10 sự kiện tác động mạnh đến thị trường bất động sản 2013
- 27/12/2013 09:23
 
TIN LIÊN QUAN
10 sự kiện tác động mạnh đến thị trường bất động sản 2013
Sau nhiều bàn thảo, đầu 2013, Chính phủ đã quyết định ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

1. Nghị quyết 02 của Chính phủ và gói 30.000 tỷ dành cho bất động sản

Ngày 7/1/2013, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết 02/NQ – CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong đó yêu cầu các ngân hàng thương mại giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng (từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước) cho doanh nghiệp và người thu nhập thấp vay xây dựng và mua nhà ở xã hội. Gói tín dụng được kỳ vọng góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản, góp phần giải quyết hàng tồn, nợ xấu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2013, các ngân hàng mới cam kết cho vay đối với 1.256 khách hàng với tổng số tiền 1.562 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, ngân hàng đã giải ngân cho khách hàng với tổng dư nợ 470,8 tỷ đồng.

2. Tranh luận "nảy lửa" giữa CLB Bất động sản Hà Nội và Ts. Alan Phan

Ở thời điểm các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản gặp khó khăn, bế tắc về thanh khoản, thị trường bất động sản đã chứng kiến cuộc tranh luận gay gắt giữa CLB Bất động sản Hà Nội và Ts. Alan Phan (một Việt kiều Mỹ có nhiều ý kiến bình luận về thị trường bất động sản) về việc Nhà nước cần giải cứu, hỗ trợ thị trường bất động sản hay thị trường sẽ "tự điều chỉnh". CLB Bất động sản Hà Nội mong muốn được tranh luận trực tiếp với Ts. Alan Phan về những thiệt hại có thể xảy ra nếu để thị trường "tự điều chỉnh". Ts.Alan Phan sau đó đã rút lui khỏi cuộc tranh luận vì theo ông, việc này không mang lại lợi ích gì cho thị trường bất động sản.

3. Sửa đổi Luật Đất đai

Luật Đất đai sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng cũng được thông qua cuối năm 2013

Năm 2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đất 2003 sửa đổi với nhiều nội dung mới. Trong đó có việc doanh nghiệp cần đất để đầu tư dự án vì mục đích kinh tế, phải thỏa thuận giá với người có quyền sử dụng đất theo giao dịch dân sự được quy định tại Bộ luật Dân sự. Nhà nước, mà cụ thể là chính quyền các địa phương dứt khoát không can thiệp bằng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất. Về nguyên tắc định giá đất, Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rõ việc định giá đất phải tuân theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá; theo thời hạn sử dụng đất.

Bên cạnh đó, việc định giá đất cũng phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất hoặc giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất. Trong cùng một thời điểm các thửa đất liền kề nhau có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi, thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự như nhau thì có mức giá như nhau.

4.Vingroup bán Vincom Center A (TP. Hồ Chí Minh) gần 10.000 tỷ đồng và khai trương 2 "siêu đô thị" Royal City và Times City

Tháng 6/2013, Tập đoàn Vingroup chuyển nhượng Tổ hợp trung tâm thương mại - khách sạn Vincom Center A TP.Hồ Chí Minh, với tổng giá trị giao dịch là 470 triệu USD (tương đương 9.823 tỷ đồng). Bên nhận chuyển nhượng Vincom Center A TP.HCM là Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD). Việc chuyển nhượng được tiến hành theo hình thức Vingroup chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình (100%) tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại và Đầu tư Tương Lai (Công ty Tương Lai) cho VIPD. Công ty Tương lai chính là doanh nghiệp thành viên của Vingroup, sở hữu toàn bộ quyền sử dụng đất và công trình trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn và bãi đậu xe ngầm Vincom (Vincom Center A tại địa chỉ số 53 Lê Thánh Tôn, 171 Đồng Khởi, 6A Lê Lợi, 116 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1).

Cũng trong năm 2013, Vingroup cũng khai trương 2 "siêu đô thị" Royal City và Times City tại Hà Nội. Đây là 2 dự án bất động sản lớn nhất hoàn thành việc xây dựng, giao nhà và khai trương tất cả các dịch vụ đạt chất lượng khách sạn 5 sao cho cư dân trong năm 2013 tại Hà Nội.

10 sự kiện tác động mạnh đến thị trường bất động sản 2013
Các TTTM được Vingroup khai trương trong năm 2013 lấy đi 1 lượng lớn khách thuê tại các dự án lân cận

5. Tập đoàn Liên Thái Bình Dương và Công ty DFS "tái cơ cấu" Trung tâm thương mại Tràng Tiền

Tháng 4/2013, tại Hà Nội, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương và Công ty DFS khai trương Trung tâm thương mại Tràng Tiền sau thời gian đóng cửa làm mới dự án. Với tổng số vốn đầu tư hơn 20 triệu USD (hơn 400 tỷ đồng), Trung tâm thương mại Tràng Tiền hội tụ 112 nhãn hàng cao cấp trong nước và quốc tế với 95% diện tích mặt bằng cho thuê đã được phủ kín. Trong đó tập hợp đầy đủ các nhãn hàng thời trang, đồng hồ, mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Christain Dior, Versace … Ngoài ra, tại đây còn có những nhãn hàng thời trang lần đầu tiên có mặt tại Hà Nội như Mango Touch, Diesel…

Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau khi khai trương, Trung tâm thương mại Tràng Tiền vắng khách và được đánh giá là tái cơ cấu không thành công.

6. Vinaconex thoái vốn khỏi dự án tỷ đô Splendora bất thành

Tháng 1/2013, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thông báo chuyển nhượng lại phần góp vốn của Tổng công ty (tương đương 50% vốn điều lệ) tại Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC).

An Khánh JVC là chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh – Splendora. Đây là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị cao cấp kết hợp các trung tâm, văn phòng thương mại nằm ở phía Tây Thủ đô Hà Nội, thuộc huyện Hoài Đức.

Khu đô thị mới Bắc An Khánh có tổng diện tích 246 ha với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD. Dự án dự kiến kiến chia thành 5 giai đoạn, thời gian thực hiện từ tháng 3/2008 đến tháng 12/2018. Đến thời điểm này, sau gần 12 tháng thông báo chuyển nhượng, chưa có đơn vị nào nhận chuyển nhượng cổ phần tại An Khánh JVC của Vinaconex.

10 sự kiện tác động mạnh đến thị trường bất động sản 2013
Sau thời gian kinh doanh bất động sản, giữa năm 2013, Bầu Đức quyết định "bỏ cuộc chơi"

7. Bầu Đức rút khỏi lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam

Giữa tháng 8, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tổ chức buổi tiếp xúc với các nhà đầu tư và đưa ra chiến lược kinh doanh giai đoạn 2013 – 2015 và kế hoạch tái cấu trúc tập đoàn. Cụ thể, Hoàng Anh Gia Lai tách Công ty cổ phần đầu tư bất độn sản An Phú thành đơn vị độc lập thông qua việc chào bán 35,97 triệu cổ phần của Hoàng An Gia Lai tại đây.

Theo kế hoạch này, Hoàng Anh Gia Lai sẽ chỉ tập trung vào 2 mảng chính là nông nghiệp và bất động sản tại Lào và Myanmar, trong đó giữ lại dự án Khu phức hợp Trung tâm thương mại, khách sạn và căn hộ cho thuê tại thành phố Yangon, Myanmar và một số dự án trực thuộc Công ty Phát Triển Nhà Hoàng Anh.

8. Khách hàng "trục vớt con tàu đắm" Usilk City

Giữa năm 2013, gần 200 khách hàng của Cụm CT1 (các tòa 101, 102 và 103) của Dự án Usilk City đã cùng chủ đầu tư họp bàn tìm cách “trục vớt” Dự án. Theo đó, các khách hàng sẽ mở tài khoản cá nhân tại Ngân hàng BIDV (chi nhánh Thanh Xuân). Khách hàng sẽ nộp số tiền mua căn hộ còn lại của mình theo hợp đồng trên cơ sở tiến độ xây dựng thực tế theo tuần. Mỗi tuần, khách hàng sẽ nộp 1/23 tổng số tiền còn lại (23 tuần là khoảng thời gian STL dự kiến hoàn thiện cụm CT1). Các khách hàng không đồng ý nộp tiền sẽ được thanh lý hợp đồng.

Từ năm 2011 đến tháng 8/2013, Dự án Usilk City của Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long dừng thi công do chủ đầu tư cạn kiệt vốn. Hàng trăm khách hàng đã đóng tiền mua căn hộ tại dự án này gần như hết hy vọng khi những khối nhà dù đã có hình hài nằm phơi nắng phơi sương trong khi số tiền nộp cho chủ đầu tư đã bị mang đi đầu tư dàn trải ở các dự án khác. Để cứu tài sản của mình, khách hàng dự án Usilk City đã quyết định đóng tiền hoàn thiện dự án dưới sự giám sát của ngân hàng. Đây là lần đầu tiên thị trường chứng kiến việc khách hàng thay mặt chủ đầu tư "trục vớt" dự án bất động sản.

9. Bắt Tổng giám đốc Vina Megastar

Đầu tháng 7/2013, Công an TP. Hà Nội xác nhận việc bắt giữ ông Nguyễn Hoàng Long – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Vina Megastar. Ông Long bị bắt vì tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng SEABank. Trước đó, Công ty cổ phần tập đoàn Vina Megastar từ chối thanh toán 150 tỷ trái phiếu đến hạn cho Công ty Vinaconex – Viettel. 2 đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Công ty Vinaconex – Viettel và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Liên quan đến vụ việc, bà Nguyễn Thị Hương Giang – nguyên Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc SeABank Hai Bà Trưng đã bị mất chức do đã ký chứng thư bảo lãnh phát hành trái phiếu của Megastar hồi cuối năm 2011.

10 sự kiện tác động mạnh đến thị trường bất động sản 2013
Ông Nguyễn Hoàng Long (áo vest đen) - Chủ tịch HĐQT Vina Megastar

Ông Nguyễn Hoàng Long cũng liên quan đến việc huy động vốn cho hàng loạt dự án bất động sản lớn như: Megastar Xuân Đỉnh, dự án chung cư 409 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội), dự án cao ốc Hesco Văn Quán (quận Hà Đông) và dự án KCN Yên Mỹ 2 (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Trong số các dự án này chỉ có duy nhất dự án Megastar Xuân Đỉnh đã được chủ đầu tư hoàn thành xong phần xây thô. Còn các dự án khác đã bị tạm dừng vô thời hạn. Nhiều khách hàng, nhà đầu tư cá nhân góp vốn vào dự án này đang đứng trước nguy cơ mất trắng khoản tiền đã góp vốn vào dự án khi công trình hoàn toàn bất động gần 3 năm nay.

10. Xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Dự án Thanh Hà – Cienco 5

Ngày 9/12, TAND Hà Nội tuyên án với các bị cáo trong vụ lừa bán bất động sản tại Dự án Thanh Hà – Cienco 5 của Công ty Cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 – một trong những vụ lừa đảo lớn nhất trong lĩnh vực bất động sản được đưa ra xét xử trong nhiều năm trở lại đây.

Theo bản án, Công ty 1/5 cho Cienco 5 vay 200 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án, vì vậy được hưởng quyền ưu tiên thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư vào khu đô thị Thanh Hà A (Hà Nội). Do không chuyển tiền, đầu tháng 2/2010, Cienco 5 chấm dứt hợp đồng vay vốn với Công ty 1-5. Ông Lê Hoà Bình (59 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty 1-5) giấu nhẹm thông tin này và tiếp tục sử dụng hợp đồng cũ này để huy động vốn...

10 sự kiện tác động mạnh đến thị trường bất động sản 2013
Bị cáo Lê Hoà Bình (ngoài cùng, bên phải) với mức án chung thân cho tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Dự án Thanh Hà - Cienco 5

Ông Bình và bà Nguyễn Thị Kim Thoa (48 tuổi, kế toán trưởng) chỉ đạo nhân viên thu thập bản đồ quy hoạch sử dụng đất không có giá trị pháp lý đưa cho khách hàng xem. Tạo được lòng tin bằng nhiều tài liệu khác, ông Bình, bà Thoa và Nguyễn Mạnh Cường (41 tuổi, tổng giám đốc) đã ký hơn 460 hợp đồng giao vốn, thu gần 790 tỷ đồng. Khoản tiền này, Bình và đồng phạm dùng mua cổ phần của một số công ty, trả nợ ngân hàng, tiêu xài cá nhân, mua sắm tài sản… Còn khách hàng chờ mãi vẫn không được giao nhà.

Ngoài hành vi trên, theo cơ quan công tố, khoảng tháng 3/2010, thông qua môi giới của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (41 tuổi), ông Bình đã mua toàn bộ 24 triệu cổ phần của 5 cổ đông sáng lập Công ty Thái Bình Dương, tổng giá trị hơn 498 tỷ đồng.

HĐXX tuyên phạt ông Bình án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hai đồng phạm Thoa, Cường lĩnh lần lượt án chung thân và 17 năm tù.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản