Dư địa đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Quảng Nam
Ngọc Tân - 17/03/2024 08:42
 
Thời gian qua, Quảng Nam là một trong những địa phương có thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ. Mặc dù thị trường chung còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các chuyên gia nhận định, bất động sản Quảng Nam sẽ sớm hồi phục trở lại nhờ các dư địa lớn của tỉnh.
 Quảng Nam có nhiều lợi thế phát triển bất động sản
Quảng Nam có nhiều lợi thế phát triển bất động sản

Thị trường tâm điểm miền Trung

Các chuyên gia đánh giá, sức hấp dẫn của bất động sản Quảng Nam trước hết là nhờ vị trí liền kề với Đà Nẵng. Do vị trí địa lý và các diễn biến trên thị trường, nên trong những năm qua, bất động sản Quảng Nam được mặc định là một thể thống nhất với thị trường bất động sản Đà Nẵng. Cả 2 thị trường lân cận này có những điểm mạnh tương đồng và riêng biệt hỗ trợ nhau để tạo nên một bức tranh chung bất động sản Đà Nẵng - Quảng Nam và đây là “tâm điểm vàng” của bất động sản cả nước trong giai đoạn 2014-2019.

Trong giai đoạn 2014-2019, du lịch của 2 địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng bùng nổ, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng biển. Khu vực bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Hội An (Quảng Nam) trở thành điểm đến của rất đông du khách trong và ngoài nước. Du lịch phát triển mạnh đã thúc đẩy thị trường bất động sản ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng phát triển. Theo đó, hàng chục dự án bất động sản lớn đã được các chủ đầu tư triển khai trong giai đoạn này dọc ven biển 2 địa phương, tạo nên bức tranh rất sôi động cho thị trường.

Hiện nay, mặc dù các diễn biến trên thị trường không còn bùng nổ như trước, song theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dư địa phát triển bất động sản tại Quảng Nam vẫn còn rất lớn.

Ngoài ra, giai đoạn 2026-2030, dự kiến sáp nhập TP.Tam Kỳ - huyện Núi Thành và định hướng phát triển lên đô thị loại I.

Về phương án phát triển hệ thống đô thị, đến năm 2030, thị xã Điện Bàn dự kiến được nâng cấp lên cấp thành phố. Còn tại huyện Duy Xuyên, đô thị Nam Phước mở rộng kết nối với đô thị Duy Nghĩa - Duy Hải, đô thị Kiểm Lâm và các xã lân cận nâng cấp lên cấp hành chính là thị xã Duy Xuyên. Tại huyện Thăng Bình, đô thị Hà Lam mở rộng kết nối với đô thị Bình Minh và xã lân cận, nâng cấp lên cấp hành chính là thị xã Thăng Bình. Các đô thị Tắc Pỏ, thị trấn Tơ Viêng hình thành cấp hành chính là thị trấn giai đoạn 2021 - 2025; đô thị Tam Dân, Đại Hiệp hình thành cấp hành chính là thị trấn giai đoạn 2026 - 2030.

Trước tiên, đó là việc Quảng Nam sở hữu quỹ đất dồi dào, trong khi đó, hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện. Đồng thời, quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng cũng tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và phát triển các dự án bất động sản tại Quảng Nam.

Theo số liệu thống kê, tỉnh Quảng Nam có diện tích 10.574,74 km2, địa hình với 4 dạng chính là núi cao, đồi cao núi thấp, gò đồi và địa hình đồng bằng bị chia cắt theo các lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ…

Do đặc điểm của địa hình, hình thái các đô thị của tỉnh Quảng Nam cũng được hình thành theo dạng chuỗi gắn với các tuyến giao thông trọng điểm: chuỗi đô thị theo trục Quốc lộ 1A (Vĩnh Điện, Nam Phước, Hà Lam, Tam Kỳ, Núi Thành), chuỗi đô thị theo tuyến ven biển (Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai - Núi Thành), chuỗi đô thị theo trục đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 14B (Khâm Đức, Thạnh Mỹ, P’Rao, Ái Nghĩa), chuỗi đô thị theo tuyến Quảng Nam (Tắc Pỏ, Trà My, Tiên Kỳ, Phú Thịnh, Tam Kỳ), chuỗi đô thị theo tuyến Đông Trường Sơn (Thạnh Mỹ, Trung Phước, Tân Bình, Trà My, Tơ Viêng).

Trong đó, nổi bật hơn cả là chuỗi đô thị ven biển chạy dọc từ khu vực thị xã Điện Bàn đến huyện Núi Thành. Đây cũng là nơi thu hút nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng. Chuỗi đô thị ven biển này được dự báo tiếp tục phát triển hơn nữa khi tuyến đường ven biển dài 36,5 km kết nối từ TP. Hội An vào đến TP. Tam Kỳ đã được hoàn thành vào cuối năm 2023, sau nhiều năm thực hiện. Đồng thời, giai đoạn II của tuyến đường này (đi qua xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ và các xã/thị trấn ven biển huyện Núi Thành) cũng đã chính thức được khởi công thực hiện vào tháng 1/2024.

Ông Võ Trọng Phụng, Giám đốc Công ty TNHH Bold Land nhận xét: “Cũng như vai trò tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, với sự phát triển mạnh mẽ của phía Đông bờ sông Hàn (Đà Nẵng), thì tuyến đường ven biển kết nối từ Điện Bàn vào đến Tam Kỳ, và xa hơn nữa là đến huyện Núi Thành không chỉ góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ven biển Quảng Nam, mà còn giúp khai phá sâu hơn tiềm năng quỹ đất dọc ven biển của tỉnh, góp phần thu hút thêm các nhà đầu tư bất động sản trong thời gian tới”.

Khai thác, phát huy  các tiềm năng

Tại Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, tỉnh Quảng Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm về phát triển hạ tầng trong thời gian tới là nâng cao chất lượng đô thị hóa ở cả các đô thị hiện hữu và đô thị mới. Từng bước giảm áp lực cho Đô thị cổ Hội An trên cơ sở phát triển không gian đô thị vùng Đông thị xã Điện Bàn và các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình; phát triển mạnh TP. Tam Kỳ trên cơ sở tổ chức sáp nhập hợp lý không gian với huyện Núi Thành, liên kết phát triển với các khu vực xung quanh.

Quy hoạch cũng xác định phương án tổ chức không gian của tỉnh thành 2 cụm động lực, gồm: Cụm động lực Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc và Cụm đô thị động lực Phú Ninh - Tam Kỳ - Núi Thành.

Trong đó, Cụm động lực Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc sẽ được xây dựng trở thành cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của TP. Đà Nẵng. Thông qua tuyến đường bộ, hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn, Cổ Cò hình thành chuỗi đô thị ven sông, ven biển; phát triển hành lang du lịch dựa trên tuyến giao thông đường thủy sông Thu Bồn, Cổ Cò; khai thác nhu cầu đô thị hóa của TP. Đà Nẵng và Hội An để phát triển không gian đô thị Điện Bàn, ưu tiên hình thành đô thị nghỉ dưỡng - giải trí ven biển và ven sông Cổ Cò, quản lý không gian công cộng và kiến trúc hai bên sông Cổ Cò một cách chặt chẽ để hình thành tuyến sông du lịch đẹp của Việt Nam…

Với Cụm đô thị động lực Phú Ninh - Tam Kỳ - Núi Thành, nơi đây sẽ được phát triển thành khu vực kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistics cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh, trong đó sáp nhập huyện Núi Thành với TP. Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I…

Ông Võ Trọng Phụng đánh giá, Quy hoạch tỉnh được phê duyệt sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản Quảng Nam. Trong đó, những dự án đã và đang được các chủ đầu tư triển khai thi công “cầm chừng” sẽ được đẩy nhanh tiến độ khi không còn phải “thấp thỏm” chờ đợi quy hoạch. Đồng thời, nhà đầu tư và khách hàng sẽ có thêm kênh thông tin chính thống để xác định lại những khu vực trọng điểm đầu tư nhằm phù hợp với xu hướng phát triển của tỉnh.

Về phần mình, ông Đoàn Thanh Phong, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Minh Minh Group nhận xét, Quy hoạch hoàn thiện và được thông qua đã định hình rõ các tiềm năng thế mạnh của tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng đô thị - bất động sản. Quan trọng không kém, Quy hoạch sẽ tạo cơ sở pháp lý cần thiết để từng bước giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với nhiều dự án bất động sản trên thị trường.

“Thị trường bất động sản Quảng Nam đang dần hồi phục và khởi sắc trở lại mà điểm nhấn lớn nhất trên thị trường là việc Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt. Có thể nói, sự thay da đổi thịt trong từng phương án quy hoạch của tỉnh Quảng Nam đã cho thấy quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà trong việc xây dựng tỉnh Quảng Nam ngày càng phát triển hơn nữa. Đây cũng là cơ hội để thị trường đất nền nhiều tiềm năng và đa dạng này được khai phá đúng giá trị thật của nó”, ông Phong nói thêm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản