Loạt nhà ở xã hội phía Nam ra hàng trong quý II/2025; Tìm nguyên nhân tăng giá nhà
Thanh Vũ - 20/04/2025 08:41
 
Bất động sản phía Nam: Tỷ lệ tiêu thụ thấp nhưng giá vẫn tăng; Định giá đất vẫn còn nhiều vướng mắc; Những dự án bất động sản ở Quảng Nam được phép chuyển nhượng.

Sau đây là tổng hợp các tin tức bất động sản nổi bật trong tuần.

Bất động sản phía Nam: Tỷ lệ tiêu thụ thấp nhưng giá vẫn tăng

Theo báo cáo của DKRA Group, ở phân khúc căn hộ chung cư tại TP.HCM và vùng phụ cận, trong quý I/2025, có 113 dự án với 12.892 căn hộ được mở bán ra thị trường, nhưng chỉ có 2.586 căn được bán thành công. Trước đó, năm 2024, tại khu vực phía Nam có 23.459 căn hộ chung cư mở bán, nhưng chỉ có 12.506 căn giao dịch thành công.

Giá chung cư khu vực phía Nam vẫn tăng lên trong quý I/2025. Ảnh: Lê Toàn


Giá căn hộ chung cư bình quân tăng 5 - 11% so với cuối năm 2024. Tại Bình Dương, mức giá mới của phân khúc này là 28 - 60 triệu đồng/m2, tại Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 35 - 61 triệu đồng/m2… Đặc biệt, tại TP.HCM, giá thấp nhất khoảng 37 triệu đồng/m2, nhưng cao nhất lên tới 493 triệu/m2.

Ở phân khúc đất nền, trong quý I, có 102 dự án với 6.536 sản phẩm mở bán, nhưng chỉ có 430 sản phẩm được tiêu thụ, tức chỉ có 6,6% tiêu thụ thành công. Giá bán đất nền tăng 2 - 6% so với cuối năm 2024.

Đối với phân khúc nhà phố, biệt thự, thị trường có 86 dự án mở bán trong quý I với 5.096 căn, nhưng chỉ có 373 căn được tiêu thụ.

Đáng lưu ý là, có nhiều dự án mới dù chưa đủ pháp lý nhưng vẫn được mở bán, giới thiệu ra thị trường. Số lượng sản phẩm này không được tính vào số lượng hàng bán ra trong quý I trong báo cáo của DKRA.

Tại Long An, hiện có khoảng 6.000 căn nhà phố, biệt thự đến từ nhiều dự án chưa đủ điều kiện mở bán, giá bán được công bố khoảng 5 - 20 tỷ đồng/căn. Tại Bình Dương, có khoảng 10 dự án chưa đủ điều kiện pháp lý để mở bán, nhưng vẫn đang triển khai bán hàng.

Mới đây, UBND TP.HCM cho biết, trong năm 2025 sẽ giải quyết 100% dự án đang vướng pháp lý thuộc thẩm quyền của Thành phố (hơn 540 dự án). Nếu các dự án này sớm được gỡ vướng pháp lý, thì sẽ mở bán vào cuối năm 2025 và năm 2026, thêm nguồn cung đáng kể cho thị trường.

Nhận diện nguyên nhân tăng giá nhà

Bước vào quý II/2025, Dự án chung cư The Emerald 68 do Tập đoàn Lê Phong làm chủ đầu tư và Công ty DKRA Group là đơn vị phân phối sản phẩm, địa chỉ tại Quốc lộ 13, TP. Thuận An (tỉnh Bình Dương), tiếp tục ra mắt đợt bán hàng tiếp theo. Điểm đặc biệt là, trong đợt bán hàng thứ 2 này, giá bán bắt đầu tăng mạnh.

Cụ thể, cuối năm 2024 và quý I/2025, giá bán sản phẩm tại đây có giá từ 50 tới 55 triệu đồng/m2, nhưng mới đây, phía chủ đầu và DKRA công bố giá ở mức 60 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, với dự án này, chủ đầu tư chiết khấu hoa hồng bán hàng cho phía DKRA là 12% giá trị sản phẩm bán ra, đồng thời, với mỗi giao dịch thành công, nhân viên môi giới được hưởng 1 - 2% giá trị sản phẩm bán thành công (gọi là thưởng nóng cho nhân viên môi giới có giao dịch thành công).

Cần có cơ chế kiểm soát giá nhà trước việc doanh nghiệp tăng giá thiếu khiểm soát.


“Số tiền trả cho đơn vị môi giới cũng như nhân viên môi giới được cộng trực tiếp vào giá bán cho khách hàng. Thông thường, phí môi giới cho sản phẩm chung cư ở mức 4,5 - 7%, nhưng tại dự án này, phí môi giới cao đã đẩy giá nhà cao thêm và khách hàng là người gánh chịu”, ông Võ Thành Đạt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Trần Anh Land cho biết.

Tại Dự án TT AVIO tại TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương), vào cuối năm 2024, chủ đầu tư là Công ty cổ phần TT Capital ra mắt dự án với giá bán 29,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, bước vào tháng 4/2025, dự án này đã lập một bước giá mới, lên 32 triệu đồng/m2.

Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia bất động sản độc lập cho rằng, một nguyên nhân dẫn tới giá tăng hiện nay là sự dẫn dắt bởi người đầu tư. Trên thị trường hiện nay, 60 - 70% người mua nhà là dân đầu tư bất động sản. Chính vì vậy, để khách hàng mua thấy được lợi nhuận, các chủ đầu tư sẽ phải hạ giá bán thời điểm mở bán ban đầu. Tới đợt thứ 2 sẽ tăng 5 - 10% và các đợt mở bán tiếp theo sẽ tiếp tục tăng giá.

“Tăng để cho khách hàng đầu tư thấy rằng, đầu tư tại dự án này sẽ có lợi nhuận bởi dự án liên tục lập mức giá mới. Tuy nhiên, việc tăng giá phục vụ chủ yếu cho giới đầu tư, còn khách hàng mua nhà ở thực sẽ chịu thiệt bởi khi tới tay khách hàng ở thực sẽ phải cộng thêm lợi nhuận của nhà đầu tư đã mua những đợt đầu”, ông Nguyễn Hoàng nói.

Cũng theo ông Hoàng, câu chuyện giá bất động sản liên tục tăng đến từ một số yếu tố nữa, như việc nguồn cung nhà tầm trung thiếu nghiêm trọng trong thời gian qua tại TP.HCM và các tỉnh phụ cận trong khi nhu cầu rất lớn từ phía nhà đầu tư cũng như người ở thực với dòng sản phẩm này đã tạo ra những đợt đẩy giá từ các chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào trong đầu tư xây dựng dự án của các chủ đầu tư đang quá lớn, trong khi chi phí vật liệu xây dựng tăng, chi phí nhân công tăng… Điều này tạo ra mức giá nhà tăng mạnh.

“Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế tốt kéo theo thị trường bất động sản cũng tăng theo. Đây là tín hiệu tích cực của thị trường, song cũng là một vấn đề cần có lời giải, bởi với mức tăng khó kiểm soát và tăng theo nhu cầu của nhà đầu tư và sở thích của doanh nghiệp địa ốc sẽ dẫn tới tình trạng mất cân bằng giá”, ông Hoàng nói.

Ngoài ra, ông Hoàng cho rằng, thị trường đang có hiện tượng “tạo giá ảo”, “thổi giá” của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản. Họ lợi dụng sự thiếu hiểu biết, đầu tư theo tâm lý đám đông của người dân để trục lợi. Đây là các cá nhân hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới bất động sản, yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, thông đồng làm giá, thổi giá cao so với giá trị thực tế, thao túng thị trường, gây thiệt hại cho khách hàng và làm giảm tính minh bạch của thị trường.

Đồng thời, một tác nhân làm giá bất động sản tăng là, biến động của nền kinh tế trong thời gian qua liên quan thị trường chứng khoán, trái phiếu, vàng... đã tác động đến tâm lý của người dân, nhà đầu tư, dẫn đến xu hướng chuyển dịch dòng tiền của người dân, nhà đầu tư sang đầu tư nhà, đất để làm nơi “trú ẩn” an toàn cho nguồn tiền tích lũy, nguồn vốn đầu tư… Từ đây, chủ đầu tư và sàn môi giới bất động sản ăn theo, đẩy giá nhà tăng lên.

Loạt dự án nhà ở xã hội phía Nam ra hàng trong quý II/2025

Vừa qua, Công ty Kim Oanh Land, thành viên của Tập đoàn Bất động sản Kim Oanh Group tổ chức động thổ xây dựng Dự án nhà ở xã hội K-Home New City tại thành phố mới, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Dự án được xây dựng trên diện tích 27 ha, tổng vốn đầu tư 2.758 tỷ đồng. 

Sản phẩm của Dự án gồm 1.376 căn nhà phố liền kề, nhà phố thương mại thuộc loại hình nhà ở xã hội thấp tầng; 1.666 căn hộ chung cư diện tích 25 - 70 m2, thuộc phân khúc nhà ở xã hội cao tầng và 300 căn nhà phố thương mại dành cho chuyên gia tại các khu công nghiệp. Dự án đang được giới thiệu ra thị trường, với giá bán chỉ từ 789 triệu đồng/căn.

Việc các tỉnh, thành phố công bố phát triển nhiều dự án nhà ở xã hội trong năm 2025 là tín hiệu tích cực, giúp giải toả áp lực nhà ở cho người dân.


Cũng tại Bình Dương, trong quý II/2025, Tập đoàn Lê Phong tiếp tục bán các căn hộ nhà ở xã hội tại Dự án chung cư nhà ở xã hội Tân Đông Hiệp (TP. Dĩ An). Dự án có tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 10.320 m2, gồm 2 block chung cư cao 30 tầng. Trong đó, block A có 200 căn nhà ở xã hội, block B có 565 căn hộ. Các căn hộ có diện tích 30 - 64 m2, giá bán từ 730 triệu đồng/căn 1 phòng ngủ và 1,4 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ. Dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện và bàn giao nhà cho người dân.

Ông Dương Kim Quân, Tổng giám đốc Tập đoàn Bcons cho biết, những tháng sắp tới, doanh nghiệp sẽ tung ra thị trường Bình Dương 3.000 căn hộ chung cư với diện tích 30 m2, đồng thời mở rộng mô hình căn hộ cho thuê để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho những người dân không đủ điều kiện mua các dự án nhà ở xã hội, nhưng rất cần nhà ở.

Còn tại TP.HCM, được biết trong quý II, có 4 dự án nhà ở xã hội sẽ được hoàn thiện, cung cấp 2.874 căn hộ tại quận 6, quận 10 và TP. Thủ Đức, khu vực tập trung đông người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Sau khi các dự án hoàn thiện, sẽ tiến hành bán nhà cho khách hàng.

Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group cho biết, Trần Anh đang đẩy nhanh tiến độ xin giấy phép xây dựng để trong quý II tiến hành phát triển và xây dựng khoảng 1.000 căn nhà ở xã hội với giá khoảng 15 triệu đồng/m2 tại huyện Đức Hoà (Long An).

TP. Huế có dự án nhà ở xã hội 578 tỷ đồng tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp TP. Huế cho biết vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà ở xã hội tại Chân Mây (vị trí 8) tại Khu đô thị Chân Mây thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, huyện Phú Lộc, TP. Huế.


Dự án sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo hình thình đấu thầu. Mục tiêu dự án nhằm xây dựng mới nhà ở xã hội theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030 với mức giá phù hợp để bán, cho thuê các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo Quy định của Luật Nhà ở 2023; đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho đô thị Chân Mây trong tương lai.

Dự án có quy mô diện tích đất 18.788 m², với quy mô dân số dự án khoảng 2.065 người. Tổng số căn hộ dự kiến khoảng 898 căn hộ, trong đó gồm 780 căn nhà ở xã hội và 118 căn hộ nhà ở thương mại.

Tổng vốn đầu tư của dự án 578,36 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư phải đảm bảo tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án. Tiến độ thực hiện dự án, không quá 24 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Định giá đất vẫn còn nhiều vướng mắc

Gần 13 năm kể từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, Dự án Khu dân cư Phú Thuận (quận 7, TP.HCM) do Công ty cổ phần Đầu tư Anh Tuấn làm chủ đầu tư đến nay vẫn chưa thể hoàn tất nghĩa vụ tài chính để triển khai tiếp, dù doanh nghiệp nhiều lần chủ động xúc tiến các thủ tục. Nguyên nhân không phải do thiếu phương pháp định giá đất, mà ở những vướng mắc hành chính kéo dài và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng.

Ông Dương Tuấn Tú, Tổng giám đốc Công ty Anh Tuấn cho biết, doanh nghiệp đã nộp hồ sơ xin xác định tiền sử dụng đất từ năm 2017. Dự án đã hoàn tất quy hoạch chi tiết 1/500, đầu tư hạ tầng, tiện ích và tiến hành chuyển nhượng nền đất cho khách hàng. Tuy nhiên, suốt hơn 5 năm qua, việc xác định nghĩa vụ tài chính - bước quan trọng để triển khai xây dựng - vẫn chưa được hoàn thành.

Tại TP.HCM, có tới 60 - 70% dự án ngừng triển khai do bị tắc ở khâu định giá đất để tính tiền sử dụng đất. Ảnh: Việt Dũng


“Doanh nghiệp muốn được nộp tiền, nhưng thủ tục cứ vướng từ sở này sang sở khác. Sở Tài nguyên và Môi trường nói phải gia hạn thời gian thực hiện dự án, thì mới tính được tiền sử dụng đất. Trong khi Sở Xây dựng lại yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, thì mới được xem xét gia hạn. Mọi việc cứ lòng vòng như câu hỏi con gà hay quả trứng có trước”, ông Tú bức xúc.

Không chỉ mất thời gian, vướng mắc này còn khiến chủ đầu tư thiệt hại nặng nề về kinh tế. “Những lô đất có giá trị hàng tỷ đồng giờ chỉ để cỏ mọc. Trong khi đó, chi phí đầu tư đã bỏ ra, lãi vay ngân hàng vẫn phải trả đều. Chúng tôi không đòi hỏi miễn giảm gì, chỉ mong được đóng tiền sử dụng đất theo đúng quy định để dự án được tiếp tục”, ông Tú bày tỏ.

Trường hợp của Công ty Anh Tuấn không phải cá biệt. Nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự, khi thủ tục định giá đất và xác định nghĩa vụ tài chính kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án, quyền lợi của khách hàng và khả năng tài chính của chủ đầu tư.

Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trên địa bàn TP.HCM hiện có hơn 150 dự án phải ngừng triển khai, trong đó, có tới 60 - 70% dự án bị tắc ở khâu định giá đất để tính tiền sử dụng đất. Thậm chí, có dự án hàng chục năm vẫn chưa được nộp tiền sử dụng đất. 

Chỉ tính riêng các dự án chung cư được xây dựng hoàn thành, có khoảng 25.000 căn hộ đã bàn giao cho khách hàng, nhưng chưa được cấp sổ hồng, vì không đóng được tiền sử dụng đất. Nhiều trường hợp chủ đầu tư đã tạm nộp tiền sử dụng đất, hoặc đã nộp và được cấp sổ hồng một phần, nhưng nay không được cấp tiếp, vì có vướng mắc, phải xác định lại tiền sử dụng đất.

Lý do khiến dự án hơn 6.000 tỷ đồng tại Bình Định sau gần 20 năm vẫn chưa hoàn thành

Cử tri xã Cát Hải, huyện Phù Cát phản ánh, thời gian qua, trên địa bàn xã Cát Hải có nhiều dự án đầu tư du lịch nhưng vẫn chưa có dự án nào hoàn thành để đưa vào khai thác hiệu quả. Cụ thể, Dự án Cát Hải Bay đã giải phóng mặt bằng sạch gần 100 ha nhưng khu vực này lâu nay cũng dừng thi công…, đã gây lãng phí nguồn tài nguyên, nguồn lực xã hội.

UBND tỉnh Bình Định phản hồi, Dự án Khu Nghỉ dưỡng cao cấp Cát Hải Bay (tên gọi cũ là Dự án Khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội) do Công ty cổ phần Du lịch và Khách sạn Việt - Mỹ làm chủ đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 11/12/2006, thay đổi lần thứ tư ngày 10/8/2022.

Ảnh phối cảnh Dự án Khu Nghỉ dưỡng cao cấp Cát Hải Bay.


Dự án được triển khai trên quy mô diện tích 236,16 ha tại thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát; tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 6.035 tỷ đồng; tiến độ đầu tư từ năm 2007 - 2028.

Tính đến ngày 10/4/2025, chủ đầu tư đã hoàn tất 4 căn biệt thự mẫu tại khu biệt thự đồi 2; đang triển khai 48 móng căn biệt thự.

Tuy nhiên, do có sự sai khác của quy hoạch chi tiết so với Quy hoạch chung Khu kinh tế Nhơn Hội nên Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án - giai đoạn 1A chưa được Cục Quản lý hoạt động xây dựng thẩm định.

Do đó, chủ đầu tư đã tạm dừng thi công do vướng về pháp lý. Hiện nay, Ban Quản lý Khu kinh tế đang phối hợp thực hiện các thủ tục điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung Khu kinh tế nhằm tháo gỡ các vướng mắc để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án.

Được biết, ngày 4/4/2025 tại Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã chủ trì Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2050).

Những dự án bất động sản ở Quảng Nam được phép chuyển nhượng

Sở Xây dựng Quảng Nam vừa có thông báo về danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản đủ điều kiện được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân xây dựng nhà ở.

Trong đó, các dự án đủ điều kiện đối với đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân xây dựng nhà ở, gồm: Khu dân cư An Phú (TP. Tam Kỳ) do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hạ tầng Quảng Nam làm chủ đầu tư; Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị thương mại dịch vụ Bắc Hội An (thị xã Điện Bàn) do Công ty TNHH Phát triển đô thị Bắc Hội An làm chủ đầu tư.

Nhiều dự án bất động sản ở Quảng Nam đủ điều kiện được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân xây dựng nhà ở.


Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Khu dân cư Tam Quang (giai đoạn 4), thị trấn Núi Thành (ở huyện Núi Thành) do Công ty TNHH Kinh doanh Địa ốc Vạn Kim làm chủ đầu tư; Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng Lai Nghi (giai đoạn 1) (ở thị xã Điện Bàn) do Công ty cổ phần Đầu tư Nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt làm chủ đầu tư; Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn (ở huyện Phú Ninh) do Công ty cổ phần địa ốc Newland Quảng Nam làm chủ đầu tư.

Dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Thành Hà, phân khu 1 tại phường Thanh Hà, TP. Hội An (đợt 1) do Công ty cổ phần Tập đoàn Royal Capital (trước đây là CTCP Tập đoàn Hoàng gia Hội An) làm chủ đầu tư; Dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ Phong Nhị (thị xã Điện Bàn) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Dịch vụ QHB làm chủ đầu tư.

Dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị sinh thái cao cấp Vịnh An Hòa 2 (ở huyện Núi Thành) do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển FVGLAND làm chủ đầu tư; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu phố chợ Điện Nam Bắc tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và Khu đô thị Ngọc Dương Riverside mở rộng (thị xã Điện Bàn) đều do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Đất Quảng - Quảng Nam làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, đối với các dự án nhà ở, công trình xây dựng đủ điều kiện được đưa vào sử dụng để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng, gồm: Dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ Phong Nhị (thị xã Điện Bàn) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Dịch vụ QHB làm chủ đầu tư; Khu đô thị dịch vụ Đồng Nà và Khu đô thị Võng Nhi (ở TP. Hội An) đều do Công ty cổ phần Đạt Phương Hội An.

Bên cạnh đó, Khu đô thị thương mại dịch vụ Bắc Hội An (TP. Hội An) do Công ty TNHH Phát triển đô thị Bắc Hội An làm chủ đầu tư; Khu đô thị sinh thái cao cấp Vịnh An Hòa 2 (huyện Núi Thành) do Công ty CP Đầu tư và Phát triển FVGLAND làm chủ đầu tư; Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Khu dân cư An Phú (TP. Tam Kỳ) do Công ty CP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Quảng Nam làm chủ đầu tư.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản