Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Vụ bán trộm, cầm cố nền biệt thự, nhà phố ở TP.HCM: Người dân như “kiến leo cành cụt”
Ngô Nguyên - 01/11/2019 08:17
 
Bị chủ đầu tư mang sổ đỏ nền biệt thự, nhà phố cầm cố ngân hàng, thậm chí bán trộm cho người khác, hơn 10 năm qua, người dân khu dân cư Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức TP.HCM) kêu cứu, nhưng đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết.
TIN LIÊN QUAN
.
.

Lo ngân hàng siết nợ

Tiếp tục điều tra làm rõ vụ chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TP.HCM) là Công ty CP Đại Hải cầm cố, thậm chí bán trộm cả nền biệt thự, nhà phố của dân nơi đây, chúng tôi phát hiện nhiều chuyện “động trời”, khiến người dân có nguy cơ lâm cảnh mất đất, mất nhà.

Cụ thể, mới đây, Tòa án Nhân dân quận 2 (TP.HCM) gửi văn bản tới UBND quận Thủ Đức và phường Hiệp Bình Chánh đề nghị hỗ trợ xác minh số nhà được cấp và thực tế những người đang ở, quản lý trên 12 lô đất của Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh để làm cơ sở pháp lý phán xử việc Ngân hàng Vietcombank (VCB) Chi nhánh quận 1 kiện đòi phát mãi tài sản.

Đến đây thì người dân khu dân cư Hiệp Bình Chánh “té ngửa”. Không chỉ bán trộm nhiều nền đất có chủ, Công ty CP Đại Hải còn “đưa” 12 nền khác ở đây cho Công ty Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Song Hoa (Công ty Song Hoa, quận 2) để công ty này thế chấp vay tiền của VCB.

Theo thẩm phán Phạm Văn Lũy (Tòa án Nhân dân quận 2), VCB kiện Công ty Song Hoa ra tòa yêu cầu trả nợ và “nếu không trả được nợ, thì yêu cầu Tòa án phát mãi tài sản là quyền sử dụng đất tổng diện tích gần 2.600 m2”. Tính đến hết ngày 2/1/2019, Công ty Song Hoa nợ gốc hơn 68,9 tỷ đồng (chưa tính tiền lãi phát sinh) của VCB.

Theo xác minh, 12 nền liên quan vụ kiện đều được người dân mua (hình thức hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng chuyển nhượng) và đã thanh toán đầy đủ cho chủ đầu tư. Trong đó, có 7 nền đã được người dân xây nhà ở từ… 7 năm trước.

Ngoài 12 nền đất giao cho Công ty Song Hoa, hơn 100 nền khác tại Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh cũng đã bị Công ty CP Đại Hải cầm cố tại nhiều ngân hàng. Hơn 100 hộ gia đình ở đây đang mất ăn, mất ngủ vì tài sản của mình có nguy cơ bị siết nợ.

“Con kiến mà leo cành đa”

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đặng Minh Quý, Tổ trưởng Khu dân cư Hiệp Bình Chánh cho biết, dự án này được duyệt năm 2001, đến năm 2004, người dân mua đất đã đóng tiền đầy đủ, bao gồm cả 10% tiền làm sổ đỏ cho chủ đầu tư, nhưng chờ mãi không thấy “mặt mũi” cuốn sổ.

Hàng trăm hộ dân nơi đây, với cả tư cách cá nhân và tập thể, đã gửi đơn, nêu vấn đề này tại các cuộc tiếp xúc cử tri từ rất lâu. Chính quyền cũng đã vào cuộc.

Luật sư Bùi Phúc Thạch cho biết, theo luật, khi khởi kiện và căn cứ phán quyết của tòa, ngân hàng sẽ xử lý tài sản để thu hồi nợ. Trong trường hợp tài sản thế chấp do chủ đầu tư làm sai, ngân hàng thẩm định cho vay “ẩu”, để bảo vệ tài sản, người dân cần phải chứng minh được chủ quyền hợp pháp của mình, hồ sơ thế chấp cũng như hợp đồng vay vốn cấp tín dụng là vi phạm pháp luật.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ năm 2016, UBND quận Thủ Đức đã nhiều lần làm việc với Công ty CP Đại Hải yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho dân. Năm 2017, UBND quận Thủ Đức tiếp tục có văn bản trả lời cư dân, cho biết “đã làm việc với chủ đầu tư”…

Giữa năm 2017, ông Quý đại diện các hộ dân phản ánh  vấn đề này với lãnh đạo HĐND TP.HCM và các cơ quan, ban, ngành liên quan. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khi đó đương nhiệm Chủ tịch HĐND TP.HCM đã yêu cầu các sở, ngành vào cuộc giải quyết rốt ráo việc cấp sổ đỏ cho người dân.

Nhưng đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí, mới đây, báo cáo trước kỳ họp HĐND TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho hay, sở này mới nắm được Công ty CP Đại Hải chưa thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ cho dân, mà không biết chủ đầu tư này đem nền biệt thự, nhà phố có chủ bán cho người thứ 2, gây nên tranh chấp.

Trong khi đó, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Thủ Đức (đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) lại nắm rõ sự việc. Khi các hộ dân ở đây tới hỏi về nền đất của mình, Văn phòng có ngay văn bản cho hay, sổ đỏ đã được cấp cho ai, ngày nào…

Ông Nguyễn Khoa và bà Nguyễn Thị Mai cho biết, tháng 4/2019, gia đình đã làm đơn tố cáo việc mảnh đất số 4 - lô P Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh của mình bị đem bán cho người khác là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, tháng 5/2019, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM có văn bản trả lời, đề nghị ông bà khởi kiện ra tòa vì không có dấu hiệu của tội phạm hình sự.

Tháng 9/2019, ông Khoa và bà Mai tiếp tục tố giác và được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (Công an TP.HCM) lập biên bản tiếp nhận nguồn tin về tố giác tội phạm. Tuy nhiên, cơ quan công an vẫn chưa quyết định đây là vụ việc hình sự hay dân sự.

Liên quan vụ việc này, các luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM); Bùi Phúc Thạch (Công ty Luật Hợp danh Nam Trí Việt), Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cùng nhận định: Có nhiều dấu hiệu hình sự của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư