Mở khóa thanh khoản cho doanh nghiệp địa ốc
Trọng Tín - 27/04/2023 11:33
 
Dù còn khó khăn, song thị trường bất động sản đã xuất hiện những điểm sáng. Theo đó, các đơn vị sở hữu quỹ đất sạch, phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực được đánh giá có cơ hội “mở khóa” thanh khoản, bắt nhịp nhanh hơn với đà phục hồi.

Thận trọng trong giai đoạn thách thức

“Có thể nói, ngành bất động sản Việt Nam đã rơi vào bối cảnh thách thức nhất trong hơn một thập kỷ qua”, “Diễn biến chóng vánh và phức tạp của thị trường chung đã đặt doanh nghiệp trước nhiều bài toán mới, rất nan giải và gấp rút”… Đây là những dòng thông điệp được ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt chia sẻ trong Báo cáo thường niên 2022 vừa được doanh nghiệp này công bố.

Dù Phát Đạt vẫn chưa “chốt” chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023, song qua kết quả 3 tháng đầu năm, có thể thấy, thách thức đặt ra rất lớn. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận quý I/2023 của Phát Đạt lần lượt giảm 70% và 92% so với cùng kỳ năm 2022. Những con số này buộc doanh nghiệp phải tính toán thận trọng hơn.

Không riêng Phát Đạt, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều thận trọng tính toán các dự án, kế hoạch ở ngưỡng an toàn trong bối cảnh thị trường chưa thực sự khởi sắc. Ngay cả doanh nghiệp có chỉ số tài chính cơ bản tốt như Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cũng chưa thực sự tự tin trước những diễn biến thị trường.

Ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long dự báo, bất động sản vẫn đối mặt với ba rủi ro lớn, đó là rủi ro về thị trường và sản phẩm (sức mua giảm mạnh do kinh tế khó khăn, lệch pha cung - cầu trong các phân khúc); rủi ro tài chính (doanh nghiệp mất thanh khoản, khó huy động vốn; người mua nhà chịu áp lực lãi suất cao) và rủi ro về pháp lý (tính tiền sử dụng đất, thủ tục đầu tư chồng chéo...).

Nhận định, thị trường hiện nay còn khó hơn cả giai đoạn 2008 - 2013, trong cuộc họp cổ đông thường niên tổ chức tuần qua, ông Ngọc cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng năm nay ở mức “khiêm tốn”, vì Nam Long dự liệu được những trở ngại sau khi nghiên cứu kỹ thị trường.

Năm 2023, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận của Nam Long lần lượt là 4.836 tỷ đồng và 586 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2022.

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 158 tỷ đồng, lần lượt chỉ bằng 99% và 73% so với kết quả năm trước.

Trong báo cáo cập nhật về doanh nghiệp này, Công ty Chứng khoán VNDirect tiết lộ, năm 2023, Đất Xanh chỉ dự định mở bán dự án DXH Parkview (Bình Dương) do thị trường không thuận lợi, bởi vậy, doanh số bán mới của Đất Xanh năm 2023 có thể giảm 33,5% so với năm 2022.

Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex cũng xác định, năm nay, lĩnh vực bất động sản (đóng góp trên 50% tỷ trọng doanh thu của Công ty) vẫn đối mặt với khó khăn. Do đó, lãnh đạo Công ty đặt mục tiêu năm 2023 đạt tổng doanh thu hợp nhất 1.634 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 500 tỷ đồng, giảm 2%, trong đó, giảm mạnh nhất là nguồn thu từ bất động sản, khách sạn.

Bám vào nhu cầu thực

Mặc dù còn khó khăn, nhưng đến thời điểm hiện tại, thị trường bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực khi một số doanh nghiệp rục rịch công bố dự án mới.

Lãnh đạo Công ty Nam Long nhìn nhận, trong giai đoạn khó khăn, thị trường vẫn có một vài điểm sáng, như nhu cầu nhà ở thực cao, lãi suất dần hạ nhiệt, gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội và các biện pháp gỡ khó cho bất động sản đã được ban hành.

Do đó, ưu tiên của Nam Long trong năm nay là “xuyên thủng” thị trường với dòng sản phẩm bất động sản vừa túi tiền; ưu tiên mở sản phẩm Ehome ở các dự án đã đủ điều kiện.

Đặc biệt, Nam Long đang sở hữu quỹ đất khoảng 685 ha, đủ phát triển trong vòng 5 năm. Doanh nghiệp này cũng cam kết sẽ đóng góp 20.000 căn nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Còn với Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân, phương án “vượt bão” là chạy nước rút tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng để đẩy mạnh phát triển dự án.

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân cho hay, rổ hàng của doanh nghiệp đa phần là dự án nhà ở xã hội, các dự án này đều đã có pháp lý đầy đủ. “Doanh nghiệp đã làm việc với 5 ngân hàng, hầu hết dự án của Công ty đều được vay vốn, kể cả những dự án đã hoàn thành cũng được tiếp cận tín dụng. Các khách hàng chưa tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng trước đây cũng sẽ được tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng”, ông Tuấn thông tin thêm.

Năm nay, Hoàng Quân đặt mục tiêu doanh thu 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 140 tỷ đồng. Ông Tuấn thừa nhận, 8 năm qua, Hoàng Quân không đạt kế hoạch kinh doanh, nhưng với gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, năm 2023 có thể sẽ là một năm “rất sáng” của Hoàng Quân với tiềm năng từ thương vụ hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư Thành phố Vàng tại Dự án Nhà ở xã hội HQC Tây Ninh. Dự báo, dự án này có thể mang về doanh thu 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, với Phát Đạt, sau khi sắp xếp lại danh mục đầu tư, doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung cho các dự án có khả năng được thị trường hấp thụ nhanh như Cadia Quy Nhơn (Bình Định). Đây là tổ hợp thương mại - dịch vụ - khách sạn và căn hộ du lịch biển 4 sao, quy mô hơn 5.000 m2, bao gồm 250 phòng condotel và 590 phòng second home.

Theo kế hoạch, trong năm nay, Phát Đạt sẽ triển khai hơn 13.000 sản phẩm tại các thị trường đang có nhu cầu lớn như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Đà Nẵng… Các dự án này được kỳ vọng sẽ mang về doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cũng tiếp tục thực hiện chiến lược bán lẻ thay cho mô hình bán sỉ trước đây, thông qua công ty thành viên - Phát Đạt Realty.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản