Thống nhất đề xuất thành lập Quỹ Phát triển nhà ở quốc gia; Bất động sản công nghiệp đối phó bão thuế quan
Thanh Vũ - 27/04/2025 07:55
 
Hà Nội mở bán 308 căn nhà ở xã hội gần Vinhomes Riverside, giá 16 triệu đồng/m2; Nhà đầu tư đề xuất xây dựng 4 dự án nhà ở xã hội ở Quảng Ngãi; Khoảng 60% hợp đồng mua bán chung cư chứa điều khoản bất lợi cho người mua.

Sau đây là tổng hợp các tin tức bất động sản nổi bật trong tuần.

Chính phủ thống nhất đề xuất thành lập Quỹ Phát triển nhà ở quốc gia

Mới đây, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để thảo luận về việc nghiên cứu thành lập quỹ phát triển nhà ở, bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thuê và nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi thuê, mua…

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng cho biết Bộ đã có văn bản gửi lãnh đạo Chính phủ về việc nghiên cứu thành lập Quỹ Phát triển nhà ở quốc gia. Theo báo cáo, hiện cả ở trung ương và địa phương đều đã có các định chế tài chính và cơ chế chính sách cho vay ưu đãi nhằm phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất trong thời gian qua chính là nguồn vốn cho vay ưu đãi còn hạn chế.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc họp với các bộ, ngành về việc nghiên cứu thành lập Quỹ Phát triển nhà ở quốc gia. Ảnh VGP


Do đó, để triển khai hiệu quả, nhanh chóng và khả thi, Bộ Tài chính đề xuất không thành lập thêm định chế tài chính mới mà sử dụng hệ thống các định chế tài chính hiện có để thực hiện cho vay phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, Bộ kiến nghị trung ương và địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn lực và xây dựng cơ chế hỗ trợ để các định chế này có thể mở rộng hoạt động cho vay.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng chỉ rõ thực trạng các vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội hiện nay, đồng thời dẫn kinh nghiệm từ quốc tế. Trong đó có việc hỗ trợ chi phí bồi thường, tái định cư; cấp tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp và người dân thuộc diện chính sách; hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức trong việc đầu tư và phát triển dự án

Trên cơ sở rà soát tổng thể hệ thống pháp luật và các định chế tài chính hiện hành ở trung ương và địa phương, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án về cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, đồng thời định hướng việc thành lập Quỹ Phát triển nhà ở quốc gia.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định việc thành lập quỹ để thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người trẻ dưới 35 tuổi là hoàn toàn có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Tên gọi của quỹ được thống nhất là “Quỹ Phát triển nhà ở quốc gia”.

Đây sẽ là quỹ Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập bởi Nhà nước nhưng không trùng lặp với nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước. Nguồn vốn của quỹ sẽ được huy động từ ngân sách Nhà nước; đóng góp tự nguyện của nhà đầu tư trong và ngoài nước; nguồn thu từ quỹ đất 20% dành xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại; đóng góp từ tổ chức, cá nhân; cùng các nguồn hợp pháp khác.

Sẽ trình Quốc hội thí điểm chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Chiều 25/4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Báo cáo nội dung này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia từ nguồn ngân sách nhà nuớc cấp và nguồn hợp pháp khác theo quy định để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đầu tu, tạo lập nhà ở xã hội; hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đầu tu hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tu xây dựng nhà ở xã hội, đối tuợng huởng chính sách nhà ở xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hồ sơ đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét theo quy trình thủ tục rút gọn.

Thẩm tra, Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở Quốc gia; đồng thời đề nghị làm rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ để có cơ sở giao Chính phủ quy định chi tiết; làm rõ các nhiệm vụ chi của Quỹ để bảo đảm nhiệm vụ chi của Quỹ không trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, tránh sơ hở, thất thoát, lãng phí.

Tại dự thảo, Chính phủ cũng đề xuất cho phép Nhà nước hoàn trả hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính các khoản chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với những chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội có quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định.

Theo đó, các khoản chi phí được đề xuất hoàn trả hoặc khấu trừ bao gồm: tiền sử dụng đất; kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các khoản chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội liên quan đến việc tạo lập quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

Ông Sinh giải thích, trong quá trình thực hiện các dự án nhà ở xã hội, có nhiều trường hợp doanh nghiệp chủ động nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người dân, tự bỏ vốn ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Tuy nhiên, các chi phí này không được hoàn trả hoặc không được tính vào cơ cấu giá bán nhà ở xã hội, trong khi tỷ suất lợi nhuận định mức bị khống chế theo quy định.

Việc hoàn trả hoặc khấu trừ các khoản chi phí này sẽ giúp tăng tính hấp dẫn và thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nhà ở xã hội - một lĩnh vực có vai trò an sinh nhưng không mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Văn Liên cho biết, nhiều ý kiến không đồng thuận với đề xuất này và đề nghị không đưa nội dung hoàn trả chi phí giải phóng mặt bằng vào nghị quyết.

Các ý kiến này cho rằng, việc hoàn trả chi phí thực chất là chính sách chi ngân sách gián tiếp với phạm vi ảnh hưởng rộng. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, việc hoàn trả các chi phí cho nhà đầu tư có thể tạo gánh nặng tài khóa cho trung ương và địa phương, đặc biệt nếu không kiểm soát tốt số lượng dự án và quy mô chi phí được hoàn trả.

Theo ông Liên, dự thảo chưa có báo cáo đánh giá tác động chính sách về nguồn lực tài chính cần thiết, khả năng cân đối và bố trí ngân sách để thực hiện chính sách này. Cùng đó, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, trong hồ sơ trình Quốc hội cũng chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính – cơ quan có trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước.

Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh, chính sách hoàn trả chi phí cho chủ đầu tư nhà ở xã hội là nội dung mới, chưa có trong kết luận của Bộ Chính trị về chính sách phát triển nhà ở xã hội. Do đó, nếu tiếp tục giữ đề xuất này, cần có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền.

Mặt khác, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, việc mở rộng chính sách hoàn trả chi phí dễ dẫn tới tình trạng kê khai không đúng thực tế các khoản bồi thường, thổi giá chi phí đầu tư hạ tầng, gây thất thoát ngân sách nếu không có cơ chế kiểm soát minh bạch và chặt chẽ.

Trong khi đó, dự thảo Nghị quyết chưa quy định rõ ràng về cơ chế hậu kiểm, kiểm toán, giám sát thực hiện chính sách.

Ông Liên cũng phản ánh, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đồng ý với đề xuất này song cho rằng, cần báo cáo Bộ Chính trị về nội dung này, đồng thời cần quy định chặt chẽ thời điểm hoàn trả, có thể phải đến khi chủ đầu tư hoàn thành dự án, tránh trường hợp chủ đầu tư vi phạm nghĩa vụ dẫn đến mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội không đạt được, làm thất thoát nguồn lực mà Nhà nước đã hoàn trả.

Về nội dung khác, Cơ quan thẩm tra đề nghị không mở rộng đối tượng được bố trí nhà ở xã hội là các “chuyên gia” để bảo đảm phù hợp với mục tiêu chính sách của Đảng và Nhà nước là tập trung phát triển loại hình này cho người có thu nhập thấp. Trong khi đối tượng chuyên gia đã có nhiều ưu đãi theo các chính sách mới về thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cơ quan nhà nước được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho công chức của mình ở, nhất là tại các địa phương thực hiện sáp nhập, tạo thuận lợi cho việc thực thi công vụ của các đối tượng này.

Hà Nội mở bán 308 căn nhà ở xã hội gần Vinhomes Riverside, giá chỉ 16 triệu đồng/m2

Mới đây, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã công bố kế hoạch tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án Hope Residences. Dự án này có vị trí tương đối đắc địa khi nằm gần khu biệt thự triệu đô Vinhomes Riverside và chỉ cách Hồ Gươm khoảng 10 km. 

Đợt mở bán này sẽ gồm có 308 căn, chiếm khoảng 20% tổng số căn hộ tại dự án. Trong đó, 301 căn sẽ được chuyển bán cho các khách hàng đã thuê nhà đủ 5 năm tại dự án. 7 căn còn lại sẽ được mở bán theo quy định tại điểm g Khoản 5 Điều 198 Luật Nhà ở 2023. Đây là những căn chưa có người thuê và sẽ được bán cho nhiều nhóm khách hàng hơn.

Hình ảnh dự án Hope Residences. Ảnh: CTCP Xây dựng Central 


Giá bán căn hộ nhà ở xã hội tại đây là 16 triệu đồng/m2. Số tiền trên đã bao gồm VAT và chưa có chi phí bảo trì. Khoản chi phí bảo trì sẽ bằng 2% giá bán trước thuế, tương đương khoảng 305.508 đồng/m2.

Thời điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua bắt đầu từ ngày 19/04 và kết thúc vào ngày 31/5. Lưu ý, chủ đầu tư sẽ không nhận hồ sơ vào thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ. Dự kiến, thời điểm ký hợp đồng mua bán căn hộ sẽ vào tháng 6/2025. 

Đơn vị thu hồ sơ sẽ là chủ đầu tư Công ty Cổ phần Phát triển nhà Phúc Đồng, địa chỉ tại tầng 3 số 77, phố Mai Phúc, phường Phúc Đồng, quận Long Biên. Số điện thoại liên hệ phục vụ cho việc tiếp nhận hồ sơ là 096 203 1818 hoặc 096 213 6655.

Khu nhà ở xã hội Hope Residences nằm tại ô đất B8. NXH thuộc Quy hoạch chi tiết Khu đô thị công viên công nghệ phần mềm Hà Nội. Dự án gồm có 5 tòa nhà cao 21 tầng nổi và 2 tầng hầm. Tổng số lượng căn hộ là 1.504 căn, quy mô dân số là 3.524 người. 

Tương tự nhiều nhà ở xã hội khác trên địa bàn Hà Nội, nhiều căn hộ cũ tại đây đang được rao bán với giá khoảng 50 triệu đồng/m2, cao gấp 3 lần so với mức giá được mở bán lần đầu vào năm 2018.

Nhà đầu tư đề xuất xây dựng 4 dự án nhà ở xã hội ở Quảng Ngãi

Vừa qua, đại diện liên danh nhà đầu tư Khang Nam - CC1 Việt Quang - CC1 Việt Nguyên đã đề xuất đầu tư 4 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi gồm: Khu dân cư trục đường Mỹ Trà - Mỹ Khê (giai đoạn 1), thuộc phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi, diện tích dự kiến khoảng 2 ha, quy mô khoảng 1.000 đến 1.200 căn hộ.

Khu vực dự kiến xây dựng nhà ở xã hội tại thành phố Quảng Ngãi.

Dự án Khu nhà ở xã hội tại Khu thiết chế Công đoàn Quảng Ngãi tại xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, diện tích dự kiến 2,5 ha, quy mô khoảng 1.000 đến 1.200 căn hộ. Dự án Khu nhà ở xã hội tại Khu đất Bến xe Bắc, thuộc phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi, diện tích dự kiến 2 ha, quy mô khoảng 1.200 căn hộ. Dự án Khu nhà ở xã hội tại Khu đất sân vận động huyện Sơn Tịnh cũ, thuộc phường Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi, có diện tích dự kiến 1ha, quy mô khoảng 812 căn hộ.

Tất cả các dự án đều được thiết kế đảm bảo bố trí đầy đủ các điều kiện hạ tầng, tích hợp tiện ích đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, tỉnh Quảng Ngãi hoan nghênh ý tưởng của Công ty Khang Nam Group về đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Quảng Ngãi cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Theo ông Giang, Quảng Ngãi có dư địa rất lớn để phát triển nhà ở xã hội cùng các chính sách hỗ trợ hấp dẫn. Do đó, rất nhiều nhà đầu tư mong muốn được đầu tư tại Quảng Ngãi. Tuy nhiên, tỉnh chỉ thu hút và tạo điều kiện cho nhà đầu tư có năng lực và tâm huyết, "có tâm, có tầm" để sớm hình thành sản phẩm, đưa vào phục vụ nhu cầu an cư của công nhân, người lao động và người dân có thu nhập thấp trên địa bàn.

Bất động sản công nghiệp giữ thăng bằng giữa bão thuế quan

Trong bối cảnh chính sách thuế quan còn nhiều thay đổi như hiện nay, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Kinh Bắc) đã tổ chức nhiều cuộc họp để triển khai các giải pháp ứng phó linh hoạt. Công ty xác định tiếp tục đồng hành với các nhà đầu tư, đồng thời mở rộng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) hiện hữu.

“Một số nhà đầu tư tạm dừng kế hoạch để chờ diễn biến đàm phán về thuế quan, nhưng không trả lại đất tại KCN, mà vẫn giữ để phát triển khi điều kiện thuận lợi hơn”, đại diện Công ty Kinh Bắc chia sẻ. Tuần vừa qua, doanh nghiệp này vẫn tiếp một tập đoàn lớn có nhu cầu thuê vài chục héc-ta đất công nghiệp.

Các khu công nghiệp thế hệ mới đang tích hợp hạ tầng thông minh, hệ sinh thái doanh nghiệp phụ trợ và tiện ích đa chức năng để thu hút đầu tư. Ảnh: Lê Toàn


Yếu tố đang được các nhà đầu tư quan tâm theo dõi là mức thuế đối ứng đối với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có tương quan thế nào với thuế đánh vào hàng hóa cùng khu vực. Nếu tương đương hoặc thấp hơn, thì tính cạnh tranh của Việt Nam vẫn duy trì.

Theo Công ty Kinh Bắc, đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam chuyển mình  trong sản xuất nguyên phụ liệu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, nhu cầu thuê đất của các nhà máy tại Việt Nam vẫn có triển vọng dài hạn tích cực. Hoạt động của KCN vẫn được duy trì vì khối thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ tăng cường hoạt động.

Tương tự, Tổng công ty IDICO - CTCP đang đẩy mạnh  hoàn thiện pháp lý và thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng cho 4 KCN đã được được chấp thuận chủ trương đầu tư, gồm Tân Phước 1 (Tiền Giang), Mỹ Xuân B1 mở rộng (Bà Rịa - Vũng Tàu), Vinh Quang  (Hải Phòng) và Phú Long (Ninh Bình). Việc triển khai các KCN này sẽ tạo dư địa tăng trưởng lớn trong trung hạn cho IDICO.

Ngoài ra, IDICO tiếp tục nghiên cứu, triển khai thêm các KCN mới tại Ninh Bình, Cần Thơ và nhiều địa phương tiềm năng khác. Tổng công ty đặt mục tiêu phát triển thêm tối thiểu 1.000 ha đất trong trung và dài hạn. Nhà xưởng cho thuê cũng tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ để đáp ứng kế hoạch thu hút đầu tư trong bối cảnh các dự án KCN đã hoàn thành phần lớn công tác giải phóng mặt bằng.

IDICO cũng đặt mục tiêu cho thuê lại đất trong năm 2025 đạt 123,4 ha đối với hạ tầng KCN và 33.291 m2 đối với nhà xưởng. Đây là kế hoạch thu hút mới trong năm 2025, không bao gồm các bản ghi nhớ đã ký từ năm 2024 chuyển sang năm 2025.

Với Công ty cổ phần Long Hậu, dù chưa công bố các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cụ thể, nhưng Công ty cho biết, thời gian tới sẽ tập trung bồi thường giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại tại Dự án KCN Long Hậu 3 - giai đoạn I nhằm tạo quỹ đất đưa vào kinh doanh cho các năm tiếp theo.

Theo kế hoạch, Long Hậu sẽ nộp hồ sơ xin chủ trương đầu tư Dự án KCN Long Hậu - giai đoạn II mở rộng (90 ha) và KCN Long Hậu - Tân Tập (150 ha); bồi thường giải phóng mặt bằng và  thi công hạ tầng tại Dự án Khu dân cư - Tái định cư Long Hậu 3 (19 ha), đồng thời tiếp tục phát triển sản phẩm nhà xưởng xây sẵn cao tầng (tại KCN Long Hậu 3 - giai đoạn I) và nhà kho cho thuê.

Khoảng 60% hợp đồng mua bán chung cư chứa điều khoản bất lợi cho người mua

Theo Quyết định số 07/2024/QĐ-TTg, hoạt động mua bán căn hộ chung cư là một trong 8 lĩnh vực thuộc danh mục phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc Bộ Công thương (Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) và UBND cấp tỉnh (các Sở Công thương).

Tỷ lệ số lượng lỗi được phát hiện trong hồ sơ đăng ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư tại Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia từ ngày 1/7/2024 đến hết tháng 3/2025.


Tại cấp Trung ương, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan được giao nhiệm vụ tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư theo mẫu của các doanh nghiệp. Từ thời điểm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có hiệu lực (ngày 1/7/2024) đến hết tháng 3/2025, cơ quan này đã tiếp nhận 211 lượt hồ sơ đăng ký mẫu hợp đồng mua bán căn hộ.

Tuy nhiên, có tới 130 lượt hồ sơ bị yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung. Nguyên nhân là do các mẫu hợp đồng tồn tại nhiều điều khoản chưa tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong đó, phần lớn các mẫu hợp đồng đã bị doanh nghiệp “cài cắm” nhiều chi tiết gây bất lợi cho bên mua và “thêm thắt” các quy định mang tính chất loại trừ nghĩa vụ của bên bán. Đáng chú ý, nhiều công ty còn âm thầm hạn chế quyền của bên mua vào phần để trống trong các mẫu hợp đồng do Nhà nước ban hành.

Không chỉ vậy, nhiều hợp đồng đã loại trừ nghĩa vụ của bên bán trong việc bảo hành căn hộ. Một số bên còn tìm cách miễn trừ trách nhiệm làm thủ tục đề nghị cơ quan Nhà nước cấp sổ đỏ cho người mua. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn đưa vào điều khoản hạn chế quyền chấm dứt hợp đồng của bên mua trong trường hợp bên bán vi phạm hợp đồng…

Ủy ban cũng cho biết, nhiều hồ sơ còn có điều khoản chưa tuân thủ pháp luật chuyên ngành. Chẳng hạn điều khoản thanh toán tiền mua căn hộ hình thành trong tương lai; đóng kinh phí bảo trì; phạm vi bảo hành; phần diện tích thuộc sở hữu chung - riêng của các chủ sở hữu…

Bình Định đấu giá tìm chủ đầu tư dự án khu du lịch vốn đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Bình Định vừa thông báo đấu giá quyền sử dụng đất Dự án Điểm số 2 (2-1), Khu du lịch biển Nhơn Lý - Cát Tiến.

Theo đó, khu đất được quy hoạch với các loại hình khu lưu trú nghỉ dưỡng biển, nhà hàng, khu vui chơi giải trí biển và các dịch vụ phụ trợ khác với diện tích hơn 28,3 ha (hạng mục gồm khách sạn đa năng hơn 1 ha, biệt thự du lịch 6,4 ha…).

Dự án Điểm số 2 (2-1), Khu du lịch biển Nhơn Lý - Cát Tiến nằm tại xã Cát Chánh, huyện Phù Cát (trong Khu kinh tế Nhơn Hội). Về giới cận, phía Bắc giáp Khu du lịch Phương Mai Bay resort; phía Nam giáp Điểm số 2 (2-2), Khu du lịch biển Nhơn Lý – Cát Tiến; phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp tuyến đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội - Quốc lộ 19B.

Hình thức giao đất là nhà nước cho thuê đất trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Khu đất thực hiện Dự án Điểm số 2 (2-1), Khu du lịch biển Nhơn Lý - Cát Tiến có giá khởi điểm hơn 220 tỷ đồng, bước giá 4,41 tỷ đồng; tiền đặt trước tham gia đấu giá là hơn 44 tỷ đồng.

Thời gian nộp hồ sơ tham gia đấu giá chậm nhất đến 16h ngày 7/5. Sau khi sơ tuyển hồ sơ điều kiện năng lực tham gia đấu giá, nhà đầu tư đủ điều kiện và có nhu cầu tham gia đấu giá tài sản trên thì nộp (bỏ) phiếu trả giá gián tiếp vào thùng phiếu chậm nhất đến 16h ngày 19/5.

Thời gian tổ chức phiên đấu giá là 7h30, ngày 22/5/2025 tại Hội trường Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (số 37 Phan Đình Phùng, TP. Quy Nhơn).

Tổng vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện Dự án Điểm số 2 (2-1), Khu du lịch biển Nhơn Lý – Cát Tiến (m1, không bao gồm tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất) là 1.930,6 tỷ đồng. Do đó, nhà đầu tư phải chứng minh vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư để thực hiện dự án không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư của dự án.

Đồng thời về kinh nghiệm, nhà đầu tư hoặc đối tác cùng thực hiện đã từng tham gia thực hiện ít nhất 1 dự án tương tự (khu du lịch, khu đô thị, …) đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn, trong vòng 7 năm trước năm có thời điểm đóng thầu (thời điểm kết thúc nhận hồ sơ đấu giá) và có tổng vốn đầu tư tối thiểu là 965 tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản