Quảng Ninh hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp để thu hút đầu tư
Thu Lê - 18/08/2023 16:05
 
Sáu năm liền dẫn đầu chỉ số PCI, Quảng Ninh được ghi nhận là điểm đến hấp dẫn với môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, an toàn. Không dừng lại ở đó, Quảng Ninh đang đẩy mạnh hoàn thiện đồng bộ KCN để thu hút dòng vốn mới.

Dự địa phát triển quỹ đất công nghiệp lớn

Theo Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh có tổng số 16 KCN được quy hoạch và phân bố tại 10/13 địa phương với tổng diện tích hơn 378.180 ha. Đến nay mới có 6 KCN có dự án thứ cấp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định gồm: Cái Lân, Việt Hưng, Đông Mai, Hải Yên, Texhong Hải Hà, KCN Sông Khoai; 3 KCN gồm Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Bạch Đằng đang trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng hoàn thiện, còn lại là đang triển khai việc lập và hoàn thiện các quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư.

Tính cả 9 KCN này, tổng quỹ đất công nghiệp mới gần 3.900 ha, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng quỹ đất công nghiệp được quy hoạch. Như vây, dư địa để phát triển quỹ đất công nghiệp của Quảng Ninh còn rất lớn. 

KKT ven biển Quảng Yên của Quảng Ninh đang là khu vực có nhiều Dự án hạ tầng KCN đang được triển khai nhất.
KKT ven biển Quảng Yên của Quảng Ninh đang là khu vực có nhiều dự án hạ tầng KCN đang được triển khai nhất.

Hiện Tập đoàn Amata đang cùng với 2 đối tác chiến lược đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản nghiên cứu, đề xuất đầu tư hạ tầng KCN mới tại tỉnh. “Sau dự án đầu tiên là Khu công nghiệp Sông Khoai với 714 ha đang được triển khai, Tập đoàn tiếp tục hướng tới việc mở rộng quỹ đất dành cho khu công nghiệp trong Khu kinh tế Quảng Yên, thông qua việc hợp tác với Tập đoàn Marubeni và Tập đoàn GS E&C”, bà Somhatai thông tin.

Theo bà Somhatai, dự án mà Amata cùng các đối tác đang đề xuất sẽ được thực hiện theo định hướng chiến lược phát triển khu công nghiệp từ Chính phủ Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh. Đó là thân thiện với môi trường, số hóa và phát triển công nghệ cao.

Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã xác định công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực quan trọng của nền kinh tế. Do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết đầu tiên (Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 16/11/2020) về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025.

Theo đó, tỉnh tập trung thu hút có chọn lọc các dự án công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách. Hay còn gọi là thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới vào tỉnh. Vậy nên, trong định hướng phát triển các KCN mới của tỉnh, Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ); KCN xanh với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu của dòng vốn FDI thế hệ mới.

Hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp

Hiện các KCN như Cái Lân, Hải Yên, Đông Mai, Việt Hưng, Texhong Hải Hà... đã cơ bản đầu tư đồng bộ hạ tầng, đang đáp ứng được các yêu cầu đối với các nhà đầu tư thứ cấp hoạt động, trở thành các trung tâm sản xuất, chế biến, chế tạo của tỉnh. Các KCN như Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong đang trong giai đoạn hoàn thiện hạ tầng nội khu, song hành với việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp, tăng tỷ lệ lấp đầy. 

Việc phát triển hạ tầng KCN của Quảng Ninh còn được gắn liền với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động, để thu hút nguồn lao động, tăng sức hút với các nhà đầu tư thứ cấp. Hiện KCN Hải Yên đã có Khu nhà ở cho người lao động được đưa vào sử dụng từ lâu. KCN Đông Mai và KCN Sông Khoai thì đang được xây dựng. 

Theo đánh giá của một số chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, hiện Quảng Ninh đang đón được làn sóng đầu tư vào tỉnh. Do đó, để nhanh chóng nắm bắt tốt được cơ hội này, theo ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata, chủ đầu tư hạ tầng phải tập trung nguồn lực để hoạn thiện hạ tầng, tiện ích nội khu một cách nhanh nhất. Như tại KCN Sông Khoai, hiện chủ đầu tư đang tích cực phối hợp chặt chẽ với TX.Quảng Yên tập trung giải phóng mặt bằng đối với những diện tích còn lại thuộc các giai đoạn đầu tư. Mục tiêu phấn đấu của chủ đầu tư KCN Sông Khoai trong năm 2023 sẽ đầu tư hoàn thiện Trạm biến áp số 2; module 3 trạm xử lý nước thải; thi công đường giao thông số 4, số 6 và bàn giao trên 53 ha cho các nhà đầu tư thứ cấp có nhu cầu sử dụng đất trong KCN. Mục tiêu cao nhất của KCN này là sẽ đón khoảng 1 tỷ USD vốn FDI trong năm 2023.

Jinko Solar là nhà đầu tư có quy mô vốn lớn nhất (tổng gần 1 tỷ USD) vào KCN Sông Khoai tại Quảng Ninh. Ảnh: Thanh Tân.
Jinko Solar là nhà đầu tư có quy mô vốn lớn nhất (tổng gần 1 tỷ USD) vào KCN Sông Khoai tại Quảng Ninh. Ảnh: Thanh Tân.

Hạ tầng KCN được đầu tư xây dựng đồng bộ chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phát triển, trọng tâm là kết nối giao thông đồng bộ với các trung tâm kinh tế, du lịch, cửa khẩu của tỉnh, là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh thu hút dòng vốn FDI chất lượng. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn cụ thể, trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia.

Luỹ kế đến tháng 6/2023, các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có gần 300 dự án đăng ký và triển khai đầu tư, trong đó có gần 100 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2023 thu hút FDI đạt hơn 830 triệu USD, đạt 83% chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy (ít nhất 1,0 tỷ USD).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản