Sẽ xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị
Khánh An - 18/06/2022 14:01
 
Tại Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận trách nhiệm hoàn thiện thể chế cho quản lý, đầu tư phát triển đô thị.
,
 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu  tại Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2022

“Với vai trò là Bộ chủ quản phụ trách lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, trong giai đoạn tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ cụ thể”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu, nhận trách nhiệm tại Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2022. Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức.

Các nhiệm vụ mà Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhắc đến là:

Thứ nhất, tập trung hình thành Khung pháp luật, thể chế đồng bộ để tạo điều kiện cho quá trình đô thị hóa. Trọng tâm là xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát tiển đô thị. Mục đích là để tạo nền tảng và tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý phát triển đô thị.

Thứ hai, xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số về đô thị hóa và phát triển đô thị theo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, an ninh, an sinh, an toàn đô thị, phát triển đô thị bền vững, phù hợp đặc thù vùng miền, văn hóa, phát triển đô thị xanh, thông minh, thíc ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải… xây dựng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị, sửa đổi quy định phân loại đô thị.

Thứ ba, hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng như kết cầu hạ tầng liên vùng, công tác quy hoạch sử dụng đất theo các không gian kinh tế…

Thứ tư, hình thành các chính sách khả thi và hiệu quả hơn để đảm bảo nguồn lực cho các mục tiêu an sinh xã hội, nhà ở xã hội, cải tạo, tái thiết đô thị và cải tạo chỉnh trang đô thị.

Trước đó, trong tham luận với chủ đề Đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế chính sách và hành động thiết thực thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã nhắc đến những đỏi hỏi về đổi mới tư duy quản lý và phất triển đô thị.

Theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình đô thị hóa nước ta trong nhiều năm qua diễn ra trong bối cảnh khá khó khăn về các nguồn lực đầu tư, trong khi áp lực rất lớn từ đòi hỏi phải đáp ứng các nhu cầu trước mắt, ngắn hạn; phát triển đô thị chủ yếu trên nền tảng đô thị hiện hữu, mở rộng và đưa các làng xã trở thành đô thị nhanh chóng trong khi chưa đáp ứng đủ điều kiện cơ sở hạ tầng, chuyển hóa sản xuất, lối sống theo văn minh đô thị.

Đô thị đã trở thành giấc mơ của nhiều người dân, thúc đẩy dịch cư lớn, đồng thời hình thành tư duy khai thác đô thị một cách tự phát, phát triển nóng theo nhu cầu, trước mắt, trong khi thiếu chú trọng về đầu tư dài hạn.

“Nhiều nơi vẫn quan niệm đô thị là nơi để khai thác, để phát triển, tìm kiếm cơ hội hơn là nơi để đầu tư khai thác” theo bài bản, chuyên nghiệp và cần được quan tâm nuôi dưỡng, phục hồi, bảo vệ, nâng cấp, đầu tư, tạo điều kiện tối đa theo lộ trình, có chiến lược để phát huy tiềm năng, năng lực trước khi có thể khai thác với các không gian chức năng hoàn thiện, thúc đẩy gắn kết cộng đồng, thúc đẩy kinh tế”, Bộ trưởng Nghị nhấn mạnh.

Nhắc đến Sách trắng Việt Nam 2035 hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư biên soạn, Bộ trưởng Nghị chia sẻ sự đồng tình với nhận định, mô hình kinh tế đô thị, mô hình quản lý đô thị Việt Nam đến nay không còn phù hợp, vai trò không thật sự rõ nét, đã bộc lộ các hạn chế làm cản trở quá trình phát triển kinh tế; vai trò đầu tàu, tác động đến sự phát triển của các vùng và trong liên kết vùng chưa thật rõ rệt…

“Tư duy, phương pháp luận về quản lý và phát triển đô thị đến nay không còn theo kịp và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển, và đòi hỏi cấp bách cần được nghiên cứu, đổi mới”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản