Đề xuất tích hợp quy trình cấp giấy phép xây dựng
Gia Phú - 17/07/2019 20:27
 
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gửi văn bản về việc đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
.
HoREA đưa ra 5 kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng về lập, điều chỉnh quy hoạch.

Tích hợp quy trình cấp giấy phép xây dựng

Tại Văn bản số 66/CV-HoREA, HoREA đánh giá, Luật Xây dựng về tổng thể đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và phát triển thị trường bất động sản, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, nhà ở. Nhưng sau hơn 5 năm thực hiện, luật này đã bộc lộ những mặt khiếm khuyết, một số chế định không còn phù hợp. 

Đối với quy trình cấp giấy phép xây dựng, theo HoREA, cần bao gồm trong đó cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật. Nhưng theo pháp luật xây dựng hiện nay thì lại tách thành 3 quy trình: thẩm định thiết kế cơ sở; thẩm định thiết kế kỹ thuật; cấp giấy phép xây dựng.

Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 5, Điều 78 Luật Xây dựng theo hướng tích hợp quy trình cấp giấy phép xây dựng bao gồm trong đó cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật; phân cấp và giao quyền cho UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình và cấp giấy phép xây dựng các công trình xây dựng trên địa bàn, trừ công trình cấp đặc biệt.

Về lâu dài, HoREA kiến nghị xã hội hóa công tác thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm ban hành quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế và thực hiện công tác hậu kiểm, để nâng cao vai trò và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng.

HoREA cũng đề nghị sửa đổi khoản 4, Điều 89 theo hướng “không giới hạn cấp công trình được cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn khi đã có thiết kế cơ sở được thẩm định”, nhằm cải cách thủ tục cấp giấy phép xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Năm kiến nghị về lập, điều chỉnh quy hoạch

Đối với quy định về quy hoạch vùng, HoREA cho rằng, điều này là cần thiết, nhưng việc không có cơ quan điều phối cấp vùng dẫn đến hiệu quả không cao, chưa tạo ra sự liên kết, phối hợp, hợp tác các bên đều có lợi, giữa các tỉnh, thành phố trong vùng.

Hệ thống các quy hoạch phân khu, tỷ lệ 1/2000 là cơ sở để chuẩn bị các dự án đầu tư xây dựng, nhưng chưa thật sự đảm bảo tính khoa học, hợp lý, có biểu hiện phụ thuộc ranh giới hành chính, chất lượng chưa thật cao, phải điều chỉnh nhiều, nhất là điều chỉnh theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Đơn cử, không gian sông Sài Gòn, sông Đồng Nai là tài nguyên thiên nhiên, là nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, là cảnh quan, môi trường thuộc lợi ích công cộng, nhưng việc quy hoạch và cho phép đầu tư xây dựng nhiều công trình cao tầng ven sông, đã làm sụt giảm giá trị nguồn lực sông nước và cảnh quan, môi trường…

Điểm yếu nhất hiện nay là công tác thực thi quy hoạch xây dựng; việc xây dựng các kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng trong một số trường hợp chưa đảm bảo tính khả thi, thậm chí có trường hợp dẫn đến phá vỡ quy hoạch phân khu.

Trong văn bản số 66/CV-HoREA, HoREA đưa ra 5 kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng về lập, điều chỉnh quy hoạch.

Một là, đề nghị nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, kể cả quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu, tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500, thiết kế đô thị. Trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, đề nghị không lệ thuộc vào ranh giới hành chính.  

Hai là, đề nghị lập quy hoạch xây dựng đô thị theo định hướng đô thị nén, đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh trong phạm vi thành phố, cũng như trong phạm vi Vùng TP.HCM, để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đô thị và tăng tính liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong vùng.

Ba là, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng công tác điều chỉnh quy hoạch xây dựng, nhất là trong trường hợp xem xét yêu cầu điều chỉnh quy hoạch của nhà đầu tư. Trong trường hợp điều chỉnh quy hoạch dẫn đến hiệu quả kinh tế của dự án tăng lên, thì chủ đầu tư có nghĩa vụ thực hiện nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước, để phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. 

Bốn là, đề nghị có cơ quan điều phối cấp vùng để nâng cao hiệu quả thực hiện quy hoạch vùng.

Năm là, đề nghị có giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hiện quy hoạch, chất lượng các kế hoạch thực hiện quy hoạch, đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ và tính khả thi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản