Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Phán quyết của Tòa Công lý châu Âu về Uber
"Mở lối" cho quản lý Uber tại Việt Nam
Hữu Tuấn - 02/01/2018 09:02
 
Việc Tòa Công lý châu Âu (ECJ) ra phán quyết về Uber được giới chuyên gia đánh giá như một gợi ý mở lối cho việc quản lý Uber tại Việt Nam vốn đang còn lúng túng…
Tại Việt Nam, vẫn còn những quan điểm khác biệt về hoạt động của Uber.
Tại Việt Nam, vẫn còn những quan điểm khác biệt về hoạt động của Uber.

Gợi mở tốt cho Việt Nam

Cuối năm 2017, ECJ đã có phán quyết rằng, dịch vụ đặt xe Uber phải được đặt trong khuôn khổ các luật lệ trong lĩnh vực vận tải hành khách thông thường của các nước châu Âu, chứ không phải chỉ là một dịch vụ trung gian kết nối người có xe và người cần đi xe. Điều đó có nghĩa từ nay, các nước châu Âu có thể vận dụng luật của mình để áp dụng cho Uber như là công ty kinh doanh tại nước sở tại, đóng thuế cho nước sở tại, không được sử dụng các lái xe không có giấy phép vận tải hành khách.

Khởi điểm của phán quyết trên là một đơn kiện từ năm 2014 của Hiệp hội Lái xe taxi TP. Barcelona (Tây Ban Nha). Đây được coi là một thắng lợi của các lái xe taxi truyền thống. Phán quyết này không chỉ kỳ vọng giúp châu Âu rộng đường quản lý Uber, mà còn giúp nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, vốn đang chưa biết quản lý Uber theo hướng nào, có một gợi mở tốt.

“Phán quyết này không ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống pháp luật và quyết định của Việt Nam về Uber, nhưng sẽ có tác động rất lớn đến việc xem xét, đánh giá và thông qua chính sách quản lý Uber nói riêng, các hoạt động tương tự nói chung”, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế  Việt Nam (VIAC) đánh giá.

Theo Luật sư Hà Huy Từ (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), tại Việt Nam, vẫn còn những quan điểm khác biệt về hoạt động của Uber. Từ khi Uber xuất hiện, khuôn khổ pháp lý để quản lý hoạt động mới mẻ này vẫn chưa được hoàn thiện, hay nói cách khác, cơ quan chức năng vẫn đang “loay hoay” để tìm cách quản lý Uber.

“Muốn quản lý được, trước tiên phải xác định rõ và chính xác bản chất, tư cách của đối tượng chịu sự quản lý, từ đó mới xây dựng được văn bản quy phạm pháp luật phù hợp. Những lập luận và nhận định của ECJ có thể trở thành kinh nghiệm tham khảo rất tốt cho Việt Nam”, ông Từ nói.

Ứng xử thế nào với Uber?

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Uber là công ty công nghệ hoạt động ở nhiều nước dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ và kết hợp kinh doanh, với phương thức “vận tải - công nghệ”, cụ thể hơn là “taxi - công nghệ”. Tuy nhiên, khi đi vào từng thị trường thì có cải tiến nhất định, vì phải phù hợp với thị trường, đặc biệt là hệ thống pháp luật sở tại.

Theo phân tích của Luật sư Đức, hoạt động của Uber có thể thuộc 1 trong 3 hình thức sau: công nghệ gọi xe kết hợp với kinh doanh taxi chuyên nghiệp; công nghệ gọi xe kết hợp với xe ô tô không đăng ký kinh doanh taxi, nhưng có đăng ký kinh doanh khác; công nghệ gọi xe kết hợp với xe ô tô không đăng ký kinh doanh (hoặc chỉ đăng ký mang tính hình thức).

Hình thức thứ nhất không vướng mắc gì và một số công ty taxi truyền thống cũng đang triển khai. Hình thức thứ hai và thứ ba gây ra tranh cãi về khái niệm, hoạt động có đúng luật hay không, có tạo cạnh tranh bất bình đẳng trên thị trường hay không?

“Việc ECJ ra phán quyết coi hoạt động của Uber thuộc hình thức thứ 3 là hợp lý. Nếu coi mô hình hoạt động của Uber là kinh doanh taxi thì không hợp lý, vì hình thức thứ nhất về bản chất là sự kết hợp kiểu hợp tác kinh doanh giữa 2 loại công nghệ và taxi. Riêng hình thức thứ 2 còn gây tranh cãi”, Luật sư Đức nêu quan điểm.

Theo ông Đức, ở Việt Nam, cần chấp nhận vô điều kiện loại hình thứ nhất, loại thứ 2 và thứ 3 cần có biện pháp quản lý theo hướng khuyến khích, nhưng phải kiểm soát như một loại hình vận chuyển hành khách mới, thay vì cấm hoặc gần như buông lỏng như hiện nay. Taxi công nghệ cần được khuyến khích phát triển, vì là mô hình kinh doanh hợp lý, an toàn, hiệu quả hơn, đồng thời việc quản lý cũng dễ hơn taxi truyền thống.

Luật sư Hà Huy Từ cũng xem Uber là công ty dịch vụ vận tải, phải thực hiện đúng các yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn về dịch vụ vận tải, phải thực hiện các nghĩa vụ và được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

Theo Luật sư Từ, song song với quyền lợi, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật. “Một lần nữa, tôi khẳng định, quyết định của ECJ là nguồn tham khảo rất tốt cho Việt Nam để xây dựng và quản lý loại hình dịch vụ vận tải như Uber một cách tốt nhất, hiệu quả nhất”, Luật sư Từ khẳng định.

Doanh nghiệp taxi muốn khởi kiện Uber/Grab

Ngay sau khi ECJ đưa ra phán quyết nêu trên, Hiệp hội Taxi TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, Uber và Grab là 2 đơn vị vận tải hành khách taxi. Đơn vị cung cấp phần mềm chỉ nên cung cấp phần mềm, không được định giá cước, không được dùng nguồn vốn của mình để khuyến mại, không điều hành trực tiếp vận tải, không ký hợp đồng trực tiếp với lái xe, mà chỉ ký hợp đồng với đơn vị vận tải. Hiệp hội này đề nghị ngăn cấm việc sử dụng nguồn vốn nước ngoài vào việc khuyến mại, quảng cáo để thao túng thị trường taxi rồi báo lỗ.

Trước đó, theo ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), hãng taxi này sẽ theo đuổi vụ kiện Uber/Grab đến cùng. “Chúng tôi đang tiếp tục thu thập chứng cứ và sẽ theo đuổi tới cùng vụ kiện này. Chúng tôi được biết, không chỉ có Vinasun mà còn nhiều hãng taxi khác tại Hà Nội, TP.HCM sẽ tiếp tục khởi kiện Uber/Grab vì hình thức cạnh tranh không lành mạnh”, ông Hỷ cho biết.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, các hiệp hội ngành nghề taxi truyền thống không thể khởi kiện Uber ở trọng tài thương mại, vì không có thoả thuận và quy định nào của pháp luật cho phép. Chỉ có thể khởi kiện Uber Việt Nam tại toà án Việt Nam, nơi có trụ sở Uber, muốn khởi kiện trụ sở chính Uber, thì phải khởi kiện ở toà án nước ngoài.

Tòa án Công lý châu Âu khẳng định Uber là hãng vận tải
Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã đưa ra phán quyết Uber là một công ty vận tải thông thường.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư