Nhà xã hội: Người mua không phải “ra phường”!
- 21/03/2014 12:25
 
Sự trợ giúp kỹ thuật của WB đang từng bước mang lại cái nhìn mới mẻ và cởi mở hơn cho thị trường  nhà ở xã hội thoát thai khỏi những quan niệm của thời bao cấp.  
TIN LIÊN QUAN
   
  Sắp tới, người mua không còn phải đến UBND phường làm thủ tục xác nhận tình trạng chỗ ở. Ảnh: Quang Hưng  

Vấn đề được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đề cập tại Hội thảo nhà ở xã hội tại Việt Nam – bài học từ kinh nghiệm quốc tế (Bộ Xây dựng vừa tổ chức tại Hà Nội) được dư luận đặc biệt quan tâm là khách hàng có thể mua nhà ở xã hội với con dấu xác nhận hồ sơ duy nhất tại nơi làm việc.

Theo ông Nguyễn Trần Nam Bộ Xây dựng đang xem xét sửa quy định cho phép người thu nhập thấp khi vay vốn mua nhà, thay vì phải “hai con dấu” xác nhận của cơ quan đang làm việc và chính quyền địa phương, người dân chỉ cần “một con dấu” xác nhận về tình trạng nhà ở và thu nhập tại cơ quan nơi làm việc.

Nếu quy định này chính thức được Bộ Xây dựng ban hành sẽ là cú hích lớn với thị trường nhà ở xã hội cũng như tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng đang chịu nhiều rào cản về thủ tục hành chính (mới được hơn 3% sau 8 tháng giải ngân).

Cùng với việc tháo gỡ khó khăn cho người dân về thủ tục hành chính, Bộ Xây dựng cũng vừa ký một thông tư liên tịch với 3 bộ ngành (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp), nhằm tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện đẩy mạnh giải ngân gói 30.000 tỷ.

Theo thông tư này, người thu nhập thấp có thể dùng chính căn hộ mua tại dự án nhà thu nhập thấp, nhà xã hội để thế chấp tại ngân hàng khi vay vốn từ gói 30.000 tỷ hỗ trợ nhà ở của Chính phủ. Đây cũng là bước đột phá quan trọng trong các quy định về điều kiện, thủ tục cho người thu nhập thấp khi vay gói 30.000 tỷ để mua nhà.

Trước đó, để có thể vay được, các ngân hàng buộc người vay phải chứng minh được khả năng trả nợ hoặc phải có tài sản khác thế chấp.

Câu chuyện “1 cửa, 1 dấu” mà Bộ Xây dựng đang hướng đến nằm trong lộ trình thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở xã hội với sự trợ giúp kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB) từ giữa năm 2013. Với kinh nghiệm xử lý vấn đề nhà ở xã hội tại nhiều quốc gia đang phát triển, WB muốn đưa tới cơ quan chức năng Việt Nam những lợi ích cho cộng đồng khi Chính phủ thúc đẩy chương trình này. Phát triển nhà ở xã hội không chỉ đơn thuần là giải quyết vấn đề  nhà ở cho người dân mà đi cùng với nó là khả năng giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống, cải tạo bộ mặt đô thị...

Theo bà Victoria Kwakwa – Giám đốc WB tại Việt Nam, Việt Nam đang chứng kiến tố độ đô thị hóa nhanh với khoảng hơn 1 triệu người từ nông thôn ra thành thị mỗi năm. Dòng dân số di cư này tạo nên nhu cầu cao về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ và nhiều vấn đề xã hội khác tại các đô thị.

“Dòng dân cư này là một trong những động lực quan trọng để phát triển đô thị. Đây là những lao động năng động và dám chấp nhận mạo hiểm để thay đổi cuộc sống. Động lực thay đổi của người dân chính là cơ hội phát triển của đất nước. Khi người dân có một chỗ ở ổn định, họ sẽ làm việc nhiều hơn. Thực tế tại các nước đang phát triển như Braxin, Ai Cập hay Algeria đã chứng minh điều này”, bà Victoria Kwakwa nói!

Thực tế tại dự án những nhà ở xã hội đã khởi công xây dựng và đủ điều kiện mở bán như: dự án nhà ở xã hội Đặng Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội), khu nhà thu nhập thấp Tây Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội) hay các dự án nhà ở thương mại giá rẻ như Tân Tây Đô (Hoài Đức, Hà Nội), CT2 Xuân Phương (Hoài Đức, Hà Nội)... cũng cho thấy những khuyến cáo của WB với chương trình nhà ở xã hội Việt Nam là hợp lý. Mặc dù có thể vay tối đa đến 70% giá trị căn hộ nhưng hầu hết khách hàng tỏ ra "trách nhiệm" khi chỉ quyết định vay khoảng 50% giá trị căn hộ, còn lại là khoản tiền cá nhân tích luỹ được.

Ông Sameh Naguib Wahba – Giám đốc Ban Phát triển đô thị của WB, kinh nghiệm ở các nước làm tốt việc phát triển nhà ở xã hội là nhà nước tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội dễ dàng tiếp cận với nguồn lực đất đai; đồng thời có các khoản hỗ trợ tài chính cho người sử dụng cuối cùng. Gói hỗ trợ đó, tối thiểu phải cung cấp được cho khoảng 50% khoản vay cho những người có thu nhập thấp nhất có thể thuê, mua nhà ở và các khoản vay này do chính phủ bảo lãnh.

 

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản