Mòn mỏi chờ cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì chung cư
Việt Dũng - 09/06/2024 09:45
 
Việc chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ quỹ bảo trì chung cư vẫn là chủ đề nóng, thậm chí là nguồn cơn của các cuộc tranh chấp tại các chung cư, dù đã có chế tài xử lý rõ ràng.
Chung cư 4S Linh Đông (TP. Thủ Đức, TP.HCM)

Nhiều chủ đầu tư chiếm giữ phí bảo trì

Chuyển về ở chưa được bao lâu, nhưng các hộ dân đang sinh sống tại chung cư Centum Wealth (phường Hiệp Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM) như đang “ngồi trên lửa” vì chủ đầu tư chưa bàn giao 2% quỹ bảo trì mà bặt vô âm tín.

Anh Nguyễn Ngọc T., một cư dân tại đây thông tin, cuối năm 2018, Công ty Bách Phú Thịnh (chủ đầu tư) bắt đầu mở bán căn hộ và đến cuối năm 2020, người mua nhà lần lượt chuyển về sinh sống. Tháng 10/2022, Hội nghị chung cư lần đầu đã bầu ra Ban Quản trị, nhưng cuối tháng 5/2023, chủ đầu tư mới hoàn thiện hồ sơ gửi UBND phường Hiệp Phú để làm thủ tục công nhận.

Ngay sau khi có quyết định thành lập, Ban Quản trị chung cư đã nhiều lần yêu cầu Công ty Bách Phú Thịnh bàn giao giấy tờ pháp lý, bản vẽ thiết kế… và quỹ bảo trì chung cư (cả gốc lẫn lãi), nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Phản hồi các công văn của Ban Quản trị, chủ đầu tư này nhiều lần hứa hẹn, kéo dài thời gian bàn giao hồ sơ và quỹ bảo trì cho cư dân.

Trong khi đó, các hợp đồng vận hành, bảo trì hệ thống thang máy, nước thải, phòng cháy chữa cháy… tại chung cư đều đã hết hạn. Nhiều thiết bị bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng do không được bảo trì, bảo dưỡng trong thời gian dài, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của hơn 500 hộ dân tại đây.

Tương tự, tại chung cư 4S Linh Đông (TP.Thủ Đức) do Công ty TNHH Xây dựng Thành Trường Lộc (Công ty Thành Trường Lộc) làm chủ đầu tư, dù dự án đã được bàn giao và đưa vào sử dụng từ lâu, nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao đầy đủ quỹ bảo trì cho Ban Quản trị chung cư. Thậm chí, chủ đầu tư còn “quên” thực hiện trách nhiệm bảo hành của mình theo quy định.

Theo ghi nhận của phóng viên, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã nhiều lần làm việc và có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Thành Trường Lộc, buộc thực hiện trách nhiệm bảo hành chung cư theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, Công ty Thành Trường Lộc chỉ chấp hành hình thức phạt chính (phạt tiền) theo nội dung các quyết định, chứ chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban Quản trị.

Trường hợp khác là chung cư Topaz Home 2 - Block B. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Dịch vụ nông nghiệp và thương mại Thuận Kiều chưa bàn giao quỹ bảo trì, nên gần 2 năm qua, người dân ở đây liên tục gửi đơn cầu cứu lên cơ quan chức năng, nhưng sự việc chưa được giải quyết triệt để.

Tình trạng chủ đầu tư “om” quỹ bảo trì như trên không hiếm tại TP.HCM. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn quận 8 hiện có 14 chung cư chưa bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư theo quy định. Trong đó, 10 chung cư bàn giao chưa đầy đủ và 4 chung cư chậm bàn giao…

Cần thực thi hiệu quả chế tài

Thực tế, việc chủ đầu tư chây ì bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư không mới, nhưng luôn là vấn đề thời sự và là nguồn cơn của các cuộc tranh chấp xảy ra tại dự án chung cư. Thậm chí, tại Điều 37, Nghị định 30/2021/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014) quy định về cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư, nhưng việc thực thi chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Để chấm dứt tình trạng chiếm giữ trái quy định đối với tài sản sở hữu chung của các chủ sở hữu căn hộ chung cư, nên quy định chủ đầu tư không được phép thu phí bảo trì khi bán căn hộ.

Bộ Xây dựng đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định hướng dẫn thực thi Luật Nhà ở năm 2023, trong đó có nội dung “cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư” (quy định từ Điều 83 đến Điều 86 của Dự thảo).

Theo luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), quy định và quy trình cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì đã có và rõ ràng. Song, việc tổ chức thực hiện rất khó khăn, bởi đây là quan hệ kinh tế, dân sự. Việc tổ chức thực hiện nghiêm túc thì mới khả thi, nếu chỉ khẩu hiệu kêu gọi mà không có sự vào cuộc quyết liệt, thì chủ đầu tư vẫn sẽ không tự nguyện thực hiện.

Ông Tuấn nhận định, giải pháp cho vấn đề này là, khi cơ quan hành chính là UBND tiếp nhận đơn thư phản ánh, khiếu nại của người dân, thì phải xử lý nhanh chóng. “Cần có sự vào cuộc quyết liệt của phía UBND, thì mới giảm bớt được tình trạng nhờn luật như hiện nay”, luật sư Tuấn nói.

Để chấm dứt tình trạng chiếm giữ trái quy định đối với tài sản sở hữu chung của các chủ sở hữu căn hộ chung cư, nhiều ý kiến cho rằng, nên quy định chủ đầu tư không được phép thu phí bảo trì khi bán căn hộ. Thay vào đó, kinh phí bảo trì cần để hội nghị nhà chung cư lần đầu quyết định thu ra sao, mức thu và hình thức thu như thế nào, thì mới tránh được tình trạng chiếm giữ kinh phí bảo trì trái quy định, gây phát sinh tranh chấp khiếu kiện kéo dài.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản