Tầm vóc mới cho đô thị Khánh Hòa
Hoàng Anh - 02/04/2023 09:35
 
Năm 2030, Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Định hướng quan trọng đó là động lực to lớn để tạo dựng tầm vóc mới cho đô thị của tỉnh.
Với cơ chế, chính sách đặc thù, Khánh Hòa đang hướng đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Vận hội lớn

Khánh Hòa đang bước vào chặng đường phát triển mới. Định hướng của Đảng đã đặt Khánh Hòa vào vị trí thuận lợi. Tháng 1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định các mục tiêu chiến lược và tầm nhìn dài hạn cho tỉnh. Chỉ chưa đầy 2 tháng sau đó, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 42/NQ-CP, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW. Tiếp sau đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Việc ban hành và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đã tạo động lực và lợi thế cạnh tranh to lớn cho tỉnh.

Một nội dung quan trọng mà Bộ Chính trị đặt ra, đó là đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là bước ngoặt cho lịch sử phát triển đô thị của địa phương này.

Ông Trần Nam Bình, Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa đã tạo dựng được

một nền tảng tốt, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh luôn tăng nhanh. Đó là kết quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhờ tác động của các dự án đầu tư hạ tầng. Các đô thị trong tỉnh đã được cải tạo, nâng cấp, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Hệ thống đô thị toàn tỉnh được đầu tư hạ tầng, không gian đô thị được mở rộng, từng bước đáp ứng quy hoạch.

Để cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Khánh Hòa phải đảm bảo có từ 9 đơn vị hành chính cấp huyện; tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất 2 quận. Do đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Khánh Hoà phải phát triển nâng cấp 2 đơn vị hành chính cấp huyện thành 2 thị xã hoặc thành phố; đến năm 2030 phải nâng cấp 2 đơn vị hành chính cấp huyện thành 2 quận. Đồng thời, hoàn chỉnh các tiêu chí của những đô thị đã được công nhận, để đến năm 2029, đô thị Khánh Hòa được công nhận là đô thị loại I.

Dự kiến, đến năm 2025, Khánh Hòa sẽ có thêm đô thị sân bay Cam Lâm, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 65%, dân số toàn tỉnh đạt gần 1,3 triệu người, trong đó dân số nội thành đạt 638.000 người. Đến năm 2030, tỉnh dự kiến có thêm đô thị công nghiệp Ninh Hòa, tỷ lệ đô thị hóa đạt 70%, dân số đạt hơn 1,3 triệu người, trong đó dân số nội thành đạt 723.000 người.

“Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã mở ra vận hội lớn cho phát triển đô thị của tỉnh Khánh Hoà. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu thì còn rất nhiều việc phải thực hiện, cũng như thách thức phải vượt qua”, ông Trần Nam Bình chia sẻ.

Diện mạo tương lai

Có thể nói, Khánh Hòa hội tụ tất cả những lợi thế để vươn tầm trở thành một đô thị lớn. Theo ông Trần Nam Bình, địa phương đã tổ chức và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, mỗi đô thị đã xác định rõ hình thái tăng trưởng dựa trên điều kiện cụ thể và các lợi thế cạnh tranh, chú trọng phát huy vai trò, giá trị đặc trưng. Trong đó, TP. Nha Trang là đô thị hạt nhân; TP. Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng; huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Khánh Hoà hiện có 18 đô thị gồm: 1 đô thị loại I là TP. Nha Trang; 1 đô thị loại III là TP. Cam Ranh; 3 đô thị loại IV là thị xã Ninh Hòa; huyện Diên Khánh; thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh; 13 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị trên địa bàn đạt 61%.

Với những bản quy hoạch khác nhau cho từng khu vực, bản vẽ hoàn thiện, diện mạo tương lai đô thị Khánh Hòa đã được định hình. Trong đó, Nha Trang là đô thị hạt nhân, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Các đô thị vệ tinh là thị xã Ninh Hòa, Khu kinh tế Vân Phong nằm ở phía Bắc; thị trấn Diên Khánh, Khánh Vĩnh nằm ở phía Tây; thị trấn Cam Đức, Tô Hạp, TP. Cam Ranh, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh nằm ở phía Nam, từng bước huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng.

Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 xác định sẽ chia làm 14 phân khu chức năng. Theo đó, định hướng phát triển không gian đô thị tổng thể TP. Nha Trang đến năm 2040 là nâng cao chất lượng và giá trị các không gian đô thị hiện có, phát triển mở rộng không gian xây dựng đô thị về phía Bắc, Tây Bắc, phía Tây, phía Nam và phía Đông. Phạm vi của đồ án có tổng diện tích khoảng 27.802 ha, bao gồm hơn 25.422 ha diện tích TP. Nha Trang hiện nay; khoảng 1.500 ha diện tích bảo tồn sinh cảnh, sinh thái ngập mặn và phát triển đô thị, dịch vụ trên mặt biển; 880 ha thuộc 3 xã Diên An, Diên Toàn, Suối Hiệp và thị trấn Diên Khánh của huyện Diên Khánh. Trong tương lai, Nha Trang sẽ là đô thị du lịch biển quốc gia và quốc tế; đô thị hạt nhân, trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Khánh Hòa…

Trong khi đó, đô thị mới Cam Lâm sẽ được quy hoạch với 7 phân khu chức năng, có tổng diện tích tự nhiên hơn 54.000 ha, 14 đơn vị hành chính, quy mô dân số quy hoạch đến năm 2030 khoảng 330.000 người; đến năm 2045 khoảng 770.000 người.

“Đô thị mới Cam Lâm có tính chất là đô thị sân bay quốc tế, phát triển theo mô hình đô thị thông minh, sáng tạo, mang tầm quốc gia và tương tác tiệm cận quốc tế. Đây là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ và hợp tác phát triển tầm khu vực. Quy hoạch đô thị mới Cam Lâm sẽ biến nơi đây thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cấp quốc gia, hạt nhân phát triển du lịch khu vực và thế giới”, ông Bình chia sẻ.

Với Khu kinh tế Vân Phong, đó sẽ là khu vực phát triển đô thị đầy sôi động của Khánh Hòa, bởi trong quyết định  phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, Khu kinh tế Vân Phong được định hướng trở thành khu vực phát triển đô thị thông minh bền vững với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại.

Quy hoạch điều chỉnh cũng xác định phát triển dân cư đô thị có tổng diện tích khoảng 5.396 ha tại các khu vực: Đầm Môn, Cổ Mã - Tu Bông, Vạn Giã và vùng phụ cận, Đông Bắc Ninh Hòa, Đông Nam Ninh Hòa. Các khu vực Đầm Môn, Vĩnh Yên - Mũi Đá Son, khu vực phát triển dân cư đô thị chiếm tỷ lệ không quá 10% tổng diện tích đất tự nhiên khu vực bán đảo Hòn Gốm; không hình thành đất đơn vị ở tại đảo Hòn Lớn, đảo Điệp Sơn và núi Khải Lương. Các khu vực phát triển dân cư hỗn hợp (dân cư, dịch vụ) có tổng diện tích khoảng 173 ha tại các khu vực Đầm Môn, Cổ Mã - Tu Bông, Vĩnh Yên - Mũi Đá Son, Ninh Hải - Dốc Lết, Đông Bắc Ninh Hòa, khu vực dọc trục đường 26B. Các khu dân cư nông thôn có tổng diện tích đất khoảng 1.418 ha tại khu vực phía Tây huyện Vạn Ninh…

Tỉnh Khánh Hòa đang tiến những bước vững chắc, khi khẩn trương hoàn thiện 4 bản quy hoạch chiến lược là Quy hoạch tỉnh Khánh Hoà thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; quy hoạch đô thị mới Cam Lâm và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định, các quy hoạch này sẽ định hình diện mạo đô thị tương lai của tỉnh. Khánh Hòa sẽ đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững; chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị; đưa kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Với tiềm năng và khát vọng, Khánh Hòa đang hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản