Điều chỉnh mở rộng ranh giới khai thác mỏ sét Núi Nai 2 cho Xi măng Lam Thạch
Thế Hoàng - 13/09/2022 10:21
 
Theo Bộ Xây dựng, việc mở rộng ranh giới khai thác mỏ sét Núi Nai 2 nhằm phục vụ cho 2 dây chuyền Nhà máy xi măng Lam Thạch sau khi đã được cải tiến, nâng công suất.
Bộ Xây dựng chỉ đạo Điều chỉnh mở rộng ranh giới khai thác mỏ sét Núi Nai 2 cho NM Xi măng Lam Thạch.
Bộ Xây dựng chỉ đạo điều chỉnh mở rộng ranh giới khai thác mỏ sét Núi Nai 2 cho nhà máy Xi măng Lam Thạch.

Bộ Xây dựng vừa có ý kiến về đề nghị nâng công suất, mở rộng ranh giới khai thác mỏ sét Núi Nai 2 của Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh phục vụ cho 2 dây chuyền nhà máy Xi măng Lam Thạch sau khi đã được cải tiến, nâng công suất.

Theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 09/7/2010, dự án Nhà máy xi măng Lam Thạch được quy hoạch nguồn nguyên liệu sét tại khu vực Núi Na 2, xã Sông Khoai, Đông Mai, huyện Yên Hưng, nay là thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Khu vực Núi Na 2 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò tại Quyết định số 1277/GP-BTNMT ngày 30/6/2011 với diện tích 40,73 ha và được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia phê duyệt là 16.591 nghìn tấn tại Quyết định số 892/QĐ-HĐTLQG ngày 01/4/2013; được Bộ TN&MT cấp phép khai thác tại Quyết định số 366/GP-BTNMT ngày 31/01/2018 với diện tích 10,95 ha; trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác 8.295.500 tấn; trữ lượng được phép khai thác 4.097.980 tấn; công suất khai thác 200.000 tấn/năm.

Theo báo cáo của Công ty Xi măng Lam Thạch, Công ty đang chuẩn bị thực hiện đầu tư cải tạo nâng công suất Nhà máy xi măng Lam Thạch từ 2x1.200 tấn clinker/ngày lên thành 2x1.800 tấn clinker/ngày và đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận chủ trương đầu tư nâng công suất tại văn bản số 8355/UBND-XD5 ngày 22/11/2021.

Do đó, để đảm bảo nguyên liệu sét cho Nhà máy xi măng Lam Thạch với công suất 2x1.800 tấn clanhke/ngày hoạt động ổn định sau khi được cải tạo, Công ty XM Lam Thạch đề nghị cho phép được lập hồ sơ điều chỉnh nâng công suất khai thác từ 200.000 tấn/năm lên thành 300.000 tấn/năm; diện tích mở rộng nằm trong Giấy phép thăm dò đã được Công ty XM Lam Thạch thăm dò tại Quyết định số 1277/GP-BTNMT ngày 30/6/2011 và trữ lượng đã được phê duyệt tại Quyết định số 892/QĐ-HĐTLQG ngày 01/4/2013.

Theo Bộ Xây dựng, việc đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường dự án Nhà máy xi măng Lam Thạch là phù hợp với Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 và đã được Bộ Xây dựng có ý kiến tại văn bản số 07/BXD-VLXD ngày 04/01/2022.

Từ các nội dung nêu trên cho thấy, việc đề xuất cho phép điều chỉnh Giấy phép khai thác nâng công suất khai thác và mở rộng ranh giới khai thác mỏ sét khu vực Núi Na 2 phục vụ cho 02 dây chuyền Nhà máy xi măng Lam Thạch sau khi cải tiến nâng công suất là phù hợp với thực tế.

Bộ Xây dựng đề nghị Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam báo cáo Bộ TN&MT xem xét điều chỉnh tăng công suất khai thác và mở rộng ranh giới khai thác để đảm bảo ổn định sản xuất cho Nhà máy xi măng Lam Thạch theo quy định của pháp luật, tránh lãng phí tài nguyên khoáng sản.

Tại Công văn trả lời Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh kèm và UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo Bộ Xây dựng xin ý kiến về đầu tư, cải tiến công nghệ nhà máy Xi măng Lam Thạch, Bộ Xây dựng khẳng định, chủ trương đầu tư, cải tiến công nghệ nhà máy Xi măng Lam Thạch là phù hợp với định hướng phát triển xi măng trong nội dung của chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam.

Bộ Xây dựng cũng lưu ý, chủ đầu tư dự án đầu tư, cải tiến công nghệ nhà máy Xi măng Lam Thạch phải thực hiện theo các nội dung: sử dụng thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến với mức tự động hóa cao, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất để đạt được các chỉ tiêu kỹ thuật… 

Về nguyên liệu đề nghị chủ đầu tư khai thác, sử dụng nguyên liệu đá vôi, sét tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản. Rà soát, tìm kiếm bổ sung nguồn nguyên liệu đá vôi, sét cho dự án để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các dây chuyền của dự án hoạt động ổn định sau cải tạo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản