Gói 30.000 tỷ đồng có "bơm" cho doanh nghiệp địa ốc?
- 09/05/2013 06:22
 
TIN LIÊN QUAN
Doanh nghiệp đang chờ đợi được vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng

GS.TSKH Đặng Hùng Võ nhận xét, nhìn lại nội dung của Nghị quyết 02, có thể thấy đây là gói giải pháp giúp cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính để vượt qua khó khăn, điều chỉnh lại cung - cầu trên thị trường, giúp cho người có thu nhập thấp sớm có nhà ở và giải quyết khối lượng vốn đang tồn đọng trong thị trường bất động sản.

Theo GS. Võ, hiện nay, ngân sách xuất ra 30.000 tỷ đồng để trợ giúp vốn vay ưu đãi cho cả người có thu nhập thấp mua nhà ở và cho cả các doanh nghiệp bất động sản có nhu cầu chuyển đổi dự án sang khu vực giá rẻ hoặc nhà ở xã hội đã được quyết định. Bộ Xây dựng cho rằng nên để 2/3 hỗ trợ cho cầu và 1/3 hỗ trợ cho cung.

Song song là các giải pháp về rà soát quy hoạch, rà soát dự án, loại bỏ một số dự án và cho chuyển đổi một số dự án sang nhà ở xã hội, một số dự án được thay đổi công năng sử dụng sang kinh doanh dịch vụ. Xa hơn là các giải pháp tài chính giải quyết nợ xấu nói chung và nợ xấu trong bất động sản nói riêng. Xa hơn nữa là các giải pháp về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, xây dựng và thị trường bất động sản.

Đưa ra quan điểm “không thể để mặc thị trường tự điều tiết theo “bàn tay vô hình” mà phải có sự điều tiết của nhà nước”, nhưng GS.TSKH Nguyễn Mại khẳng định: “Tôi không thiên về trợ giúp các doanh nghiệp bất động sản, nhưng cũng không nên tuyết đối hóa chủ trương đó. Với số tiền khoảng 30.000 tỷ đồng mà Ngân hàng nhà nước dự định bơm vào thị trường trong thời gian sắp đến, các khoản tiền mà Chính phủ sẽ chi cho nhà ở của gia đình có công với cách mạng…, cần dựa trên phân loại doanh nghiệp gắn với dự án, tiến độ thực hiện để trợ giúp những doanh nghiệp thật sự có khó khăn, nhưng nếu chỉ bơm một lượng vốn nhất định là có thể thoát khỏi tình trạng hiện tại, hoàn thành dự án vừa có lợi cho doanh nghiệp, vừa có thêm nhà ở bán cho người tiêu dùng, vừa trả được tiền vốn và lãi vay ngân hàng, đồng thời nộp thuế cho ngân sách nhà nước".

GS.Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng từng đưa ra quan điểm, gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng của Nhà nước là để hỗ trợ thị trường bớt khó khăn, không phải là để cứu doanh nghiệp bất động sản.

“Quan điểm của tôi có hơi khác một chút so với chuyên gia Alan Phan ở chỗ: Không nên lẫn lộn giữa giải cứu thị trường bất động sản và giải cứu các nhà kinh doanh bất động sản” – TS.Phạm Sỹ Liêm nêu quan điểm.

Tuy vậy, ông Liêm cho rằng, dù có chi ra 30.000 tỷ đồng để cứu giúp thị trường bất động sản, tác động của Nhà nước cũng chỉ làm giảm mức độ trầm trọng của sự suy thoái, chứ không thay đổi được quy luật, cũng như không giải quyết được hết những “u nhọt” đã tồn tại suốt thời gian qua của thị trường bất động sản.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC: "Hỗ trợ thị trường bất động sản
là rất cần thiết"

Cho rằng “hỗ trợ thị trường bất động sản là rất cần thiết”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng lưu ý, thời điểm, cách thức hỗ trợ và các yêu cầu, điều kiện song song đặt ra như thế nào để thị trường bất động sản không bị tê liệt, để thị trường có thể từng bước hồi phục và phát triển bền vững, lâu dài là một vấn đề quan trọng.

Bởi vì Việt Nam có những đặc thù riêng, quan điểm hỗ trợ thị trường cần phải được nghiên cứu thấu đáo gắn liền với đặc điểm của thị trường Việt Nam.

Việc hỗ trợ thị trường khi mà giá bất động sản vẫn đang quá cao chắc chắn tiếp tục củng cố niềm tin cho các cơn sốt bất động sản tiếp theo.

“Hỗ trợ thị trường bất động sản cần đặt song song với nhiệm vụ tái cấu trúc thị trường. Cần phải có sự thanh lọc tự nhiên các doanh nghiệp có năng lực quản lý và tài chính yếu kém để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn, quan tâm hướng đến lợi ích khách hàng”, ông Quyết nêu ý kiến.