Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
423 triệu USD thực hiện Kế hoạch Chiến lược chung Việt Nam - Liên hợp quốc
Thanh Huyền - 07/07/2017 09:16
 
Huy động các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế để phát triển đất nước, trong đó nguồn vốn từ các đối tác phát triển, sẽ giúp Việt Nam đi lên một cách bền vững.
TIN LIÊN QUAN

Ngày 5/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt Chính phủ Việt Nam và ngài Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, ký Kế hoạch Chiến lược chung cho giai đoạn 2017 - 2021 giữa Chính phủ Việt Nam và 18 cơ quan Liên hợp quốc.

Kế hoạch Chiến lược chung 2017 - 2021 được xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc là toàn diện, bình đẳng và bền vững; ưu tiên 4 lĩnh vực trọng tâm, được định hình dựa trên các chủ đề trung tâm của các Mục tiêu Phát triển bền vững (con người, hành tinh, sự thịnh vượng và hòa bình) với ngân sách ước tính 423 triệu USD.

.
.

Được hình thành từ năm 2006, Kế hoạch Chiến lược chung giữa Việt Nam và Liên hợp quốc đã đạt được nhiều thành tựu trong hơn 10 năm qua, thông qua 2 lần ký kết cho từng giai đoạn trước đó. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và nay là Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững.

Theo ngài Kamal Malhotra, Việt Nam là nước thành viên tích cực và có nhiều nỗ lực trong tiến trình cải tổ của Liên hợp quốc.

“Quá trình xây dựng Kế hoạch Chiến lược chung là một minh chứng hùng hồn cho thấy quan hệ đối tác giữa Liên hợp quốc và Việt Nam đã đạt tới một giai đoạn mới mà chúng ta đã thực sự trở thành những đối tác phát triển thực sự bình đẳng”, ngài Kamal Malhotra đánh giá.

Chính phủ Việt Nam từ chỗ chỉ đơn thuần là bên nhận viện trợ đã trở thành bên cùng dẫn dắt quá trình xây dựng Kế hoạch Chiến lược chung và cùng trở thành chủ sở hữu của văn kiện hợp tác quan trọng này.

Thông qua Kế hoạch Chiến lược chung mới, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục phát huy lợi thế so sánh của mình trong việc hỗ trợ Việt Nam các giải pháp tổng thể nhằm giải quyết những thách thức phát triển đa chiều và phức tạp, thông qua việc thu thập và chia sẻ các kiến thức ở cấp khu vực và toàn cầu; hỗ trợ trên quan điểm chuẩn về quyền con người, chú trọng đến công bằng và cải cách lấy người dân làm trung tâm và tăng cường hợp tác Nam - Nam.

Để thúc đẩy quá trình thực thi Kế hoạch Chiến lược chung, ngài Kamal Malhotra kêu gọi Việt Nam thúc đẩy đơn giản hóa, hài hòa hóa các quy trình quản lý kinh doanh, qua đó hỗ trợ nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình này.

Về phần mình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện.

“Chính phủ đã và đang hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế để phát triển đất nước”, ông Dũng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Kế hoạch Chiến lược chung được xây dựng nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ của Liên hợp quốc, phục vụ các ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với mục tiêu của Liên hợp quốc.

Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017 - 2021 là một tài liệu khung định hướng chiến lược quan trọng để Liên hợp quốc và các cơ quan của Việt Nam xác định những chương trình, dự án cụ thể và tiếp tục triển khai sáng kiến thống nhất hành động, tăng cường liên kết chương trình của Liên hợp quốc, xác định các lĩnh vực hợp tác hiệu quả hơn, hạn chế sự trùng lặp, giảm thời gian và chi phí quản lý của các bên tham gia.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng: “Với nỗ lực của các bên, việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược chung 2017 - 2021 sẽ đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển và thực hiện các cam kết của Việt Nam trong Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư