Doanh nghiệp địa ốc chờ cú hích khi các luật về bất động sản có hiệu lực
Việt Dũng - 07/08/2024 09:24
 
Nhiều doanh nghiệp địa ốc kỳ vọng, thị trường sẽ có cú hích khi 3 luật mới gồm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 chính thức có hiệu lực.

Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường bất động sản vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn, nhiều dự án gặp “đắp chiếu” do vướng mắc pháp lý, giao dịch ngưng trệ…, doanh nghiệp địa ốc kỳ vọng nhiều cú hích từ các luật mới liên quan đến bất động sản, bởi các luật này sẽ tạo khung pháp lý mới, hỗ trợ thúc đẩy tiến độ phát triển dự án và gia tăng nguồn cung nhà ở mới.

“Luật Đất đai 2024 tạo hành lang minh bạch, giúp tăng tốc độ phát triển dự án mới. Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định rõ ràng về vai trò, hoạt động của các cá nhân kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản, chủ đầu tư... Nhờ vậy, thị trường bất động sản sẽ không còn bát nháo”, ông Phan Lê Thành Long, Chủ tịch AFA Group chia sẻ.

Đánh giá tác động đến các chủ đầu tư, đại diện AFA Group cho biết thêm, luật sẽ rút ngắn thời gian triển khai dự án, nên rủi ro tài chính giảm đi. Các chủ đầu tư có chiến lược kinh doanh bền vững và lâu dài, cấu trúc tài chính lành mạnh sẽ có ưu thế để phát triển.

Trong khi đó, ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho rằng, năm nay, ngoài phân khúc sản phẩm cao cấp, siêu cao cấp được tung ra thị trường, thì nguồn cung đã xuất hiện ở một số phân khúc khác. Nguồn cung đang gia tăng mạnh mẽ, trong khi nhu cầu của người dân ngày càng tăng.

Cũng theo lãnh đạo Nam Long, trong thời gian tới, Công ty nỗ lực để huy động vốn, sử dụng vốn cho các hoạt động kinh doanh và tái cấu trúc nợ. Hành động này là cần thiết nhằm tăng tốc phát triển dự án, xoay vòng vốn nhanh hơn, sử dụng vốn hiệu quả vào những cơ hội mua bán - sáp nhập (M&A) dự án mới trong tương lai.

Đánh giá thị trường, ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc SGO Homes cho rằng, so với giai đoạn trước, nhà đầu tư đang dành nhiều thời gian hơn để cân nhắc quyết định xuống tiền “đón sóng” hạ tầng ở thời điểm này. Trong khi đó, dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng bắt đầu tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn như bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền với giá trị đầu tư không quá cao, tiềm năng sinh lời lớn.

“Với những dấu hiệu kể trên, tôi cho rằng, quá trình phục hồi của thị trường địa ốc sẽ tiếp tục theo chiều hướng tích cực. Mọi chuyển biến sẽ diễn ra từ từ, ổn định dựa trên đà phục hồi và tích lũy trước đó, cùng sự hậu thuẫn từ tăng trưởng kinh tế. Dòng tiền từ các kênh đầu tư khác nhiều khả năng sẽ tìm đến thị trường bất động sản với số lượng nhiều hơn, cùng khả năng tiếp cận thuận lợi hơn. Số lượng chủ thể sẵn sàng tái nhập cuộc sẽ tăng lên”, ông Chung nhận định.

Một số chuyên gia khác đánh giá, các luật mới về địa ốc cần 6 - 12 tháng mới thực sự thẩm thấu vào thị trường. Về trung và dài hạn, các luật này sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, bảo vệ nhà đầu tư và giúp thị trường phát triển bền vững hơn.

"Tôi cho rằng, điểm rơi có thể sẽ vào khoảng cuối năm 2025 và đạt đỉnh vào năm 2026. Khi đó, những tín hiệu hồi phục sẽ rõ nét hơn và chúng ta có thể đón đầu một chu kỳ phát triển mới", ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc đầu tư Công ty DKRA Group nhận định

Giám đốc đầu tư của DKRA Group cho biết thêm, trong bất cứ điều kiện nào, thị trường cũng có cơ hội. Ví dụ, trong giai đoạn qua, phân khúc chung cư cũ tại Hà Nội đã đặc biệt “sốt nóng”. Những nhà đầu tư biết chớp cơ hội và “lướt sóng” vào thời điểm đó có lẽ đã đạt được tỷ suất lợi nhuận rất hấp dẫn.

Chính phủ và các cơ quan, bộ, ngành liên quan đang nỗ lực hoàn thiện để ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, phát triển phân khúc nhà ở xã hội; thúc đẩy quy hoạch địa phương, chú trọng giải ngân đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản