Quảng Nam: Hồi sinh các dự án đô thị ven sông Cổ Cò
Hoàng Anh - 06/06/2020 17:14
 
Tỉnh Quảng Nam đã tháo gỡ vướng mắc các dự án đô thị khu vực Điện Nam - Điện Ngọc, động thái “giải cứu” này giúp bất động sản khu vực ven sông Cổ Cò hồi sinh mạnh mẽ.
TIN LIÊN QUAN

Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đóng vai trò trọng điểm trong phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam cũng như kết nối đô thị giữa Hội An và thành phố Đà Nẵng.

Ngày 24/6/2019, UBND tỉnh Quảng Nam ra Quyết định số 1253/QĐ-UBND về việc phê duyệt hồ sơ khớp nối quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) các giai đoạn I, II, III tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và danh mục quy hoạch 1/500 của từng dự án được khớp nối. Bên cạnh việc triển khai quy hoạch đồng bộ, tổng thể, tỉnh Quảng Nam còn theo dõi, đôn đốc triển khai hạ tầng của các dự án. Từ giữa 2019 đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã từng bước rà soát các dự án, tiến hành chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định giao chủ đầu tư cho những dự án đủ điều kiện. 

Trong phiên họp sáng 3/10/2019, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX đã chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư cho nhiều dự án đô thị. Đó là Khu đô thị Đại Dương Xanh (diện tích 12,63 ha nằm tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) và Khu đô thị Coco Riverside (diện tích 11,59 ha tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) đều của Chủ đầu tư là Công ty TNHH XD, TM và DV An Dương.

Khu đô thị Đại Dương Xanh của chủ đầu tư An Dương đang triển khai hạ tầng nhanh chóng.
Khu đô thị Đại Dương Xanh của chủ đầu tư An Dương đang triển khai hạ tầng nhanh chóng.

Khu đô thị An Phú (diện tích 16,43 ha tại 2 phường Điện Nam Trung và Điện Dương, thị xã Điện Bàn) của Chủ đầu tư Công ty TNHH Đại Việt; Khu đô thị Phú Thịnh (diện tích 13,1 ha tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) của Chủ đầu tư Công ty TNHH MTV Dịch vụ Tổng hợp Phước Nguyên và Khu đô thị QNK1 (diện tích 19,72 ha tại 2 phường Điện Ngọc và Điện Dương, thị xã Điện Bàn) của Chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư QNK Quảng Nam.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 15 của HĐND tỉnh Quảng Nam diễn ra ngày 21/4/2020 cũng đã tiếp tục thông qua chủ trương đầu tư cho 14 dự án thuộc đô thị mới Điện Nam, Điện Ngọc. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo chính quyền các cấp đôn đốc và hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, tiến độ hạ tầng; thực hiện các thủ tục pháp lý để chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho những người dân. 

Việc ban hành các cơ chế mở, tháo gỡ những nút thắt cho chủ đầu tư sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển vượt bậc của đô thị mới Điện Nam, Điện Ngọc - vùng đất đầy tiềm năng, nơi có dòng sông Cổ Cò chảy qua.

Chuỗi đô thị ven sông Cổ Cò

Với hàng loạt dự án đô thị được đầu tư, xây dựng dọc tuyến sông Cổ Cò nối giữa thành phố Đà Nẵng với đô thị cổ Hội An thì việc hình thành chuỗi đô thị dọc tuyến đường biển này không còn xa nữa.

Động lực để các dự án bất động sản khu vực này hồi sinh mạnh mẽ, chính là dự án khơi thông dòng sông Cổ Cò, dòng sông lịch sử, văn hóa, tuyến đường thủy quan trọng đang được hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. 

Tại Quảng Nam, Dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò qua địa bàn tỉnh Quảng Nam được đầu tư 1.000 tỷ đồng, trong đó 340 tỷ đồng từ chương trình ứng phó biến đổi khí hậu của Trung ương. Theo kế hoạch, ngoài việc nạo vét lòng sông rộng 90 m cho đồng bộ với đoạn tuyến tại Đà Nẵng, thì Quảng Nam cũng đầu tư hoàn thiện hạ tầng 2 bên bờ sông và 4 cây cầu nối hai bờ Đông - Tây của sông Cổ Cò.

Dự án khơi thông sông Cổ Cò đang gấp rút triển khai và hoàn thiện.
Dự án khơi thông sông Cổ Cò đang gấp rút triển khai và hoàn thiện.

Thành phố Đà Nẵng cũng đang tích cực triển khai dự án này, dự án có tổng mức đầu tư hơn 486 tỷ đồng, trong đó 245 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách Trung ương từ chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, còn lại là vốn đối ứng của Thành phố. Trong 3 hạng mục cơ bản của Dự án thì hiện nay phần nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đã cơ bản đã hoàn thành.

Với những động lực như vậy, tương lai chuỗi các đô thị ven sông Cổ Cò sẽ tạo nên một không gian du lịch mới, điểm đến mới cho du khách. Khi dòng sông huyền thoại Cổ Cò được khơi thông, sẽ trở thành tuyến đường thuỷ kết nối du lịch giữa Đà Nẵng – Điện Bàn – Hội An và ngược lại, góp phần lớn cho sự phát triển kinh tế, du lịch của các địa phương trên.

Sông Cổ Cò sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển chuỗi đô thị kết nối Đà Nẵng với Hội An, một không gian sống lý tưởng cho người dân và du khách. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản