Nghề môi giới địa ốc “nóng” trở lại
Thanh Vũ - 13/03/2024 08:12
 
Trước bối cảnh thị trường bất động sản khả quan hơn, nhiều chủ đầu tư và sàn giao dịch đang mạnh tay chi trả những khoản lương thưởng hấp dẫn để “hút” nhân sự lĩnh vực môi giới.

Đua nhau “tuyển quân”

Mở đầu năm 2024, giới bất động sản không khỏi bất ngờ trước thông tin Vinhomes xây dựng khối kinh doanh bán lẻ trực tiếp cho khách hàng. Hiện doanh nghiệp này đang ra sức tuyển dụng hàng ngàn nhân viên kinh doanh với chính sách đãi ngộ hậu hĩnh. Dẫu vậy, các chỉ tiêu bán hàng mà đơn vị này đặt ra không dễ dàng.

Theo đó, Vinhomes sẵn sàng trả mức lương cứng khoảng 10 triệu đồng/tháng, ngay trong khoảng thời gian tập nghề. Sau khi được nhận chính thức, công ty sẽ đặt ra chỉ tiêu kinh doanh. Nếu không bán được ít nhất 1 căn hộ trong 2 tháng liên tiếp, nhân viên sẽ bị sa thải. Mặt khác, với mỗi giao dịch thành công, môi giới viên sẽ được nhận thêm khoản hoa hồng tương ứng với khoảng 2% giá trị sản phẩm bán ra.

Nhiều chủ đầu tư như Masterise Homes, Gamuda Land, Hưng Thịnh, Novaland, Thắng Lợi Group, Khải Hoàn Land, CenLand… cũng đang triển khai các chiến dịch tuyển dụng mới. Nhiều nơi sẵn sàng trả lương cơ bản lên tới 20 triệu đồng/tháng để thu hút nhân sự giỏi. Các khoản thanh toán hoa hồng hay thưởng nóng được cam kết chi trả trong thời gian ngắn, chỉ trong vòng 24 - 48 tiếng đồng hồ sau khi giao dịch được ký kết.

Một số dự án mạnh tay tăng mức thưởng bán hàng đối với môi giới viên. Chẳng hạn, tại Dự án Vinhomes Grand Park (TP.HCM), chủ đầu tư tăng mức thưởng từ 5 triệu đồng lên 10 triệu đồng/giao dịch. Với Dự án The Rivana (Bình Dương), nhân viên kinh doanh sẽ được thưởng 25 triệu đồng tiền mặt, cùng với 2 chỉ vàng và voucher nghỉ dưỡng.

Tại Dự án The Emerald 68 (Bình Dương), nhân viên môi giới còn được hỗ trợ chi phí marketing cùng với khoản thưởng 10 - 20 triệu đồng cho mỗi giao dịch. Với Meyhomes Phú Quốc, mức thưởng có thể lên đến 100 triệu đồng đối với giao dịch căn 3 phòng ngủ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Vũ, nhà sáng lập của đơn vị nghiên cứu SPE.R, cho rằng, các doanh nghiệp đang ồ ạt tuyển quân để chuẩn bị cho sự “sang trang” của thị trường. Hiện lãi vay hạ về mức thấp nhất lịch sử, các bộ luật sửa đổi liên quan đến bất động sản cũng đã được thông qua, những vướng mắc pháp lý đang dần được tháo gỡ. Đây chính là bảo chứng cho sự hồi phục của thị trường.

“Thông thường, để thực hiện một chiến dịch bán hàng lớn, các đơn vị cần thời gian chuẩn bị khoảng 4 - 12 tháng. Vì vậy, các chủ đầu tư và sàn môi giới tìm kiếm thêm nhân sự ở thời điểm hiện tại là hợp lý”, ông Trần Vũ nói.

Nghề không dễ làm

Môi giới bất động sản không phải nghề “hái ra tiền” như suy nghĩ của nhiều người. Chị Xuân Giang, một nhân viên kinh doanh địa ốc cho biết, thu nhập của môi giới viên chủ yếu từ các khoản hoa hồng. Do đó, vào thời điểm thị trường đi xuống, có những người đi làm không lương trong suốt nửa năm.

“Trung bình, khi bán được một căn hộ cỡ vừa, môi giới viên sẽ thu về khoảng 70 - 80 triệu đồng. Nghe thì có vẻ lớn, nhưng sau khi trừ chi phí chạy quảng cáo và chia lại lợi nhuận cho các thành viên trong nhóm, số tiền còn lại chẳng đáng là bao”, chị Giang chia sẻ.

Cũng theo chị Giang, nhiều bạn bè trong ngành môi giới đang hoạt động với tư cách cá nhân trên thị trường thứ cấp. Họ không quá mặn mà trong việc gia nhập các công ty, do đã sở hữu tệp khách hàng riêng và nắm rõ về nguồn hàng trong khu vực. Nếu không có chính sách đãi ngộ tốt và sở hữu những dự án chất lượng, doanh nghiệp sẽ rất khó để thu hút những nhân sự có kinh nghiệm.

Ở góc độ khác, ông Trần Vũ nhận định, các đợt tuyển dụng môi giới viên còn là những “nước cờ” phục vụ cho kế hoạch marketing của doanh nghiệp. Bản thân mỗi nhân viên kinh doanh đều là một kênh quảng bá sản phẩm, bất chấp việc người đó có bán được hàng hay không. Trung bình trong các công ty, chỉ khoảng 20% nhân sự có khả năng chốt giao dịch thành công. Phần còn lại sẽ đóng vai trò làm nền trong chiến dịch marketing của dự án.

“Nhân viên môi giới thường nhận lương khá thấp. Nếu đạt đủ chỉ tiêu kinh doanh, mức lương dao động 4 - 6 triệu đồng/tháng. Trong trường hợp không bán được hàng, môi giới viên chỉ được nhận 50% lương. Sau 2 tháng không có giao dịch, họ thậm chí sẽ không được nhận lương. Do đặc thù công việc như vậy nên tính đào thải trong ngành rất cao. Các công ty luôn phải tuyển dụng nhân sự để đảm bảo nguồn lực vận hành các chiến dịch bán hàng”, ông Vũ cho hay.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tính đến đầu tháng 12/2023, thị trường chỉ còn gần 100.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới, giảm 70% so với giai đoạn đỉnh điểm. Tuy nhiên, mức giảm này không đáng lo ngại, bởi số lượng nhân sự rời bỏ đa phần là những môi giới “tay ngang”, không có chứng chỉ hành nghề và chỉ gia nhập thị trường vào thời điểm “sốt nóng”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản