Lòng vòng quả bóng trách nhiệm
- 29/03/2013 14:22
 
Sau khi đăng bài “Nham nhở công trình hạ tầng” tại các dự án khu đô thị ở Hà Nội (số ra thứ Sáu, ngày 22/3/2013), Báo Đầu tư đã nhận được ý kiến phản hồi từ một số chủ đầu tư về sự không rõ ràng giữa trách nhiệm của nhà đầu tư và chính quyền địa phương.
TIN LIÊN QUAN

Theo Công văn số 265/UBND - KH & ĐT (ngày 8/1/2013) của UBND TP. Hà Nội, kết quả kiểm tra các công trình hạ tầng xã hội tại 10 dự án khu đô thị mới trên địa bàn Thành phố cho thấy một thực trạng khá “be bét”.

 Tại 10 dự án khu đô thị đã cơ bản hoàn thành, trong số 38 trường học mới xây dựng, chỉ có 27 trường đưa vào sử dụng, trong đó có 4 trường công lập. Còn 11 trường chưa xây dựng xong, trong đó có 7 trường đã giao cho chủ đầu tư triển khai bằng nguồn vốn ngân sách, còn lại 4 trường vẫn chưa triển khai các thủ tục đầu tư. Thậm chí, có những dự án như Khu đô thị Mỹ Đình I, Mỹ Đình II (huyện Từ Liêm), Khu đô thị Văn Quán – Yên Phúc (quận Hà Đông), phần nhà ở thương mại đã được chủ đầu tư bán hết từ lâu, nhưng nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng xã hội còn dang dở. Những tên tuổi lớn trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, đô thị mới tại Hà Nội, như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD); Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico); Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng… đều nằm trong danh sách những chủ đầu tư nhanh tay xây nhà để bán, còn các công trình hạ tầng xã hội thì vẫn... dở dang.

Theo Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm trễ đầu tư các công trình hạ tầng xã hội là do sự chậm trễ về thủ tục đầu tư từ phía chủ đầu tư dự án.

Tuy nhiên, theo ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp mà Báo Đầu tư nhận được, thì phía sau mỗi công trình hạ tầng xã hội bị chậm trễ đều có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Ví dụ, tại Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì (huyện Từ Liêm) do CTCP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà làm chủ đầu tư, Chánh văn phòng UBND huyện Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên cho biết, sau khi kiểm tra thực địa dự án, UBND huyện đã giao Ban Quản lý dự án huyện triển khai thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng trường tiểu học công lập tại ô đất có ký hiệu TH2, diện tích 11.606 m2 để xây dựng trường tiểu học công lập. Hiện tại, Ban quản lý đang lập dự án đầu tư trình UBND Thành phố phê duyệt. Việc dự án triển khai nhanh hay chậm còn tuỳ thuộc vào nỗ lực của các sở, ngành chức năng của Thành phố, như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc phê duyệt dự án và cân đối nguồn vốn đầu tư.

Tại Dự án Khu đô thị mới Nam Trung Yên, chủ đầu tư dự án (Handico) cho biết, chủ đầu tư đã hoàn thành việc xây dựng 2 trường tiểu học tại các ô đất A3/TH2 và B5/TH2, đưa vào sử dụng các năm 2008 và 2010; 1 trường tiểu học tại ô đất C10/TH đã hoàn thành thi công xây dựng. 3 công trình (nhà trẻ - mẫu giáo tại ô đất B9/NT1; C4/NT1; Trụ sở HĐND - UBND, Công an phường tại ô đất B5/CC1), UBND TP. Hà Nội chủ trương chuyển UBND quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư, nên Handico đã bàn giao toàn bộ hồ sơ, công việc đã thực hiện cho UBND quận Cầu Giấy.

Tại Khu đô thị mới Dương Nội do CTCP Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư, UBND TP. Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư bàn giao không bồi hoàn các công trình trường học, nhà trẻ, nhà hành chính, nhà văn hoá, công viên, quảng trường điều hoà, khu sinh vật cảnh cho UBND TP. Hà Nội và UBND quận Hà Đông; yêu cầu chủ đầu tư dự án khẩn trương triển khai các dự án trường học, công trình hạ tầng xã hội, đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2013.

Đại diện CTCP Tập đoàn Nam Cường cho biết, với tư cách là chủ đầu tư dự án khu đô thị mới, công ty có trách nhiệm xây dựng các công trình hạ tầng xã hội theo đúng quy hoạch chi tiết để đảm bảo quyền lợi người mua nhà và thu hút người dân đến sống tại khu đô thị này. Theo quy hoạch mạng lưới các trường học bậc phổ thông và mầm non trên địa bàn quận Hà Đông, TP. Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, thì các trường học nằm trong Khu đô thị mới Dương Nội không nằm trong danh mục các trường công lập. Việc đầu tư các công trình hạ tầng xã hội theo hình thức xã hội hoá phải tuỳ thuộc vào khả năng huy động vốn của chủ đầu tư các dự án được giao và yêu cầu thực tế của người dân tại khu vực dự án.

“Căn cứ vào bố trí các trường học trong đồ án quy hoạch Khu đô thị mới Dương Nội đã được phê duyệt và tình hình thực tế, với những  vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nên Công ty không thể triển khai đầu tư xây dựng ngay trường học tại một số vị trí lô đất”, đại diện CTCP Tập đoàn Nam Cường cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản