Hạ tầng du lịch Quảng Ngãi: Những bước đi đầu tiên
Như Loan - 23/06/2019 08:32
 
Là tỉnh có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và hàng trăm di sản văn hóa mang giá trị nhân văn lâu đời, những năm gần đây, Quảng Ngãi đang từng bước khai thác tiềm năng để khẳng định vị trí trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Nằm trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển đa dạng kinh tế biển cũng như các loại hình du lịch biển đặc thù.

Tiềm năng du lịch sinh thái biển gắn với du lịch văn hóa

Lợi thế đường bờ biển dài trên 130 km, vùng biển trải rộng đến 11.000 km2 và 6 cửa biển không chỉ mang tới cho Quảng Ngãi nguồn hải sản dồi dào mà còn nhiều bãi biển nổi tiếng như Dung Quất, Khe Hai, Nho Na (Bình Sơn), Mỹ Khê (thành phố Quảng Ngãi), Sa Huỳnh (Đức Phổ)… Điều đặc biệt, biển nơi đây vẫn giữ vẻ đẹp nguyên sơ và yên bình, có nhiều tiềm năng để phát triển thành các khu du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn.

Trong đó, điểm nhấn của du lịch Quảng Ngãi phải kể đến huyện đảo Lý Sơn - “vương quốc tỏi” sở hữu nhiều cảnh quan trù phú được hình thành trên miệng núi lửa, được ví như “đảo JeJu của Việt Nam”.

Dung Quất không chỉ là Khu kinh tế quan trọng của Quảng Ngãi mà còn là bãi biển đẹp nổi tiếng
Dung Quất không chỉ là Khu kinh tế quan trọng của Quảng Ngãi mà còn là bãi biển đẹp nổi tiếng

Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, Quảng Ngãi còn là mảnh đất giao thoa của các nền văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh và văn hóa người Việt Cổ, là nơi lưu giữ nhiều di tích văn hóa - lịch sử lâu đời. Hiện nay, toàn tỉnh có 208 di tích, trong đó có 29 di tích, danh thắng được công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia.

Đây là “kho tàng” quý giá để Quảng Ngãi có thể kết hợp với cảnh quan thiên nhiên phát triển các loại hình du lịch đặc thù như: du lịch tâm linh, du lịch di tích lịch sử cách mạng, du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch sinh thái. Từ đó giúp cho du lịch của Quảng Ngãi trở nên sinh động, hấp dẫn và trở thành điểm đến thường xuyên của du khách.

Đáng chú ý, vị trí nằm kề sân bay Chu Lai và có đường Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam đi qua, đặc biệt là tuyến QL 24 nối với các tỉnh Tây Nguyên với hệ thống cảng biển Dung Quất, Sa Cần, Sa Kỳ, Sa Huỳnh… tạo nên hành lang giao thông thông thoáng để Quảng Ngãi có thể đón du khách bằng nhiều phương tiện khác nhau.

Một tiềm năng không thể bỏ qua, Quảng Ngãi là tỉnh tập trung số lượng lớn các khu kinh tế, khu công nghiệp có quy mô lớn như KKT Dung Quất, KCN VSIP Quảng Ngãi… là những nơi tập trung một đội ngũ chuyên gia nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Không chỉ là nguồn khách hàng tiềm năng cho du lịch Quảng Ngãi, đây còn được coi là “kênh quảng bá” du lịch thực tế và hữu hiệu bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Tạo đà phát triển

Năm 2018, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã thu hút được 1 triệu lượt khách, đạt 117% so với kế hoạch, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế đến Quảng Ngãi tăng 25% và lưu trú tăng 10%. Nhưng con số này vẫn còn rất khiêm tốn nếu so với các địa phương lân cận như Khánh Hoà, Bình Định...

Theo thống kê những năm gần đây, lượng khách du lịch đến với Quảng Ngãi chủ yếu là khách công vụ. Nhiều nguyên nhân khiến du lịch của vùng đất này vẫn chỉ ở dạng tiềm năng do điều kiện cơ sở hạ tầng như mạng lưới giao thông, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm hiện vẫn còn khiêm tốn. Đặc biệt cho đến nay, Quảng Ngãi vẫn chưa có nhiều cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 4-5 sao đáp ứng tối ưu những yêu cầu của du khách cao cấp.

Du lịch Quãng Ngãi ngày càng hút khách
Du lịch Quãng Ngãi ngày càng hút khách

Để Quảng Ngãi thực sự trở thành điểm du lịch quốc gia vào năm 2020 theo hướng đảo du lịch xanh, sinh thái như mục tiêu đã đề ra thì cần có sự chung tay của cả chính quyền, người dân và các nhà đầu tư. Trong đó, chính quyền Quảng Ngãi cần đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch, tạo môi trường đầu tư thông thoáng; người dân góp phần tạo nên văn hóa du lịch; nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cơ sơ hạ tầng, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch hấp dẫn du khách.

Thực tế từ giai đoạn 2018 đã có nhiều dự án “khủng” từ các “ông lớn” trong và ngoài nước tập trung về đây như Vingroup, Mường Thanh, Hoà Phát.... hay sự góp mặt của Tập đoàn FLC với các dự án đô thị kết hợp du lịch tại Khu đô thị mới Vạn Tường (Khu kinh tế Dung Quất). Đây là tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư và vận hành thành công các chuỗi quần thể đô thị, nghỉ dưỡng sinh thái với hiệu quả tích cực về kinh tế, xã hội và du lịch ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Thanh Hoá, Bình Định, Quảng Ninh...

Trong đó, mô hình Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn (Bình Định), với diện tích 1.300 ha, đã mang lại diện mạo mới cho du lịch Bình Định khi giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động địa phương và biến vùng đất này thành nơi quy tụ của hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn và cao cấp.

Với Quảng Ngãi, việc chọn những nhà đầu tư lớn như trên sẽ tạo đà cho ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh “cất cánh”; đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch và hàng vạn chuyên gia nước ngoài, kỹ sư, công nhân Việt Nam đến sinh sống, làm việc tại đây trong tương lai.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản