Vụ ngang nhiên bán trộm cả nền biệt thự nhà phố ở TP.HCM: Cấp phép xây dựng trên đất tranh chấp
Ngô Nguyên - 26/12/2019 10:28
 
Sau khi Báo Đầu tư đăng loạt bài điều tra phản ánh, Công ty Đại Hải, chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TP.HCM) mang cả nền biệt thự lẫn nền nhà phố có chủ, ngang nhiên bán cho nhiều người, mới đây, các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương đã có cuộc họp với người bị hại để giải quyết vụ việc.
Nhiều lô đất tại Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh đã bán cho người này rồi lại bán cho người khác.
Nhiều lô đất tại Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh đã bán cho người này rồi lại bán cho người khác.

Lách luật

UBND phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TP.HCM) vừa có cuộc họp với đại diện cơ quan liên quan như Thanh tra, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng Quản lý đô thị và Phòng Tài nguyên Môi trường quận Thủ Đức, cùng những hộ dân đang tranh chấp trong Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh liên quan nội dung báo chí phản ánh.

Tại cuộc họp, nhiều người dân đã cung cấp thêm những chứng cứ mới. Cụ thể, ông Vũ Nam Bắc, một người mua nhà tại Dự án đưa các giấy tờ thể hiện, ông ký hợp đồng mua nền số 9, lô P từ Công ty cổ phần ANI (đơn vị liên kết với Công ty Đại Hải phát triển dự án). Tuy nhiên, đến ngày 22/6/2018, sổ đỏ nền đất lại đứng tên ông Đinh Khắc Hành và bà Nguyễn Thị Huệ.

Cho rằng mình cũng là nạn nhân của Công ty Đại Hải (dù hợp tác phân phối nền, nhưng về pháp lý dự án vẫn đứng tên Công ty Đại Hải. Chủ đầu tư này đem cả đất mà Công ty ANI đã bán cho khách để bán cho người khác), Công ty ANI đã khởi kiện Công ty Đại Hải ra tòa, với đề nghị ngăn chặn việc giao dịch 18 nền đất, trong đó có nền của ông Vũ Nam Bắc. 

Ngày 15/7/2019, Tòa án Nhân dân TP.HCM ra Quyết định số 256, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo khoản 7, Điều 114 và Điều 121, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, cấm Công ty Đại Hải “chuyển dịch quyền sử dụng đất” đối với 18 lô đất theo yêu cầu của Công ty ANI.

Tuy nhiên, ngày 16/10/2019, Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức Trần Văn Dũng lại cấp giấy phép xây dựng cho ông bà Đinh Khắc Hành và Nguyễn Thị Huệ để xây nhà trên mảnh đất đang tranh chấp với ông Vũ Nam Bắc.

Đây là cú “lách” lệnh cấm của Tòa án một cách ngoạn mục. Tòa án chỉ áp dụng khoản 7, Điều 114 và Điều 121, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, “cấm chuyển dịch quyền sử dụng đất”, nên việc cấp phép xây dựng trên vẫn không trái quyết định của  Tòa án.

Chiêu lách luật này đẩy 2 bên tranh chấp vào thế oái oăm: nếu cơ quan chức năng xác định giao dịch và chủ quyền đã cấp cho người khác không hợp lệ, sẽ dẫn tới chủ đất là ông Vũ Nam Bắc, chủ căn nhà lại là ông bà Đinh Khắc Hành và Nguyễn Thị Huệ, từ đó dẫn tới rắc rối hơn về mặt pháp lý sau này.

Cũng may là căn nhà chưa xây, nhưng người dân thì đã lao vào cuộc chiến pháp lý khi bà Nguyễn Thị Huệ (người có sổ đỏ) đã làm đơn tố cáo ông Vũ Nam Bắc (có hợp đồng mua bán với đơn vị hợp tác phân phối nền là Công ty ANI) chiếm đoạt tài sản của mình.

Cấp sổ đỏ bất chấp thực tế

Tại buổi làm việc, nhiều người dân cũng bức xúc chất vấn đại diện Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Thủ Đức - đơn vị tham mưu để Sở Tài nguyên và Môi trường làm căn cứ cấp sổ đỏ đất nền đang tranh chấp. 

Điển hình, nền đất số 17, lô D, Công ty Đại Hải bán cho ông Nguyễn Quốc Đạt, nhưng năm 2018, lô đất đó lại ra sổ đỏ đứng tên ông Dương Nghĩa Trung; nền số 4, lô P, do vợ chồng bà Nguyễn Thị Mai và ông Nguyễn Khoa đứng tên trên hợp đồng mua bán với chủ đầu tư, thì ngày 22/6/2018 đã ra sổ đỏ cho bà Bồ Thanh Phương đứng tên.

Hàng loạt hộ dân đặt câu hỏi chất vấn về trách nhiệm của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Thủ Đức và Sở Tài nguyên và Môi trường: “Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Công ty Đại Hải ra sổ đỏ cho một số cá nhân như Bồ Thanh Phương, Đinh Thu Thủy, Dương Nghĩa Trung, Nguyễn Văn Minh… Mỗi người đứng tên sở hữu không dưới 3 thửa đất tại dự án rồi sử dụng sổ đỏ được cấp đi thế chấp ngân hàng, trong khi chúng tôi có hợp đồng mua bán thì không có sổ đỏ. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Thủ Đức phải chịu trách nhiệm trong việc trình cấp sổ đỏ”.

Đại diện Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Thủ Đức cho hay, việc trình ký cấp sổ đỏ các lô nền trên thực hiện theo Điều 72, Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Thủ Đức có trách nhiệm kiểm tra các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào đơn đăng ký; yêu cầu chủ đầu tư dự án nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được cấp để chỉnh lý vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai…

Nói ngắn gọn, cơ quan này chỉ căn cứ những hồ sơ pháp lý mà Công ty Đại Hải cung cấp để đề xuất trình ký cấp sổ, bất chấp thực tế đất nền như thế nào.

Câu trả lời này không làm hài lòng những nạn nhân, bởi cũng theo Điều 72, Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định: “Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, nhà ở và công trình đã xây dựng và điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở của chủ đầu tư dự án”. Vậy Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện hết trách nhiệm của mình chưa, hay chủ quan, tắc trách?

Nỗi lo tranh chấp đa chiều

Tại buổi làm việc với chính quyền và đại diện cơ quan liên quan, người dân cũng tỏ ra lo lắng khi đang rơi vào tranh chấp đa chiều.

Trước hết là tranh chấp với ngân hàng. Nhiều hộ dân  mới đây nhận được triệu tập của Tòa án Nhân dân quận 2 (TP.HCM), liên quan đến việc Ngân hàng VCB kiện Công ty Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Song Hoa ra tòa yêu cầu trả nợ và “không trả được nợ thì yêu cầu tòa án phát mãi tài sản là quyền sử dụng đất, tổng diện tích gần 2.600 m2”.

Từ đó, người dân mới phát hiện 12 nền đất liên quan vụ kiện đều được người dân mua (hình thức hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng chuyển nhượng) và thanh toán hết tiền cho Công ty Đại Hải từ lâu, thậm chí trong 12 nền, có tới 7 nền đã được dân xây nhà ở từ 7 năm trước, 1 nền xây từ năm 2018, nhưng Công ty Đại Hải lại đem số nền trên giao cho Công ty Song Hoa cầm cố ngân hàng, đến nay không trả nợ được, buộc ngân hàng phải khởi kiện.

Tiếp nữa là tranh chấp giữa người mua bán có hợp đồng với người được cấp sổ đỏ trên cùng một nền đất.

Và điều đáng lo ngại hơn, theo tố cáo của người dân, tại khu vực dự án thời gian qua có các đối tượng lạ mặt lai vãng, sẵn sàng hành hung, đe dọa, tranh giành, chiếm hữu nhà đất mà họ đang ở, gây mất trật tự trị an khu phố.

Người dân đề nghị chính quyền cần sớm có biện pháp xử lý dứt điểm. Được biết, cơ quan Công an TP.HCM đã mời nhiều người dân lên làm việc, cung cấp hồ sơ tư liệu liên quan tới vụ việc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản