nay là chứng chỉ LEED của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ; chứng chỉ GreenMark của Singapore và chứng chỉ LOTUS của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam.

Sau hơn 5 năm từ công trình đầu tiên vào năm 2008, hiện nay Việt Nam đã có tổng cộng 50 công trình đã được chứng nhận hoặc đang trong quá trình hoàn thiện. Trong đó, khoảng 30 công trình theo chứng chỉ LEED, 10 công trình theo chứng chỉ GreenMark và 10 công trình theo tiêu chuẩn LOTUS.

Tuy nhiên, con số trên vẫn chưa phản ánh trình độ phát triển công trình xanh của Việt Nam so với các nước trong khu vực, vì toàn bộ công trình theo tiêu chuẩn GreenMark chỉ do các nhà đầu tư Singapore như Capital Land và Keppel Land thực hiện, trong lúc 60% các dự án theo tiêu chuẩn LEED chủ yếu là nhà máy sản xuất do các doanh nghiệp FDI đầu tư.

Nhìn sang các thành phố lớn trong khu vực, Kular Lumpur (Malaysia) có 90 công trình theo chứng chỉ LEED, Bangkok (Thái Lan) có 38 hay ngay như Phnompenh (Campuchia) cũng đã có 7 công trình, trong lúc TP.HCM mới có 1 công trình là President Place.

Gần đây, công trình xanh được đề cập đến nhiều trên các phương tiện truyền thông như là một xu hướng tất yếu. Hàng loạt hội thảo chuyên ngành cũng được tổ chức ở nhiều cấp độ khác nhau về chủ đề này. “Xây dựng xanh là mục tiêu tất yếu của ngành xây dựng trong tương lai”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đã phát biểu mở đầu như vậy tại Hội nghị Công trình xanh do Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC) tổ chức tại TP.HCM trong tháng 9 vừa qua.

Tuy nhiên, tình hình phát triển công trình xanh tại Việt Nam vẫn chậm hơn so với nhiều nước trong khu vực. Trong nhiều lý do của việc chậm phát triển công trình xanh, thì việc chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tại Việt Nam chưa nắm rõ lợi ích và chi phí của công trình xanh là rào cản lớn nhất phải khắc phục.

Lợi ích đa dạng

Trước hết, công trình xanh được thiết kế theo tiêu chí tiết kiệm năng lượng và nước rất nghiêm ngặt, dẫn đến việc giảm đáng kể chi phí vận hành. Trung bình, một công trình xanh tiết kiệm được khoảng 20% điện năng và 40% lượng nước sạch so với công trình bình thường. Về lâu dài, công trình xanh sẽ giảm được rủi ro về chi phí vận hành trước giá điện và giá nước đều có xu hướng và lộ trình tăng liên tục trong thời gian gần đây.

Đối với công trình dân dụng và thương mại, giá bán và giá cho thuê của công trình xanh đều có xu hướng cao hơn công trình bình thường. Ông Autif Sayyed, đại diện IFC chia sẻ tại Hội nghị thường niên công trình xanh vừa qua rằng, giá bán trung bình của căn nhà có chứng nhận xanh tại California (Hoa Kỳ) cao hơn khoảng 9% so với nhà bình thường, tương tự tại Singapore là 4%.

Trong lĩnh vực sản xuất, các nhà máy đạt chuẩn công trình xanh thường sẽ được ưu tiên nhận đơn hàng hoặc thậm chí tiêu chí bền vững được đánh giá ngang với đơn giá sản phẩm. Theo một tài liệu của Nike, công ty này đánh giá các nhà máy gia công của họ dựa trên 4 tiêu chí, bao gồm chất lượng, đơn giá, thời hạn giao hàng và sản xuất bền vững. Điều đặc biệt là 4 tiêu chí này có trọng số ngang nhau.

Bên cạnh các lợi ích rõ ràng và có thể nhìn thấy được nêu trên, công trình xanh còn mang lại chủ đầu tư nhiều lợi ích lâu dài và khó có thể cân đong đo đếm được. Có thể kể đến việc sức khỏe người lao động được đảm bảo, từ đó năng suất lao động cao hơn. Nếu tính toàn bộ các chi phí của 1 công trình trong suốt vòng đời 50 năm hoạt động và chi phí xây dựng là 1, thì chi phí vận hành gấp 5 lần và chi phí để trả cho nhân viên gấp 150 lần. Ngoài ra, chủ đầu tư còn xây dựng được thương hiệu và hình ảnh tốt đố với công chúng qua việc góp phần bảo vệ môi trường rất thiết thực là đầu tư vào công trình xanh.

Nói tóm lại, công trình xanh vẫn là cơ hội đầu tư sáng sủa nếu phân tích kỹ lợi ích và chi phí của nó. Cơ hội vẫn còn cho doanh nghiệp nào biết tận dụng cơ hội để dẫn đầu, tạo lợi thế cạnh tranh nhất định trước khi các đối thủ đồng loạt thực hiện chiến lược này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản