Trở về với mái nhà tranh!
Đời sống hiện đại và quá gấp gáp đã khiến những người có tâm hồn nhạy cảm không còn muốn thích nghi và thỏa hiệp. Và họ muốn quay trở về sống giản dị với mái nhà tranh như thời ông bà xa xưa. Nhưng quả thật, “nghề chơi cũng lắm công phu”.
.
Ngôi nhà tranh vách đất đã đi vào tiềm thức của bao người dân đất Việt

1.

Cách nay 2 tháng, tôi nhận được lời mời của một nữ doanh nhân làm trong ngành vật liệu xây dựng tới nhà chơi.

Nhà nằm cách xa Sài Gòn chừng khoảng 1 giờ đồng hồ chạy xe hơi, với diện tích rất khủng.

Trái ngược với hình dung về các căn nhà của đại gia về mức độ hoành tráng (ví như tôi đã được chứng kiến có người xây dựng ngôi nhà bằng gỗ diện tích nhỏ mà với giá 12 tỷ đồng), thì căn nhà của bà vô cùng thô sơ.

Các vật liệu chủ yếu bằng tre lá, mộc mạc vô cùng. Thậm chí, toàn bộ bàn ghế giường tủ cùng các đồ sinh hoạt khác cũng được sử dụng bằng chất liệu này.

Chủ nhân giải thích, những căn nhà này thì độ bền chỉ chừng vài ba năm chứ không thể so sánh với vật liệu gạch đá xi măng được, sợ nhất là mối mọt phá hoại. Tuy nhiên, các vật liệu tre cũng đã được xử lý khá kỹ. Mà vài ba năm cũng đã đủ rồi, vì giá thành xây dựng rẻ vô cùng. Tới khi nào cần thay thì… thay luôn căn nhà khác chứ cũng không cần suy tính gì hơn.

Trước đây, cũng tính đến sự thuận tiện mà cả gia đình bà mua căn chung cư ngay trong trung tâm để tiện đi lại làm việc, nhưng vì cảm thấy quá ngột ngạt trước các mảng miếng của đời sống phố phường nên đã chuyển hết về các căn nhà tranh này.

Cô con gái học trong Trường đại học Quốc tế tại quận 7 phải đi 2 chặng đường. Chặng đầu theo xe ba mẹ đi làm, rồi xuống bến xe bus để tới trường. Cậu con trai nhỏ thì được ưu tiên đi cùng ba mẹ đến tận nơi. Đến chiều, cả nhà lại cùng í ới đón nhau về.

“Ban đầu chúng tôi chỉ sợ các con không thích nghi được với căn nhà quá giản dị ấy. Sự tiện nghi của cuộc sống hiện đại đã khiến các cháu hết sức quen thuộc rồi. Nhưng chẳng ngờ tụi nhóc lại khoái ở nhà lá, luôn nói rằng gió trời đỡ ngộp hơn gió máy lạnh”, chủ căn nhà kể chuyện.

Để có thể duy trì mái nhà tranh không có… đơn sơ, là cả câu chuyện rất dài. Ông bà chủ phải nhờ tới 3 người giúp việc để chăm sóc cây trái, xịt muỗi, canh… rắn rết bò vào nhà, và rất nhiều thứ phát sinh khác nữa.

2.

Nhiếp ảnh gia Mực Tàu cũng vì mê cuộc sống bình an, tránh xa bụi bặm phố phường mà đã cất công xây nhà lá ở ngoại thành để tìm cảm hứng sáng tạo.

Vợ chồng anh chia sẻ, cũng không quá dư dả gì, nên mọi công việc làm nhà, đào ao cần hết sức tiết kiệm. Bà xã Mực Tàu lên kế hoạch đi mua cây cừ, cây tràm rồi ngâm dưới ao trong vài tháng cho cây thật chắc chắn, sau đó nhờ người bà con ở dưới quê lên dựng nhà giúp.

Tiền đào ao hết 10 triệu đồng; tiền mua cây cừ tràm và lá để lợp hết 5 triệu đồng; cộng thêm tiền công cán chừng 5 triệu nữa. Cặp vợ chồng này suy tính “làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn” nên sẽ phải chi thêm nữa, tất nhiên. Nhưng không thể quá nhiều so với kế hoạch đã định.

Gia đình nghệ sĩ này còn đang đặt mua xuồng ba lá, các loại cánh cửa gỗ đã cũ và nhiều đồ trang trí dân dã theo cách riêng của mình. Chỉ một thời gian sống theo phong cách “nhà tranh vách đất”, tay máy Mực Tàu đã bắt nắng đen thui, nhưng lúc nào cũng vui tươi roi rói. Cậu nói được sống với ý thích của mình là niềm hạnh phúc rất lớn rồi, không cần đòi hỏi gì hơn nữa.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản