Đà Nẵng tháo nút thắt cho dự án bất động sản ngàn tỷ
Hoàng Anh - 22/08/2024 08:54
 
Hàng loạt dự án có vốn đầu tư ngàn tỷ đồng tại TP. Đà Nẵng đang bị “mắc kẹt” vì nhiều lý do. TP. Đà Nẵng đang tìm cách tháo gỡ để khơi thông nguồn lực.

Chật vật Khu đô thị Phong Nam

Tại xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang), diện tích đất lớn thuộc Dự án Khu đô thị Phong Nam bị bỏ hoang phế, cỏ dại mọc um tùm. Ông Lê Đức Phước (sống tại tổ 10 - Phong Nam, xã Hòa Châu) tiếc đất, nên khai hoang để trồng lúa. “Dự án đã thu hồi đất hơn 6 năm rồi mà chưa thấy triển khai gì. Tuổi già không có việc, nên tôi khai hoang trồng mấy sào lúa, chứ để đất hoang vậy tiếc lắm. Không biết bao giờ dự án mới làm”, ông Phước nói.

Khu đô thị Phong Nam có diện tích hơn 21,5 ha, được phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2012, điều chỉnh năm 2018, được thông qua trong danh mục thu hồi đất thực hiện dự án năm 2020. Huyện Hòa Vang đã triển khai thủ tục giải phóng mặt bằng, thu hồi đất trong ranh giới Dự án. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Đà Nẵng chuyển mục đích đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp với diện tích hơn 16,7 ha để thực hiện dự án này. Nhưng đến nay, Dự án vẫn “bất động”.

Công ty cổ phần Đầu tư Đà Nẵng - miền Trung (DMT Group) nhiều lần kiến nghị TP. Đà Nẵng sớm giải quyết vướng mắc, thực hiện giao đất để doanh nghiệp triển khai Dự án. 

Được biết, Khu đô thị Phong Nam ban đầu được Đà Nẵng cho đấu thầu quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư là Công ty Việt In. Doanh nghiệp này ứng 8 tỷ đồng nộp ngân sách, nhưng sau đó không triển khai Dự án, rồi sáp nhập vào DMT Group. Vướng mắc đầu tiên là việc xác định, sau khi sáp nhập, DMT Group có được tiếp tục thực hiện Dự án không, vì Công ty Việt In mới là đơn vị được lựa chọn là chủ đầu tư. Vướng mắc này sau đó được tháo gỡ, bởi theo các quy định, thì DMT Group được thừa hưởng quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới Dự án.

Tiếp đó, Dự án lại vướng quy định chồng chéo giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư. Theo Luật Đầu tư, dự án đã được đấu thầu, đấu giá thì không cần làm đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng theo Luật Đất đai, dự án phải có chứng nhận đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, thì mới được thuê đất. Đây là vướng mắc lớn nhất khiến Dự án Khu đô thị Phong Nam kéo dài, chưa được giao đất, cho thuê đất để triển khai.

Nguồn lực khổng lồ

Thời gian qua, với nhiều nỗ lực, Đà Nẵng đã tháo gỡ vướng mắc cho 40 dự án, qua đó khơi thông nguồn lực đầu tư gần 60.000 tỷ đồng. Nếu các dự án đang mắc kẹt trên địa bàn được giải quyết, thì Đà Nẵng sẽ khơi thông được nguồn lực phát triển ước tính tới 100.000 tỷ đồng. Đây là con số khổng lồ.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án không dễ tháo gỡ. Đơn cử, Dự án Khu khách sạn và dân cư Saphia (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) do Công ty cổ phần TM-DV Hai Hạnh (Công ty Hai Hạnh) thực hiện trên diện tích 6,2 ha, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Dự án này chưa thể tiếp tục triển khai do một phần diện tích gồm 19 lô đất ở, 3 lô shophouse, 1 lô đất trường mẫu giáo chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), vì chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Khu đất 6,2 ha của Dự án Khu khách sạn và dân cư Saphia theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thuộc diện phải thu hồi 10% tiền sử dụng đất đã được ưu đãi trước đây, với tổng số tiền là 120 tỷ đồng. Công ty Hai Hạnh nhận chuyển nhượng lại khu đất này từ nhà đầu tư khác, theo chủ trương của Đà Nẵng, thì không phải nộp lại 10% tiền sử dụng đất đã ưu đãi.

Dẫu vậy, để nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý, Công ty Hai Hạnh đã cam kết tự nguyện nộp 120 tỷ đồng và đã nộp vào ngân sách Thành phố 60 tỷ đồng (50%).

Nhưng sau đó, Công ty Hai Hạnh cho rằng, Công ty là nhà đầu tư thứ cấp, nhận chuyển nhượng khu đất từ nhà đầu tư sơ cấp, nên không phải nộp lại số tiền 10% được ưu đãi trước đó. Công ty kiến nghị không phải nộp 60 tỷ đồng còn lại và được miễn giảm khoản tiền chậm nộp hơn 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, với 60 tỷ đồng (50% còn lại) chưa nộp và hơn 40 tỷ đồng phạt chậm nộp được ghi vào nghĩa vụ tài chính nhà nước chưa hoàn thành hơn 100 tỷ đồng, TP. Đà Nẵng không có cơ sở cấp 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn lại tại Dự án Khu khách sạn và dân cư Saphia.

Để giải quyết vướng mắc, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng cho biết, Sở đã làm việc với Công ty Hai Hạnh. Giải pháp được đề xuất là doanh nghiệp thuê đơn vị tư vấn xác định giá đối với tài sản bảo đảm, có văn bản gửi Sở để có cơ sở tổng hợp, báo cáo Thành phố xem xét việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi Công ty phát hành chứng thư thông qua bảo lãnh ngân hàng để làm tài sản đảm bảo trong trường hợp đề nghị nộp lại số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, hiện có 15 dự án bất động sản, nghỉ dưỡng vướng mắc nghĩa vụ tài chính đang được Thành phố tập trung tháo gỡ. Trong đó, 12 dự án lớn đã được xây dựng phương án thu nghĩa vụ tài chính, còn 3 dự án có vướng mắc liên quan tới kết luận thanh tra, bản án chưa trình phương án thu nghĩa vụ tài chính (gồm Khu biệt thự biển Nam Phát, Khu du lịch ven biển của Công ty cổ phần Hòn ngọc Á châu, Khu du lịch biển Vinacapital)

Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, Thành phố đã hoàn thiện việc xây dựng Dự thảo Kế hoạch thực hiện Đề án Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố, đang báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến trước khi ban hành.

Từng bước, Đà Nẵng đang tháo nút thắt cho các dự án gặp vướng mắc để khơi thông nguồn lực đầu tư lớn bị mắc kẹt.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản