Thị trường bất động sản 2017: Xu hướng phân hóa dự án mới
Hà Quang - 28/12/2016 13:12
 
Sự phân hóa mạnh mẽ của thị trường bất động sản có thể tác động tới một số dự án chuẩn bị khởi công.
.
Dự  báo các doanh nghiệp bất động sản sẽ chuyển hướng sang phân khúc bất động sản giá rẻ và trung cấp trong năm 2017

Trao đổi với giới đầu tư bất động sản tại Hội thảo “Triển vọng thị trường bất động sản 2017 – tác động chính sách”, TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, trên cơ sở cân đối các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế năm 2016, trong năm tới, thị trường bất động sản có khả năng “giảm nhiệt” và phân hóa mạnh. Theo đó, chỉ một số dự án có ưu thế tài chính, sản phẩm mới có thể tiêu thụ thuận lợi; một số dự án đã triển khai sẽ được hoàn thành, trong khi một số dự án chuẩn bị khởi công có thể bị đình hoãn.

Nhận định của TS. Trần Kim Chung được đưa ra trong bối cảnh những tháng cuối năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái siết chặt dòng vốn tín dụng vào thị trường bất động sản. Cụ thể, hệ số rủi ro với tín dụng bất động sản (tổng dư nợ/tổng tài sản có) đã tăng từ 150% lên 200% và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 60% xuống còn 50% (từ ngày 1/1/2017). Trong khi đó, Chính phủ cũng xem xét đánh thuế sở hữu ngôi nhà thứ hai.

“Nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng cho thị trường bị thu hẹp do các ngân hàng thương mại hầu như không còn dư địa về nguồn vốn ngắn hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ tháng 1/2017. Phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ giá thấp (trên dưới 1 tỷ đồng) sẽ là tâm điểm của thị trường trong giai đoạn tới”, TS. Trần Kim Chung nói.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định, trên thị trường quốc tế, sau sự kiện nước Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), việc tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, khả năng Mỹ không tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mới đây... đang đặt ra những vấn đề mới đối với nền kinh tế thế giới, tác động trực tiếp tới nền kinh tế của nhiều quốc gia, nhất là những nền kinh tế mới nổi, có độ mở lớn như Việt Nam.

Bước sang năm 2017, bên cạnh một số yếu tố thuận lợi, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn, như tác động khó lường của kinh tế thế giới, nợ công, nợ xấu, tái cấu trúc gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tác động khó lường của biến đổi khí hậu.

“Đối với lĩnh vực bất động sản, năm 2016, mặc dù tốc độ tăng trưởng tiếp tục được duy trì, nhưng cũng đã xuất hiện những cảnh báo về tình trạng mất cân đối, lệch pha cung - cầu, lệch pha tín dụng. Một số chính sách mới chậm đi vào cuộc sống, nhất là chính sách về sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài. Chính sách tín dụng và đề xuất đánh thuế với người có 2 nhà trở lên cũng đang được các chủ thể tham gia thị trường hết sức quan tâm”, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Ngôi Sao Toàn Cầu (World Star Land) cho biết, thị trường bất động sản năm 2017 sẽ chứng kiến việc doanh nghiệp bất động sản chuyển hướng sang phân khúc bất động sản giá rẻ và trung cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong khi đó, nguồn cung của phân khúc bất động sản cao cấp sẽ tiếp tục tăng, nhưng chỉ những dự án có tiềm lực và uy tín mới có thể bán được hàng.

Nhận định của các chuyên gia kinh tế về thị trường bất động sản năm 2017 là có cơ sở, khi thực tế cho thấy, những biến chuyển nhanh chóng của thị trường thời gian gần đây khiến nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn. Không kể những dự án mà chủ đầu tư sau khi huy động vốn đã không thể tiến hành đầu tư xây dựng như Dự án B5 Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm) hoặc phải bán lại cho đơn vị khác như Khu đô thị Alaska (quận Nam Từ Liêm), Thanh Hà Cienco 5, Khu đô thị Phú Lương, Khu đô thị Usilk City (quận Hà Đông), Khu đô thị mới Đa Phước (TP. Đà Nẵng)…, thì còn nhiều dự án mà chủ đầu tư đã tiến hành đầu tư xây dựng, nhưng do cơ cấu sản phẩm và cách thức đầu tư không hợp lý đã khiến dự án bị bỏ dở như Dự án Daewoo Cleve (quận Hà Đông), Dự án Twin Tower (đường Láng, Hà Nội), Dự án Viễn Đông Meridian (Đà Nẵng), cùng hàng trăm dự án tại TP.HCM.

Cùng với những dự án bị đình trệ từ nhiều năm trước, nhà đầu tư bất động sản còn đối mặt với một thực tế khác là sự chuyển hướng của các doanh nghiệp bất động sản lớn từ phân khúc nhà ở cao cấp sang phân khúc trung bình. Sự nhập cuộc của các nhà đầu tư bất động sản lớn, có tiềm lực tài chính mạnh mẽ như Vingroup, Him Lam Land, Keppel Land, FLC, Vihajico… sang phân khúc nhà ở bình dân có thể khiến các doanh nghiệp nhỏ và khả năng tài chính không thực sự mạnh đang hoạt động trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản