Chủ đầu tư bất động sản trọng thị khách hàng trẻ
Trọng Tín - 14/03/2024 20:01
 
Việc người trẻ trở thành nhóm khách hàng chính trong lĩnh vực bất động sản, nhất là phân khúc căn hộ đã diễn ra từ nhiều năm trước, nhưng gần đây, xu hướng này thể hiện rõ nét hơn.
Tuổi mua nhà của người Việt ngày càng trẻ, đây cũng là đối tượng khách hàng mà các doanh nghiệp bất động sản hướng đến
Tuổi mua nhà của người Việt ngày càng trẻ, đây cũng là đối tượng khách hàng mà các doanh nghiệp bất động sản hướng đến

Tuổi mua nhà trung bình ngày càng trẻ

Là đơn vị chuyên phát triển dòng căn hộ giá vừa túi tiền, hướng đến nhu cầu ở thực của đối tượng khách hàng trẻ, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Phú Đông Group cho biết, doanh nghiệp ông vừa chính thức ra mắt Dự án Phú Đông SkyOne tại TP. Dĩ An (Bình Dương), với 75% số căn hộ có đơn giá chỉ từ 1,4 đến 1,8 tỷ đồng. Đây là dự án nằm trong chuỗi dự án nhà ở cho người trẻ mà Phú Đông kiên định thực hiện nhiều năm qua.

Theo ông Phúc, khoảng 70% người mua căn hộ tại các dự án của doanh nghiệp phần lớn trong độ tuổi 25 - 35. Đối tượng khách hàng này có tích lũy ban đầu chưa nhiều, cần đến các giải pháp hỗ trợ tài chính từ phía chủ đầu tư; có khát khao sở hữu nhà rất lớn.

“Bán nhà cho người trẻ tưởng dễ mà không dễ. Dễ là nhu cầu lớn, nhất là trong những năm gần đây, đối tượng mua căn hộ là người trẻ có xu hướng gia tăng. Nhưng cái khó là người trẻ mặc dù tài chính khiêm tốn, nhưng luôn yêu cầu cao về thiết kế, chất lượng, thẩm mỹ. Đồng thời, họ là những người rất sáng tạo, bắt xu hướng mới nhanh, nên đòi hỏi doanh nghiệp làm phân khúc này phải luôn cải tiến để bắt kịp nhu cầu”, ông Phúc nói.

Một khảo sát của Tập đoàn Property Guru về tâm lý người dùng bất động sản được thực hiện trên 1.000 người đã chỉ ra, nhóm khách hàng chủ lực của thị trường đang có sự “đảo chiều” về độ tuổi. Theo đó, người từ 26 đến 42 tuổi có nhu cầu tìm mua bất động sản nhiều nhất.

Cụ thể, ở nhóm tuổi 27 - 30, nhu cầu tìm mua bất động sản từ mức 39% năm 2021, tăng lên hơn 42% năm 2023. Nhóm tuổi 32 - 40, nhu cầu tìm mua nhà chiếm khoảng 24%; trong khi nhóm tuổi trên 42 trở lên lại có sự suy giảm, từ 22,3% (năm 2021), còn khoảng 15,3% (năm 2023).

Báo cáo cũng cho biết, nhu cầu tìm và sở hữu bất động sản trong nhóm người trẻ thuộc thế hệ Gen Z (nhóm tuổi 22 - 26) đang có sự tăng trưởng mạnh. Nếu năm 2021, nhóm khách này chỉ chiếm khoảng 13% trong tổng số lượng khách hàng tìm kiếm bất động sản, thì năm 2022 là 19%, năm 2023, dù kinh tế khó khăn, nhưng vẫn duy trì mức 18,7%.

Ông Lê Bảo Long, Giám đốc chiến lược Batdongsan.com.vn cho biết, 60% khách hàng độ tuổi dưới 30 có nhu cầu mua nhà, khẳng định khả năng tài chính đủ sở hữu ít nhất một bất động sản. “Trong khi đó, nhóm khách hàng có tuổi trên 30, tuy số lượng không cần dùng đòn bẩy tài chính chiếm 32%, nhưng một khi cần đi vay, hơn 35% trong nhóm này phải vay từ 30% đến 70% giá trị tài sản”, ông Long nói thêm.

Chia sẻ về xu hướng lựa chọn bất động sản của người trẻ, theo ông Long, khác với những người độ tuổi trung niên, nhóm này mua nhà ưu tiên sự linh hoạt về chỗ ở để có trải nghiệm và cơ hội tốt hơn. Họ không ngại di chuyển xa và thay đổi môi trường sống, làm việc. “Nhóm này cũng ưu tiên lựa chọn các bất động sản có tiêu chí cao về không gian xanh và yếu tố hiện đại”, ông Long cho hay.

Ở sang chảnh, nhưng giá hợp lý

Bà Giang Huỳnh, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường Savills TP.HCM nhận định, độ tuổi từ 25 đến 35 hiện là nhóm có khả năng thu nhập tốt để mua nhà. Đối với nhóm này, họ không ngại sử dụng đòn bẩy tài chính để hiện thực hóa khả năng sở hữu bất động sản, nhưng cũng thận trọng hơn trong bài toán đi vay. Dòng sản phẩm được người trẻ nhắm đến là căn hộ chung cư, diện tích 50 - 70 m2 ở các khu vực ngoại ô.

“Nếu không nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ gia đình, mức thu nhập tối thiểu mà một người trẻ cần có để mua nhà tại TP.HCM là từ 30 đến 45 triệu đồng/tháng. Đây là mức có thể tích lũy được một khoản tiền trả trước và trả thêm lãi ngân hàng. Con số này sẽ thấp hơn 20 - 30 triệu đồng với lựa chọn nhà tại các đô thị vệ tinh. Đây là mức thu nhập mà nhiều người trẻ hiện nay có thể đáp ứng”, bà Giang nhìn nhận.

Tuy nhiên, nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu luôn ở mức cao, khiến các dự án chung cư liên tục thiết lập mặt bằng giá mới, nhất là tại hai đô thị đặc biệt. Đây là thách thức lớn trong việc tiếp cận được nhà ở của người trẻ.

Ngay cả khi thị trường đang trong giai đoạn khó khăn, dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, giá căn hộ tại Hà Nội năm 2023 đã tăng khoảng 38% so với năm 2019, còn tại TP.HCM là 16%. Theo đó, giá căn hộ tại Hà Nội ghi nhận liên tục tăng trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, trong khi giá căn hộ tại TP.HCM cũng đã bắt đầu bước vào chu kỳ tăng trở lại.

Lực cầu mua nhà tăng mạnh không chỉ đến từ nhu cầu chuyển dịch của các hộ gia đình thành phố, sự gia tăng không ngừng của lực lượng lao động, sinh viên đổ về các đô thị để làm việc và học tập, mà còn được đóng góp bởi lượng lớn nhu cầu đầu tư khi giá thuê căn hộ liên tục tăng kể từ sau giãn cách, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang phục hồi.

Muốn bán nhà cho người trẻ, ông Ngô Quang Phúc cho rằng, tâm lý người trẻ muốn ở sang chảnh, nhưng giá cả không quá đắt, chủ đầu tư phải giải quyết được bài toán ngon, bổ, rẻ. “Ngon nghĩa là vị trí tốt, có tiềm năng, đi lại thuận tiện. Bổ nghĩa là đáp ứng tất cả các yêu cầu cần thiết như chất lượng xây dựng, thiết kế thông thoáng và tiện ích đầy đủ. Còn rẻ là bán giá hợp lý nhất”, ông Phúc nói, đồng thời cho rằng, để làm được điều này, chủ đầu tư phải chấp nhận biên lợi nhuận vừa phải, hợp lý.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản