Doanh nghiệp bất động sản: Đảm bảo "sức khỏe" tài chính, chủ động kế hoạch kinh doanh
Hải An - 22/05/2022 09:31
 
Việc chủ động trong các kế hoạch kinh doanh, đảm bảo “sức khỏe” tài chính ổn định và tối ưu hóa dòng tiền sẽ giúp doanh nghiệp bất động sản tăng trưởng lành mạnh, bền vững.

Đảm bảo “sức khỏe” tài chính

Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (Nam Long, mã chứng khoán: NLG) có nhu cầu vốn đầu tư khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng cho 190 ha dự án. Số vốn không nhỏ, nhưng Công ty chỉ cần vay một phần, còn lại huy động được từ việc bán vốn cho đối tác. Vừa qua, doanh nghiệp này đã huy động được 1.000 tỷ đồng trái phiếu cho việc đầu tư hạ tầng giai đoạn II của Dự án Waterpoint.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nam Long chia sẻ, Công ty không tránh khỏi ảnh hưởng của việc thắt chặt huy động vốn từ trái phiếu, nhưng không rơi vào thế bị động, vì đã có sự chuẩn bị trước.

Nam Long đã hợp tác với các đối tác quốc tế có tiềm lực mạnh về tài chính. Đặc biệt, là doanh nghiệp có uy tín trên sàn chứng khoán, nên Nam Long nhận được sự ủng hộ lớn trong các đợt huy động vốn. Công ty cũng đang làm việc với các đơn vị đánh giá, xếp hạng tín nhiệm để gia tăng uy tín trên thị trường huy động vốn.

Theo kế hoạch, doanh số bán hàng năm 2022 của Nam Long đạt 23.400 tỷ đồng, đến từ nhóm dự án cũ. Trong quý II này, Nam Long tiếp tục mở bán các dòng sản phẩm Ehome tại Dự án Southgate, dòng Flora tại các dự án Mizuki, Akari và Waterpoint.

Khi ngân hàng thắt chặt cho vay vốn, nhiều doanh nghiệp hướng đến kênh trái phiếu và cổ phiếu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank nhận định, ngành bất động sản vẫn còn dư địa phát triển và đang trong chu kỳ tăng trưởng, nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản uy tín, có dòng tiền, có dự án sẵn sàng mở bán và dự kiến có nguồn thu tích cực trong 1 -2 năm tới đang trở nên hấp dẫn hơn.

Đây là một trong những cơ sở để các chuyên gia chứng khoán đưa ra khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu NLG của Nam Long.

Một doanh nghiệp bất động sản khác là Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (Khang Điền, mã chứng khoán: KDH) cũng được dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2022 nhờ đẩy nhanh tiến độ mở bán các dự án mới.

Cụ thể, Khang Điền dự kiến hoàn tất xây dựng và triển khai kinh doanh Dự án The Classia quy mô 4,3 ha tại phường Phú Hữu (TP. Thủ Đức, TP.HCM); triển khai xây dựng và kinh doanh Dự án The Privia quy mô 1,8 ha tại phường An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM). Hai dự án này sẽ mang lại nguồn lợi nhuận chủ đạo cho Khang Điền trong năm nay.

Ngoài ra, Công ty sẽ triển khai xây dựng Dự án Clarita quy mô 5,8 ha tại phường Bình Trưng Đông (TP. Thủ Đức) cùng nhiều kế hoạch khác

Trên thị trường bất động sản, Khang Điền được đánh giá là doanh nghiệp uy tín, các dự án đã triển khai đều có pháp lý rõ ràng, nên nhanh chóng có tỷ lệ lấp đầy cao. Đặc biệt, Khang Điền có tiềm năng phát triển rất lớn khi sở hữu những quỹ đất có vị trí đẹp tại TP.HCM và rất có triển vọng tăng trưởng. “Sức khỏe tài chính” của doanh nghiệp này cũng ổn định qua các năm, cơ cấu tài sản không thay đổi nhiều với 3 khoản mục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản là tiền và tương đương tiền, khoản phải thu khách hàng và hàng tồn kho.

Với những yếu tố cơ bản nêu trên, hầu hết các công ty chứng khoán đều có khuyến nghị khả quan với cổ phiếu KDH của Khang Điền.

Chủ động dòng tiền

Phát triển dự án bất động sản (bao gồm nhà ở) là lĩnh vực luôn đối mặt với rủi ro tài chính, bắt nguồn từ việc sử dụng lượng vốn vay tương đối lớn. Sự biến động của mặt bằng lãi suất cho vay hay biến động về chính sách cho vay đều ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí các khoản vay cũng như nguồn đầu vào của doanh nghiệp. Mất thanh khoản dòng tiền (mất khả năng thanh toán) là rủi ro tác động trực tiếp lên khả năng đầu tư và phát triển các dự án mới và kế hoạch trả nợ vay.

Hiểu rất rõ điều này, nên Công ty Khang Điền luôn thực hiện chiến lược duy trì đủ lượng tiền mặt cần cho hoạt động kinh doanh và có được các cam kết gói tín dụng tài trợ phát triển dự án từ các ngân hàng lớn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chủ động quản lý dòng tiền kinh doanh, ưu tiên thanh toán lãi vay, tất toán trước hạn các khoản vay và cơ cấu các khoản vay với lãi suất ưu đãi, cố định.

Trước đây, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt vay ngắn hạn nhiều, nhưng thời gian gần đây cũng chuyển dần sang vay trung hạn và năm nay sẽ huy động vốn nước ngoài tài trợ các hoạt động trung và dài hạn. Năm 2022, Phát Đạt có nguồn thu từ 3 dự án, dự kiến mang về nguồn thu trên 30.000 tỷ đồng.

Củng cố cơ cấu nguồn vốn lành mạnh cũng là định hướng của Tập đoàn Đất Xanh. Lãnh đạo Đất Xanh chia sẻ, Tập đoàn chủ trương sử dụng nguồn vốn dài hạn từ 4 năm trở lên để phát triển quỹ đất thông qua việc phát hành trái phiếu dài hạn. Đất Xanh cũng đặt mục tiêu duy trì nợ vay ở mức thấp để đảm bảo sức khỏe tài chính lành mạnh, bền vững.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản khác có nguồn thu tiềm năng trong tương lai với kế hoạch mở bán nhiều dự án như Novaland, Vinhomes, Văn Phú, Hà Đô… cũng đang rất được thị trường chú ý, bởi đây là điểm lợi thế trong bối cảnh nguồn tín dụng cho bất động sản đang bị siết chặt.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản