Thị trường bất động sản 2017: Khả năng cao nhất là tăng trưởng ổn định
Thị trường bất động sản năm 2017 sẽ chịu nhiều tác động như tình hình kinh tế - chính trị thế giới (tác động Brexit - Anh rời Liên minh châu Âu, chính sách mới khó đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump…); kinh tế vĩ mô trong nước; chính sách, nhất là chính sách tín dụng; rủi ro về thị trường như dấu hiệu mất cân đối cung - cầu…
PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Một số yếu tố có thể dễ đoán như kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, tác động của thị trường, các yếu tố thị trường cũng đang khá ổn định, nhưng cũng có những yếu tố khó đoán định như tác động của Brexit, chính sách của Tổng thống mới của Mỹ, tình hình Biển Đông. Hiện thị trường Việt Nam có độ mở khá lớn, nên những tác động này sẽ ảnh hưởng tới kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Dựa trên các yếu tố tác động trên, có thể xây dựng 3 kịch bản cho thị trường trong năm 2017.

Kịch bản thứ nhất: Thị trường bất động sản bùng nổ. Kịch bản này không phải kịch bản mong đợi nhất của số đông, nhưng vẫn nằm trong kỳ vọng của một số nhóm trong xã hội. Đây là kịch bản có thể xảy ra với một số điều kiện đặc biệt. Chẳng hạn, kinh tế thế giới ổn định, hoặc có những đột phá trong tăng trưởng; tình hình Biển Đông ổn định; kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, luồng tiền vận hành tốt vào nền kinh tế; Các hoạt động của APEC 2017 (Việt Nam là chủ nhà) diễn ra sôi động; luồng kiều hối vận hành mạnh mẽ về Việt Nam.

Kịch bản thứ hai: Thị trường tăng trưởng tiệm tiến ngoại suy theo xu hướng. Đây là kịch bản dễ xảy ra nhất. Trong bối cảnh hiện nay, đây là kịch bản được mong đợi nhất. Các giả thiết để kịch bản này xảy ra có nhiều, nhưng tựu trung lại có một số giả định là thế giới không có đột biến, kinh tế vĩ mô ổn định.

Cụ thể, tác động của Brexit và những thay đổi chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump không gây ra những diễn biến cực đoan. Tình hình Biển Đông ổn định. Các luồng tiền vẫn vận hành vào một cách ổn định. Các chương trình kinh tế vĩ mô được triển khai trong thực tiễn nhưng cũng không có đột phá lớn.

Khi đó, thị trường bất động sản tiếp tục phát triển tốt, nhưng không quá đột biến. Các diễn biến về giao dịch, về giá, về địa bàn, về sản phẩm dịch chuyển một cách tiệm tiến. Các chủ thể đầu cơ vẫn chờ đợi cơ hội, nhưng chưa có những hoạt động quyết liệt.

Kịch bản thứ ba: Thị trường suy giảm. Đây là trường hợp không mong muốn nhất, nhưng có thể xảy ra nếu hội đủ một số điều kiện. Một là, cục diện thế giới thay đổi theo chiều hướng bất ổn. TPP không được thông qua. Tình hình Biển Đông bất ổn. Trong nước, kinh tế vĩ mô không thuận lợi như mong muốn, luồng kiều hối suy giảm, Nhà nước thoái vốn quyết liệt khỏi lĩnh vực bất động sản…

Đặc biệt, những bất thường chưa được tính đến do thay đổi trong chính sách từ chính quyền mới của Tổng thống Mỹ sẽ là rất khó dự báo. Nếu có những rủi ro bất thường do vấn đề này đem lại, khả năng thị trường bất động sản Việt Nam suy giảm là có thể xảy ra.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản